Nhằm hướng dẫn đệ tử tu tập đạt được hiệu quả tốt nhất, Ðức Phật đã
linh động vận dụng trí tuệ trình bày bằng những ví dụ vừa thực tế, vừa
sống động, mang tính hấp dẫn và đầy tính khả thi. Sau đây, soạn giả xin
giới thiệu một số ví dụ để độc giả nào tha thiết tìm hiểu giáo lý thâm
diệu và phương pháp thiện xảo của Ðức Ðạo Sư có thể dễ dàng tham khảo
và đem ra áp dụng.
Nhằm hướng dẫn đệ tử tu tập đạt được
hiệu quả tốt nhất, Ðức Phật đã linh động vận dụng trí tuệ trình bày
bằng những ví dụ vừa thực tế, vừa sống động, mang tính hấp dẫn và đầy
tính khả thi. Sau đây, soạn giả xin giới thiệu một số ví dụ để độc giả
nào tha thiết tìm hiểu giáo lý thâm diệu và phương pháp thiện xảo của
Ðức Ðạo Sư có thể dễ dàng tham khảo và đem ra áp dụng
1. Thanh lọc tâm như thợ vàng lọc vàng
Này các Tỷ kheo, có những tạp chất xen lẫn trong vàng như bụi, cát, đá,
sạn; người thợ lọc vàng đem vàng đổ vào trong cái máng, rồi dội nước
vào, dạu qua dạu lại, rửa đi rửa lại. Làm như vậy xong, lúc bấy giờ
vàng còn lại các tạp chất nhỏ hơn, như cát đá sạn mịn, rồi người thợ
lọc vàng rửa đi rửa lại thêm nữa. Bây giờ, vàng còn dính chút ít cát
mịn và bụi đen, rồi người thợ lọc vàng rửa lần cuối cho hoàn toàn hết
các tạp chất, chỉ còn lại vàng khoáng.
Rồi người thợ vàng bỏ thỏi
vàng ấy vào trong cái lò, thụt ống bễ, thụt nhiều lần cho đến khi vàng
bắt đầu chảy, nhưng không chảy ra khỏi miệng lò. Thế rồi, người ấy tiếp
tục thụt ống bễ, nhưng vàng ấy chưa đạt được tinh chất, anh ta lại tiếp
tục thụt ống bễ cho đến khi miếng vàng trở nên nhu nhuyến, chói sáng,
không bị bể vụn, mềm dẻo dễ sử dụng. Giờ đây, nếu muốn làm thành kiềng
vàng, hoa tai, vòng xuyến hay chiếc nhẫn, người thợ kim hoàn có thể
dùng thỏi vàng ấy chế tạo những vật trang điểm mà mình mong muốn.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo,
khi tu tập tăng thượng tâm, nếu các kiết sử thô tạp như thân ác hành,
khẩu ác hành, ý ác hành còn tồn tại, Tỷ kheo phải nỗ lực tư duy, tìm
cách loại bỏ, gột sạch, dứt tuyệt, không cho sinh khởi trở lại. Khi làm
như vậy xong, Tỷ kheo tiếp tục tu tập tăng thượng tâm; nếu các kiết sử
bậc trung như dục tầm, sân tầm và hại tầm còn tồn tại, phải nỗ lực
nhiều hơn nữa loại bỏ, dứt tuyệt, không cho chúng sinh khởi trở lại.
Khi làm như vậy hoàn tất, Tỷ kheo lại tiếp tục tu tập tăng thượng tâm,
nếu thấy các kiết sử vi tế như ý tưởng về gia tộc, về quốc độ, về danh
dự còn tồn tại, phải tiếp tục nỗ lực diệt trì chúng, không cho chúng
sinh khởi. Khi tâm đã nhu nhuyến dễ sử dụng, nếu muốn đạt được các pháp
thần thông, như thần túc thông, thiên nhĩ thông v.v... Tỷ kheo có khả
năng thành tựu các pháp thần thông ấy”. (Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 3
pháp, phẩm Hạt muối, kẻ lọc vàng, tr.459-61).
2. Tu tập như huấn luyện con ngựa
Tôn giả Bhaddali thiếu nghị
lực chế ngự tự thân, thường bị các dục vọng sai khiến. Ðể giáo hóa tôn
giả về phương pháp điều phục nội tâm, Ðức Phật trình bày về cách thức
huấn luyện con ngựa:
- Này Bhaddali, ví như một
người huấn luyện ngựa thiện nghệ, khi nhận được một con ngựa tốt, hiền
thiện, trước hết phải huấn luyện con ngựa ấy cho quen với dây cương.
Trong khi huấn luyện, nếu nó vùng vẫy, nhảy chồm, nhảy ngược, chống cự,
vì trước đây chưa được huấn luyện, huấn luyện viên cứ tiếp tục tập
luyện, dần dần con ngựa sẽ làm quen với dây cương. Thế rồi, huấn luyện
viên lại huấn luyện ngựa làm quen với yên ngựa. Khi huấn luyện, ngựa sẽ
vùng vẫy, kháng cự, nhưng huấn luyện viên kiên trì tập luyện, dần dần
ngựa sẽ quen với yên ngựa. Giờ đây, người huấn luyện lại tập luyện con
ngựa diễu hành, đi vòng quanh, đi bằng đầu móng chân, chạy nước đại,
phi hết tốc lực, hí vang v.v... Khi con ngựa đã luyện tập thuần thục
các động tác trên, huấn luyện viên lại tập ngựa làm quen với các vật
trang sức như lục lạc, vòng hoa, châu ngọc v.v... Này Bhaddali, khi con
ngựa đã được tập luyện thành thạo các việc kể trên, nó trở thành một
tuấn mã, lương mã, một bảo vật của quốc vương. Cũng vậy, này Bhaddali,
một Tỷ kheo thành tựu các đức tính thù thắng sẽ trở thành bậc đáng tôn
kính, đáng trọng vọng, đáng lễ bái, cúng dường, là phước điền vô thượng
ở đời. Này Bhaddali, khi Tỷ kheo thành tựu Chánh tri kiến, Chánh tư
duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm,
Chánh định, Chánh trí và Chánh giải thoát sẽ trở thành bậc đáng tôn
kính, đáng trọng vọng, đáng lễ bái, cúng dường, là phước điền vô thượng
ở đời. (Kinh Trung Bộ III, kinh Bhaddli 65, tr. 231-34)
3. Tu đúng phương pháp như lên dây đàn
Một thuở nọ Ðức Thế Tôn an
trú tại núi Linh Thứu, gần thành Vương Xá, còn Tôn giả Sona ở rừng Sita
cách Vương Xá không xa. Vì thiếu chánh niệm để phiền não chi phối, Sona
muốn trở lại đời sống thế tục, làm các công đức, hưởng thụ hạnh phúc
như một người bình thường. Với tha tâm thông, Thế Tôn biết tâm niệm của
người đệ tử, liền vận dụng thần túc đến trước Sana, hỏi thầy về những
suy nghĩ vừa rồi. Sona thú thực mình có suy nghĩ như vậy. Phật liền hỏi
thầy về phương pháp chơi đàn Tỳ bà - vốn là sở trườg của Sona - để
khích lệ tôn giả tiếp tục tinh tấn:
- Này Sona, ông nghĩ thế nào, khi các dây đàn Tỳ bà quá căng thẳng có phát âm đúng thanh điệu không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Khi dây đàn quá chùn, âm thanh có êm dịu không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Vậy khi vặn dây đàn không căng, không chùn, vừa đúng mức trung bình, âm thanh có êm ta không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Cũng vậy này Sona, khi tâm trí quá căng thẳng thì phát sinh dao động;
khi tâm trí quá thụ động thì đưa đến biếng nhác. Do vậy, ông cần phải
vận dụng tâm trí quân bình, không quá căng thẳng, cũng không quá thụ
động thì sự tu tập mới đạt được tiến bộ.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Sau khi vâng lời Thế Tôn chỉ
giáo, tôn giả Sona sống độc cư, an tịnh, không phóng dật, nỗ lực một
cách quân bình, nhờ vậy đã chứng đạt mục đích mà các thiện gia nam tử
xuất gia kỳ vọng: Vô thượng cứu cánh phạm hạnh, và an trú trong hiện
tại. (Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, chương 6 pháp, Ðại phẩm VI, (I) Sona,
tr.155-58).
4. Tu phạm hạnh như người cày ruộng
Một hôm, vào buổi sáng, Thế
Tôn khoác y, cầm bát, đi khất thực ngang qua nông trường của Bà la môn
Bhàradvaja. Trông thấy Thế Tôn, Bà la môn nói:
- Này Sa môn, tôi
cày và gieo lúa. Sau khi cày và gieo lúa, tôi sử dụng sản phẩm đã thu
hoạch. Vậy, Sa môn có cày và gieo lúa, sau khi cày và gieo lúa, sử dụng
sản phẩm đã thu hoạch không?
- Này Bà la môn, Ta cũng có cày và gieo lúa; sau khi cày và gieo lúa, Ta sử dụng sản phẩm đã thu hoạch.
- Nhưng tôi đâu có thấy cái ách, bắp cày, lưỡi cày, chiếc roi và các
con bò của tôn giả Gotama mặc dù tôn giả nói: “Ta cũng có cày và gieo
lúa, sau khicày và gieo lúa, ta sử dụng sản phẩm đã thu hoạch?”.
Rồi Thế Tôn dùng kệ trả lời Bà la môn:
Lòng tin là hạt giống,
Khổ hạnh là trận mưa
Trí tuệ đối với ta,
Là cày và cái ác
Tàm quí là bắp cày,
Ý căn là dây buộc.
Chánh niệm là lưỡi cày
Thân, khẩu được hộ trì,
Ta nhổ lên tà vạy,
Chứng đạt chân giải thoát.
... Như vậy cày ruộng này,
Ðưa đến quả bất tử.
(Tương Ưng Bộ kinh tập I, chương VII, II. phẩm Cư sĩ, 1. Cày ruộng, tr.213)
5. Hộ trì các căn như rùa sợ chó sói
Ðức Thế Tôn nói với các Tỷ
kheo: “Này các Tỷ kheo, vào buổi chiều một bữa nọ, con rùa và con chó
sói cùng đi tìm mồi. Rùa trông thấy chó sói từ đàng xa, liền thụt 4
chân và cổ vào trong mai, nằm im lặng, bất động. Từ đàng xa, chó sói
trông thấy rùa, liền đi đến gần bên, suy nghĩ: “Khi con rùa này thò ra
bộ phận nào, ta sẽ chụp lấy, bẻ gãy, rồi xơi tái”. Thế nhưng, con rùa
không thò ra bộ phận nào cả; chó sói không tìm được cơ hội, nên chán
ngán bỏ đi.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo,
ác ma thường xuyên ở trong tư thế rình rập các ngươi với suy nghĩ: “Rất
có thể ta sẽ nắm được cơ hội do sự thiếu cảnh giác của các Tỷ kheo, đối
với đôi mắt... cái lưỡi... ý căn của họ”.
Do đó, các ngươi phải luôn
luôn tỉnh táo hộ trì các căn: Khi mắt thấy sắc đẹp, không nên đắm trước
toàn bộ hay các chi tiết. Nếu thấy những nguyên nhân gì, vì nhãn căn
không được hộ trì, khiến tham ái, ưu bi, các ác hạnh sinh khởi, hãy chế
ngự nguyên nhân ấy, nỗ lực hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... Mũi
ngửi hương... Lưỡi nếm vị... Thân cảm xúc... Ý nhận thức các pháp,
không nên đắm trước toàn bộ hay các chi tiết. Nếu thấy những nguyên
nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác hạnh
sinh khởi, hãy chế ngự nguyên nhân ấy, nỗ lực hộ trì ý căn.
Này các Tỷ kheo, khi nào các
ngươi sống hộ trì các căn thì ác ma sẽ không nắm được cơ hội, chán ngán
các ngươi rồi bỏ đi cũng như con chó sói đối với con rùa như vậy”.
(Tương Ưng Bộ kinh, tập IV, phần 4, phẩm 4: Rắn độc, đoạn III: con rùa,
tr.184).
6. Cây khô mới lấy được lửa
Một hôm, Ðức Thế Tôn gặp Aggivessana, đệ tử của phái Ni Kiền Tử, Ngài thuyết giảng cho ông về cách lấy lửa từ trong cây:
- Này Aggivessana, ví như có một khúc cây đầy nhựa sống, đặt trong nước
ẩm ướt, rồi một người cầm dụng cụ lấy lửa đến khúc cây ấy, suy nghĩ:
“Ta sẽ kéo lửa, làm cho sức nóng xuất hiện”. Vậy, anh ta có thể dùng
dụng cụ kéo lửa cọ xát khúc cây ấy cho sức nóng xuất hiện được không?
- Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì khúc cây ấy ẩm ướt, nên anh ta có hì hục kéo cách mấy lửa cũng không thể xuất hiện.
- Cũng vậy, này Aggivessana, những Sa môn, Bà la môn nào sống không xả
ly, không đoạn trừ các dục của thân và tâm, như dục tham, dục hôn ám,
dục khát ái, dục nhiệt não, thì không thể tự nhiên chứng được tri kiến
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Và nếu như thình lình cảm thọ những
cảm giác đau nhói khốc liệt thì họ cũng không thể chứng được tri kiến
Vô thượng Chánh giác.
Này Aggivessana, ví như một
khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt lên khỏi nước, đặt trên đất
khô, rồi người kia cầm dụng cụ đến cọ xát làm cho lửa xuất hiện được
không?
- Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì khúc cây ấy đẫm ướt, nên người ấy chỉ chuốc lấy mệt mỏi và bực bội mà thôi.
- Cũng vậy, này Aggivessana, những Sa môn, Bà la môn nào không xả ly
các dục về thân và tâm thì không thể chứng được tri kiến Vô thượng
Chánh giác.
Này Aggivessana, ví như có
một khúc cây khô, không có nhựa, được vớt khỏi nước, đặt trên đất khô,
rồi một người cầm dụng cụ lấy lửa đến, suy nghĩ: “Ta sẽ lấy lửa, ánh
lửa sẽ hiện ra”. Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể làm cho lửa xuất
hiện được không?
- Thưa được, Tôn giả Gotama. Vì khúc cây ấy khô, không có nhựa, lại được vớt lên khỏi nước, đặt trên đất khô.
- Cũng vậy, này Aggivessana, những tôn giả Sa môn, Bà la môn nào sống
xả ly các dục về thân và tâm, đã đoạn tuyệt khát ái..., thì có thể tự
nhiên chứng được tri kiến Vô thượng Chánh giác; hoặc thình lình cảm thọ
những cảm giác đau nhói, sẽ chứng được tri kiến Vô thượng Chánh giác.
(Trung Bộ kinh, tập 1, kinh 36: Saccaka, tr.528-31).
7. Người tu như khúc gỗ trôi theo dòng nước
Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn trú
tại Kosambi, trên bờ sông Hằng, trông thấy một khúc gỗ trôi theo dòng
nước, liền nói với các Tỷ kheo:
- Này các Tỷ kheo, nếu khúc gỗ ấy
không tấp vào bờ bên này, không tấp vào bờ bên kia, không chìm giữa
dòng, không mắc cạn trên cồn cát, không bị con người nhặt lấy, không bị
phi nhân nhặt lấy, không bị cuốn vào nước xoáy, không bị mục nát bên
trong, thì nó sẽ hướng về biển, xuôi về biển, trôi nhập vào trong biển.
Vì cớ sao? Vì dòng sông Hằng hướng về biển, xuôi về biển, trôi nhập vào
trong biển.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo,
nếu các ngươi không tấp vào bờ bên này..., các ngươi sẽ hướng về Niết
bàn, xuôi về Niết bàn, trôi nhập vào Niết bàn.
- Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn giải thích ý nghĩa các ví dụ mà Thế Tôn vừa nêu.
- Này các Tỷ kheo, bờ bên này đồng nghĩa với 6 nội xứ bờ bên kia đồng
nghĩa với 6 ngoại xứ; bị chìm giữa dòng đồng nghĩa với hỷ tham bị mắc
cạn trên cồn cát đồng nghĩa với ngã mạn bị cuốn vào nước xoáy đồng
nghĩa với 5 dục công đức bị con người nhặt lấy nghĩa là sống quan hệ
mật thiết với cư sĩ, chung vui, chung buồn, an lạc khi họ an lạc, đau
khổ khi họ đau khổ, tự trói mình vào công việc mà họ phải làm.
Bị phi nhân nhặt lấy nghĩa
là sống phạm hạnh với hy vọng: “Với giới luật, khổ hạnh, phạm hạnh này,
ta sẽ trở thành Thiên nhân hay một Phạm Thiên”.
Bị mục nát bên trong nghĩa
là thọ tà giới, theo ác pháp, sống bất tịnh, có những hành vi đáng ngờ
vực, có những hành động mờ ám được che đậy; không phải Sa môn nhưng
hiện tướng Sa môn, không phải phạm hạnh nhưng hiện tướng phạm hạnh, nội
tâm hủ bại, chứa đầy dục vọng như đống rác bẩn.
Này các Tỷ kheo, đó là ý nghĩa những ví dụ mà Ta đã nêu trên. (Tương Ưng Bộ kinh, tập IV, phẩm 4, đoạn 4: khúc gỗ, tr.185-7).
Trên đây, chúng tôi đã giới
thiệu 7 ví dụ về phương pháp tu tập mà Ðức Phật đã bi mẫn giảng dạy cho
các đệ tử xuất gia. Nhân mùa Phật Ðản, chúng ta có thể cố gắng tìm hiểu
và giới thiệu cho người khác cùng hiểu những lời dạy vừa vui tươi, vừa
thâm thúy của bậc Ðạo Sư; rồi vận dụng vào trong đời sống hằng ngày,
hầu hoàn thiện chính mình và hoàn thiện người khác; thiết nghĩ, đó cũng
là một trong những cử chỉ cúng dường rất ý nghĩa nhân ngày Ðản sinh của
Ðức Từ Phụ.
Chuahoangphap.com