Nhìn
lại sự tu học của người Phật tử tại gia trong những năm qua có nhiều
chuyển biến tích cực, nó đã tạo được một sinh khí tu học đầy phấn khởi
cho tín đồ Phật giáo Việt Nam từ hai thập niên qua. Các vị có trách
nhiệm càng lúc càng nhận rõ vai trò trách nhiệm của người hướng dẫn tinh
thần mà hàng xuất gia phải đáp ứng, vì chính đây là nhu cầu bức thiết
của người Phật tử tại gia trong giai đoạn hiện nay.
Có nhận rõ
trách nhiệm này chúng ta mới thấy hết được con đường "cứu cánh" của đạo
Phật để khỏi nhầm lẫn giữa tu Phật và học Phật. Có nhiều người nhận lầm
học Phật, hiểu đôi điều về giáo lý Ðức Phật là tu rồi, đây là một sai
lầm lớn trong nhận thức, vì tu và học là hai phạm trù khác nhau. Tu là
một sự nỗ lực chuyển hóa tâm thức, hạ thủ công phu, làm cho tâm linh
càng đi vào chiều sâu của Tâm, giải quyết vấn đề nội tại của chính mình,
nói cách khác Tu là một quá trình nhìn lại mình để sửa đổi làm cho các
phiền não không dấy khởi làm cho mình bớt khổ đau. Còn học Phật chỉ là
học lý thuyết những phương pháp nhằm làm sáng thêm con đường tu, người
ta cho rằng sự tu như con đường, còn giáo lý của Phật như ngọn đèn soi
sáng cho người lữ hành đi khỏi bị lạc. Cho nên Ðức Phật dạy: "Này các
người hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với Chánh pháp". Nếu người
học Phật nhận thức sai lạc ngọn đèn là cứu cánh thì quả là tai hại. Ðiều
này xưa nay vẫn thường xảy ra trong giới xuất gia lẫn tại gia, một ngày
chỉ cần tụng một hai thời kinh, niệm vài ba câu niệm Phật, ăn chay
trường, ăn chay kỳ... là tu. Có thể nói là một sai lầm lớn, cho nên
người xuất gia phải hướng dẫn, tạo cho người Phật tử một quan niệm đúng
đắn về chữ Tu.
Chúng tôi đã từng chứng kiến có những người học
Phật, viết sách Phật học quyển này sang quyển khác, nói thao thao bất
tuyệt đạo lý đầy vẻ cao siêu, tưởng như vượt ra ngoài đối đãi thường
tình, nhưng khi gặp duyên xúc cảnh thì than ôi! Thật tế lý địa bất thọ
nhứt trần, vạn hạnh môn trung bất xã nhứt pháp" (Trên lý thuyết chẳng dính chút bụi trần, nhưng việc làm thì không việc nào mà không bị vướng mắc).
Trong
vài năm trở lại đây các lớp Phật pháp, các khóa tu Bát Quan trai, khóa
tu Phật thất (Niệm Phật), các khóa Thiền thất (tham thoại đầu, toạ
thiền) khắp cả nước được các Tỉnh, Thành hội hoặc các tự viện nở rộ, các
khoá huấn luyện sinh hoạt Gia đình Phật tử, Chương trình Phật học hàm
thụ (do báo Giác Ngộ tổ chức) cũng được tổ chức số lượng càng ngày càng
đông và chúng ta cũng thấy rõ sự ham tu hiếu học của Phật tử tại gia là
một điều đáng mừng cho tổ chức Phật giáo trong giai đoạn hiện nay. Nhưng
bên cạnh đó cũng có điều chúng ta phải nghĩ đến, làm sao tinh thần Phật
học được đi vào đời sống của chính những người học Phật pháp. Ðó chính
là người Phật tử hiểu đúng nghiã chữ Tu và Học mà không phải học giáo lý
để nói suông: "ăn cơm dưới đất nói chuyện trên trời" xa rời thực tế của
đời sống tức là chính chúng ta tự đánh mất tinh thần thiết thực của học
Phật và tu Phật và cũng chính chúng ta làm cho Phật giáo suy đồi vì rơi
vào căn bệnh "hội chứng nói suông" hay tu theo "bệnh hình thức" mà Ngài
Huyền Giác đã nói : "Thượng sĩ nhất quyết nhất thiết liễu, trung hạ
đa văn đa bất tín, đản tự hoài trung giải cấu y, thùy năng hướng ngoại
khoa tinh tấn?" (Bậc trung hạ, những căn cơ thấp kém, học thì nhiều
học trích cú tầm chương, luôn mồm khoe học vị với văn bằng, cởi áo bẩn
không biết đường mở nút -- HT. Thích Từ Thông dịch).
Như vậy việc
học Phật và tu Phật mấu chốt ở nội tâm nhằm giải quyết những trói buộc
của phiền não gây khổ đau, chứ chẳng dính mắc gì đến kiến giải suông mà
các vị Tổ sư thường gọi đó là "nhai cặn bã của người xưa". Xác định được
đâu mới là tu, đâu thiếu tu là ở đời sống thường ngày, chính điều này
Ðức Thế Tôn đã cảnh báo khi Ngài còn tại thế:
"Dầu đọc tụng nhiều kinh, tâm buông lung cẩu thả, như kẻ chăn bò thuê, khó hưởng Sa môn quả.
Dầu
đọc tụng ít kinh nhưng hành trì giáo pháp, như thật tâm giải thoát, từ
bỏ tham sân si, hai đời không chấp trì, thọ hưởng Sa môn quả " (Pháp cú
19-20).
Qua lời dạy của Phật ta thấy thực hành
mới là tu, còn hiểu lý Phật nhưng không hành chỉ là người đứng ngoài mà
Phật giáo cho đó là"ngoại đạo" dù người đó là đệ tử Phật. Từ đây có thể
nhìn lại mỗi tự thân mọi sự tranh chấp hơn thua, phải quấy, chánh kiến
này, chánh kiến khác, tổ chức này tổ chức kia chỉ là những trói buộc của
mọi khổ đau đang có mặt trong tâm thức của anh dù anh là ai ở đâu, đang
làm gì... và biết anh đang thiếu tu vì khổ đau, sân hận có mặt trong
anh.