Nhưng ấn tượng nhất với tôi là hôm gặp lại anh "bạn già" thân
thiết của mình đã lâu không gặp. Bụng anh thon nhỏ, dáng di nhanh
nhẹn, nét mặt vui tươi. Lạ, nhớ xưa anh ì ạch, bụng bự, da nhăn, già
trước tuổi. Hỏi, anh nói: “Nhờ gạo lứt muối mè”.
Gạo rứt muối mè kỳ diệu vậy sao? Anh cho biết chỉ ăn sáng hai chén
thôi, tự nấu lấy, và mất một tiếng đồng hồ cho hai chén cơm đó, nhai
nghiền kỹ đến tan thành nước... ngọt lịm trong miệng. Trưa và chiều anh
đụng gì ăn nấy vì phải đi làm và giao tiếp.
Gạo lứt muối mè thần kỳ vậy sao
Tin được, với điều kiện. Ngược lại, có thể nguy hiểm.
Thứ nhất, khi ăn sáng với gạo lứt muối mè tự nấu lấy tại nhà như vậy
thì vô hình trung anh đã loại bỏ biết bao nhiêu nguy cơ, độc hại... từ
heo tai xanh đến bò lở mồm long móng, từ cá ướp hàn the, urê đến bún
đầy bột ngọt, formol... Chỉ cần loại bỏ những nguy cơ đó thôi cũng đã
làm cho cơ thể nhẹ nhàng sảng khoái, vì không phải huy động toàn lực để
chống độc. Phổi anh vì thế thở dễ hơn, thận anh vì thế không phải chạy
hết công suất, gan anh vì thế được nghỉ ngơi và các khớp vì thế mà
không bị đóng vôi vữa...
Hơn thế nữa, khi ăn sáng với hai chén cơm gạo rứt muối mè như vậy anh
đã loại bỏ khá lớn lượng calorie không cần thiết. Một tô phở, một tô
bún bò Huế... cung cấp khoảng 600 calorie, ly cà phê sữa 150 calorie,
rồi trưa rồi chiều, tối, với các món nhậu và bia rượu các thứ... số
calorie thừa sẽ biến thành mỡ tích lũy ở bụng, ở đùi, ở mặt, không kể
các chất đang ở gan, thận, khớp... Với hai chén cơm gạo lức muối mè, anh
chỉ "thu nhập" nhiều lắm là 300 calorie.
Điều hay hơn nữa là trong vỏ lụa hạt gạo lứt còn giữ nguyên vitamin
B1 thiên nhiên, thứ sinh tố tối cần thiết cho cơ thể, giúp tiêu hóa chất
bột đường (glucid) và nhất là giúp cho hệ thần kinh được hoạt hóa,
thông thoáng, nhạy bén! Thiếu vitamin B1 dẫn đến bại xụi, suy tim. Có
những trường hợp suy tim cấp do thiếu B1 có thể đưa đến tử vong. Lạ lùng
thiên nhiên khi làm ra hạt gạo cho con người đã không quên cùng lúc
tạo ra vỏ hạt gạo (cám) chứa đầy chất vitamin tốt đẹp đó. Thế mới biết
thiên nhiên không có điều gì không “nghĩ” sẵn cho con người. Chỉ có con
người làm phách, tưởng mình hay, lột vỏ, chà láng từng hạt gạo cho
sạch, cho trắng toát... để tự hại mình, (dĩ nhiên hiện nay ta đã có
vitamin B1 tổng hợp).
Rồi mè. Trời ạ, cái thứ hạt li ti đó lại chứa nhiều chất bổ lạ lùng
hơn nữa... Nhiều nhất là dầu, dầu mè, làm trơn đường ruột, hết bón. Các
vitamin và khoáng chất, sắt chẳng hạn, bổ máu như ta đã biết... Và
muối, dĩ nhiên không thể thiếu.
Tóm lại, "gạo rứt muồi mè" có lý. Nhưng... cẩn thận! Cứ nhắm mắt mê
tín gạo lứt muối mè hoài nhất là ở những người còn trẻ có thể dẫn đến
những tác hại khác: thiếu chất, thiếu calorie, suy dinh dưỡng... không
phát triển nổi. Muối mà thừa ở một người bị cao huyết áp dễ dẫn tới tai
biến. Mè mà thừa dẫn tới dư mỡ (dầu). Bữa ăn không cân đối, thiếu chất
này, dư chất kia. Như đã nói, thiên nhiên không... bỏ rơi ta, chỉ có ta
tự hại mình? Gạo lứt muối mè phải thêm rau củ, trái cây, phải thêm đạm
thêm khoáng. Nhất là tuổi đang phát triển phải cần đủ cả bốn nhóm thức
ăn.
Điều “không nói ra thì không ai biết” trong chuyện gạo lứt muối mè
này là cách ăn. Một cách ăn chánh niệm. Chánh niệm, đó là cách hay nhất
để tâm an. Đó là thiên. Thiền ăn! Một tiếng đồng hồ dành cho
hai chén cơm, ta được dịp lắng nghe ta, nghe tiếng rào rạo của hai hàm
răng nhai nghiền ngấu nghiến, nghe tiếng nước bọt tiết ra trộn lẫn với
cơm, hòa tan nó, tiêu hóa nó, nghe chất ngọt chuyển hóa từ glucid thành
đường glucose, nghe từng ngụm nhỏ thức ăn nhẹ nhàng trôi qua thực quản,
xuống dạ dày, ruột non, nghe các tế bào nhung mao đang hấp thu, chuyển
hóa. Ta sẽ có dịp cám ơn từng động tác một, cảm ơn mình, cảm ơn thiên
nhiên. Ta đã hoàn toàn thoát khỏi những vướng bận tranh hùng xưng bá,
thiên thu vạn tải, nhất thống giang hồ...
"Gạo lứt muối mè" mà không có yếu tố thiền ăn này thì chẳng
đến đâu vậy.
Theo: Doanh nhân 360