Người tu sĩ
"Thầy chùa" nhân dân
07/04/2013 21:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đây là tên gọi trìu mến mà những người dân tổ 10, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) dành tặng cho Đại đức Thích Đạo Thông, trụ trì chùa Quỳnh Lôi (còn gọi là chùa Long Khánh Tự).


Bởi ngoài việc phụng sự bà con phật tử xa gần, Đại đức Thích Đạo Thông và nhà chùa còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nhân dân quanh vùng.

 Đại đức Thích Đạo Thông tiếp chuyện một Phật tử

Chung tay xóa bỏ "xóm liều”
 
Câu chuyện về "chiến dịch” 55 ngày đêm xóa bỏ "xóm liều” tụ điểm ma túy, mại dâm tại phường Thanh Nhàn hẳn không xa lạ với nhiều người. Trong sự thành công chung của thành phố còn có sự góp sức không nhỏ của những vị sư trụ trì đóng trên địa bàn.
 
Đại đức Thích Đạo Thông nhớ lại: Trong những năm 1997 đến 2000, nói đến mảnh đất này, người ta thường nói đến một vùng đất với cái tên "xóm liều”, là nhà không số, phố không tên, heo hút, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Mặc dù phường Thanh Nhàn là trung tâm của "xóm liều” nhưng những phường kế bên như phường Quỳnh Lôi chúng tôi và những phường như Hoàng Văn Thụ… cũng bị ảnh hưởng không kém.
 
Theo thầy Thích Đạo Thông, vào thời điểm "xóm liều” được dẹp bỏ thế nhưng tình hình tệ nạn xã hội đặc biệt là ma tuý, mại dâm vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trên thực tế những đối tượng này thường dạt về các "điểm nóng” ma tuý trên địa bàn quận như ngõ Mai Hương, phường Quỳnh Lôi và một số ngõ thuộc phường Thanh Nhàn (xung quanh xóm liều Thanh Nhàn). Đặc biệt khu vực nghĩa trang Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ) nổi lên là một địa điểm hút chích của các đối tượng nghiện ngập. Như một thói quen cũ, các đối tượng đã gây ra nhiều vụ việc lộn xộn khiến tình hình an ninh khu vực bất ổn. Chính vì thế những cuộc họp của địa phương liên tục được mở để tìm phương hướng khắc phục. Tuy nhiên những biện pháp gỡ khó của chính quyền lúc đó cũng chỉ như "ném đá ao bèo”.
 
Nhận thấy tình hình an ninh tại địa phương "lộn xộn”, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, cuộc sống của bà con phật tử xa gần, nhà chùa đã vào cuộc. Thầy Thích Đạo Thông cho rằng: Trong sâu thẳm những kẻ được xem là du côn chuyên cướp của, giết người thì họ vẫn luôn khao khát được sống lương thiện. Thường ngày, tôi chú ý quan sát, thấy những tay anh chị giang hồ vẫn hay vào chùa lễ phật trong những ngày rằm, mùng một. Qua mấy lần trăng tròn rồi trăng khuyết, khi đã dần quen mặt, thuộc tên thì việc khuyên nhủ họ trở lại làm người lương thiện chỉ còn chuyện sớm muộn. Quay đầu là bờ, bỏ đao kiếm xuống chắp tay thành Phật, những bài giảng đầy ắp triết lý nhân sinh, những giáo lý dạy đạo làm người… càng được nhà chùa quán triệt thực hiện vào mỗi buổi giảng đạo cho bà con phật tử trong khu vực.
 
"Khi đứng trước Phật, con người sẽ trở về với bản tính nguyên sơ của tính thiện tâm vốn có, việc nhà chùa hướng họ theo điều thiện sẽ dễ dàng hơn. Đó là cách tuyên truyền mềm dẻo và hiệu quả nhất lúc bấy giờ”, thầy Thích Đạo Thông nhớ lại.
 
Tận tâm giúp người
 
Thường thì tên gọi "nhân dân” gắn với những người có đóng góp cho xã hội như Nghệ sỹ nhân dân, nhà giáo nhân dân… nhưng khi đặt chân tới chùa Quỳnh Lôi cổ kính, chúng tôi lại được nghe đến một cái tên mới "thầy chùa nhân dân” mà bà con phật tử xa gần gọi mỗi khi nhắc đến thầy Thích Đạo Thông.
 
Tìm hiểu qua các phật tử của chùa, chúng tôi được biết, căn nguyên của chuyện này xuất phát từ chính hoạt động, việc làm của nhà chùa. Hơn 10 năm trước, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng thầy Thích Đạo Thông và nhà chùa vẫn đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo, tận tâm hướng đến người nghèo. Qua những việc làm thiết thực, hàng trăm mảnh đời bất hạnh đã được tiếp thêm sức sống. Trong những hoạt động chính của nhà chùa, việc làm thiết thực nhất chính là việc nhà chùa đã hỗ trợ con em khó khăn trong vùng tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trồng người. Sự giúp đỡ có thể bằng vật chất như hỗ trợ tiền đóng học, tặng xe cho trẻ em nghèo hiếu học…hay đơn giản hơn là  những lời cổ vũ, động viên về mặt tinh thần khi cần thiết. Cho đến bây giờ, nhà chùa vẫn giữ "nếp ” ấy, tiến hành trao phần thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh thi đỗ vào các trường CĐ – ĐH…
 
Chia sẻ với chúng tôi về những việc mà nhà chùa đã làm trong thời gian vừa qua, theo Đại đức Thích Đạo Thông, điều khiến ông cảm thấy được an ủi và trân trọng là mỗi khi nhận được những lời xám hối trước nhà Phật của những người từng một thời lầm lỗi, hay những lời ăn năn hối cải của phật tử xa gần. Lý do mà họ "nhúng chàm” có rất nhiều nhưng nhờ có sự nâng đỡ nơi cửa Phật mà những người từng được xem là "đàn anh đàn chị” khét tiếng trong giới giang hồ đã tìm lại bản tính lương thiện vốn có của mình.
 
Buổi chiều tháng 4 như về muộn hơn. Ánh nắng cuối ngày vẫn rực rỡ. Đứng ở nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hòa quyện khói trầm hương giải thoát, ai cũng cảm thấy thanh thản. Tiếng chuông chùa nhẹ nhàng văng vẳng như muốn nhắn nhủ thông điệp mà Đại đức Thích Đạo Thông gửi gắm: "Đôi lúc, điều con người cần chỉ là một nơi để bấu víu khi bị hụt hẫng, một chỗ để giãi bày tâm sự khi cuộc sống gặp "giông bão”, khó khăn. Nếu ta giải đáp được điều đó thì cái ác trong xã hội ắt hẳn sẽ giảm đi và cái tốt sẽ được nhân lên”.

Tác giả: Nhã Phương/Nguồn: Đại Đoàn Kết

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch