Người tu sĩ
Lên mạng gặp... quý thầy!
22/03/2012 05:16 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Không khó để tìm một nickname hoặc plus, facebook… của quý thầy trong thời buổi công nghệ thông tin và mạng internet phát triển như hiện nay. Vận dụng phương tiện hiện đại để truyền bá Phật pháp là cách mà quý thầy, quý sư cô đã, đang làm, tuy nhiên xung quanh đó vẫn có nhiều điều trăn trở…


1. Tôi đã rất thích khi vào trang blog của thầy; vốn là cộng tác viên thường xuyên của báo Giác Ngộ, những bài viết của thầy hay lắm, có hàng chục comment (bình luận) tán thán, đồng tình, nhiều khi là những thắc mắc, hỏi thêm để rõ hơn. 

Bên dưới những comment như vậy thầy luôn reply (trả lời) một cách rất tận tình, thâm thúy, làm sáng hơn bài viết đã chia sẻ trước đó và người đọc học thêm được những bài học hay, có thêm những góc nhìn đẹp về đạo, thậm chí còn mở được những thắt nút trong quá trình tìm hiểu Phật giáo.

Ảnh bài Lên mạng gặp quý thầy.jpg

Truy cập internet nhiều sẽ bị "lôi cuốn" (bị nghiện) - Ảnh minh họa

“Thế giới đã có những thay đổi, đáng chú ý là cuộc cách mạng công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông, với các ứng dụng nổi bật như điện thoại di động, internet… Những thay đổi đó đã tác động sâu sắc vào đời sống xã hội Việt Nam, trong đó có cộng đồng Tăng Ni; len lỏi vào cửa thiền, phần nào ảnh hưởng, làm xao động nếp sống thiền môn, đặc biệt là ở lớp Tăng Ni trẻ” - Thích Tâm Nguyên (Bài Giáo dục Phật giáo: cần những giải pháp cụ thể, thực tế, GN 631).

Thầy tâm sự với người viết rằng: “Nếu mình biết vận dụng khéo léo thì phương tiện hiện đại là một “trợ thủ” đắc lực cho công tác hoằng pháp của quý thầy, sư cô, nhất là với quý thầy, quý sư cô trẻ. Thông qua các kênh blog, Yahoo!, Facebook… hoằng pháp viên có thể tiếp cận với giới trẻ, lắng nghe và chia sẻ với họ thông qua những kiến thức Phật học mà mình học được, để từ đó người thầy có thể thành lập nên những đạo tràng online, giúp nhau tu học trong thời buổi hiện đại, người trẻ lên mạng nhiều và bận rộn như hiện nay…”.

Có lẽ nhận thấy tính tích cực ấy mà trên các trang mạng xã hội tôi cũng tìm thấy những blog Phật giáo như thế, và chủ nhân không ai khác chính là quý thầy, quý sư cô. 

Đôi khi, trên status, hoặc một entry (tin nhắn, bài viết) tôi bắt gặp một vài câu kinh Pháp cú hoặc một trích đoạn hay trong một cuốn sách, một bài giảng mà quý thầy, quý sư cô nhặt được, chia sẻ với mọi người. Thông thường, những blog Phật giáo như vậy luôn có một nhóm người vào thường xuyên bởi sự đồng cảm và tìm gặp những điều hay, giá trị đẹp, giúp chuyển hóa thân tâm.

Cũng có những trang cá nhân trên facebook hoặc plus là của quý thầy lập ra nhằm kêu gọi, kết nối người trẻ làm từ thiện, thiện nguyện. Thời gian qua, Giác NgộGiác Ngộ Online cũng đã chuyển tải những hoạt động kết nối như vậy, khá ý nghĩa và cũng khá thành công bởi tính phổ quát, kết nối khá rộng của kênh mạng internet mà quý thầy đã vận dụng được.

2. Tuy nhiên, không phải bao giờ một phương tiện cũng có tính ưu việt hoàn toàn, mà hàm chứa trong đó còn có cả những rủi ro khó đoán. 

Có trường hợp, Phật tử gửi e-mail về Giác Ngộ phàn nàn rằng: “Bây giờ thấy quý thầy lên mạng nhiều quá. Lên mạng bất kể giờ nào, và trong friendlist (danh sách bạn bè) có những nickname hơi… kỳ, không đẹp lắm; không hiểu sao quý thầy vẫn add (kết nối) hoặc vẫn đồng ý cho họ kết nối?”.

Thực tế, đó không phải là phàn nàn mang tính chỉ trích mà thể hiện rõ âu lo của hàng Phật tử trước một hiện tượng cũng khá mới mẻ này. Nhất là khi quý thầy đã… “đi quá xa” trên lộ trình online nên đã làm cho Phật tử có tín tâm “bất an”, sợ quý thầy sẽ “lạc” trong một mớ thông tin, hình ảnh ngồn ngộn với đủ loại “thượng vàng hạ cám”. Biết đâu, những người bạn trong friendlist và cả những hình ảnh không đẹp trong thế giới online có thể làm ảnh hưởng ít nhiều đến sự tu tập, hoằng pháp của quý thầy, làm thay đổi ý niệm ban đầu của hoằng pháp viên là “lên mạng để truyền trao giáo pháp”.

Trao đổi với PV Giác Ngộ về vấn đề nhạy cảm này, nhiều quý thầy, quý sư cô trẻ bộc bạch rằng: “Thời đại công nghệ thông tin phát triển, mạng online phổ cập đến từng nhà, từng người nên quý thầy sử dụng nó như một phương tiện để học tập, kết nối người trẻ, chia sẻ những giá trị cao quý trong lời Phật dạy, giúp người trẻ hiểu hơn về Phật giáo cũng là điều cần khuyến khích. Nhưng, “sức hút” của online không phải là nhỏ, quý thầy, quý sư cô nhất thiết phải cẩn trọng để không làm ảnh hưởng tới hình ảnh Tăng đoàn, đánh mất niềm tin nơi Phật tử…”.

Người viết bài này cũng đồng tình với suy nghĩ chân thành, nhìn thẳng sự thật ấy. Và tất nhiên, quan điểm vẫn là mạng internet, các trang mạng xã hội vốn được tạo ra nhằm phục vụ con người, mang lại những tiện ích cho con người trong việc học, giao lưu, kết nối… Nhưng, ở đó cũng có những “thành phần bất hảo” đôi khi có thể sẽ nhắm tới quý thầy mà “tấn công”. Biết điều đó để cẩn trọng vẫn hơn, để bạn đọc Giác Ngộ cũng là đa số Phật tử không phải lo lắng: sao quý thầy lên mạng nhiều quá, vậy có ảnh hưởng đến tu tập không?

Phong Châu (GNO)

Bạn đọc nghĩ như thế nào về việc lên mạng gặp quý thầy? Xin e-mail về tòa soạn, địa chỉ: phatgiaovatuoitre@gmail.com

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch