Ngay sau đó, tôi chợt liên tưởng, đây có lẽ cũng là điều
mà đất nước chúng ta đang cảm nhận được, rằng bạo lực dường như là điều không
thể tránh khỏi.
Trong lúc ấy, Luis, người đang đi tới đi lui trước mặt
tôi cùng với những câu nói lẩm nhẩm, thái độ bực tức, cậu bé không về chỗ của
mình mặc kệ cho tiếng chuông báo hiệu vào tiết học đã reo lên. Với ánh mắt đầy
sợ hãi, tất cả học sinh trong lớp nhìn nhau, rồi bọn trẻ nhìn vào tôi. “Phải
làm gì bây giờ?” - tôi đã tự hỏi mình như vậy. Tôi cố tỏ ra điềm tĩnh và thử
nói chuyện với Luis, nhưng cậu bé chỉ xem những chỉ dẫn và hành động của tôi
như một lời sáo rỗng. Vì vậy tôi lùi lại, tránh xa khỏi cậu bé và tìm kiếm sự
giúp đỡ bằng cách gọi điện cho ai đó, trông Luis dường như lại càng thêm phần
nóng giận.
Tôi đã thử làm hết những gì mình có thể để trấn an và giúp cậu bé
bình tĩnh hơn, nhưng tất cả đều trở nên vô vọng. Có một tín hiệu bất chợt phát
ra từ văn phòng và tôi nhận thấy đó là cơ hội của mình, tôi nói lớn: “Ồ, thầy
phải gọi một cuộc điện thoại thôi”. Ngay lập tức, Luis hướng sự tập trung về
phía tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói: “Tất nhiên là phải gọi rồi”. Và
đột nhiên những bước di chuyển của Luis trở nên nhẹ nhàng hơn, cậu bé rút từ
trong túi ra chiếc bút chì và nắm chặt nó trong tay như thể đó là cán của một
cây dao, rồi bước dài đến chỗ tôi.
Trong suốt cuộc đời mình, tôi luôn nỗ lực làm mọi thứ để
ngăn chặn những tình huống tồi tệ có thể xảy ra. Tôi cũng được học về phi bạo lực
và đã dạy cho học sinh của mình về Gandhi, người lãnh đạo các cuộc biểu tình
hòa bình(Gandhi là người đã dẫn khởi nền độc lập cho Ấn Độ, đề cao “Chấp trì
chân lý”, theo nguyên tắc chân lý và bất bạo động).
Tuy nhiên, trong khoảnh
khắc Luis tiến đến gần, tất cả những chuẩn mực để tạo ra một thế giới tốt đẹp
hơn, một thế giới hòa bình của tôi dường như sụp đổ. Tôi không chắc rằng liệu
Luis có ý định đâm tôi hay không, nhưng tôi biết mình cần phải làm gì đó để kéo
cậu bé ra khỏi những học sinh khác của mình. Cậu bé to lớn hơn rất nhiều so với
tôi và tôi như thấy mình rơi vào bế tắc. Tôi không dám tưởng tượng chuyện gì sẽ
xảy ra sau đó và khoảnh khắc ấy như đang chi phối tôi.
Một nỗi buồn không tưởng cuộn lấy rồi đè nặng lên tôi đến
mức khiến tôi đổ gục xuống ghế. Và, tôi bắt đầu cảm nhận được một nỗi đau nào
đó, đúng hơn, tôi như bắt đầu nối kết được với Luis. Không kiềm được nước mắt,
tôi nói: “Thầy rất tiếc. Đó hẳn là một tổn thương rất sâu sắc”.
Cậu bé bỗng ngưng lại tất cả những hành động của mình, thả
lỏng tay rồi nói: “Vâng”. Và như vậy, mọi chuyện dừng lại ở đó.
Những gì chúng ta chọn để thực hành trong cuộc sống hàng
ngày, cũng là những điều sẽ xảy đến khi cuộc sống của chính chúng ta bị dồn đến
bờ vực. Như vậy, nếu tôi học cách bắn vào những ai đang đe dọa đến mình và nếu
có súng trong tay vào lúc đó, tôi tin chắc mình sẽ không ngần ngại bóp cò.
Nhưng tôi đã chọn cách ngược lại. Một tháng sau, kể từ sự việc đáng sợ đó, mỗi
ngày tôi đều dành ra 45 phút để tập bài tập có tên là “yêu thương chân
thành”, hay còn gọi là “Thiền tâm từ”.
Thiền tâm từ là một phương
pháp thiền định đơn giản mà khi thực hành nó, điều đầu tiên chúng ta cần làm là
nghĩ về những người ta luôn quan tâm và mong muốn đem lại hạnh phúc cho họ -
con cái hay thú cưng là một trong những ví dụ điển hình. Sau đó, chúng ta trải
lòng mình bằng cách tập quan tâm và mong cầu hạnh phúc cho những người không mấy
quan trọng hiện diện quanh ta, hay thậm chí là một người không quen biết, như
bác đưa thư vẫn nhìn thấy hàng ngày, nhưng ta chẳng biết ông ấy là ai.
Trong từng
hoàn cảnh, từng trường hợp như vậy, chúng ta tập giữ hình ảnh của những con người,
những vật thể đó bằng trái tim, bằng suy nghĩ của mình và thầm nguyện cầu:
“Mong những con người này có thể được hạnh phúc, mạnh khỏe và hiểm nguy sẽ
không chạm đến họ”. Có thể đó là một sự thực hành không mấy khó khăn, nhưng
nó cũng không hề đơn giản.
Quay trở lại câu chuyện về Luis. Tôi đã không biết gì cho
đến sau đó, thì ra anh trai của Luis chỉ vừa bị tuyên án tù và cậu bé đã rất
khó khăn để tiếp nhận sự thật này. Sự mất mát, và cậu bé cần một ai đó có thể lắng
nghe để sẻ chia gánh nặng đang đè lên vai mình, nhưng vì không biết thể hiện
như thế nào nên thay vào đó, Luis đã có những hành động bộc phát như vậy. Điều
đó có lẽ cũng giống như Luis đang tự tìm nhà tù cho chính mình vậy.
Đến bây giờ, tôi vẫn không thể tin rằng những gì diễn ra
ngày hôm đó giữa tôi và Luis là kết quả trực tiếp từ việc tôi thực hành thiền định,
có lẽ đó chỉ xuất phát từ lòng khoan dung, chi phối tôi và làm tôi thấu hiểu được
Luis. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng, việc thực hành tâm từ đã giúp tôi
có thể mở lòng với người khác, để tôi luôn trong tư thế sẵn sàng trước mọi hoàn
cảnh. Và đó là tất cả những gì tôi hướng đến. Khi thấu hiểu nỗi sợ hãi tạo ra
nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, tôi cũng nhận biết được rằng để xây dựng một
thế giới tươi đẹp hơn, chúng ta cần rèn luyện cho mình sự nối kết, tình thân ái
đối với vạn vật, đồng thời biết tiết chế chính mình và người khác.
Người Mỹ hiện
nay luôn trang bị cho mình bằng những khẩu súng và bỏ ra nhiều thời giờ chỉ để
học cách hủy diệt đi sự sống của người khác. Như vậy làm sao con người có thể mở
lòng với nhau, nối kết và sưởi ấm cho nhau bằng tình yêu thương?
Trên một phương diện nào đó, tôi cảm thấy con người chúng
ta chẳng khác là bao so với Luis, tồn tại một nỗi sợ hãi và sự khao khát tình
thân, mà ở đó con người biết sẻ chia cho nhau niềm vui cũng như nỗi buồn và tìm
thấy ý nghĩa thật sự của cuộc sống. Khi không thể nhận được sự nối kết ấy từ những
người xung quanh, con người lại có xu hướng cố giành lấy nó bằng cách bám chấp
vào những bạo lực tồn tại bên trong suy nghĩ của mình và thể hiện những bạo lực
đó ra bên ngoài bằng sức mạnh bản thân.
Trong niềm hân hoan, tôi xin kết thúc bài viết này bằng một
câu khẩu hiệu đầy cảm hứng như vậy: “Hãy thiền định ngay bây giờ và thế
giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn”. Vấn đề ở đây là tôi không tin vào điều đó
và có thể bạn cũng vậy. Thay vì chờ đợi thế giới tháo bỏ khúc mắc này, tôi tìm
thấy trong tư tưởng Phật giáo, sự hướng dẫn con người đi vào tự tâm của chính
mình và không còn bất kỳ một ràng buộc nào.
Chúng ta có thể hiểu rằng, “không
còn ràng buộc” có nghĩa là giác ngộ, biết được những gì nên làm và những gì cần
lìa bỏ. Khi đạt đến “không ràng buộc” cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không
còn bị trói buộc bởi những khổ đau, phiền não kia nữa.
Những bước đầu tiên thực hành thiền định, tôi đã luôn
nghĩ đến một kết quả, đó là sự yên bình. Nhưng những kết quả mà chúng ta tưởng
tượng ra, bản thân nó chính là một thể của ràng buộc. Tôi không thể ngờ được
thành quả của sự thiền định ấy đã thay đổi tôi trong khoảnh khắc đối mặt với
Luis (tôi đã không còn nghe tin gì về Luis kể từ khi cậu bé rời khỏi trường
trung học năm 2011).
Khi điều gì đó tương tự xảy ra, mọi thứ quanh ta dường
như thay đổi, nhưng chúng ta sẽ nhận ra rằng mình vẫn còn tồn tại với một sinh
mạng vô cùng quý giá, và trái tim sẽ luôn nhận thức được sâu sắc những đau khổ,
phiền não trong thế gian này. Những đau khổ, phiền não mà chúng ta có thể nhận
biết được là mênh mông vô tận, và không thể nào ngăn hết tất cả chúng lại được.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng mình vẫn đang tồn tại, chúng ta có thể tự kéo
mình ra khỏi những suy nghĩ to tát kia và dành thời gian lưu tâm đến những chi
tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt, vô nghĩa quanh mình.
Đến một lúc nào đó, chúng
ta có thể vận dụng lòng từ bi nơi tự tâm để biết lắng nghe những Luis khác
trong cuộc sống này và tạo ra sự bình yên chân thật cho chính ta.