Chúc lành trao cho nhau - Ảnh chỉ mang tính minh họa
Lời chúc là thông điệp - gửi gắm ước mong của người chúc dành cho người nhận lời chúc ấy - là những mong ước nhiều tình thương, trong niềm hy vọng người ấy sẽ nhận được những điều tốt lành. Vì thế, chúc nhau cũng là một cách trưởng dưỡng hạt giống quan tâm và tình thương trong mình.
Khi đó, ta dẹp bỏ lòng ích kỷ - thay vì mong cho họ sẽ... thua mình hay không muốn ai đó tốt lên thì khi thực tập chúc lành, ta bắt đầu thể hiện sự mong muốn điều tốt đẹp cho người.
Sống vì người khác, mong người khác an vui, hạnh phúc là biểu hiện của thiện tâm. Khi niềm mong đó đủ lớn, con người ta sẽ có khả năng xắn tay làm việc tử tế, nghĩa hiệp để không chỉ dừng lại ở chỗ ý niệm lành mà còn thể hiện hành động thiện.
Đi ngang những thân phận nghèo cùng, không nhà che thân, áo phong phanh mùa rét hay phải lụm cụm mưu sinh khi tuổi đã xế chiều - nếu ta khởi lên mong ước người ấy sớm vượt qua khó khổ là ta đang tưới tẩm hạt giống yêu thương nẩy nở trong lòng.
Việc dưỡng nuôi tâm từ không khó, việc dẹp bỏ sự vô cảm, thờ ơ trước cuộc sống cũng tương đối dễ dàng nếu ta chịu nhận ra và thực tập - bắt đầu từ mong ước điều tốt đẹp, chúc điều lành sẽ đến với người thân, kẻ sơ trên dòng đời tấp nập.
Có câu thơ khá phổ biến: “Có khi nào trên đường đời tấp nập/ Ta vô tình đi lướt qua nhau” (*) - được người dùng chỉ chuyện tình yêu đôi lứa, nhưng ở đây, ta có thể dùng cho sự thực tập về tình thương rộng rãi hơn, chan chứa hơn - đến với tất cả mọi người, mọi loài còn khổ, đang khổ để không hờ hững, không “vô tình đi lướt qua nhau” và chẳng đọng lại một chút gì giữa dòng đời tấp nập, tất bật...
Mong những lời chúc lành sẽ được thực tập thường xuyên và chân thành trên môi người và trên mỗi tin nhắn được gửi đi - để cả người gửi lẫn người nhận đều nở hoa trong lòng vì (cả hai) cùng nghĩ về những điều tốt đẹp ở trong tâm hồn mình, nơi cõi Ta-bà lao xao, lăng xăng...
Chúc tất cả chúng ta có những ngày cuối năm an bình trong tình thương và sự hiểu biết!
Chúc Thiệu