Bữa
cơm 2.000 đồng
Người
Sài Gòn thực sự đã không còn xa lạ với hệ thống quán cơm xã hội Nụ Cười trải rộng
khắp các quận trong thành phố. Quán cơm xã hội Nụ Cười nằm trong dự án trợ giúp
suất ăn giá rẻ của quỹ Từ thiện Tình thương TP.HCM. Chi nhánh đầu tiên khai
trương vào ngày 12-10-2012 do nhà báo Nam Đồng cùng những người bạn của mình khởi
xướng và nhận được nhiều sự ủng hộ từ các mạnh thường quân trong và ngoài nước.
Không gian quán cơm Nụ Cười số 6
(428 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.24, Q.Bình Thạnh) luôn đông khách - Ảnh: Thanh Trà
Với
phương châm mang lại những bữa ăn sạch, no, ngon và thân thiện chỉ với 2.000 đồng,
quán cơm Nụ Cười đã mang lại rất nhiều niềm vui, hy vọng và tiết kiệm chi phí
cho người nghèo, người khuyết tật và học sinh, sinh viên khó khăn.
Đến
nay quán cơm đã có 7 chi nhánh với quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng đều đảm bảo
phục vụ bữa trưa đầy đủ dinh dưỡng nhất cho người dân với đầy đủ món mặn, xào,
canh và món tráng miệng, trà đá. Trung bình quán phục vụ khoảng 200 - 400 suất
ăn mỗi ngày. Đặc biệt, hệ thống quán cơm xã hội Nụ Cười còn có “ngày thứ 5 hạnh
phúc” - sẽ phục vụ phở hoặc bún bò chỉ với giá 1.000 đồng, việc này được tổ chức
đều đặn 2 lần/ 1 tháng.
Chú
Ái - quản lý quán cơm và cũng là đầu bếp chính của Nụ Cười 6 (428 Xô Viết Nghệ
Tĩnh, P.24, Bình Thạnh) cho biết: “Tiêu chí của hệ thống quán cơm Nụ Cười là đặt
chữ tâm lên hàng đầu, nấu bằng cả cái tâm, nấu phải ngon và nguyên liệu đảm bảo
tươi sạch. Mọi người ở quán đoàn kết và rất vui vẻ, cuối mỗi tháng, quán thường
tổ chức đi thiện nguyện cùng nhau”.
Ngoài
ra, quán ăn Nụ Cười còn trở thành nơi tá túc của những sinh viên nghèo cũng như
tạo việc làm cho một số người có hoàn cảnh khó khăn với mức lương khoảng 2 triệu/
tháng.
Người lao động nghèo và sinh viên đến quán ăn
luôn có ý thức thực hiện theo đúng quy định của quán. Vì vậy, giờ cao điểm khoảng
12g trưa, quán tuy đông nhưng không xảy ra tình trạng xô đẩy, chen lấn. Cái
tình của người cho và người nhận đáng trân quý là ở điều đó.
Chú Long, nhân viên quán cơm Nụ
Cười 1 (số 6 Cống Quỳnh, quận 1) chia sẻ niềm hạnh phúc về ý nghĩa quán cơm qua
một kỷ niệm đẹp: “Nhiều năm trước có một cậu sinh viên nghèo ăn cơm ở quán suốt
2 năm. Một thời gian sau gặp lại, cậu đến với tư cách một nhà hảo tâm xin được
tài trợ tiền cho quán hàng tháng, hiện cậu là quản lý một nhà hàng lớn của
thành phố. Cậu làm thế vì muốn trả ơn năm xưa và như một cách để giúp những bạn
sinh viên nghèo như cậu an tâm học tập để vững bước vào tương lai”.
Quần
áo 2.000 đồng từ hộp carton mặt cười
Giá
trị của tờ 2.000 đồng tuy không nhiều nhưng khi đến với Hello Sunbox nó lại có
giá trị gấp nhiều lần. Tại đây, mọi người có thể mua quần áo, sách, truyện, đồ
chơi trẻ em... với giá 2.000 đồng.
Hello
Sunbox được các bạn trẻ thành lập với mong muốn sẽ là nơi trung chuyển những
món đồ không dùng nữa, đến tận tay những người thật sự cần đến chúng hơn. Đây
không chỉ đơn giản là hành động thiện nguyện mà còn là cách để tất cả mọi người
chung tay bảo vệ môi trường.
Bạn
Duy Thắng (học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, Bình Thạnh) chia sẻ: “Em rất thích
đọc truyện nhưng điều kiện gia đình không cho phép mua, nhờ có cửa hàng Hello
Sunbox của mấy anh chị mà chỉ với 2.000 đồng em đã có thể mua được những quyển
truyện mình thích”.
Hiện
tại gian hàng được đặt tại địa điểm của quán cơm Nụ Cười 3 và Nụ Cười 6 và toàn
bộ số tiền thu được sẽ được đóng góp vào hoạt động của quán. Ngày 28-3-2016,
gian hàng Hello Sunbox 2.000 đồng đầu tiên được mở ở quán cơm Nụ Cười 3 mang lại
nhiều nụ cười và niềm vui ấm áp cho những khách hàng.
Giờ
đây, các hộp carton với hình mặt cười ở những nơi công cộng như quán cà-phê,
siêu thị, trường học, rạp chiếu phim... đã góp phần kết nối mọi người để cùng
nhau sẻ chia, mang lại cho người lao động nghèo, trẻ em khó khăn những món quà
thật sự ý nghĩa.
Sống
là cho...
Như tại
một góc con hẻm Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, phía trước tủ giày là tấm bảng: “Nhận
sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích-lô, ba-gác và người khiếm thị”.
Hay tại
số nhà 1545 đường Nguyễn Hoàng (phường An Phú, quận 2) một cửa hàng di động xuất
hiện dòng chữ “Quần áo từ thiện miễn phí” - mở cửa trong 2 ngày thứ 4 và thứ 7.
Hay
trên đường Trần Não (quận 2), dòng chữ “Sửa nón miễn phí cho người chạy xe ôm
(bà con đừng ngại)” của nữ giám đốc trẻ có hệ thống cửa hàng nón bảo hiểm tên Tạ
Thị Hồng Nương.
Và “Từ thiện - Miễn phí - Một người 1 ổ” từ thùng bánh
mì miễn phí trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.24, Q.Bình Thạnh từ khoảng 9 giờ đến
2 giờ chiều với khoảng 100 đến 150 ổ bánh mì là một hình ảnh đẹp khác trong câu
chuyện Sài Gòn thơm thảo.
Thanh Trà - Thùy Vân