Chánh điện Trúc Lâm Chánh Giác - Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên
Gọi là huyện mới nhưng thật ra Tân Phước đã được thành lập từ năm 1994; trước thời điểm này, tôi có dịp đến mấy xã và vẫn còn ấn tượng về sự xơ xác của vùng này: đất hoang hóa mênh mang một màu nâu rỉ sắt bám chặt phần thân dưới của cây đưng, lác; nước thì trong nhưng thoang thoảng mùi chua khó chịu; trong lúc nắng thì chang chang trên đồng, trên nông trường - vì đây là vùng trũng, rốn phèn Đồng Tháp Mười, phần nằm trong địa phận tỉnh Tiền Giang với sáu tháng mùa khô không nước ngọt và mùa nước nổi thì ngập mênh mông.
Huyện đã được thành lập, đã phát triển mạnh mẽ trên vùng hoang hóa để bây giờ tôi có dịp đến chiêm bái thiền viện, tu học theo hướng Thiền tông Việt Nam; thiền viện mang tên Trúc Lâm Chánh Giác, nằm sâu trong vùng trũng của xã Thạnh Tân, được xem là một trong những thiền viện lớn nhất nước.
Thoáng chốc mà đã 20 năm, thị trấn Mỹ Phước giờ đã ra dáng đô thị; đường từ đây về Thạnh Tân là đường nhựa rộng, một bên là con kênh tàu ghe chạy xập xình, một bên là những ruộng khóm nối tiếp, cảm nhận được không gian sạch, thoáng đãng (tỉnh Tiền Giang có diện tích trồng khóm lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long - khoảng 15 nghìn ha - chủ yếu ở Tân Phước). Tới Tràm Mù, lối vào xã vốn là con đường nhựa nhỏ nay đang được mở rộng để tương thích với tiến độ xây dựng bởi thiền viện cũng tọa lạc sát cung đường này.
Cơ ngơi thiền viện rất hoành tráng với kiến trúc 4 thánh tích Phật giáo, tổng diện tích là 30ha, theo mô hình truyền thống các thiền viện hệ phái Trúc Lâm Yên Tử; 25 hạng mục đã và sẽ xây dựng: 2 khu vực nội và ngoại viện, 4 Tăng đường, 1 thiền đường, 10 thất chuyên tu, không có khu cho Ni nhưng có nhà khách nữ.
Mặt tiền chánh điện - Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên
Bốn Thánh tích (Tứ động tâm) có tỉ lệ 6/10 so với nguyên mẫu (gồm vườn Lâm Tì Ni nơi Phật đản sinh, Bồ Đề Đạo Tràng nơi Phật thành đạo, vườn Lộc Uyển nơi Phật chuyển pháp luân, Câu Thi Na nơi Phật nhập diệt); tháp Đại giác cũng theo tỷ lệ trên và có chiều cao 31m; ngay trung tâm thiền viện sẽ đắp một hòn giả sơn cao 25m làm thế tựa lưng cho tổ đường, chánh điện.
Thiền viện gần giống thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt nhưng lớn hơn nhiều; đặc biệt vì ở vùng trũng Đồng Tháp Mười nên phải làm trên hệ thống đê bao cao 3,7m để ngăn lũ dâng.
Tháng 4-2012 đặt viên đá đầu tiên, đến nay thiền viện đã khánh thành 5 hạng mục, gồm chánh điện - có diện tích 1.000 m2, sức chứa 3.000 người; lầu chuông; gác trống; nhà khách; khu tịnh thất. Ngày 20-10-2013 an vị tôn tượng gồm Phật Thích Ca ở giữa, Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền hai bên chánh điện; từ lúc này thiện nam tín nữ đã có thể lễ Phật tại đây thay vì tại khu nhà tạm trước đó; tượng Phật Bổn sư này tạc bằng đá ngọc cao 4,5m, nặng 30 tấn, do nghệ nhân Myanmar chế tác.
Thiền viện lớn nhất nước đã thành hình, đi vào hoạt động trong lúc công trình chung tiếp tục tiến độ xây dựng, hoàn thiện để kịp hoàn thành vào năm 2016.
Gần thiền viện, có một vườn thanh long lớn; hỏi ra thì Tân Phước bây giờ không chỉ có khóm và khoai mỡ như lúc mới lập huyện mà đã trồng được lúa và nhiều cây ăn trái, hoa màu như các huyện khác của tỉnh, huyện cũng có hẳn một khu công nghiệp mang tên Long Giang…
Lầu chuông - Ảnh: Ngọc Hùng
Trúc Lâm Chánh Giác tọa lạc giữa vùng trũng, rốn phèn Đồng Tháp Mười - Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên
Chúng tôi đi thêm chừng 2km nữa theo đường Tràm Mù, qua khỏi Ủy ban xã và chợ Thạnh Tân thì đến Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười của tỉnh, đường nội khu đẹp và sạch; tại đây thấy đã có nhà dừng chân, bãi đỗ xe khá rộng, khang trang nhưng chưa thấy khách. Trước nhà trụ sở của khu có mấy cây đu đủ đang ra trái; gặp nhân viên trực ở đây, chúng tôi được biết rằng khu bảo tồn đang tiếp tục phát triển xây dựng để sẵn sàng cho những hoạt động du lịch sắp tới.
Khách hành hương đến thiền viện chiêm bái ngày càng tăng, hoạt động của thiền viện đã thấy nề nếp, dân “phượt” cũng tăng cường vào đây thăm thú, khám phá cảnh quan còn rất đẹp, khoáng đãng, hoang sơ của một khung trời huyền thoại Tháp Mười cũ; với điểm nhấn là thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, khu bảo tồn sinh thái. Tôi tin rằng, chẳng bao lâu nữa diện mạo các xã nghèo quanh đây sẽ thay đổi như huyện vùng sâu này đã từng thay đổi sau 20 năm thành lập.