“Bu ơi, học để làm chi?
“Hễ rờ đến sách là y như buồn…”.
Cậu con trai út của tôi lại ưu ử rên lên câu ca dao cổ mà thằng bé tình cờ đọc được trong một quyển vở cũ của tôi khi vài năm trước dọn dẹp sách vở để sửa nhà phát hiện được. Nhưng trong câu ca dao này, “buồn/’ mà Huy Cận đã dùng:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn, không hiểu vì sao tôi buồn.
Từ “buồn” ở cuối câu ca dao trên đồng nghĩa với những từ “buồn” trong bài đồng dao sau:
Em tôi buồn ngủ buồn nghê
Buồn ăn cơm nếp, cháo kê, thịt gà,
Buồn ăn cái trứng ba ba.
Buồn ăn cơm nếp, thịt gà, cháo kê…
Ở đây” buồn” không phải là một tính từ trạng thái chỉ một tâm trạng không vui, từ “buồn” này không thể phát triển thành một danh từ như “nỗi buồn” để nói đến tình trạng tâm lý tiêu cực, thiếu vắng sự phấn khởi, hào hứng. Buồn” trong những câu ca dao và đồng dao dẫn trên có thể coi là một trạng từ hay một động từ trạng thái, nói đến một ước muốn vô thức, một nhu cầu bản năng, một điều gì đó mà cơ thể đòi hỏi một cách tự động, nó là một phương ngữ miền Bắc, đồng nghĩa với một phương ngữ miền Nam là từ “mắc”. Ta có những từ kép như buồn cười, buồn ngủ, và (xin lỗi vì quá trần trụi) buồn…(!).
Nghe thằng bé nghêu ngao câu ca dao “buồn”, bà nội nó lên tiếng: “Học là để làm người chứ còn làm gì nữa? Nếu buồn ngủ thì phải biết bắt trước các cụ ngày xưa, cột tóc treo ngược lên trính nhà, mỗi khi ngủ gật, đầu gập lại thì tóc bị giật ngược lên làm đau đầu là phải tỉnh dậy mà đọc sách”.
Thằng bé đổi đề tài: “Cháu nghe nói ngày xưa mặc dù là lý dịch nhưng ông cố ngoại cháu nghèo lắm, không có điều kiện cho bà đi học, phải không bà?”.
Bà cụ không ngờ vực gì, hào hứng kể lể: “Ừ, ông ngoại của bố mày tuy là phó lý trong làng, nhưng bà là con cả có đông chị em nên cụ không có điều kiện cho bà đi học. Còn những em của bà thì đều được đi học cả. Thế cho nên chỉ riêng bà mới không biết chữ, có cái thư nào cũng phải nhờ các cháu đọc cho mà nghe, thế mới khổ đấy, cháu có biết không?”.
Thằng bé gài bẫy: “Vâng, lúc ông nội cháu còn, cháu vẫn nghe ông nội cháu nói rằng ông chỉ đi làm kiếm tiền, còn bà mới lo cho bác cháu, bố cháu và các cô chú cháu ăn học đến nơi đến chốn, phải không bà?”.
Bà cụ tiến dần đến cái bẫy của thằng bé: “Chứ còn gì nữa cháu. Ông nội mày chỉ biết đi làm đem tiền về cho bà. Ở nhà mọi chuyện bà phải lo toan, tính toán. Các con của bà chúng nó muốn học gì bà cũng chiều, mà chẳng biết sao, nhờ trời, chúng nó ham học thế, cái gì cũng đòi học. Nào đàn nào vẽ, nào Anh văn Pháp văn lại còn Đức ngữ Hoa ngữ. Thế nhưng bà vẫn phải cân đối thu chi mới kiếm ra tiền cho chúng nó học chứ. Cũng nhờ thế mà chúng nó nên người cả đấy, cháu ạ. Đến ngay như cô út của mày, nó lớn lên trong lúc khó khăn nhất sau năm 1975, mà nó cũng là cô giáo Anh văn đấy chứ, có kém cạnh ai đâu. Chỉ tiếc là nó mất sớm, cơ khổ… Cũng may mà nó chưa có chồng có con…”.
Thằng bé vội vàng giật cái bẫy mà nó đã giăng: “Đấy, bà thấy chưa, bà không được đi học, mà bà dạy dỗ các con của bà nên người. Bà phải làm người mới dạy dỗ các con của bà làm người được chứ! Thế thì có phải, phải học mới làm người được đâu. Bà bảo học để làm người là không đúng!”.
Bà cụ ngớ người ra, rồi bà mắng yêu thằng cháu: “Tiên sư nhà anh! Lại bắt chước cái thói bẻm mép của thằng bố anh!”.
Thằng bé tiếp tục bồi thêm: “Cách đây ít lâu, cháu có đọc báo cho bà nghe, có cái tin có ông kiến trúc sư nào đó ghen tương mà giết vợ rồi phải bị đi tù. Bà còn bảo rằng ông ta học hành như thế mà chẳng ra con người. Vậy thì chưa chắc học mà đã làm người được”.
Bà cụ chống chế: “Tôi dốt, không biết được cái lý luận của anh. Nhưng cũng phải học thì mới có cái cần câu cơm, mới biết làm việc, mới kiếm được tiền nuôi thân anh, mai kia lấy vợ có con còn nuôi vợ nuôi con anh nữa”.
Thằng bé lại chuyển đề tài: “Bà nhỉ, cô út của cháu lớn lên trong lúc khó khăn, học hành chẳng bằng các anh của cô ấy. Thế mà cũng có bằng cử nhân, cũng đi dạy tiếng Anh. Nhưng rồi chẳng kiếm được bao nhiêu tiền nên chưa dám lấy chồng sinh con. Đến khi bị bệnh thì bác Cả với chú Tư phải gởi tiền ở nước ngoài về trị bệnh. Chắc là cô ấy buồn nên mới mất sớm”.
Nghe cháu nội nhắc đến đứa con gái mất sớm chưa kịp có chồng có con, bà cụ sụt sùi: “Ừ! Lúc ấy đang thời bao cấp, chỉ còn một mình cô Út mày đi học, nó khổ thật đấy. Thế mà nó cũng chí thú học hành, bao nhiêu bận không được vào đại học chỉ vì lý lịch mà rồi nó cũng xong được cái bằng cử nhân. Vậy mà khi đi dạy học, có kiếm được bao nhiêu tiền đâu. Lương ba cọc ba đồng, lại còn những đêm thức trắng soạn giáo án, chấm điểm. Lại còn họp hành. Vì thế mà nó đổ bệnh. Các bác các chú mày gửi tiền về cho bà, bà phải dành dụm chữa bệnh cho nó. Thế mà trời cũng không cho nó sống thêm dăm năm nữa với bà…”.
Thằng bé gài một cái bẫy khác: “Hôm nọ, có cái chú gì ở ngoài Bắc mới vào, gọi ông nội cháu bằng bác. Nghe nói chú ấy giàu lắm, bà nhỉ?”.
Bà cụ giẫy nẫy: “Cái ngữ ấy thì làm sao cho bền! Chúng nó có học hành gì đâu. Đi bộ đội vài năm về, được phường bố trí cho một chân trong ban quản lý chợ, hạch sách bà con tiểu thương, nhận dấm nhận dúi những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người nghèo, rồi bắt mối mua nhà mua đất, cứ thế mà phất lên. Nó vào đây là để khoe cái giàu của nó chứ nó thăm gì tao”.
Thế là thằng bé giật bẫy lần thứ hai: “Đấy, bà có thấy chưa. Có phải học là để kiếm được tiền nuôi thân đâu. Cô út của cháu có cử nhân Anh văn, đi dạy học, mà đến khi có bệnh cần tiền chữa bệnh thì lại phải tiêu vào tiền các bác các chú gửi về cho bà dưỡng già. Còn cái chú ấy chẳng học hành gì mà cứ xây nhà xây cửa ầm ầm. Lại còn có xe hơi nữa chứ”.
Bà cụ lại ngớ người một lần nữa: “Cái thằng này. Thì ra mày bẻ hành bẻ họe với bà đấy à? Thì thôi, bà trả lời mày rằng, học là để cho người ta kính trọng mình là kẻ có hiểu biết. Được chưa, ông kễnh!”.
Thằng ông kễnh của cụ cười hì hì. Nó vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của bà cụ đâu. Vì thế, nó lại hỏi, lần này, nó đi xa hơn cái chiến thuật cũ: “Bà ơi, cháu thấy bố cháu thật là kỳ cục. Hầu như cái gì ông ấy cũng biết, mà biết kỹ, biết đúng nữa. Trừ ra những thứ quá chuyên môn về khoa học kỹ thuật, con cháu thắc mắc điều gì ông ấy cũng trả lời, giải thích thật rõ ràng cụ thể. Chẳng hiểu sao bố cháu biết nhiều đến thế để làm cái quái gì mà chẳng kiếm được tiền. Thế bà có thấy thỉnh thoảng mẹ cháu lại gào lên không, ‘Mày bảo bố mày mang mấy quyển sách ra mà xào lấy cái ăn. Tiền của ông ấy mang về chưa đủ cho tao mua gạo đâu’ Đôi khi cháu nghĩ mẹ cháu nói cũng đúng đấy chứ”.
Bà cụ có vẻ phần thì hài lòng thấy thằng cháu nội ca tụng bố nó, phần hơi phật ý vì nó chê bố nó không thực tế. Tiện dịp, bà bênh vực cho con trai mình: “Đúng thế thật. Nhưng ngày xưa khi đi học, bố cháu được coi là đứa học giỏi. Bà chịu nhất là nó cứ suốt ngày đọc sách. Có như cháu bây giờ mỗi khi sờ đến sách lại kêu buồn ngủ đâu. Nó đọc sách nhiều mà lại có trí nhớ tốt nên nó biết nhiều. Có gì là lạ. Lúc mới mười mấy tuổi đầu bà đã thấy nó đánh bạn với những người đứng đắn có danh vọng nhiều tuổi hơn nó. Nhiều ông còn lái xe ô tô đến tận đây, đón nó đi, bảo là đi họp với đi hành gì đấy. Rõ khổ, cũng chỉ vì những việc họp hành tận thời nảo thời nào mà trước lúc sanh ra cháu, bố cháu cũng đã phải gặp không ít rắc rối đấy. Chỉ tiếc là từ sau đấy, bố cháu chẳng chịu làm việc gì cả. Cũng có người đến gọi bố cháu đi làm đấy chứ, nhưng bố cháu cứ bảo không cúi lưng xuống được. Thật phí công đèn sách. Có điều mẹ cháu cũng như chúng bay chẳng làm sao hiểu được bố cháu đâu”.
Thằng bé bắt đầu đưa ra một cái nút thòng lọng. Nó giả vờ hỏi: “Bà ơi, bà có biết vợ chồng cái nhà bán thịt chó có cái quán ở đầu đường mà sống trong cái nhà to đùng cuối xóm này không?”.
Bà cụ hơi ngạc nhiên thấy thằng bé đang nói về bố nó lại hỏi về nhà bán thịt chó, hình như bà cụ cùng hơi ngờ vực, rằng nó lại giở quẻ. Nhưng bà cũng trả lời: “Ừ, bà biết chứ. Gia đình ấy ở đây lâu rồi mà lại. Mụ vợ thì cứ leo lẻo với khách để lấy tiền. Nhưng mà quân ấy đối xử với người ăn người làm cũng bạc lắm. Năm ngoái bà nghe nói có đứa con gái ở ngoài quê vào làm thuê lỡ đánh rơi, để vỡ một cái nậm rượu quý mà mụ vợ đập nó đến nát cả tay, rồi nhốt nó trong nhà, bố mẹ nó phải vào xin mãi, chuộc bằng tiền, mới đem được con bé về. Còn lão chồng thì dốt đặc cản thuổng, nhưng mà uy quyền lắm đấy”.
Thằng bé lặng yên chờ nghe bà cụ nói dứt mới trả lời: “Trước đây mấy tháng, cháy có đi đám cưới thằng em út của lão chủ quán. Bố cháu cũng có dự đám cưới ấy đấy, bà có biết không?”.
Bà cụ thủng thẳng trả lời: “Cái thằng này. Mày làm như bà đi đâu xa ấy chăng. Thằng ấy có lúc học với bố mày, lại là hàng xóm láng giềng, nên nó mới mời bố mày đi đám cưới, chứ bố mày có qua lại với nhà ấy đâu. Hôm nhận được thiệp mời đám cưới, bố cháu đã băn khoăn mãi không biết có nên đi hay không. Chính bà khuyên bố cháu phải đi kẻo hàng xóm láng giềng người ta nghĩ mình cao cầu bắc bậc”.
Thằng bé giả vờ: “Thế à bà? Hôm ấy, cháu nghĩ ngồi gần bên bàn bố cháu. Bố cháu ngồi cùng bàn với tổ dân phố, mặt cứ ngoẵng ra như mặt chẫu chuộc, người thì thu lại như mình con giẽ giun, chẳng biết nói chuyện gì với ai. Cũng chẳng ai muốn nói chuyện gì với ông ấy. Cho nên bố cháu xin phép về sớm khi tiệc mới dọn ra món thứ ba. Còn cái lão chủ quán thịt chó thì khỏi chê. Lão đi đến đâu cũng có cả đám người bám theo. Lão kể chuyện gì người ta cũng cười bò ra hoặc cố tìm những câu để khen. Có cả khối người quanh quẩn mong được chụp hình với lão, kể cả một vài người mà cháu biết là viên chức ở phường ở quận nữa đấy, bà ạ”.
Bà cụ cảm khái: “Ừ, thôi cháu ạ, thời thế nó thế, phải biết nín nhịn thôi. Các cụ mình ngày xưa chả bảo, Vai mang túi bạc kè kè, Nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm. Nó có tiền mà, làm gì chả được người ta kính trọng”.
Thằng bé vội vàng kéo nút thòng lọng: “Đấy thế, bà nhé. Có phải cứ đi học cho hiểu biết nhiều thì được người kính trọng đâu. Bà cũng công nhận rằng bố cháu hiểu biết nhiều, thế mà chẳng ai xem bố cháu ra gì. Còn lão chủ quán thịt chó chỉ biết chả chìa chả rựa mận mà cả đống người quỵ lụy. Bà còn bảo cháu phải học để hiểu biết nhiều cho người ta kính trọng nữa hay thôi nào?”.
Câu chuyện của hai bà cháu mà tôi tình cờ nghe được cách một tấm vách làm tôi bâng khuâng nghĩ đến mục đích của việc học. Quả nhiên những gì mà bà cụ nói rằng đó là mục đích của việc học thì đều đúng cả. Thế nhưng những lập luận mà thằng bé cháu nội của bà cụ dùng để phản bác lại cũng dựa trên những sự kiện hoàn toàn có thật ngoài đời. Vấn đề là mục đích của việc học với kết quả của việc học đã có quá nhiều khập khễnh. Tại sao thế nhỉ?
Ngày xưa, quản lý sự nghiệp học tập của xã hội là công việc của Bộ học, còn ngày nay người ta gọi là Bộ Giáo Dục. Trong các bộ của chính phủ ngày nay, chỉ có Bộ Giáo dục là có cái tên gọi oách nhất. Đó là cái bộ chuyên dạy dỗ người khác. Có phải vì vậy mà khi đã ngồi ở địa vị giáo dục rồi thì người ta quên việc tu dưỡng bản thân? Và có phải vì vậy mà trong chương trình giáo dục của Bộ vốn từng được áp dụng cho nhiều thế hệ học sinh, vấn đề tu dưỡng đạo đức truyền thống chỉ được đề cập một cách hời hợt? Cho nên xã hội đã bày ra những hiện tượng nghịch lý, rằng người không đi học có nhân cách khá hơn người đi học, người học thấp có nhân cách khá hơn người học cao. Không ai có thể phản bác rằng, muốn xây dựng một xã hội lành mạnh thì phải có những công dân tốt, mà muốn có công dân tốt thì phải có một nền giáo dục tốt, chứ không chỉ là một nền dạy dỗ tốt. Vì một nền học tập tốt là một nền học tập mà mọi người đều phải tham gia, luôn luôn cập nhật. Còn với nền giáo dục tốt thì chỉ có những ai đang được giáo dục mới được hưởng, những người không còn được giáo dục nữa, cứ an nhiên tự thị rằng mình đã hơn hẳn thiên hạ rồi, không cần phải tu dưỡng gì nữa. Và tình trạng tha hóa cứ thế bắt đầu từ trên xuống.
Quản lý sự nghiệp học tập của xã hội là một vấn đề chuyên môn lớn, kẻ ngoại đạo không dễ gì mà có thể khua môi múa mỏ được. Tuy nhiên, khắc khoải trước những hiện tượng bất thường của một nền học tập ngày càng suy thoái để phải lên tiếng là chuyện mà ai cũng băn khoăn cũng phải có ý kiến, để thúc đẩy những bậc có trách nhiệm sớm có quyết định cải thiện tình trạng. Có một điều chắc chắn là nếu việc học tập không được đặt trên nền tảng học để làm người là chính tất cả những mục đích khác cũng sẽ không đạt được. Vì khi một xã hội không có con người mà chỉ có những hạng thầy hạng thợ khác nhau thì đó không phải là xã hội loài người. ■
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 65