Truyện - Tùy bút
Mùa xuân phía trước
19/01/2012 03:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


 Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau...

Có một thời khi cánh cổng tu viện Chơn Không mở ra, nhiều người nuôi mộng lên núi tu thiền. Tên bạn trẻ vừa gởi lời từ biệt theo kiểu “nhất đao đại đoạn”, ý rằng tui sẽ mai danh ẩn tích tu rục, thế là có người chép vội mấy câu thơ mượn ở đâu đó:

Người đi mưa bụi trên rừng vắng
Chắc cũng đong đầy theo gót xưa
Cỏ úa một hồn ta tĩnh lặng
Cũng sầu theo sóng gió đong đưa.

9293.jpg


Biết rằng hắn chẳng có buồn sầu gì, nhưng ít ra tặng vài câu thơ đưa tiễn, người đi kẻ ở diễn ra rất đúng điệu. Cổng tu viện rất đơn sơ bằng gỗ khép nhẹ, một khoảng sân có nhiều cây bông sứ trắng, gốc nổi sù sì bên mấy phiến đá, Nhà khách, Trai đường và Nhà bếp gần nhau, khoảng không gian có gì đó thu hút. Người ta bước vào đó thong thả nhẹ nhàng, khuất bên trong là Thiền đường, Tăng đường, chỗ tu luyện nội công. Vì đang trong thời truyện kiếm hiệp của Kim Dung đầy dẫy trên các trang báo, thiền sư cũng như kiếm khách, thích các câu chuyện lãng đãng bồng bềnh.

Thiền sa Trường Sa Cảnh Sầm một lần nọ đi dạo chơi trên núi, lúc trở về gặp Thủ tọa ngoài cổng hỏi, Hòa thượng đi đâu về? Trường Sa đáp, du xuân đỉnh núi. Thủ tọa hỏi, Ngài đã đi đến những nơi nào? Thiền sư: Lần đầu theo dấu vết cỏ non đi, lại theo hoa rụng trở về (Thủy tùy phương thảo khứ, hựu trục lạc hoa hồi). Đối thoại vắn tắt đơn giản mà cũng thành thơ được, đi và về như bước theo cỏ hoa. Té ra trong đời sống chỗ nào cũng có thể thấy ra mùa xuân. Người ta ái mộ các câu chuyện thiền là như vậy.

Kim Dung để cho Hoàng Dung và Quách Tĩnh tình cờ gặp nhau trong tửu điếm, sau đó trên võ lâm nhiều chuyện tranh hùng. Hòa thượng mở tu viện dạy thiền, dạy cách sống giữa cuộc đời cho tỉnh táo. Nhiều người thích đọc chuyện Kim Dung lại đầu quân vào thiền viện. Cho đến bây giờ mỗi khi về thăm lại Chơn Không, tôi luôn nhớ lại khoảng thời gian tu học ở đây rất thú vị. Cửa thiền đường mở ra một khoảng trời mây, trống vắng đến tận cùng, những bản kinh ngồi chép ở trên bàn, gió thổi qua bay đi vô ý. Khi có huynh đệ nào xuống núi, được gọi là hạ sơn, nghe y như chuyện Tàu. Hòa thượng rất ít cho phép đi đâu, mặc dù ở gần biển cũng không được ra biển, hạ sơn gần nhất là đi chợ Vũng Tàu – Thành phố đó cũng thường vọng lên thiền viện những bản nhạc mang điệu Boléro, báo hại giờ thỉnh nguyện có người ra thú tội. Mang tất cả đống tâm tư lộn xộn đó  đặt dưới chân Thầy, dù không đến nỗi tệ hại, nhưng mơ mộng giống thiền sư thì chưa giống được.

Bên ngoài cổng tu viện có mấy thất cốc của các bà già. Bà Năm Oshawa ở gần nhất, có biệt danh như vậy vì bà ngang tàng bướng bỉnh không thua Kim Hoa Bà Bà, cả đời không nể ai trừ Krishnamurti và ông Oshawa, bà cất cốc ở đây để tìm “Tự do đầu tiên và cuối cùng.” Chuyện trò với bà rất thoải mái nhưng đừng hòng ăn uống gì được vì trong tủ của bà chỉ có gạo lứt muối mè. Các thất kia hiền lành hơn, cô Ba Tịnh Viên, cô Ba Chơn Huệ thường có bánh kẹo, phía dưới một chút là thất cô Như Năng, bà cô Từ Tánh cũng hay đón đường chia sẻ quà vặt. Thất cô Ba Nhi, cô Hồng, bà Hiển, cô Thuần Thiện ở phía đối diện, những ngày học rộn rịp khách quen. Người ở thành phố, ở miền xa về tụ tập nghe giảng, cười nói vang rân như một cõi riêng. Thầy chỉ dạy tu thôi, chỉ nói những lời của Phật của Tổ, khô khan không pha trò, không thêm bớt. Ngoài các giờ Thiền học, thỉnh thoảng thầy mở lớp dạy các bộ kinh căn bản dễ hiểu cho các lão bà, không khí như Phật thời xưa giảng dạy cho đệ tử dưới những tán cây rừng. Các tâm hồn già nua trở nên tươi tắn nhẹ nhàng. Bây giờ kiểm lại, những thất chủ của một thời Chơn Không đã qua đời rất nhiều. Cô Ba Chơn Huệ mới mất đây, chỉ còn một hai người già của xóm cũ, tôi tưởng tất cả niềm vui của mình bay theo các bà cụ.

Tưởng không có gì reo ca trong tâm mình. Một ngày đi ngang cổng một tu viện, thấy một thầy tu áo đà vừa bước vào cửa, tay nải khoác vai nhẹ nhàng, Thầy đang bước vào chỗ tu học của mình. Đơn giản như không, có phải thầy vừa ra đi theo dấu cỏ, và trở về theo hoa rụng? Thầy đi như là mùa xuân ở phía trước. Tu viện có gì trong đó? Đời sống tăng nhân thế nào? Nếu đọc Tây Du Ký chúng ta sẽ thấy đoạn miêu tả các thầy tu rất nhộn và quậy. Thầy trò Đường Tam Tạng đi đến Bảo Lâm tự, nước Ô-kê lỡ đường xin vào chùa tạm trú, tăng quan xua đuổi không cho, ông ta nói trước đây cũng có các thầy đến xin trọ, mấy người đó toàn là:

Lúc rỗi trèo tường ném đá
Khi buồn lên vách nhổ đinh
Trời rét bẻ chấn song đốt
Mùa hè ngáng cửa nằm kềnh
Giải phướn làm dây buộc cẳng
Mạch nha trộm đổi rau xanh
Dầu ở dĩa đèn thường đổ trộm
Cạo nồi vét bát sạch sành sanh.

Tác giả Ngô Thừa Ân hẳn cũng có tiếp cận đời sống tăng lữ, cách diễn tả của ông không khách sáo. Chúng ta cũng biết không phải chùa nào cũng là Niết bàn thanh tịnh. Nhưng hình ảnh một nhà tu bước vào cổng chùa của mình, gợi lên một nét đẹp. Tôi nghĩ rằng nếu sau này cụ bà nào trở lại với hình thức ông thầy, chắc chắn sẽ có vì hồi xưa các lão bà rất ái mộ chư Tăng, thường tìm cách cúng dường. Nếu gặp nhau ở trên đường vào tu viện, tôi sẽ đọc hai câu thơ của Bùi Giáng :

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.

Như Đức (GNO)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch