Nụ cười là một hiện thực gắn liền với phần lớn sinh hoạt của con người. Ðối với đạo Phật là đạo của từ bi và giải thoát, nụ cười của đức Phật đã được xem là “Nụ cười từ bi muôn thuở”, và chúng ta nhớ đến kỳ quan “Ðế Thiên Ðế Thích”, mà một trong những nét đẹp trầm hùng của nó chính là “Nụ cười của đức Phật”: “Xe chạy vòng quanh đền Bayon, dưới nụ cười hiền từ của Phật Avalokitecvara rồi rẽ vào một đường hẹp ngập cát...
Ở đây có năm mươi cái tháp, cái nào cũng cao trên mười thước. Có một trăm bảy mươi hai mặt người (tức bốn mươi ba đầu Phật, mỗi đầu có bốn mặt) lớn tới hai, ba thước, cái ở trên cao, cái ở dưới thấp, cái sáng một nửa, cái sáng một góc, cái sáng cả, cái tối cả, hướng về đủ bốn phương trời, và cái nào cũng có đôi mắt hiền từ, cũng có nụ cười khoan hòa, mỉa mai và bí mật...”. (Ðế Thiên Ðế Thích, Du Ký của Nguyễn Hiến Lê, nhà xb Thời Mới, S, 1968, trang 24, 41)
Ðó là dấu ấn của “Nụ cười đức Phật” nơi điêu khắc, kiến trúc. Bài viết nầy xin bước đầu bàn về Nụ cười trong văn học Thiền Việt Nam.
Nụ cười được xem là đầu tiên trong Thiền học chính là nụ cười của Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, tương truyền ở Hội Linh Sơn đối trước đóa hoa sen của đức Phật Thích Ca giơ lên giữa đại chúng.
Sau này, vua Trần Thái Tông (1218 - 1277) gương mặt Thiền học xuất sắc bậc nhất của Phật giáo thời thịnh Trần, trong bốn mươi ba công án được ghi chép nơi sách Khóa Hư Lục, ta thấy công án ba, nhà vua đã nhắc lại sự kiện “Niêm hoa vi tiếu” kể trên:
Cử: Thế Tôn giơ cành hoa
Ca Diếp nở môi cười nụ
Niệm: Dương mày mở mắt mà trông
Bước lên nghị nghị muôn trùng cách xa.
Tụng: Thế Tôn giơ lên một cành hoa
Ca Diếp sớm nay đạt tới nhà
Ví bảo thế là truyền pháp yếu
Bắc phương Di Việt lộ còn xa.
(Khóa Hư Lục, Nguyễn Ðăng Thục dịch, nhà xb Khuông Việt, S, 1972, trang 88 - 89)
Thiền sư Chân Nguyên (1646 - 1726), người có công rất lớn trong nỗ lực phục hưng Thiền học Việt Nam cuối thế kỷ 17, nơi tác phẩm chữ Nôm “Yên Tử Sơn Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh” cũng mô tả lại “Nụ cười Thiền học” khởi đầu ấy:
“Thuở xưa hội cả Kỳ Viên
Bụt cầm một đóa hoa sen giơ bày
Ca Diếp trí tuệ cao thay
Liễu ngộ tự tánh bằng nay mỉm cười
Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen...”.
(Dẫn theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận T2, nhà xb Văn Học, H, tr127)
Nơi bài phú chữ Nôm “Thiền Tịch Phú”, nụ cười của Tôn giả Ca Diếp cũng được Thiền sư Chân Nguyên gợi lại:
“Tổ Ðạt Ma cửu niên diện bích
Thần Quang đoạn tý, lúc còn mê mặt khó đăm đăm
Ca Diếp nhãn đồng, thoát chốc ngộ miệng cười khềnh khệch”. (Dẫn theo Nguyễn Lang, Sđd, tr126)
Ðó là nụ cười ngộ đạo.
Thiền sử Trung Hoa còn ghi nhớ lại trường hợp ngộ đạo của Thiền sư Thủy Lạo trong lần đầu đến tham bái Mã Tổ (707 - 786) hỏi về ý nghĩa của việc Tổ sư Bồ Ðề Ðạt Ma qua Ðông Ðộ, được Mã Tổ tặng cho một đạp té nhào, lồm cồm bò dậy, chợt tỏ ngộ “chấp tay cười ha hả”. Sách “Ngữ Lục” của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung (1230 - 1291), phần “Ðối cơ” đã nhắc lại sự kiện trên qua lời hỏi của một vị Tăng. Và Thượng Sĩ đáp:
- Cái đạp đá của voi quý, chẳng phải sức lừa chịu nổi.
- Lại hỏi: Sau đó, Thủy Lạo còn nói với học trò của mình rằng, từ lúc ăn phải cái đá của Mã Tổ đến nay, ôngcười mãi không thôi. Thế lại là nghĩa gì?
- Thực là tiếng gầm rống của loài sư tử. Phải đâu giọng kêu the thé của chó rừng.
- Lại nói: Tôi không hiểu.
- Sư bèn đọc kệ, chỉ cho:
“Một đạp lăn cù
Ai giảng tìm rõ
Ðứng dậy cả cười
Lại thêm buồn não
Rõ lẽ qua Tàu
Ngựa tơ ăn cỏ”.
(Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Trúc Thiên dịch, Ðại học Vạn Hạnh xb, S, 1969, tr32 - 33)
Ðó cũng là nụ cười ngộ đạo.
Từ nụ cười mang tính chất thể ấy, trong thơ Thiền Việt Nam, thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp một số nụ cười với những tướng trạng khác nhau:
Có thể là “nụ cười nhẹ” về tình quyến luyến của người đời đối với chuyện sanh tử:
“Thu về chẳng báo nhạn theo bay
Cười nhạt người đời uổng xót vay
Thôi hỡi môn đồ đừng quyến luyến
Thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay!”
(Bài Kệ thị tịch của Thiền sư Ðạo Hạnh, Ngô Tất Tố dịch. Dẫn theo Thiền uyển tập anh, bd, nhà xb Văn Học, 1990, tr203)
Hoặc là “tự cười mình” vì sự bất lực của ngôn từ trong việc “truyền tâm”:
“Kham tiếu Thiền gia si độn khách
Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm”.
(Cửa Thiền những thẹn người si độn
Ðể lại câu gì nghĩ chửa thông)
(Bài Kệ thị tịch của Thiền sư Tịnh Giới, Ngô Tất Tố dịch, Sđd, tr136 - 137)
Cũng có thể là “nụ cười tự cười về mình” rất đáng trân trọng của Thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334), không chỉ là vị Tăng Thống đang có trách nhiệm lớn đối với Giáo hội đương thời, mà còn là một nhà thơ yêu thiên nhiên, nghệ thuật:
“Củi hết, lò còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình”.
(Nguyễn Lang dịch, VNPGSL T1, S, 1974, tr370)
Trong văn học đời Trần hay nói chung là cả mảng văn học chữ Hán của văn học Việt Nam, Thiền sư Huyền Quang thật đã xứng danh là “Nhà thơ của hoa cúc”. Sáu bài Thất ngôn tứ tuyệt của ông viết về hoa cúc không chỉ có giá trị về nghệ thuật thi ca mà còn bao hàm những giá trị lớn về Thiền học. Ðây là nụ cười của nhà thơ - Thiền sư “Với tất cả lòng từ bi khi nhìn thấy một thiếu nữ vì không thấy rõ được bản chất mầu nhiệm của hoa cúc, đã hái hoa cắm đầy đầu trước khi ra về”:
“Cười kẻ không hay hoa huyền diệu
Khi về mái tóc giắt đầy hoa”.
(Nguyễn Lang dịch, Sđd, tr374)
Hàm ý của nụ cười mang tính chất nhân bản ấy cũng có sức khơi gợi lớn của một công án Thiền học.
Nơi hai câu cuối của bài thơ Ðường luật thất ngôn bát cú “Ðưa nhà sư Ðạo Khiêm về núi”, Nguyễn Trãi (1380 - 1442) viết:
“Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã
Lâm kỳ ngã diệc thượng thừa Thiền”.
(Lẩm cẩm già rồi, đừng lạ tớ
Chia đường, tớ cũng sẽ theo Thiền!)
(Ðào Duy Anh dịch, Nguyễn Trãi toàn tập, 1976, tr353 - 354) Sư Ðạo Khiêm vốn là bạn thân của Nguyễn Trãi, sau mười năm xa cách gặp lại nhau, cùng ngủ một đêm với nhau để tâm sự, và khi chia tay, Nguyễn Trãi đã tự hứa với mình như thế. Nụ cười mỉm của Ức Trai rõ ràng đã mang một ý nghĩa tự khám phá.
Chúng ta cũng sẽ nhận thấy tính chất tự khám phá tương tợ nơi nhà thơ Cao Huy Diệu thời Tây Sơn. Trong bài thơ “Lên thăm chùa Tiên Sơn lần trước”, ông kết luận:
“Thế giới dưới chân cờ nửa cuộc
Cười ai bể trọc chửa nhìn ra”.
(Cước hạ giang sơn kỳ bán cục
Thao thao lãnh tiến trọc đồ mê).
(Ngô Linh Ngọc dịch, Văn học Tây Sơn của Nguyễn Lộc, 1986, tr382 - 383)
Trong cửa Thiền còn có một nụ cười rất đáng chú ý là nụ cười của Phật Di Lặc. Di Lặc là vị Bồ tát có mặt nơi phần lớn các kinh điển của Phật giáo Bắc truyền, và được đức Phật Thích Ca Mâu Ni thọ ký là sẽ thành Phật vào đời vị lai với đạo tràng là Hội Long Hoa. Thời Ngũ Ðại (907 - 960) của lịch sử Trung Quốc, như Thiền sử đã ghi lại, có một vị Thiền sư hiệu là Hòa thượng Bố Ðại, cuộc đời và hành trạng rất kỳ lạ, về sau, nhờ bài Kệ thị tịch mới biết đây là hiện thân của Phật Di Lặc. Do vậy, các tượng thờ Phật Di Lặc ở Trung Hoa và Việt Nam đều được tạc theo hình ảnh của vị Hòa thượng kia: bụng phệ, người phốp pháp, nụ cười rạng rỡ, với sáu đứa trẻ tượng trưng cho “sáu giặc” đã được Ngài hàng phục.
Nhà thơ Ðào Tấn (1845 - 1907) hầu như rất tâm đắc với nụ cười của Phật Di Lặc. Ông đã có hai bài Thất ngôn tứ tuyệt viết về nụ cười ấy.
Bài thứ nhất nhan đề: “Hứng viết trong đêm thăm điện Di Lặc”:
“Di Lặc nguyên lai bản Ðại Hùng
Lãn tàn cao cứ Phạm vương cung
Cổ kim quân độc an bài đắc?
Thương hải phù vân nhất tiếu không”.
(Di Lặc cũng là bậc Ðại Hùng
An nhiên ngồi ngự Phạm vương cung
Xưa nay muôn việc, ông sắp đặt
Biển dâu, mây nổi, cười như không”.
(Thơ và từ Ðào Tấn, nhà xb Văn Học, 1987, tr215. Phần dịch thơ là của chúng tôi)
Bài thứ hai mang tên “Phật ở mình” (Tự Phật) phản ánh chỗ thấu đạt về Thiền học của ông Ðào:
“Hòa nam khấu thỉnh Di Lặc Phật
Phúc trung hứa đại tàng hà vật?
Tiếu vân trung hữu nhất đoàn băng
Chỉ thị không không vô xứ ngật”.
(Ðảnh lễ thưa cùng Phật Di Lặc
Bụng chứa những gì con muốn biết
Cười rằng: Tâm trung vốn như như
Thảy là không không, vượt sinh diệt).
(Sđd, tr217. Phần dịch thơ là của chúng tôi)
Từ nụ cười của Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, đến nụ cười của Thiền sư Bố Ðại, Phật giáo đã có trên 1500 năm truyền bá, gắn bó với đời, và từ đó đến nay sự gắn bó ấy vẫn phát triển liên tục. Xét về khía cạnh triết lý, chỉ với nụ cười của Phật Di Lặc - qua sự diễn tả rất tâm đắc của Ðào Tấn: “Biển dâu, mây nổi, cười như không” - cũng đã góp cho đời bao nhiêu là giá trị về nhân sinh rồi.
Ðào Nguyên(giacngo)