Những hình ảnh và bình luận
về “Ngọn lửa Bồ-tát Thích Quảng Đức” đã vượt qua những kiểm duyệt hết sức khắt
khe của chính quyền Ngô Đình Diệm, cùng với các thông tin về cuộc đấu tranh chống
chính sách kỳ thị tôn giáo của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam năm 1963 hiện diện
trên các tờ báo, bản tin nóng của các hãng thông tấn quốc tế lan tỏa khắp thế
giới với tốc độ kỳ lạ, gây sự quan tâm và xúc động cho nhiều người, nhiều giới
về một con người, một biến cố vĩ đại.
Hàng triệu triệu bức hình Bồ-tát an nhiên
thiền định trong ngọn lửa phủ toàn thân xuất hiện trên trang nhất của các tờ
báo nổi tiếng đã khiến người chứng kiến, biết đến xúc động nghẹn lời. Ở đây,
Giác Ngộ trích giới thiệu lại một vài cảm nghĩ, nhận định được đăng tải trên
báo chí 50 năm về trước.
Ngọn lửa từ bi, đánh thức lương tâm nhân loại - Ảnh: Malcolm W.
Browne
“Trong lịch
sử không có một bức hình thời sự nào lại gây nên nhiều xúc cảm trên khắp thế
giới như vậy”
- Tổng
thống Hoa Kỳ John F. Kennedy
“Tôi được thấy lại cảnh
tượng ấy, nhưng chỉ một lần cũng đã quá đủ. Lửa phủ khắp người; thân từ từ khô
lại, đầu cháy nám, không khí bay mùi khét thịt, thân hình chìm trong lửa đỏ
thật kinh ngạc. Phía sau, tôi có thể nghe tiếng khóc của những người đang
lần lượt kéo đến. Tôi quá xúc động khóc không nên lời, quá bàng hoàng để ghi
chép hoặc hỏi một câu, quá bối rối để suy nghĩ... thân thể chìm trong biển lửa
nhưng người vẫn bất động, thịt gân không nhúc nhích, không một tiếng rên la,
thân ngã xuống, những người đang đứng xung quanh òa khóc”.
David
Halberstam (New York
Times)
(http://www.uwec.edu/greider/BMRB/culture/student.work/hicksr/ ).
“Những bức hình mà tôi chụp về cái
chết của Hòa thượng Quảng Đức đã trở thành một sở hữu vật mà người ta gởi đi
cùng khắp thế giới. Những bức hình đó mang nhiều ý nghĩa tùy theo cái nhìn của
mỗi người.
Một người quen ở Lisbon gởi thư cho tôi biết rằng những bức
hình về cái chết của ngài Quảng Đức được thành phần diều hâu bày bán khắp cùng
ngõ hẻm. Một nhóm giáo sĩ nổi tiếng người Mỹ cũng dùng một trong những bức hình
này như là một chú ý cho những trang quảng cáo của họ trên New York Times
và Washington Post với hàng chữ “Chúng ta cũng phản đối” (We, too,
protest). Sự phản đối của họ là nhắm vào việc người Mỹ ủng hộ chế độ Diệm”.
Malcolm W.
Browne, The New
Face Of War, Revised
Edition, The Bobbs-Merrill Company, Inc. Indianapolis-New York,1968, Tr.
261-262 (Xin xem thêm Christian G. Appy, Patriots The Vietnamese War
Remembered From All Sides, tr. 64,68 & 69)
“Trước hành động tự sát để
đấu tranh, kẻ tàn bạo nhất cũng phải chùn bước”.
Báo Le
Monde, Pháp ngày 13-6-1964 (trích lại Minh
Không Vũ Văn Mẫu, Sáu tháng pháp nạn 1963, bản ronéo 1984, tr.320)
“Người ta có thể tuyên truyền rằng
đó chỉ là cuộc nổi loạn của phe đa số khắc khổ kiếm chuyện vì chính phủ chỉ là
một thiểu số bó kết chặt chẽ với nhau mà bộ tịch lại vênh váo và cứng nhắc.
Nhưng việc phải hy sinh vì Chánh pháp của Hòa thượng Thích Quảng Đức lại cho thấy
rằng Phật giáo Việt Nam
đang phải bảo vệ nếp sống và tư tưởng của họ”.
Báo Journal
de Genève, một tờ báo ở Thụy Sĩ
có ảnh hưởng lớn trên thế giới (theo Đỗ Mậu, sđd, tr.
641)
“Cách đây hơn hai tuần, vào ngày 11-6-63 vị sư
Thích Quảng Đức đã ngồi theo kiểu tọa thiền trên đường nhựa nóng. Trong
tay Người cầm một xâu chuỗi 54 hạt và bắt đầu niệm Phật, còn trên chiếc áo
cà-sa của Người thì đã tẩm ướt đầy xăng. Tất cả Tăng Ni lùi lại, kính cẩn, kinh
sợ. Khách bộ hành nhận thấy một biến cố phi thường gì sắp xảy ra nên tất cả đều
dừng lại chờ đợi.
Với vẻ yên lặng, bình thản trên
khuôn mặt, Ngài Quảng Đức niệm lớn: “Nam-mô A Di Đà Phật”. Thế rồi Người bật
một que diêm và ngọn lửa phừng phực bốc lên phủ kín thân thể nhưng Người không
hề rên la hay lay động. Người ngồi
thẳng trong mười phút, thân hình chìm trong lửa đỏ, và khi lửa tàn, Người nằm
xuống bất động...
Người ta có thể tự hỏi sự khủng
khiếp và niềm phẫn hận nào đã có thể khiến cho một người của “Tình thương” của
“Hòa bình”, quyết chí tự thiêu?...
Nếu sự tuyệt vọng hoàn toàn và
chán đời cực độ đã đưa con người trên đời này đến chỗ tự tử, thì một lý tưởng
cao cả nhất và lòng yêu đời nồng nàn nhất một đôi khi cũng đã sản xuất những
người tử đạo quả cảm nhất trong lịch sử...
Hòa thượng Quảng Đức hy sinh đời
mình bằng cách tự thiêu để thức tỉnh lương tâm của Tổng thống Diệm và lưu ý cho
toàn thế giới…
Mục sư
Harrington (phát biểu trong buổi giảng
tại một thính đường ở New York,
ngày 30-6-63