Đừng hiểu đạo Phật như là một tôn giáo
Tâm Minh St
12/07/2013 15:55 (GMT+7) Kích cỡ chữ:
Yếu tố niềm tin vào thực thể tâm
linh (Tylor 1871) hay các yếu tố giáo hội và giáo lý (Đặng Nghiêm Vạn
2011) trong định nghĩa về tôn giáo thì hình như không phải là những yếu
tố quan trọng đối với Phật giáo. Không phải là tư liệu thực địa góp phần
xem xét lại các định nghĩa về tôn giáo của phương tây, chịu ảnh hưởng
của truyền thống nguyên cứu Kytô giáo, thực hành Phật giáo còn góp phần
đưa ra một cái nhìn mới trong định nghĩa về tôn giáo (Keyes 2006) (1)
xưa nay. Xin giới thiệu bài viết của một người trong cuộc về vấn đề này.
Thượng tọa Thích Huệ Đăng hiện là ủy viên ban hoằng pháp TW và là giảng
viên học viện PG tại Hà Nội.
Câu hỏi này ở đầu cửa miệng của nhiều người, nhất là những người Mác xít
mà tôi được quen biết. Tôi nghĩ rằng câu trả lời có hay không, phải hay
không phải, tuỳ thuộc vào vấn đề chúng ta hiểu từ ngữ “tôn giáo”, một
từ ngữ gốc Phương Tây (reli¬gion), như thế nào?
Nếu định nghĩa tôn giáo, tức đạo, là con đường dẫn tới chân lý và giác
ngộ và giải thoát, thì đạo Phật một đạo giác ngộ và giải thoát đúng là
một tôn giáo. Vì bản thân Phật pháp đã từng được đức Phật ví như cái bè
dùng để qua sông, hay ngón tay chỉ mặt trăng, nghĩa là như một phương
tiện, chứ không phải là một cứu cánh, thì đạo Phật đúng là một tôn giáo
như vậy.
Khác với giáo chủ của các tôn giáo khác, Đức Phật không bao giờ
tự gán cho mình quy chế Thượng đế, con Thượng đế, hay là phái viên của
Thượng đế. Phật tự xem mình là “vị thầy chỉ bày con đường” (Margadata),
tức là con đường Bát chánh đạo đã dẫn tới giác ngộ và giải thoát, con
đường đoạn trừ mọi khổ đau.
Đạo Phật xa lạ với mọi ý niệm vê một Thượng Đế cá nhân đẩy quyền năng vô
hạn. Đức Phật đến với loài người như một con Người giản dị nhưng hoàn
thiện, một con người đã được giác ngộ và giải thoát, và chỉ bày cho con
người con đường giác ngộ và giải thoát. Cũng vì đức Phật không tự cho
mình một quy chế Thượng đế hay một thần linh tối thượng, cho nên các tôn
giáo thần quyền thường đánh giá đạo Phật là đạo vô thần (atheistic).
Phật thường khuyên bảo học trò không nên tin lời Phật vì lòng kính trọng
đối với Ngài, mà vì lời dạy của Phật đúng đắn, dẫn con người đến giác
ngộ và giải thoát. Lời dạy của Phật không được xem như giáo điều, tuyệt
đối phải tin tưởng. Lời dạy của Phật phải được chúng ta kiểm nghiệm qua
cuộc sông thực tiễn như là người thợ vàng thử vàng vậy.Phật thường dạy học trò rằng một điều dù đúng hay sai không phải là do
quyền uy của vị đạo sư nói ra, hay được ghi trong sách thánh như là thần
khải.
Đối với Phật, quyền uy và thần khải không phải là tiêu chuẩn của
chân lý. Đối với đạo Phật tiêu chuẩn của chân lý là lý trí và sự kiểm
nghiệm của cuộc sống.
Khẳng định như vậy để nói rằng đạo Phật không phải
là một tôn giáo, nếu tôn giáo nghĩa là chấp nhận giáo điều, là tự biện
thần học, gọi là để tìm ra chân lý trong từng câu từng chữ của sách
thánh, là niềm lo sợ đối với cái thiêng liêng và siêu nhiên, là sự gửi
gắm cả cuộc đời mình cho thần linh hay Thượng đế… Nếu tôn giáo là như
vậy, thì đạo Phật sẽ không phải là tôn giáo, mà đúng hơn là một hệ thông
triết lý và đạo đức dẫn con người tới cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ.
Nhưng nếu tôn giáo là một cái gì đó tạo cảm hứng cho con người hướng tới
một cuộc sống tốt đẹp nhất, cao cả nhất, thúc đẩy con người tự hoàn
thiện mình bằng một nỗ lực đạo đức không ngừng, nếu tôn giáo nâng bổng
con người, vượt lên những nhu cầu vật chất tầm thường của cuộc sống, thì
đạo Phật là tôn giáo như vậy. Mà lạ lùng thay, một tôn giáo như đạo
Phật, không công nhận có linh hồn bất tử, cũng không công nhận có thượng
đế tạo thế, ấy thế mà từ khi ra đời ở Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm, nó
đã làm chấn động tận gốc rễ xã hội đẳng cấp lâu đời, buộc tất cả mọi tôn
giáo và triết phái truyền thông phải xét lại cơ sở giáo lý của mình. Và
sau khi nó vượt qua biên giới, nó trở thành một tôn giáo thế giới, nó
đã chinh phục trái tim và khối óc của hàng triệu người.
Ngày nay cũng
vậy trong khi các tôn giáo truyền thông và thần quyền đang chịu đựng
những thử thách lớn, đối diện với tiến bộ của khoa học như vũ bão, thì
đạo Phật vẫn đứng vững như bàn thạch. Đạo Phật mở con đường du nhập của
mình vào ngay trong lòng những nước đứng đầu trên thế giới về khoa học
và công nghệ, như Mỹ, Anh, Pháp, Đức,…Không phải vì là Phật tử mà chúng ta ca ngợi đạo Phật.
Chính các nhà
khoa học lớn, có tiếng tăm ca ngợi đạo Phật. Có thể trích ra đây lời
nhận xét của nhà bác học Albert Einstein đối với đạo Phật: “Tôn giáo
trong tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ, nó phải siêu việt hơn một
Thượng đế cá nhân, tránh giáo điều và thần học; bao quát cả hai mặt tự
nhiên và tâm linh. Nó phải dựa trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ sự
thực nghiệm của mọi sự vật, tự nhiên và tâm linh, được quan niệm như một
thể thống nhất có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng một mô tả như vậy. Nếu có một tôn giáo thỏa mãn được yêu cầu của khoa học hiện đại, thì tôn giáo đó là đạo Phật”(2).
Để chứng minh nhận xét của tôi về sự thành công của đạo Phật tại các
nước công nghiệp phương Tây, cho phép tôi đưa ra một trích dẫn nữa, lần
này là của một nhà nghiên cứu tôn giáo người Pháp trong một bài đăng
trong một đặc san nghiên cứu các tôn giáo của tờ Thế giới ngoại giao số
tháng 11 và 12/1999: “Phật giáo
chủ yếu là tôn giáo hiện đại: dành cho cá nhân, không giáo điều đạo đức,
kết hợp thân với tâm. Phật giáo có tất cả cơ may để phát triển ở phương
Tây, vì nó không đề xuất một sự cứu rỗi, xuất phát từ một thần linh bên
ngoài, mà là một phương pháp thực tiễn để thoát khỏi đau khổ và đạt tới
hạnh phúc, ngay tại thế giới này”(3).
Phật giáo không có một tổ chức tăng đoàn chặt chẽ, theo kiểu các tôn
giáo thần quyền phương Tây. Vì sao? Vì tinh thần dân chủ và bình đẳng
trong đạo Phật không cho phép có một tổ chức chặt chẽ như vậy. Không
phải trong thòi kỳ Phật giáo bộ phái ở Ấn Độ, mà ngay cả ở Trung Hoa,
Nhật Bản, tổ chức Phật giáo vẫn bao gồm nhiều giáo phái và hệ phái khác
nhau, với những chùa chiền, tu viện, và thiết chế giáo dục, của riêng
các giáo phái và hệ phái đó. Ở Việt Nam tuy có một giáo hội Phật giáo
Việt Nam được thành lập năm 1981, thế nhưng hiến chương của giáo hội tôn
trọng sự tồn tại trong phạm vi giáo hội của những giáo phái và hệ phái
khác nhau, như Phật giáo Nam tông, hệ phái Khất sĩ, Phật giáo Khơ-me,…
Ngày xưa, khi Thiên Chúa giáo mới bắt đầu vào nước ta, có sự phân biệt
đồng bào giáo và lương. Đồng bào giáo chỉ cho tất cả đồng bào theo tôn
giáo mới, tức Thiên Chúa giáo, còn đồng bào lương chỉ cho tất cả đồng
bào theo các đạo Phật, Nho, Lão hay bất cứ một tín ngưỡng bản địa nào
khác. Vì sao vậy? Phải chăng người Việt Nam cũng như người Á Đông nói
chung không có một quan niệm về tồn giáo chặt chẽ về mặt tổ chức như đạo
Thiên chúa.
Một người Trung Hoa, Nhật Bản hay người Việt Nam có thể
theo cả ba đạo Phật, Nho, Lão và cả đạo ông bà nữa mà trong lương tâm họ
không bị chi phối về mặt tâm lý bởi những bài thuyết giảng kiểu như
những bài thuyết giảng của các bậc tiên tri đạo Do Thái. Những bài
thuyết giảng này chống lại mọi biểu hiện của tà giáo và tà đạo, khi các
bộ tộc Do Thái từ kiểu sống du mục chuyển thành những bộ tộc định cư và
sản xuất nông nghiệp, sau khi vương quốc Israen đầu tiên được thành lập,
với các vua David, rồi Solomon, như đã được ghi chép trong sách Cựu
ước.Người Á Đông dù là ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, chấp nhận
tín ngưỡng đa thần giáo một cách tự nhiên, thông thoáng, có thể vì vậy
mà họ cũng không có tư tưởng kỳ thị tôn giáo. Tôn giáo nào cũng cung cấp
một câu trả lời mà tín đồ tin là thỏa đáng đối với ý nghĩa của nhân
sinh, của cuộc sống. Niềm tin của tín đồ có thể nông hay sâu, liên tục
hay ngắt quãng, nhưng niềm tin đó phải có, thì mới có tôn giáo, bởi lẽ
niềm tin tôn giáo là động lực khiến tín đồ sống cả đời theo niềm tin đó.
Điều đặc sắc của đạo Phật là sự kết hợp niềm tin với lý trí hay trí
tuệ,hiểu biết càng sâu thì niềm tin tôn giáo càng vững. Còn tổ chức của
giáo hội có chặt chẽ hay lõng lẻo, cũng không thành vấn đề. Thậm chí, có
những tín đồ của Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay một tôn giáo nào khác,
rất có thể không đi chùa, không đến nhà thờ, không chấp hành những nghi
lễ nào đó do giáo hội quy định, nhưng họ vẫn là tín đồ tôn giáo theo
đúng đòi hỏi lương tâm họ.
Đức Phật thường dạy học trò mình rằng: “Không nên chấp nhận những
lời dạy của Ta do lòng kính trọng, mà trước hết hãy kiểm nghiệm những
lời dạy đó, như dùng lửa thử vàng vậy”. Phật dạy: “Một điều là đúng hay sai, không phải là quyền uy và thần khải”.
Phật ví những tín đồ như một đoàn người mù, dẫn dắt nhau đi, người đi
đầu không thấy gì hết, người đi cuòi cũng không thấy gì hết. Phật cho
rằng chấp nhận chân lý và giác ngộ chân lý là hai chuyện khác nhau. Giác
ngộ chân lý như người nếm mật, còn chấp nhận chân lý là không hiểu, thì
cũng giống như người dùng thìa hứng mật, múc mật mà không nếm mật
vậy.Cũng như thế, đơn thuần chấp nhận chân lý do quyền uy của người
khác, dù
người khác đó là bậc đạo sư, sẽ không có được sự giác ngộ tâm -linh,
dẫn tới giải thoát tối hậu. Tuân thủ một truyền thống hay quyền uy, tự
nó không có giá trị gì hết. Để được giác ngộ, học hỏi là cần thiết,
nhưng sự học hỏi đó cần được bổ sung bằng thực nghiệm cá nhân.
Tôn giáo
luôn luôn là thực nghiệm qua cuộc sống như là vị thầy thuốc tốt nhất,
qua thân tâm của mình như là cuon sách quý nhất. Phật giáo là như vậy.
1. Tylor, Edward B. 1871, Primi¬tive Culture (Văn hóa nguyên thủy).
London: John Murray; Đặng Nghiêm Vạn, 2001, Lý luận về tôn giáo và tình
hình tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia; Keyes,
Charles F. 2006. “Dẫn luận: Sự thăng trầm của nghiên cứu nhân học về tôn
giáo” trong Những vấn đề nhân học tôn giáo. Đào Thế Đức dịch; Nguyễn
Văn Chính hiệu đính, Đà Nẵng, Hội KHLSVN, Nxb. Đà Nẵng, tr 7-27.2. Phra
Sripariyattimoli, 1999, The Buddha in the Eyes of Eminent
Scholars (Đức Phật trong con mắt của các học giả uyên bác), Mahachu-
lalongkorn BuddhistUniversity3. Frederic Lenoir, 1999, Monde
diplomatique, Novembre-Decembre.
Theo: Tạp chí Xưa và Nay
|