|
Theo
nghĩa Hán- Việt, Nguyên là đầu tiên, còn đán là buổi sớm; vì thế, Tết
Nguyên đán có nghĩa là tết đầu năm mới (trong dân gian trước kia còn gọi
tết này là Tết Cả - cái Tết quan trọng nhất, và điều đó được phân biệt
bởi chữ tết được viết hoa (Tết) so với các tết khác trong năm như tết
Hàn thực (mồng 3/3), tết Đoan Ngọ (mồng 5/5), tết Trung Thu (15/8) hay
tết cơm mới (10/10).
Mốc lịch tính năm mới hiện nay lấy tháng Dần
là tháng đầu tiên – tháng Giêng, nên còn gọi là lịch “kiến Dần”. Cách
tính này cũng mới bắt đầu ở Trung Quốc từ thời Hán Vũ đế ( năm 140 TCN),
còn trước đó, nhà Ân dùng lịch “kiến Sửu” (lấy tháng 12 theo âm lịch
bây giờ để tính là đầu năm mới – chính sóc), nhà Chu lại “kiến Tý” (lấy
tháng mười một làm đầu năm) và nhà Tần dùng lịch “kiến Tý” (lấy tháng
mười làm đầu năm). Tuy vậy, sử dụng lịch “kiến Dần” nhưng cũng không hẳn
là chúng ta sử dụng lịch Trung Hoa, bởi theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng
thì, lịch này là sự kết hợp giữa lịch can- chi của vùng Hoa Bắc và
“lịch 12 con vật” của miền Việt cổ (Bách Việt); do đó, nên gọi nó là
lịch Việt- Hoa và cái Tết (hiện nay chúng ta đang tính) nên gọi là Tết
Việt – Hoa.
Theo các nhà nghiên cứu, Tết Nguyên đán có thể được
xếp vào Hội mùa, một sinh hoạt văn hóa theo mùa và là lễ hội lớn nhất.
Vì thế, cũng giống như những lễ hội khác mà ta bắt gặp trên mọi miền đất
nước, nhiều sinh hoạt văn hóa được diễn ra trong những ngày Tết, mà
trong đó, không biết từ bao giờ, đi lễ chùa đã trở thành một nét văn hóa
của người dân Việt. Trong trường hợp này, chữ “chùa” được dùng để gọi
chung cho nhiều loại di tích khác như đền, phủ, miếu, đình…- những di
tích liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.
Ngay sau khi
bước qua thời khắc giao thừa/giao thời, nhất là từ sáng mồng Một Tết,
người dân nô nức đến chùa cầu phúc, cầu bình an và may mắn. Nhiều người
còn coi đi chùa đầu năm là một truyền thống văn hóa của gia đình, mà các
thành viên đều phải và tự nguyện tuân thủ. Chúng ta dễ dàng bắt gặp
hình ảnh cả gia đình với 3, 4 thế hệ cùng đến chùa vào dịp đầu Xuân mới.
Và nếu trước kia “trẻ vui nhà, già vui chùa’- ngôi chùa là nơi để các
cụ (bà) lui tới, thì nay, cả giới trẻ cũng lựa chọn chùa là điểm đến đầu
năm.
Có thể giải thích được hiện tượng này: Phật giáo tuy là một
tôn giáo khởi nguồn từ Ấn Độ, song đã có mặt ở Việt Nam khoảng 2000 năm
nay. Sở dĩ có một thời gian dài tồn tại trên đất Việt, nên tinh thần,
tư tưởng của đạo Phật đã ăn sâu, bén rễ trong đời sống tinh thần của
người Việt; còn các ngôi chùa – dấu ấn vật chất của Phật giáo cũng đã
trở thành một thực thể, một bộ phận cấu thành nên làng xã của người Việt
Nam. Không biết từ bao giờ, câu nói “đất vua, chùa làng, phong cảnh
Bụt” đã trở thành thành ngữ trong kho tàng tiếng Việt. Với những ảnh
hưởng sâu đậm ấy, nên dù trong cuộc sống đời thường hay đời sống tinh
thần, xã hội của mỗi người Việt Nam đều có những ảnh hưởng từ Phật giáo,
nó quen thuộc đến độ dường như đã trở thành tiềm thức, khiến ngay cả
chúng ta cũng khó có thể nhận ra. Phật giáo quan niệm ngày đêm được chia
thành 6 thời, và thời nào cũng tốt. Nhưng để hướng tới một tương lai
tốt đẹp hơn, trong kinh điển Phật giáo Đại thừa ghi lại ngày khánh đản
(ngày vía) Phật Di Lặc – Phật Đương lai là ngày mồng Một tháng Giêng,
vì thế, Phật giáo còn gọi ngày Xuân là Xuân Di Lặc. Vị Phật này được
nghệ thuật điêu khắc dân gian thể hiện là một người béo, đẹp (thân thể
khỏe mạnh), miệng cười an lạc (tinh thần/tâm hồn vui vẻ). Xét trên
phương diện khoa học, khó có thể khẳng định tính xác thực của thông tin
này, nhưng rõ ràng, thời điểm ra đời của Phật Di Lặc đã thỏa mãn được
(hay nói chính xác hơn, là sự thể hiện) mong ước của con người: mỗi năm
mới sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn so với năm qua, bởi họ cho
rằng, ngày mồng Một Tết là ngày đầu tiên của tháng đầu tiên trong một
năm và nếu “đầu đã xuôi”, thì ắt “đuôi sẽ lọt”. Vì thế, nếu ngày đầu
năm đã may mắn, vui vẻ thì ắt cả năm cũng sẽ được như vậy.
Người
Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà
đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại
phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ, mỗi
người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Mùi
hương trầm, mùi nến, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian
thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng,
thanh thản.
Chỉ một tục lệ đầu năm đã trở nên quen thuộc - đến
chùa lễ Phật - với mong ước hanh thông vạn sự, sức khỏe dồi dào, ta còn
thấy ở đó bản sắc văn hóa của người Việt Nam nói chung, từng vùng miền
nói riêng được thể hiện rõ nét. Ví như: người Nam bộ cho rằng đầu năm
phải đi lễ thập tự (10 chùa) và đến chùa không cần lễ vật, nếu có cũng
chỉ cần nhang đăng, hoa quả; còn với người dân Bắc bộ lại quan niệm:
càng đi nhiều chùa càng tốt và phải có lễ vật kèm theo, gồm: hương, hoa,
tiền vàng và một lá sớ chữ Nho, trong đó ghi những điều cầu mong của
gia chủ. Đặc biệt, trong lời văn khấn của người miền Bắc thường có vần,
có điệu, âm vực khi trầm khi bổng nên nghe như có tiếng nhạc ngân nga
trong không gian thâm nghiêm của đình chùa, tạo nên sự linh thiêng, hư
ảo. Đặc biệt, lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa một thứ gì đó về
làm lộc đầu năm như một cành hoa, một loại quả…
Quan niệm về một
vị Phật mang lại hạnh phúc, may mắn ra đời vào ngày đầu năm mới cùng với
truyền thống “uống nước nhớ nguồn” – luôn nhớ ơn những người đã có công
với nước, với làng và với mỗi gia tộc, dòng họ cùng với những mong ước
của mỗi cá nhân đã được hòa quyện với nhau để tạo thành một tục lệ tốt
đẹp ngày đầu Xuân. Nhưng không chỉ có thế, ta còn tìm thấy ở đó cả những
ảnh hưởng của Đạo giáo. Có 3 ngày lễ quan trọng nhất trong năm theo
quan điểm của Đạo giáo dân gian, đó là Tam nguyên, gồm lễ Thượng nguyên
còn gọi là Thiên quan tích phúc (cầu xin cái phúc của Trời/mong Trời ban
cho phúc) vào ngày 15/Giêng, lễ Trung nguyên hay Địa quan xá tội (xin
Đất xóa bỏ cho mọi tội lỗi) vào ngày 15/7 và Hạ nguyên hay còn gọi là
Thủy quan giải ách (lấy Nước để gột rửa đi những tai ách, vận hạn) vào
ngày 15/10. Có lẽ vì thế nên trong dân gian vẫn truyền tụng câu “Đi lễ
quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” và ta vẫn thấy ghi trên các cuốn
lịch blốc dòng chữ” Tết Thượng nguyên vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch).
Cũng qua 3 ngày lễ này, ta có thấy được vũ trụ quan của người Việt cổ:
thế giới tự nhiên xung quanh con người có 3 tầng (tam giới): Trời, Đất
và Nước. Quan niệm này còn xuất hiện trong tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam tòa
Thánh Mẫu, gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa – sau này bị thay bằng Mẫu
Thượng Ngàn, khi tầng lớp thị dân ngày càng phát triển- và Mẫu
Thủy/Thoải).
Do sự kết hợp ấy nên vào thời điểm giao thừa, ở mỗi
gia đình thường có lễ “tống cựu, nghinh tân” (tống tiễn cái cũ, những
cái xấu và đón điều mới, những điều tốt đẹp). Lễ vật không cần cầu kỳ mà
cốt ở tấm lòng thành, nhưng dù đơn giản đến mấy cũng không thể thiếu
tấm bánh chưng – một phẩm vật tưởng chừng rất bình dị song chứa đựng
nhiều ý nghĩa. Mâm lễ được đặt ở ngoài sân – nơi trời đất có thể giao
hòa vào thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Và vào thời điểm
chuyển giao của vũ trụ, của tự nhiên, gia chủ thắp 3 nén hương để cầu
mong mọi tốt lành sẽ đến với gia đình trong năm mới.
Một tục lệ
nữa cũng được chú ý là tục “xông đất” đầu năm: chọn một người nào đó để
nhờ đến nhà mình trước tiên vào năm mới, với hy vọng người đó sẽ đem may
mắn đến cho gia đình suốt cả năm. Có khá nhiều quan niệm khác nhau về
việc lựa chọn người xông đất, nào là người đó phải hợp với tuổi của ông
chủ gia đình mời đến xông nhà, nào là người đó không phạm vào tuổi “kim
lâu”, nào là theo phép ngũ hành tương sinh, tương khắc. Ví dụ như: năm
Tân Mão sắp tới thuộc Mộc (Tùng Bách mộc), mà Thủy (nước) thì dưỡng mộc,
nên những ai mệnh Thủy xông nhà thì sẽ thuận; còn như không có mệnh
Thủy thì có thể chọn người cùng mệnh, bởi quan niệm “lưỡng Mộc thành
lâm” (nhiều cây hợp lại thành rừng), tuyệt đối không chọn người mệnh Hỏa
xông nhà… Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm dân gian, khó có thể xác định
được đúng sai, nhưng có một điều chắc chắn, những người được chọn “xông
đất” phải là người khỏe mạnh, gia đình thuận hòa, êm ấm, công việc ổn
định…
Chúng ta đang ở những thập niên đầu của thiên niên kỳ thứ
3, khi khoa học công nghệ đang phát triển với tốc độ như vũ bão, khi
con người dành ngày càng nhiều thời gian hơn cho công việc và chịu áp
lực công việc cũng tương ứng, thì một tục lệ tưởng chừng đơn giản – đi
lễ chùa- không chỉ là việc cầu mong Phật, Tổ ban cho những điều may mắn
hay thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình, mà đi lễ chùa còn như là một đối
trọng với những áp lực công việc và tạo cho mỗi con người những “khoảng
trống” cần thiết trong tâm hồn, tạo sự cân bằng cho cuộc sống của họ.
Bởi vậy, chắc chắn tục lệ tốt đẹp này sẽ còn trường tồn cùng người Việt
và dân tộc Việt./.