Văn hóa Phật Giáo
Ý Nghĩa Khoa Học Của Tư Thế Hoa Sen
03/03/2010 07:34 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thiền là những hình thức tập trung tư tưởng để điều hòa cảm xúc, hòa hợp thân và tâm, nâng cao tâm thức để thể nhập vào chân tánh thanh tịnh. Điều cơ bản nhất của quá trình hành thiền là luôn tỉnh giác, quan sát, để biết được điều gì đang xảy ra nơi thân và tâm.

Tuy nhiên, do nghiệp lực thôi thúc hoặc do áp lực của cuộc sống hiện đại, việc gìn giữ chánh niệm trong cả bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, thường không dễ dàng. Do đó, bên cạnh việc duy trì một chế độ ăn uống, sinh hoạt và giao tiếp thích hợp, thì việc dành ra những thời khắc nhất định trong ngày để thực hành tọa thiền với tư thế kiết già (hoa sen) cũng là một trợ duyên có nhiều ý nghĩa.

Về mặt khoa học, những thí nghiệm về yoga cho thấy chỉ cần ngồi vào tư thế kiết già, dù ta không cố gắng tập trung tư tưởng vẫn có một sự thay đổi sóng não từ nhịp beta khoảng 20 chu kỳ/giây xuống nhịp alpha khoảng 8 chu kỳ/giây. Nhịp alpha là sóng não của một người đang trầm tĩnh và minh mẫn, tâm lý ổn định. Điều này có ý nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng làm êm dịu thần kinh, một yếu tố quan trọng dể dẫn dắt người tập dễ đi đến tình trạng thư giãn, nhập tĩnh.

Kết quả trên cũng phù hợp với những lý luận và thực tế lâm sàng của y học châm cứu cổ truyền về huyệt tam âm giao, khi biết rằng ở tư thế kiết già xương mác của một chân đã tạo một sức ép khá mạnh lên đúng vị trí của huyệt tam âm giao của chân còn lại. Điều này có ý nghĩa là trong suốt thời gian ngồi kiết già, huyệt tam âm giao liên tục được kích hoạt. Ở những người thường ngồi tư thế này, sức ép tạo ra một dấu ấn trên mặt da tại vùng huyệt trông giống như một vết thương cũ đã lành. Huyệt tam âm giao ở chỗ lõm bờ sau xương chày. Đối với người có tầm vóc trung bình, huyệt ở trên mắt cá chân khoảng 6 đến 6,5cm. Được gọi là tam âm giao vì huyệt là giao điểm giao hội của ba đường kinh âm: túc thái âm tỳ, túc thiếu âm thận và túc quyết âm can. Theo quan niệm chỉnh thể của y học phương đông, một tạng hoặc một phủ khi phát sinh bệnh biến sẽ có biểu hiện trên đường tuần hành của đường kinh đi qua nó. Ngược lại ta cũng có thể thông qua những huyệt vị trên đường kinh để điều chỉnh những rối loạn bệnh lý của các tạng phủ bên trong. Ở đây là can thận chủ hạ tiêu, tỳ chủ trung tiêu. Do đó, khi tác động vào huyệt tam âm giao ta có thể điều chỉnh toàn bộ quá trình chuyển hóa, hấp thu và bài tiết ở khu vực này. Đặc biệt là tác dụng “dưỡng âm kiện tỳ” và “sơ tiết can khí” của huyệt. tác dụng này giúp tái lập cân bằng nội tiết, nội tạng và điều hòa thần kinh giao cảm. Chính điều này giúp an định cả thân và tâm trong quá trình hành thiền.

Việc kính hoạt vào huyệt tam âm giao của tư thế kiết già còn làm sáng tỏ thêm một nghi vấn khác. Đó là ở tư thế này chân hữu chồng lên chân tả hay ngược lại, chân tả phải chồng lên chân hữu? Trên thực tế, hệ thống kinh lạc ở hai bên thân thể, bên phải và bên trái có tính tương đồng và đối xứng nhau. Do đó, thì ngồi cách nào thì một trong hai huyệt, hoặc tam âm giao phải hoặc tam âm giao trái sẽ được tác động. Hơn nữa, tam âm giao là một trong số ít các huyệt vị có tính tự điều chỉnh rất cao. Dù kích thích vào huyệt theo cách nào, lâu hay mau, bên phải hay bên trái, thì hiệu ứng mang lại vẫn là cải thiện, là điều chỉnh để tiến tới hòa hợp và cân bằng. Do đó, tùy theo sở thích hoặc thói quen của mỗi người, cả hai cách ngồi trên đều mang lại kết quả tốt cho việc hành thiền. 

 

Đánh máy: Cư sĩ T.Mai

Nguồn: Khoa học phổ thông số 148

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch