Dân tộc Việt Nam là một chủng tộc có ngôn ngữ riêng biệt thuần nhất, có nền văn
hóa nhân bản đặc thù, siêu việt và nền văn hóa này có khả năng chuyển hóa, dung
hợp tinh ba của tất cả nền văn hóa nhân loại biến thành chất liệu sống và ý
nghĩa sự sống bồi dưỡng cho sanh mệnh dân tộc mang tánh chất Rồng Tiên nẩy nở
phát triển và trường tồn bất diệt trải dài lịch sử hơn bốn ngàn năm văn hiến kể
từ khi lập quốc cho đến ngày nay. Đặc tánh Rồng Tiên, theo “Hai Ngàn Năm Việt
Nam Và Phật Giáo” của Lý Khôi Việt, trang 51 giải thích: ”Rồng tượng trưng cho
hùng tráng dũng mãnh tung hoành, Tiên biểu tượng cho thanh thoát cao quý, hòa
điệu”. Vì có khả năng chuyển hóa và dung hợp của nền văn hóa Việt Tộc
(Chủng tộc Việt Nam), dân tộc Việt Nam đã tiếp xúc, hấp thụ và Việt hóa những
tinh hoa của các trào lưu văn hóa đông tây qua các Tôn Giáo mang vào như Phật
Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo, Thiên Chúa Giáo..v..v... để bồi đắp cho nền văn hóa
độc lập, tự chủ, nhân bản, bất khuất của Rồng Tiên.
I. SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA VĂN HÓA PHẬT GIÁO VÀ VĂN HÓA VIỆT TỘC:
Trong suốt hai ngàn năm lịch sử, đạo Phật luôn luôn có mặt trong lòng dân tộc
Việt Nam khắp nẻo đường đất nước và gắn bó với dân tộc Việt Nam trong mọi thăng
trầm vinh nhục. Có thể nói văn hóa Phật Giáo suốt dòng lịch sử đã hòa mình và
hợp nhất với nền văn hóa Việt Tộc trở thành một tổng thể bất khả phân ly qua
ngôn ngữ, qua tư tưởng, được biểu lộ nơi mọi nếp sinh hoạt xã hội, nơi nếp sống
tâm linh. Hai nền văn hóa hợp nhất này đã thể hiện rõ nét trong phong tục tập
quán, trong văn học bình dân cũng như trong văn học bác học. Danh từ chuyên môn
của Phật Giáo như: trí tuệ, từ bi, thiện ác, nhân quả, nghiệp báo..v..v......
nếu tách rời ra khỏi nền văn học Việt Nam thì văn hóa Việt Tộc trở nên khô cằn
không còn sức sống tinh anh nữa. Những chứng tích về văn hóa Phật Giáo hòa đồng
trong nền văn hóa Việt Tộc như sau:
1) Những Chứng Tích Về Tục Ngữ:
Tục Ngữ là ngôn ngữ dân gian mà người bình dân Việt Nam thường sử dụng để trao
đổi tư tưởng cho nhau. Những tư tưởng trong ngôn ngữ dân gian được gọi là văn
hóa bình dân.
Những danh từ chuyên môn của Phật Giáo đã biến thành văn hóa Việt Tộc qua ngôn
ngữ của người bình dân Việt Nam thường sử dụng, đã được trao truyền cho nhau
trong dân gian mà chúng ta đã thấy tản mát nơi văn học bình dân. Chúng tôi xin
đơn cử ra đây một vài câu tục ngữ để chứng minh giá trị sự hội nhập của văn hóa
Phật Giáo trong văn hóa Việt Tộc, điển hình như những từ ngữ: “Tội nghiệp quá!”;
“Hằng hà sa số”, “Ta bà thế giới”, ”Lù khù nhưng ông Cù độ mạng” ..v..v...
a) Người bình dân mỗi khi thấy những ai bất hạnh, bị hoạn nạn đau khổ thì liền
tỏ lòng thương xót và thốt lên câu: “Tội nghiệp quá!”... Hai chữ tội nghiệp là
danh từ chuyên môn của Phật Giáo với ý nghĩa chỉ cho nghiệp báo tội ác đã định.
Cụm từ tội nghiệp quá! là câu nói của người bình dân hàm súc hai ý nghĩa: Một
là quan tòa định tội; và hai là tâm linh chia xẻ.
Quan tòa định tội, nghĩa là người này đã gây nghiệp tội ác quá nặng cho nên giờ
đây phải chịu quả báo khổ đau không thể trốn tránh. Tâm tình chia xẻ, nghĩa là
thấy họ hoạn nạn đau khổ thì bộc lộ tâm tình thương hại thốt lên câu: Tội
Nghiệp Quá! để san sớt phần nào niềm đau nỗi khổ của họ.
b) Người bình dân muốn diễn tả số lượng người ta quá đông đảo hoặc số lượng vật
gì quá nhiều thì liền dùng câu “Hằng hà sa số” để tỏ bày. Hằng hà sa số là danh
từ chuyên môn của Phật Giáo với ý nghĩa là số nhiều như cát sông hằng. Sông
Hằng (sông Gange) là chỉ cho một trong hai con sông lớn nhất của Ấn Độ. Ấn Độ
có hai con sông nổi tiếng thế giới là sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Gange) và
hai con sông này khai nguồn tài nguyên sức sống cho toàn thể dân tộc Ấn Độ phát
triển và tồn tại. Trong các kinh luận, Phật Giáo cũng thường dùng những ngôn từ
“Hằng Hà Sa Số” nhằm để nói lên số lượng quá nhiều không thể đếm được.
c) Khi thấy một số người đi lang thang khắp nơi, sống rày đây mai đó, không
chịu dừng chân một chỗ nào lâu dài, người bình dân thường gắn cho họ một ngôn
từ đơn giản là kẻ sống “Ta bà thế giới”. “Ta bà thế giới” là ngôn từ chuyên môn
của Phật Giáo nhằm chỉ cho thế giới tổng hợp bao gồm cả năm cõi mà năm loại
chúng sanh sống chung lộn lẫn nhau và sống quan hệ với nhau, như thế giới địa
Ngục, thế giới Ngạ Quỷ, thế giới Súc Sanh, thế giới loài người, thế giới các
cõi Trời và những thế giới nói trên có một danh từ gọi chung là Dục Giới. Thế
giới Ta Bà hay Dục Giới là chỉ cho những cõi mà Đức Phật Thích Ca làm giáo chủ
và ngài thường xuyên qua lại những cõi đó để hóa độ chúng sanh. Ngôn từ Ta Bà
Thế Giới của Phật Giáo đã được Việt Nam tiếp nhận trở thành văn hóa Việt Tộc.
d) Trong xóm làng, có một số người với trình độ văn hóa giới hạn, không biết
đua chen với đời, cứ sống buông trôi cho qua ngày đoạn tháng, nhưng không biết
tại sao họ lại được rất nhiều may mắn ngoài khả năng của họ. Đối với những hạng
này, người bình dân Việt Nam thường dùng ngôn từ “Lù khù nhưng ông Cù độ mạng”
để chỉ sự may mắn nói trên của họ. Lù khù là chỉ cho hạng người khờ dại, ngây
thơ, không biết chút gì về cuộc đời. Ông Cù gọi cho đủ là ông Cù Đàm (ông
Gautama) tức là chỉ cho dòng họ của Đức Phật Thích Ca. “Lù khù nhưng ông Cù độ
mạng” nghĩa là: những hạng người này sở dĩ được may mắn là nhờ Đức Phật Thích
Ca độ mạng.
Còn nhiều chứng tích khác về tục ngữ đã được hàm chứa sâu sắc tinh thần Phật
Giáo và những tục ngữ đó hiện đang tàng trữ trong kho văn học Việt Nam mà ở đây
chúng ta chưa có thì giờ mang ra khai thác để làm phong phú cho nền văn hóa
Việt Tộc. Chúng ta hy vọng một ngày nào đó cố gắng thực hiện công trình khai
thác văn hóa Việt tộc thêm được sáng tỏ những tư tưởng thâm sâu của Phật Giáo
đang ẩn tàng trong nền văn học Việt Nam mà các vị tiền nhân đã dày công xây
dựng.
2) Những Chứng Tích Về Ca Dao:
Ca dao là những câu hò tiếng hát theo giọng điệu tự nhiên, phát xuất từ tâm hồn
mộc mạc đầy tình cảm của người bình dân Việt Nam, được lưu truyền trong dân
gian. Những câu ca dao này mang tánh chất tư tưởng, tình cảm của dân tộc nhằm
diễn tả luân lý, đạo đức, tình ý, phong tục, tập quán, trạng thái thiên nhiên,
đặc tính xã hội của từng thời kỳ. Tư tưởng Phật Giáo thâm nhập vào ca dao Việt
Nam tự bao giờ và tản mát khắp tâm hồn của người bình dân, không có ranh giới
thời gian cũng như không có khu biệt không gian. Điển hình như những bài ca dao
sau đây đượm nhuần tư tưởng của Phật Giáo:
a) Người Việt Nam, tự ngàn xưa, rất tin tưởng triết lý thiện ác nghiệp
báo, nhân quả, luân hồi và ý thức được giá trị nguyên lý duyên sanh (tương quan
với nhau trong sự sanh tồn) của Phật Giáo. Để thể hiện tinh thần đùm bọc lẫn
nhau, họ thường hát lên những câu hò, những lời ru...v.v... nhằm tỉnh thức cho
nhau nên “tránh dữ làm lành”, mong mỏi cuộc sống được hạnh phúc an vui lâu đời,
đồng thời hy vọng con cháu sau này nương nhờ ân huệ đó tiến thân được lạc
nghiệp, cho nên mới ngâm lên hai câu ca dao:
Ai ơi! Hãy ở cho lành,
Kiếp này không được, để dành kiếp sau.
Hai câu ca dao này hàm súc triết lý của đạo Phật rất sâu sắc mà người bình dân
thời xưa đã được tiêu hóa trong tâm hồn thành chất liệu sống, ngoài vấn đề tiêu
biểu đạo đức của Phật Giáo là “ở cho lành” và lại còn thể hiện tư tưởng nhân
quả luân hồi một cách thâm diệu qua hai câu “Kiếp Này” và “Kiếp Sau”. Họ căn cứ
nơi dòng thời gian trải dài từ vô thỉ (trừ vô cực) cho đến vô chung (cộng vô
cực) xuyên qua ba giai đoạn quá khứ, hiện tại và vị lai, mà tin tưởng rằng sẽ
có kiếp sau, vì có kiếp này, cũng như tin tưởng rằng sẽ có ngày mai vì có ngày
hôm nay, mặc dù kiếp sau và ngày mai chưa bao giờ đến với họ. Vì tin tưởng
những lý lẽ đó, họ mới khuyên cho nhau một cánh ngọt ngào, tha thiết, đậm đà
bằng hai câu ca dao nêu trên mang theo ý nghĩa “tránh dữ làm lành” và những
điều lành đó tuy rằng không được thụ hưởng ở kiếp này nhưng rồi sẽ được thụ
hưởng ở kiếp sau chẳng bao giờ biến mất.
b) Theo lý “Vô thường” của Phật Giáo, cuộc đời là giả tạo, kiếp sống của
con người là duyên sanh hoàn toàn không có thực thể, không được trường tồn. Sự
giả tạo của cuộc đời cũng như sự tạm bợ của kiếp người chẳng khác nào bọt nước,
mây trôi, ngựa qua cửa sổ, có đó rồi mất đó, không định trước được ngày mai.
Cuộc đời giả tạo cũng như kiếp người tạm bợ là nguyên lý đích thực không một ai
thoát khỏi và cũng không một ai chối bỏ được. Người bình dân thời xưa ý niệm
được nguyên lý vô thường, cuộc đời giả tạo này một cách tinh tường và tâm hồn
họ bộc lộ lên rất thâm thiết qua hai câu ca dao sau đây để tỉnh thức cho nhau
với lời khuyên nhiệt tình, bảo rằng đừng đua chen theo bả lợi danh giả tạo của
cuộc đời mà quên hẳn đi giá trị của con người; hai câu ca dao đó như sau:
Cuộc đời đâu khác loài hoa,
Sớm còn tối mất nở ra lại tàn.
Hai câu ca dao trên cho chúng ta nhận thức được người bình dân thời xưa, họ đã
thâm hiểu sâu xa lý vô thường của Phật Giáo, cho nên khéo dùng hình ảnh sớm nở
tối tàn của loài hoa để nói lên một cách chính xác về giá trị tạm bợ của kiếp
người cũng như sự giả tạo của cuộc đời. Con người hiện hữu thật rất đúng với ý
nghĩa là “Sống ngày nay dễ biết ngày mai, khoảng đường sanh tử nào hay tỏ
tường.”
c) Thời xưa người bình dân thì rất tin tưởng về đạo đức hơn tài năng. Họ cảm
thấy những kẻ có tài năng xuất chúng nhưng không tránh khỏi những tai họa đau
khổ của cuộc đời mang đến; còn những kẻ không có chút tài năng nào mà lại được
gặp nhiều may mắn bất ngờ, cho nên họ mới thốt lên câu: “Có đức không sức mà
ăn”. Từ đó họ lấy đạo đức làm kim chỉ nam cho cuộc đời và cổ võ ai nấy đều phải
lấy đạo đức để tô bồi cho nếp sống làm người, thế nên họ mới hát lên hai câu ca
dao sau đây để cảnh tỉnh dân gian:
Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
“Thần Phù” theo Việt Nam Tự điển, là tên của con sông Chính Đại, thuộc huyện
Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đổ ra vịnh Bắc Việt. Cửa sông này về sau bị cát bồi
thành đất liền và cuối đời nhà Lê dân cư lập thành một Tổng, gọi là Tổng Thần
Phù. Người dân lúc bấy giờ thường chèo thuyền qua lại trên cửa sông Thần Phù
này, có người thì bị chìm chết và có người thì được thoát nạn. Qua những thực
trạng đó, người dân mới mượn hình ảnh cửa Thần Phù để biểu tượng cho cửa Sanh
Tử; hai chữ “Lênh đênh” là biểu tượng cho sự luân hồi của sanh tử; chữ “Nổi” là
biểu tượng cho sự giải thoát lên cõi Niết Bàn; chữ “Chìm” là biểu tượng cho sự
đọa lạc vào cõi địa Ngục; hai chữ “KhéoTu” là chỉ cho những kẻ giác ngộ, biết
chuyên cần tu tập đạo đức cho mình. Hai câu ca dao trên đây là gợi lên những
hình ảnh có liên quan với đạo đức để cảnh tỉnh dân gian chuyên cần tu tập tránh
dữ làm lành giúp cho đời sống được an lạc và giải thoát qua tinh thần Phật
Giáo.
Văn hóa Phật Giáo có thể nói đã hòa mình sâu xa và rộng rãi, biến thành văn hóa
Việt Tộc, được thấy tản mát qua những câu Ca Dao dưới mọi hình thức, trong mọi
trạng huống, có chỗ thì bộc lộ cụ thể và có nơi thì gợi ý tâm tình để nói lên ý
nghĩa nào đó. Với nội dung bài này, chúng ta chỉ đem một vài nét Ca Dao để
chứng minh văn hóa Phật Giáo hiện diện trong văn hóa Việt Tộc mà ở đây không
thể đem ra lý giải toàn bộ những tư tưởng sâu xa của Phật Giáo đã chứa đựng
trong nền văn học nói trên.
3) Những Chứng Tích Về Văn Học Bác Học:
Nền văn học bác học của dân tộc Việt Nam đã được ảnh hưởng nền văn hóa Phật
Giáo có thể tạm lấy móc câu khởi điểm từ nền văn học chữ Nôm và tiếp đến nền
văn học chữ Hán trở về sau. Đứng trên lãnh vực nền văn học bác học, văn hóa
Phật Giáo đã dung hóa vào văn hóa Việt Tộc vô cùng phong phú. Cụ thể như tác
phẩm Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, Truyện Kiều của Nguyễn Du, cho
đến Văn Học Lý Trần đã nói lên một cách hùng hồn sự đóng góp rất lớn của văn
hóa Phật Giáo cho nền văn hóa Việt Tộc.
a) Trước hết chúng ta duyệt xét “Cung Oán Ngâm Khúc” của Nguyễn Gia Thiều.
Thi Hào Nguyễn Gia Thiều, trong “Cung Oán Ngâm Khúc” đã mượn tư tưởng Phật Giáo
để diễn tả sự si mê của con người không biết cuộc đời là vô thường, không biết
kiếp sống là giả tạo như giấc mộng Nam Kha mà cứ mãi đam mê chạy theo bả vinh
hoa, mùi phú quý bẩn thỉu, hôi tanh giống như con thiêu thân trước ngọn đèn
dầu, rốt cuộc rồi chỉ còn lại hai bàn tay không. Điều đó được thấy trong đoạn
thơ dưới đây:
Mùi phú quý giữ làng xa mã,
Bả vinh hoa lừa gã công khanh.
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.
Chẳng những thế, mấy đoạn thơ sau đây của Thi Hào Nguyễn Gia Thiều còn diễn tả
thân phận khổ đau của các hạng người chỉ biết chạy theo danh lợi phù du giả
tạo, suốt đời trút hết tiềm năng nhựa sống cho bả danh hư, mùi phú quí, rốt
cuộc thân phận của mình như bọt nước, như mây trôi chẳng được chút gì, để rồi
vóc hình của mình trở nên đầu bạc da nhăn, bùn pha sắc xám, chỉ chuốc lấy hoàn
cảnh phũ phàng, vương mang đau khổ chồng chất:
Gót danh lợi bùn pha sắc xám,
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu,
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.
b) Kế đến Thi hào Nguyễn Du với đoạn Trường Tân Thanh, Thi hào dựa theo
tác phẩm “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu sáng tác thành
thi phẩm để gởi gấm tâm sự của mình. Thanh Tâm Tài Nhân thì căn cứ theo học
thuyết Thiên Mệnh của Nho Giáo tạo dựng tác phẩm Kim Vân Kiều Truyện. Học
thuyết Thiên Mệnh trong Kim Vân Kiều Truyện nghĩa là “Bắt phong trần phải phong
trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao.” Trời đã định sẵn số mệnh của nàng
Kiều là phải chết dưới sông Tiền Đường để chấm dứt cuộc đời hồng nhan bạc mệnh.
Ngược lại Thi Hào Nguyễn Du thì chống đối học thuyết Thiên Mệnh của Nho Giáo mà
đã Thanh Tâm Tài Nhân tin tưởng, bằng cách nương theo học thuyết Nhân Quả
Nghiệp Báo của Phật Giáo xây dựng nên tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh”. Học
thuyết Nhân Quả Nghiệp Báo trong đoạn Trường Tân Thanh chính là: “Đã mang lấy
nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn bởi tại lòng
ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Học thuyết Nhân Quả Nghiệp Báo đã
thay thế học thuyết Thiên Mệnh là không cho nàng Kiều kết thúc cuộc đời bạc
mệnh dưới sông Tiền Đường, mà phải được sống để tái hợp với Kim Trọng qua sự
vớt lên của sư Giác Duyên. Theo học thuyết Nhân Quả Nghiệp Báo, mối tình đầu
giữa nàng Kiều và Kim Trọng chính là Nghiệp Nhân và nàng Kiều được tái hợp với
Kim Trọng chính là Nghiệp Quả mà sư Giác Duyên là biểu tượng cho học thuyết của
Phật Giáo làm gạch nối gieo duyên. Đại ý cốt truyện của hai tác phẩm vừa
trình bày trên nhằm diễn tả những tư tưởng sai biệt của hai học thuyết Phật
Giáo và Nho Giáo; những tư tưởng của hai học thuyết này qua cốt truyện của hai
tác phẩm thì luôn luôn nghịch biến với nhau, đồng thời cùng nhau viễn tiến trên
hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Điều thông minh nhất của Thi
Hào Nguyễn Du ở chỗ, ngoài những áng văn chương linh hoạt ra, Thi Hào còn khéo
léo chuyển đổi từ từ cốt truyện đã được xây dựng trên học thuyết Thiên Mệnh lần
lần biến sang học thuyết Nhân Quả Nghiệp Báo mà không thấy chút kẽ hở khuyết
điểm nào, cho nên các độc giả mỗi khi nghiên cứu đến tác phẩm Đoạn Trường Tân
Thanh nếu không để ý thì chẳng thấy được những chỗ độc đáo đó. Đọc văn cầu lý,
chúng ta nhờ nhìn thấy được sự dụng ý độc đáo của Nguyễn Du trong Đoạn Trường
Tân Thanh thì vô cùng thán phục và tôn vinh Nguyễn Du với danh nghĩa xứng đáng
là một Thi Hào và cũng là một Văn Hào của thời đại.
c) Nền Văn Học Lý Trần là những chứng tích hùng hồn nhất về sự đóng góp vĩ đại
của Phật Giáo cho nền văn hóa Việt Tộc và những tích này nói lên được sự phát
triển cao độ của văn hóa Phật Giáo qua văn hóa Việt Tộc. Dù bất cứ thời đại
nào, hoặc thương hay ghét, cũng không thể chối bỏ được sự đóng góp này của Phật
Giáo trong sự tô điểm phồn vinh cho nền văn hóa Việt Tộc trên lãnh vực độc lập
và tự trị. Người nào nếu như bóp méo sự thật về nền văn học Lý Trần thì người
đó vô tình đã chà đạp lên nền văn hóa Việt Tộc một cách trắng trợn và người đó
cũng là kẻ phản bội dân tộc Việt Nam.
Văn Học Lý Trần đã được các học giả nổi tiếng bình giảng qua nhiều tác phẩm, và
ở đây với nội dung của bài tham luận hạn hẹp này, chúng ta không cần phải đề
cập đến cho dư thừa mà cũng không có điều kiện và thời gian để khai triển tận
cùng những tư tưởng sâu xa trong Văn Học Lý Trần, ngõ hầu nói lên giá trị văn
hóa Phật Giáo đã hội nhập súc tích vào nền văn hóa Việt Tộc. Chúng ta hy vọng
một ngày nào đó, trong thời gian thuận tiện sẽ trình bày riêng biệt với chủ đề
“Những Tư Tưởng Phật Giáo Trong Nền Văn Học Lý Trần” thì sẽ cống hiến đến quý
độc giả bốn phương những nhận xét mới về giá trị độc đáo của Phật Giáo trong
văn hóa Việt Tộc.
II. SỰ ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO CHO NỀN VĂN HÓA VIỆT TỘC:
Trong tất cả văn hóa của các tôn giáo, văn hóa Phật Giáo đối với nền văn hóa
Việt Tộc, rất hãnh diện là không có điểm nào xấu xa tội lỗi đã ghi đậm trong
lịch sử Việt Nam; nghĩa là văn hóa Phật Giáo chưa bao giờ làm tay sai cho bất
cứ thế lực vô minh ngoại lai nào chà đạp lên nền văn hóa Việt Tộc, không dựa
theo bạo lực phi nhân xây dựng trên xương máu của dân tộc Việt Nam mà lại còn
đóng góp rất lớn cho nền văn hóa Việt Tộc trải dài hơn suốt hai ngàn năm lịch
sử kể từ khi lập quốc. Nguyên do Phật Giáo đến với dân tộc trên tình thương và
hòa bình, đã chung sống với dân tộc trong sự bao dung, cùng chia xẻ sự thăng
trầm vinh nhục với dân tộc trải dài hơn hai ngàn năm lịch sử. Dân tộc Việt Nam
rất cần sự có mặt của Phật Giáo như cần hơi thở, cần cơm ăn áo mặc. Muốn chứng
minh những điều nói trên, chúng ta hãy duyệt xét lại sự có mặt cũng như sự trưởng
thành của Phật Giáo trên đất nước Việt Nam.
1) Sự Có Mặt Của Phật Giáo Trên Đất Nước Việt Nam:
Một số người cho rằng, Phật Giáo có mặt đầu tiên trên đất nước Việt Nam là do
Phật Giáo Trung Hoa truyền vào qua các thời đại thống trị của Trung Hoa. Nguyên
vì họ thấy nghi lễ của Phật Giáo Việt Nam giống như nghi lễ của Phật Giáo Trung
Hoa, và lễ phục cũng như cách thờ tự của Phật Giáo Việt Nam không khác cho mấy
về lễ phục và cách thờ tự của Phật Giáo Trung Hoa. Họ hiểu như thế là hoàn toàn
sai lầm và không biết chút nào về nguồn gốc lịch sử Việt Nam. Một số người có ý
đồ muốn chối bỏ sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong Phật Giáo Việt Nam,
nhưng họ lại bị ảnh hưởng văn hóa ngoại lai khác và văn hóa đó hoàn toàn xa lạ
không có chút nào quan hệ với văn hóa Việt Tộc. Phải hiểu rằng theo nguồn gốc
giống nòi, chủng tộc Việt Nam từ thuở xa xưa là giống Viêm Tộc một trong cộng
đồng đa chủng của nước Trung Hoa, bốn ngàn năm trước kỷ nguyên, chủng tộc Viêm
Tộc thời đó đã lập quốc ở Động Đình Hồ thuộc hạ lưu sông Dương Tử nằm giữa nước
Tàu với danh xưng là Bách Việt. Chủng tộc Viêm Tộc đều phát nguồn từ giống
Mésopotamie và Turkestan (Lịch Sử Văn Minh Trung Quốc của Will Durant do Nguyễn
Hiến Lê dịch, Văn Ngệ xuất bản, trang 19- 20). Đặc tính chủng tộc Viêm Tộc có
thể ảnh hưởng rất nhiều đặc tính của cộng đồng đa chủng của nước Trung Hoa. Cho
nên sự thông minh của dân tộc Việt Nam không thua sự thông minh của người Trung
Hoa. Qua những dữ kiện đó, chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy sự sinh hoạt của
dân tộc Việt Nam tại sao lại tương đồng với sự sinh hoạt của người Trung Hoa về
một vài lãnh vực như tình cảm, ăn mặc, tín ngưỡng ..v.v... Đấy là sắc thái văn
hóa tổng hợp của Việt Tộc. Riêng về Phật Giáo, văn hóa của Phật Giáo Việt Nam
cũng là một loại văn hóa tổng hợp của hai nền văn hóa Phật Giáo Ấn Độ và Phật
Giáo Trung Hoa. Muốn biết sự tổng hợp như thế nào của hai nền văn hóa Ấn Hoa,
chúng ta trước hết phải khảo sát thời gian sự có mặt của Phật Giáo Ấn Độ trên
đất nước Việt Nam và trên đất nước Trung Hoa để ấn định giá trị. Thời gian có
mặt của Phật Giáo Ấn Độ trên hai đất nước này được nhận định như sau:
a) Theo sử liệu, Phật Giáo có mặt trên đất nước Việt Nam trước khi có mặt
ở Trung Hoa, kể từ đầu kỷ nguyên Tây Lịch khoảng hơn 300 năm. Theo “Đạo Phật Và
Dòng Sử Việt” của Hòa Thượng Đức Nhuận, trang 18-19 ghi:
“Phật Giáo phát nguồn từ Ấn Độ đầu tiên được truyền đến Việt Nam vào khoảng 300
năm trước Tây Lịch do phái đoàn của vua A Dục tổ chức và hai vị sư cầm đầu phái
đoàn tên là Soma và Uttara. Tại Đồ Sơn thuộc Giao Chỉ, cách Hải Phòng 12 cây
số, có một bảo tháp tên là A Dục Vương (Asoka) do hai nhà sư Ấn Độ của phái
đoàn nói trên xây dựng nên. Về sau bảo tháp này bị hư hoại và đến khoảng giữa
thế kỷ XI Tây Lịch, vua Lý Thánh Tông lại xây một bảo tháp khác nơi bảo tháp
nói trên lấy tên là Tháp Tường Long, nhưng ngày nay ngôi bảo tháp Tường Long
được cải biến thành ngôi chùa mang nhãn hiệu là Chùa Tường Long. Tiểu sử về hai
ngọn bảo tháp A Dục Vương và Tường Long còn để lại một bài thơ với nhan đề là
Tháp Sơn Hoài Cổ và bài thơ này tả cảnh về hai bảo tháp nói trên. Bài thơ đó
được dịch nghĩa như sau:
Tháp xưa lau cỏ tốt bời bời,
Vua Dục đi, vua sau cũng đổ rồi!
Chuông nặng ngàn cân kêu đáy nước,
Tháp cao chín bậc hóa thành vôi.
Chú tiều dựng củi nằm đo đá,
Trẻ mục lùa trâu vội xuống đồi.
Lên núi muốn cùng Sư giảng kệ,
Chuông đâu mà đánh thử một hồi?”
Cũng trong “Đạo Phật Và Dòng Sử Việt” của Hòa Thượng Đức Nhuận, trang 20 - 21
ghi rằng: ”Vào khoảng 435 trước Tây Lịch, Phò Mã Chử Đồng Tử và Công Chúa Tiên
Dung Mỵ Nương, cháu của Hùng Vương đời thứ 3, thọ giáo với sư Phật Quang (Sư
Bần) tại Chùa Hang nơi Đồ Sơn thuộc cửa biển của sông Thái Bình, tỉnh Hưng Yên.
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có đền thờ Chử Đồng Tử bên bờ sông Thái Bình.”
Trong thời gian từ 300 năm trước Tây Lịch vừa kể trên, Trung Hoa hoàn toàn chưa
biết gì về Phật Giáo cả. Mãi đến năm 67 Tây Lịch, Trung Hoa mới bắt đầu có Phật
Giáo với những tác phẩm: Tứ Thập Nhị Chương, Thập Địa Đoạn Kết Kinh, Pháp Hải
Tạng Kinh, Phật Bản Hạnh Kinh, Phật Bản Sinh Kinh, Nhị Bách Lục Thập Giới Hợp
Dị do hai vị sư Ma Đằng và Trúc Pháp Lan người Tây Vực dịch ra chữ Hán tại Chùa
Bạch Mã. Hai vị sư này do Hán Linh Đế thỉnh từ Tây Vực sang để truyền bá Phật
Giáo tại nước này.
b) Song song với Phật Giáo Trung Hoa vào đầu kỷ nguyên Tây Lịch, Theo “Việt Nam
Phật Giáo Sử Luận” của Nguyễn Lang, quyển I, trang 12 - 13, Phật Giáo Việt Nam
đã phát triển lớn mạnh tại Giao Châu với một trung tâm gọi là Trung Tâm Luy
Lâu, hiện nay trung tâm này thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trung Tâm Luy
Lâu được các nhà sư Ấn Độ từ nơi hai Trung Tâm Amaravati và Nagarjunakonda
thuộc Phật Giáo đại Thừa đến đây xây dựng và Trung tâm này đã đào tạo rất nhiều
nhơn tài lỗi lạc. Vào khoảng thế kỷ thứ II Tây Lịch, một nhân vật nổi tiếng
xuất thân từ Trung Tâm Luy Lâu chính là Mâu Bác với tác phẩm Lý Hoặc Luận mang
tánh chất tư tưởng Đại Thừa và tác phẩm này có giá trị tuyệt đỉnh, lý luận sắc
bén, phát huy giáo nghĩa cao thâm của Phật Giáo.
Bên Trung Hoa, sau Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, khoảng thời gian 80 năm sau Tây
Lịch vào thời đại Hậu Hán, có ngài An Thế Cao và ngài Chi Lâu Ca Sấm từ Ấn Độ
sang Trung Hoa tiếp tục truyền bá Phật Giáo tại nước này (Lịch Sử Phật Giáo
Trung Quốc của Thích Thanh Kiểm, trang 7 và 8).
c) Cũng theo “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” của Nguyễn Lang, trang 73
và 76, vào khoảng thế kỷ thứ III Tây Lịch, Thiền Tông Việt Nam có trước Thiền
Tông Trung Hoa và người đầu tiên sáng lập Thiền Tông Việt Nam là Thiền sư
Khương Tăng Hội với quyển kinh An Ban Thủ Ý làm kim chỉ nam. Thiền sư Khương
Tăng Hội xuất thân từ Trung Tâm Luy Lâu. Trong thời gian này, Trung Hoa chỉ có
Thiền Học mà chưa có Thiền Tông do nhóm người của ngài An Thế Cao đầu tiên phát
huy. Mãi đến thế kỷ thứ VII Tây Lịch, Trung Hoa mới có Thiền Tông xuất hiện do
Bồ Đề Đạt Ma chủ trương.
d) Có một số người lầm lẫn rất lớn cho rằng Tỳ Ni Đa Lưu Chi là đệ tử của
Tăng Xán và những người quan niệm như thế là chịu ảnh hưởng sâu đậm theo lối
nhận thức của kẻ thống trị Trung Hoa; người thống trị Trung Hoa luôn luôn chủ
trương rằng tất cả phong tục, tập quán ..v..v... kể cả văn hoá Phật Giáo Việt
Nam đều do Tàu ban ân huệ cho. Trên thực tế Tỳ Ni Đa Lưu Chi không phải là đệ
tử của Tăng Xán, mặc dù hai vị có yết kiến với nhau. Tỳ Ni Đa Lưu Chi là người
của Mật Tông Ấn Độ với ba quyển kinh: Tượng Đầu, Báo Nghiệp Sai Biệt và Tổng
Trì, lẽ dĩ nhiên trong Mật Tông cũng có phương pháp Thiền định, nhưng phương
pháp Thiền định của họ theo kiểu Mật Giáo. Còn Tăng Xán là vị tổ thứ 3 của
Thiền Tông Trung Hoa và Thiền Tông Trung Hoa thì thuộc về loại cực đoan, đả phá
tất cả các tông phái khác kể cả Mật Tông, vì họ chủ trương: “Ly ngôn thuyết
tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng” và trên thực tế họ để lại rất
nhiều kinh sách, rất nhiều sử liệu về Thiền phái mà trong đó không có chút nào
“Ly” cả. Cho nên trong nước Trung Hoa lúc bấy giờ, Thiền Tông và Mật Tông không
bao giờ gặp nhau và cũng không thể sống chung với nhau, mặc dù hai vị có tham
khảo với nhau. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, quyển I, trang 111
ghi rằng: “Khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi gặp Tổ Tăng Xán, thấy phong độ phi phàm, liền
chấp tay ba lần, Tổ vẫn ngồi yên không nói năng gì. Trong lúc đứng chờ đợi suy
tư, tâm bỗng mở ra như có chỗ sở đắc, ông liền lạy xuống ba lạy..v..v....... Tổ
nói: “Ông mau mau đi về phương Nam mà tiếp xúc với thiên hạ, không nên ở lâu
tại đây.” Đây là lời nói của những người chịu ảnh hưởng quá nặng tư tưởng ngoại
lai cho rằng cái gì của Tàu cũng là trên hết. Tỳ Ni Đa Lưu Chi mục đích đến
Trung Hoa là muốn nương tựa Thiền Viện của Thiền Tông Trung Hoa để truyền bá tư
tưởng Mật Tông nên mới diện kiến với Tăng Xán để giao duyên sơ ngộ. Khi gặp
Tăng Xán, Tỳ Ni Đa Lưu Chi lịch sự liền chấp tay chào hỏi ba lần. Hiện tượng
ngồi yên không trả lời của Tăng Xán là tỏ thái độ không chấp nhận sự có mặt của
Tỳ Ni Đa Lưu Chi vì ông này không đồng tư tưởng với mình. Theo phép xã giao, Tỳ
Ni Đa Lưu Chi kính trọng bằng cách đảnh lễ ba lạy với hy vọng Tăng Xán cởi mở
tâm tình chấp nhận cho mình được nương tựa nơi Thiền Viện. Không ngờ Tăng Xán
quá tự phụ và còn đuổi khéo bảo Tỳ Ni Đa Lưu Chi nên về phương Nam để truyền
đạo. Tỳ Ni Đa Lưu Chi đảnh lễ Tăng Xán không có nghĩa là thọ giáo làm đệ tử,
nguyên vì Tỳ Ni Đa Lưu Chi khi sang Việt Nam chỉ trao truyền Mật Tông cho Pháp
Hiền mà không bao giờ trao truyền Thiền Tông theo kiểu Tăng Xán. điểm đáng ghi
nhận trong Thiền Tông, Bồ Đề Đạt Ma thì gối đầu kinh Lăng Già Tâm Ấn làm phương
châm cho phái Thiền, Tăng Xán thì gối đầu Tam Luận Tôn, Hoằng Nhẫn và Huệ Năng
thì gối đầu kinh Kim Cang, Tỳ Ni Đa Lưu Chi thì gối đầu Tổng Trì và Khương Tăng
Hội thì gối đầu An Ban Thủ Ýù.
2) Sự Đóng Góp Của Phật Giáo Cho Đất Nước Việt Nam:
Trên con đường dựng nước và phát triển đất nước từ Nam Quan đến Cà Mau, ba tông
phái có công rất lớn cho nền văn hóa Việt Tộc chính là Thiền Tông, Mật Tông và
Tịnh Độ Tông. Ba Tông phái này như cái đỉnh ba chân đứng vững vàng trên đất
nước Việt Nam và cũng là nền tảng cho các phái Thiền khác nẩy nở và phát triển
trong mảnh đất thân yêu của dân tộc Việt Nam.
a) Trong thời kỳ lập quốc, Thiền Tông Vô Ngôn vào thế kỷ thứ IX Tây Lịch
đầu tiên đã đóng góp công trình rất lớn vào việc lập quốc qua nhân vật lịch sử
nổi tiếng là Thiền Sư Khuông Việt. Thiền Sư Khuông Việt tên là Ngô Chân Lưu cố
vấn chánh trị cho đinh Bộ Lĩnh lập nên Đế nghiệp với chức vụ Khuông Việt Thái
Sư và tiếp theo được Đinh Tiên Hoàng đế tấn phong chức Tăng Thống để lãnh đạo
Phật Giáo. Ngoài ra Thiền phái này còn sản xuất rất nhiều nhân tài lỗi lạc, như
Thái Tông, Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ v..v... đã tạo được thế đứng cho
tông phái Thiền trong lòng dân tộc qua các triều đại.
Nhìn về quá khứ của hệ phái Thiền trong tiến trình hệ thống truyền thừa kể từ
Ấn Độ cho đến Việt Nam được ghi nhận, trước hết Đức Phật Thích Ca truyền thừa
phái Thiền bằng cách “Tải Vật Ấn Ký”, nghĩa là Đức Phật cầm một vật gì đưa lên
trước đại chúng và vị nào trong đại chúng ngộ được ý của Phật qua vật đó là
chứng được Thiền, trường hợp như Đức Phật thọ ký tổ đầu tiên cho phái Thiền là
ngài Ca Diếp với phương pháp “Tải Vật ấn Ký” nói trên. Về sau các Tổ kế tiếp
truyền thừa phái Thiền bằng cách dùng “Kệ ấn Ký”, nghĩa là các thiền sinh sáng
tác những bài kệ tụng liền đệ trình lên Tổ và Tổ ấn ký cho bài kệ tụng nào thì
vị sáng tác bài kệ tụng đó liền được chứng Thiền. Thiền Tông khi đến Trung Hoa
thì có phần hơi khác về cách truyền thừa. Cách truyền thừa của Thiền Tông Trung
Hoa kể từ nơi Bồ Đề Đạt Ma là sử dụng “Y Bát Trao Truyền” để định mức giá trị
chứng đắc của các đệ tử gọi là Tổ Tổ Tương Truyền và cách truyền thừa này
truyền mãi đến ngài Huệ Năng mới bỏ phương pháp “Y Bát Truyền”.
Sang Việt Nam, Thiền Tông Vô Ngôn thì truyền thừa bằng phương pháp “Gia Phả”,
nghĩa là sử dụng điệp Phái ghi danh sự chứng đắc của đệ tử để trao sự nghiệp kế
thừa Tổ Truyền. Về sau mãi đến năm 1712 Tây Lịch, Thiền Tông Lâm Tế thuộc phái
Nguyên Thiều mới đổi phương pháp truyền thừa theo lối “Thi Kệ”, nghĩa là các đệ
tử trình lên Tổ những bài thi kệ và Tổ ấn ký bài thi kệ nào là vị đó chứng Thiền.
Khi được chứng Thiền, vị được ấn ký nói trên liền trở thành Tổ và có quyền
thành lập một hệ phái Thiền riêng theo bài thi kệ đắc pháp của mình, nghĩa là
vị Tổ đã được chứng Thiền liền sử dụng những chữ trong bài thi kệ đắc pháp từng
tự đặt Pháp Danh cho đệ tử theo dòng kệ vừa được ấn ký để truyền thừa. Bao
nhiêu dữ kiện vừa trình bày trên cũng đủ nói lên được những điểm đặc sắc của hệ
phái Thiền từ Ấn Độ cho đến Việt Nam.
b) Kế đến, Mật Tông Tỳ Ni cũng tiếp theo sự nghiệp của Thiền Tông Vô
Ngôn, đào tạo rất nhiều Long Tượng xứng đáng, thông bác mọi mặt như văn hóa,
chánh trị, ngoại giao, tôn giáo..v..v....... hậu thuẫn cho các triều đại kể từ
triều đại Tiền Lê cho đến triều đại Nhà Lý suốt hơn 215 năm phát triển quốc
gia. Riêng trong triều đại Tiền Lê, vào khoảng 980 Tây Lịch, một nhân vật nổi
bật nhất với danh nghĩa Quốc Sư Pháp Thuận xuất thân từ Mật Tông Tỳ Ni, theo
Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, từ trang 161 - 168, người đã đưa Lê Đại Hành
từ địa vị Tiết độ Sứ Giao Châu lên đến chức vị Nam Bình Vương. Tiếp theo, cũng
trong Mật Tông Tỳ Ni, một nhân vật thứ hai vô tiền khoáng hậu là Quốc Sư Vạn
Hạnh, người đã tạo thế đứng kiên cố nhất cho dòng họ đời Lý suốt 215 năm. Quốc
Sư Vạn Hạnh ngoài sự chứng đắc về Mật Giáo, còn thông bác cả chánh trị và ngoại
giao, khéo liên kết và dung hợp các khuynh hướng văn hóa, chánh trị và tôn giáo
biến thành chất liệu keo sơn để làm nền tảng vững chắc cho triều đại nhà Lý xây
dựng đất nước. Theo Thiền Học Việt Nam của Nguyễn Đăng Thục, trang 207 đến 222,
dưới triều đại nhà Lý, nước Việt Nam lúc bấy giờ với danh xưng là Đại Cồ Việt
đã có bảy trào lưu văn hóa và tín ngưỡng khác nhau như:
1- Văn Hóa Động Cổ cũng gọi là Văn Hóa Đông Sơn.
2- Văn Hóa Cổ Mộ cũng gọi là Văn Hóa Lạch Trường.
3- Văn Hóa Phật Ấn của Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
4- Văn Hóa Phật Hoa của Vô Ngôn Thông.
5- Văn Hóa Bà La Môn của Chiêm Thành và Chân Lạp.
6- Văn Hóa Hán Nho của Chư Tử và Sĩ Nhiếp.
7- Văn Hóa Lạt Ma Tây Tạng của Nam Chiếu.
Quốc Sư Vạn Hạnh đưa ra triết lý Dung Tam Tế nhằm mục đích dung hợp bảy trào
lưu văn hóa tín ngưỡng dị biệt vừa kể trên tạo thành “Trung Lưu Chỉ Trụ”, nghĩa
là nền văn hóa Việt Tộc đứng vững giữa dòng sông tư tưởng, để làm nên tảng căn
bản cho triều đại Nhà Lý phát triển.
Sau vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có làm bài thơ ca ngợi Quốc Sư Vạn Hạnh:
“Vạn Hạnh Dung Tam Tế,
Chơn phù cổ sấm ky (cơ),
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ tích trấn vương lỳ.”
Nghĩa là:
Quốc Sư Vạn Hạnh dung thông được ba cõi, (cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô Sắc),
Đúng với phù hiệu tiên tri của thời cổ xưa,
Quê hương danh tiếng là Cổ Pháp (Kinh đô Phật Giáo Việt Nam thời xưa)
Quốc sư đem gậy Mật Giáo bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
c) Tịnh Độ Tông thì góp mặt trên đất nước Việt Nam tự bao giờ không có
lịch sử, nhưng hiện nay đã trở thành tín ngưỡng của dân gian. Người đời sở dĩ
biết đến tông phái này là nhờ tín ngưỡng Quan Thế Âm. Tín ngưỡng Quan Thế Âm có
thể phát xuất từ văn hóa Nam Chiếu và cũng có thể phát xuất từ văn hóa Tỳ Ni Đa
Lưu Chi. Văn hóa Nam Chiếu theo sử liệu thì chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Tạng và
văn hóa Tây Tạng lại tôn vinh đức Quan Thế Âm trên hết. Hơn nữa biểu tượng cho
văn hóa Quan Thế Âm chính là Chùa Một Cột mà Chùa Một Cột đã được vua Lý Thái
Tông xây dựng vào năm 1049 Tây Lịch và Chùa này thì lại thờ đức Quan Thế Âm với
hình tướng Đức Phật Chuẩn Đề. Theo Mật Tông Đức Phật Chuẩn Đề là hóa thân của
đức Quan Thế Âm và Chùa Một Cột lại được xây dựng dưới sự chỉ đạo của hệ phái
Mật Tông Tỳ Ni trong triều đại Nhà Lý. Do đó tín ngưỡng Quan Thế Âm có thể xác
định là xuất phát từ văn hóa Nam Chiếu và văn hóa Mật Tông Tỳ Ni. Những nơi còn
quan hệ thêm nữa với giai thoại Quan Thế Âm như giai thoạt Quan Thế Âm cũng là
tín ngưỡng của dân Chiêm Thành và cũng là tín ngưỡng của dân Trung Hoa Mạc Cửu
tại miền Nam Việt Nam. Bao nhiêu dữ kiện vừa trình bày qua cũng đủ chứng minh
cho sự có mặt của Tịnh Độ Tông trên đất nước Việt Nam.
Ngoài ra Tịnh Độ Tông trở thành niềm tin mạnh nhất của dân tộc Việt Nam cũng có
thể một phần nào chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Tịnh Độ Tông của triều đại nhà
Đường và Tịnh Độ Tông của nhà Đường hòa nhập vào Việt Nam qua cánh cửa tín
ngưỡng Quan Thế Âm trong thời gian lệ thuộc nước Tàu. Cụ thể hơn nữa Tịnh Độ
Tông sau này trở thành văn hóa Việt Tộc phải nói đến là nhờ công lao lớn nhất
của Chúa Nguyễn Hoàng ra tay xây dựng. Vào khoảng năm 1528, Chúa Nguyễn Hoàng
vào Nam lập quốc, sống trên đất tín ngưỡng của Chiêm Thành và của Thủy Chân
Lạp, liền chủ trương Thiền Tịnh Song Tu để xây dựng và mở mang đất đước miền
Nam. Theo chủ thuyết Thiền Tịnh Song Tu của Chúa Nguyễn, Thiền Tông thì có bổn
phận chỉ đạo và Tịnh Độ Tông thì có bổn phận kết hợp và dung hóa để tạo thành
tài nguyên sung túc làm hậu thuẫn cho Nhà Nguyễn trên con đường mở nước. Thiền
Tông của Chúa Nguyễn chính là Thiền Tông dùng kệ truyền thừa của Lâm Tế Nguyên Thiều
mà không phải là Thiền Tông Trúc Lâm Tam Tổ và cũng không phải là Thiền Tông
Thảo đường. Tịnh Độ Tông của Chúa Nguyễn đi vào văn hóa Việt Tộc với hai biểu
tượng song hành chính là Chùa Làng và Đình Làng, hai biểu tượng này đã được xây
dựng trải khắp miền Nam Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, nghĩa là chỗ nào
có làng là chỗ đó có Chùa và có Đình. Về sau chủ thuyết Thiền Tịnh Song Tu của
Chúa Nguyễn phát triển lan tràn ra miền Bắc trở thành văn hóa toàn diện là khi
nhà Nguyễn thống nhất đất nước.
d) Thiền Tông Trúc Lâm là Thiền phái thuần túy của Việt Nam do người Việt
Nam sáng lập mà tổ đầu tiên tạo dựng Thiền phái vào khoảng năm 1228 Tây Lịch
chính là Trần Thái Tông. Thiền Tông Trúc Lâm là biểu tượng sự tiến hóa của nền
văn hóa Phật Giáo trên đất nước Việt Nam mà nó không phải là Thiền phái hội
nhập vào văn hóa Việt Tộc, nguyên vì Thiền phái này chỉ dành riêng cho giai cấp
thượng lưu trí thức đương thời tu tập và nó không có tánh cách phổ quát trong
mọi tầng lớp dân gian. Hơn nữa, suốt 180 năm của thời đại Nhà Trần, Nho Giáo
mới là chính thống nhập thế tích cực, đóng vai trò chủ yếu của truyền thống văn
hóa Việt Tộc và trong thời gian đó vai trò Phật Giáo mà đại biểu là Thiền Tông
Trúc Lâm thì có tánh cách yếm thế tiêu cực, chỉ dành riêng cho những hạng hưu
trí hồi quan nương thân vào Thiền Môn để an thân thủ phận. Thiền phái này chỉ
truyền thừa được ba đời thì chấm dứt gọi là Trúc Lâm Tam Tổ, mặc dù về sau cũng
còn một vài ngôi chùa nối tiếp sự nghiệp Thiền Phái Trúc Lâm, nhưng rồi cũng
chìm trong quên lãng, vì họ không tạo được thế đứng trong tâm hồn dân gian.
e) Riêng Thiền Tông Thảo đường thì được thành lập vào khoảng năm 1069 Tây
Lịch và người thành lập chính là Thiền sư Thảo Đường, đệ tử Thiền sư Tuyết Đậu
Minh Giác bên Tàu. Người được truyền thừa tâm ấn của Thiền sư chính là vua Lý
Thánh Tông, tổ thứ hai của Thiền Tông Thảo đường. Đặc biệt hơn hết từ xưa đến
nay ở Việt Nam, Thiền Tông Thảo đường thuộc về loại Thiền mang sắc thái Nghệ
Thuật và Thi Ca. Trong văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm thi thơ mang chất
liệu văn hóa Thiền qua nghệ thuật âm nhạc và tất cả đều chịu ảnh hưởng sâu xa
của Thiền Tông Thảo đường. Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Thích Mật Thể,
Thiền Tông Thảo đường chỉ truyền thừa được 5 đời và đắc đạo được 19 người. Nhưng
nghệ thuật và thi ca của Thiền phái Thảo đường thì đã ăn sâu vào tâm hồn dân
gian biến thành văn hóa Việt Tộc không có ranh giới thời gian và được lưu
truyền mãi mãi về sau. Hiện nay, chất liệu văn hóa nghệ thuật thi ca của Thiền
phái Thảo đường vẫn còn sống dậy dạt dào trong tâm hồn dân gian Việt Nam. Điển
hình như hiện giờ, nào Thơ Thiền, Hội Họa Thiền, điêu Khắc Thiền, Dân Ca Thiền
.v.v... thi đua xuất hiện và tràn ngập khắp mọi nơi, truyền đến mọi tầng lớp
dân gian và có thể nói tất cả đều chịu ảnh hưởng đậm đà của văn hóa Thiền phái
Thảo đường.
III. TÓM LƯỢC:
Qua những dữ kiện vừa chứng minh ở trên, Phật Giáo Việt Nam vô cùng hãnh diện
là:
1) Đầu tiên không phải do Phật Giáo Trung Hoa truyền sang mà chính là do
Phật Giáo Ấn Độ mang đến. Gần 3.000 năm lịch sử, Phật Giáo Ấn Độ đã mang đến
cho dân tộc Việt Nam với bao tâm hồn thân thương, hòa ái, bao dung, che chở, đã
tô đậm lên những nét son lịch sử sáng ngời. Phật Giáo Ấn Độ đi vào mảnh đất
Việt Nam trong sự vinh quang tuyệt đỉnh, tưới lên chất liệu từ bi, un đúc địa
linh nhân kiệt, tạo nên sinh mệnh giống nòi, đem nguồn trí tuệ sáng soi, dẫn
dắt con dân nước Việt khai thông sanh lộ, mở mang bờ cõi, bồi dưỡng ý chí kiên
cường bất khuất cho con Lạc cháu Hồng bằng chất liệu Dũng Cảm Tinh Tấn, đủ sức
kiên trì nhẫn nhục, vượt qua mọi gian nguy, vun xới cơ đồ, giữ gìn gia nghiệp
muôn thuở để lại cho con cháu mai sau.
Người Việt Nam đầu tiên hân hoan đón nhận hạt giống Bồ Đề Phật Giáo Ấn Độ mang
chất liệu Từ Bi, Trí Tuệ và Dũng Mãnh Tinh Tấn gieo trồng vào mảnh đất Việt Nam
chính là Phò Mã Chử đồng Tử và Công Chúa Tiên Dung, cháu của Hùng Vương đời thứ
3, ngõ hầu làm cây đại thọ chở che cho giống nòi nương tựa. Từ đó về sau con
Lạc cháu Hồng cứ tiếp tục gieo trồng cây Bồ Đề Phật Giáo Ấn Độ lan rộng khắp nơi
trên mảnh đất quê hương.
Chất liệu cây đại thọ Bồ Đề Phật Giáo Ấn Độ cũng từ đó kết tinh thành sinh mệnh
của Việt Tộc mở cửa đón nhận tất cả trào lưu tư tưởng Phật Giáo đến từ khắp
nơi, dung hóa và tô bồi nền văn hóa Việt Tộc trở nên phong phú phồn vinh. Lúc
bấy giờ sinh mệnh của Việt Tộc và sinh mệnh của Phật Giáo cùng nhau hòa hợp xây
dựng thành Phật Giáo Việt Nam trải dài hơn hai ngàn năm lịch sử, un đúc thành
những tuấn kiệt hùng anh, những Long Tượng phi phàm bao gồm cả Quốc Gia và Phật
Giáo góp phần công đức vô lượng vào việc vun xới cơ đồ mở mang bờ cõi phát huy
chánh pháp từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.
2) Nhìn riêng về Phật Giáo Việt Nam, vào thế kỷ thứ II Tây Lịch, khi nói
về những Long Tượng nổi bật nhất, xuất thân từ Trung Tâm Luy Lâu là phải kể đến
Mâu Bác và Khương Tăng Hội, hai vị đã phát huy chánh pháp sáng rực trong vòm
trời Việt Nam.
Kế đến vào thời kỳ tự chủ Nhà Đinh lấy mốc từ năm 968 Tây Lịch trở về sau làm
chuẩn đích, các hệ phái Phật Giáo Việt Nam như Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ
Tông .v..v... Suốt dòng lịch sử đã cùng nhau nối tiếp khai sơn phá thạch, vun
xới cơ đồ phát huy chánh pháp, đắp xây nền văn hiến Lạc Việt lưu truyền vĩnh
cửu.
Các hệ phái Thiền Tông, Mật Tông và Tịnh Độ Tông nói trên đã đào luyện rất
nhiều Long Tượng tinh anh, như Khuông Việt Ngô Chân Lưu ..v..v... thuộc hệ phái
Vô Ngôn, như Quốc Sư Pháp Thuận, Quốc Sư Vạn Hạnh ..v..v... thuộc hệ phái Mật
Giáo, như Chúa Nguyễn Hoàng, Tổ Nguyên Thiều, Tổ Liễu Quán ..v..v... thuộc hệ
phái Thiền Tịnh Song Tu, các vị đó đã từng lấy máu chép kinh, lấy xương làm bút
viết lên những trang sử oai hùng trên con đường mở nước và phát huy chánh pháp.
Nhất là Thiền Tịnh Song Tu, đã vun bồi cho dòng máu Lạc Hồng, chuyển hóa sức
sống Rồng Tiên tô thắm nền văn hóa Việt Tộc sáng ngời muôn thuở.
3) Ngày nay, sau biến cố 75, con dân nước Việt ào ạt vượt biên ra nước
ngoài đi tìm đất sống và đã được định cư khắp năm châu bốn biển. Trên con đường
tìm đất tự do, họ cũng mang theo nền văn hóa Việt Tộc đã được un đúc chất liệu
Thiền Tịnh Song Tu để làm sản phẩm tinh thần cho giống nòi phát triển. Trong
cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã có sẵn tài nguyên văn hóa Việt Tộc và cũng đã
có sẵn chất liệu Thiền Tịnh Song Tu, chúng ta chỉ có nhiệm vụ nối tiếp tiền
nhân, kết hợp chuyển hóa, khai thông sinh lộ, vun xới tài nguyên, tưới lên chất
liệu Thiền Tịnh Song Tu, đắp xây vững bền nền văn hóa Việt Tộc để chuyên chở
giống nòi Lạc Việt trưởng thành và tồn tại muôn đời trên mảnh đất tự do, quê
hương mới lập. Ưu tiên cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại, những ai làm tròn
nghĩa vụ vừa trình bày trên thì mới xứng đáng lưu danh kim cổ người con Phật
chân chánh, bậc tuấn kiệt hùng anh của con Lạc cháu Hồng.
HT. Thích Thắng Hoan (vnthuquan)