Quy định lên đồng "phán truyền" hơn cả lên đồng?
Khánh Linh
16/09/2010 22:50 (GMT+7)

Nghị định nói vậy mà không phải vậy?

Nghị định 75 có "quy định nếu tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng 3.000.000 đồng".

Nếu không có sự "nói lại cho rõ" ý của Vụ trưởng Pháp chế Lê Anh Tuyến (Bộ VH - TT - DL), dư luận dễ hiểu mệnh đề trên theo nghĩa, cứ tổ chức hoạt động lên đồng là bị phạt tiền.

Nhưng theo giải thích của Vụ trưởng thì hóa ra chỉ lên đồng có tính chất mê tín dị đoan mới bị phạt, ngoài phạt tiền còn bị tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, tịch thu sung công quỹ số tiền thu bất chính.

Nghĩa là trên thực tế có 2 loại lên đồng: Lên đồng không mang tính mê tín dị đoan, loại này được phép tồn tại và ứng vào điểm tự do tín ngưỡng của luật pháp đã quy định và lên đồng có tính chất mê tín dị đoan, loại này không được phép tồn tại và nếu phát hiện thì bị xử phạt theo nghị định 75.

Xem ra tư duy có vẻ logic, vấn đề là làm sao phân biệt được đâu là lên đồng không mê tín dị đoạn và đâu là lên đồng mê tín dị đoan?

Nếu người ra quy định còn không rõ thì những người thi hành nghị định sẽ cãi chày cãi cối dẫn đến nhập nhèm thì sao?

Có lẽ cùng một hiện tượng lên đồng nhưng người ta hoàn toàn có thể khép vào tội mê tín dị đoan để xử phạt cũng được và ngược lại, có thể tha bổng vì cho rằng nó không mê tín dị đoan. Điểm này sẽ dẫn đến việc người dân vò đầu bứt tai cãi nhau tưng bừng: nghị định nói vậy mà không phải vậy!

Còn mục tiêu tốt đẹp của nghị định là dẹp bỏ những biến tướng đồng cốt quàng xiên, chỉ chấp nhận lên đồng như một hệ quả của văn hóa Việt Nam thì dứt khoát không thể thu được hiệu quả trên thực tế.

Vả lại, làm gì có luật lệ nói thế này cũng đúng mà nói ngược lại cũng...đúng được? Nói một cách khác dễ hiểu hơn, dân dã hơn thì có nghĩa như sau: Tôi thích thế đấy, tôi bảo không mê tín là không mê tín; tôi bảo đó là mê tín thì dứt khoát là mê tín rồi, có thích cãi nhau với cối xay gió không thì bảo?

Xin dẫn thí dụ ngay: Nghị định đã có hiệu lực rồi, nhưng việc tổ chức lên đồng vẫn diễn ra nhộn nhịp vào ngay cuối tuần trước ở Nam Định. Vậy các nhà soạn thảo nghị định cũng như những người thực thi nghị định có thể cho người dân biết đây là hoạt động lên đồng không mê tín dị đoan hay nó thuộc loại lên đồng đó có mê tín dị đoan?

Không trả lời được câu hỏi này có nghĩa là nghị định đã bất lực trước thực tế.

Khó nhỉ, thế này thì khó thật đấy chứ chả chơi. Hay thế này đi cho tiện: Nếu lên đồng được sở VHTT&DL cấp phép thì đó là lên đồng hợp pháp còn lại là...cấm tuốt? Trao quách quyền quyết định đúng hay sai, mê tín hay không mê tín cho Sở quyết định. Bộ sẽ ngồi ghế quan tòa phúc thẩm, nếu thấy dân kêu  sở vi phạm quyền tự do tín ngưỡng thì sẽ kết luận sở làm sai. Vừa được lòng dân vừa ra oai với cấp dưới, kiểu gì thì cũng có lợi!

Có vẻ như bàn cách cấm đồng cốt, cấm nhập thần nên nghị định cũng có vẻ...nhập thần, nhập thánh ?

Những đứa con ngoài giá thú của Nghị đinh...

Lẽ dĩ nhiên, trên thực tế, những giá đồng đã "sống" cùng người dân bao đời nay, chứng tỏ nó có sức sống mạnh mẽ trong dân, không dễ gì vì một nghị định xử phạt mà bị tiêu biến. Nghĩa là người dân vẫn thực hành nghi lễ lên đồng vì nhu cầu tất yếu của họ, nhìn từ góc độ pháp luật thì họ không tuân thủ pháp luật, bất chấp pháp luật; nhìn từ phía quản lý thì luật đã có điều gì đó không phù hợp thực tế.

Nếu những người thực thi pháp luật ở địa phương am hiểu văn hóa, hiểu được bản chất của lên đồng, họ sẽ không "gây khó dễ" với những ông đồng, bà đồng chân chính, dù những ông đồng bà đồng ấy khi "nhập thần" thì không thể không phán truyền.

Lý tưởng hơn nữa, họ sẽ dùng nghị định để xử phạt những người lợi dụng lòng tin của dân chúng để trục lợi, phán bảo những điều không có thật, để gây thiệt hại cho cá nhân hay cộng đồng.

Nhưng e rằng sẽ rất ít những trường hợp lý tưởng như thế. Ngoài lý do bởi nhận thức của người thực thi pháp luật ở địa phương không đủ (ở trung ương còn không hiểu đúng, sao trách được ở địa phương?), còn có một lý do khác "tế nhị" hơn nhiều. Nghị định đã quy định như thế, dại gì chúng tôi không áp dụng? Lỗi có phải của chúng tôi đâu, chúng tôi vẫn đang làm đúng theo luật, theo nghị định.

Với những trường hợp này, lại có hai khả năng xảy ra:

- Hoặc các ông đồng, bà đồng cứ liều hoạt động, chẳng may bị bắt gặp thì đành bấm bụng mà "bỏ của chạy lấy người", cùng lắm là nộp phạt 1 đến 3 triệu đồng. Những ông đồng bà cốt thật thà thì sẽ thiệt, còn những ông đồng bà cốt quàng xiên thì chả có gì phải lo: khoản phí tổn nộp phạt đã có dân hầu đồng gánh chịu. Gọi là dân nhưng thiếu gì quan chức đến hầu đồng, xá gì vài triệu bạc bọ?

- Hoặc các ông đồng, bà đồng sẽ phải tổ chức lên đồng một cách lén lút. Họ không làm gì sai, nhưng vì pháp luật sai, nên họ thành những người... sai luật. Sai luật thì khó mà đường đường chính chính được lắm. Thế là trở lại với những ngày xa xưa "ấu trĩ", khi những ông đồng, bà đồng và những người tin và theo nghi lễ ấy trở thành người không đàng hoàng, dù nếu nhận thức đúng thì họ chẳng có gì sai.

Họ theo đạo Mẫu, thì cũng như những người khác theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa giáo, đạo Tin lành..., nhưng vì họ bị đối xử không công bằng, nên họ phải giấu diếm, lén lút. Trường hợp này chắc chắn sẽ xảy ra và như thế chúng ta đã vô tình biến những người đàng hoàng tử tế thành những kẻ lén lút trốn tránh nghị định.

Còn nữa, GS Ngô Đức Thịnh đã nhiều lần "bức xúc" chia sẻ: Nghị định "sai trái" này sẽ sinh ra một lực lượng những người đứng giữa "vừa ăn tiền của dân, vừa lừa dối nhà nước". Họ thu tiền của dân rồi "điều đình" với những người có nhiệm vụ thực thi pháp luật, để việc lên đồng được diễn ra công khai. Với lực lượng này thì nhà nước càng cấm nhiều, họ sẽ càng thu lợi nhiều.

Kết quả là, Nhà nước không thu được tiền, luật pháp cũng không được tuân thủ. Người dân chắc chắn cảm thấy ức chế, nhưng đôi khi họ sẽ chọn chi tiền cho những người "môi giới" kia, để họ được yên ổn tổ chức nghi lễ công khai. Vậy là, lẽ ra họ không làm gì sai, nhưng vì pháp luật sai, mà họ phải sai tới 2 lần (vừa phạm luật, vừa "chạy" để không bị quy kết phạm luật).

Phân tích sơ qua đủ thấy, một đạo luật chưa đúng sẽ đẻ ra vô số những tệ nạn ngoài ý muốn của những nhà làm luật, chính những đứa con ngoài giá thú của nghị định này mới thực sự tác động sâu rộng trong xã hội. Nói như nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền là sẽ "gây sốc trong xã hội", mà trước hết là sốc trong những người hiểu văn hóa. Những người soạn thảo và ban hành nghị định dường như đã không nghĩ đến hệ quả phức tạp này?

Chỉ vài điểm nhỏ của một điều đã nhiều bất cập đến thế, không biết nếu để xã hội mổ xẻ cả nghị định, sẽ còn bao nhiêu điều cần sửa? Nên chăng Chính phủ sẽ rút lại nghị định để điều chỉnh, đó sẽ là cách ứng xử văn minh nhất.

Theo: tuanvietnam.net

Các tin đã đăng: