Đối
với Phật tử, điện thoại có wifi là phương tiện nghiên cứu tìm hiểu, cập
nhật tư liệu, học hỏi Phật pháp thông qua những dữ liệu có sẵn trên các
website Phật giáo, để tìm hiểu pháp môn tu học, hành trì.
Hình có tính minh họa
Người Phật tử nếu không biết ứng dụng đúng cách, thì chính những công
nghệ hiện đại đó sẽ là chướng ngại, cản trở, tác dụng phụ ảnh hưởng đến
bước đường tu tập và thực hành giáo pháp nhà Phật cho đúng nghĩa.
Người Phật tử nếu sử dụng điện thoại mà không hiểu được mục đích, lợi
ích thì nó cũng góp phần gia tăng bản ngã, chiếm hữu, nhu cầu đòi hỏi
để đáp ứng cho mình ngày càng cao, mà nhất là khó thực hành được hạnh xả
ly trong nhà Phật.
Điện thoại cũng là nguyên nhân gây phiền não khi chẳng may bị cấm cản
không được sử dụng, hay vô tình bị mất cắp, tức thì sự chấp ngã, khổ
đau, và kèm theo đó là những hệ lụy buồn chán của tâm thức trước sự mất
mát cái ta và cái của ta. Nó cản trở con đường học đạo và hành đạo của
một người Phật tử nếu muốn tiến đến con đường giải thoát, an lạc.
Giữa hội chúng đông người, hay tham gia một buổi pháp thoại, thì việc
đầu tiên của một người tham dự buổi thính pháp trong thời đại phát
triển hiện nay là tắt nguồn điện thoại, hay chỉnh ở chế độ rung, khi
nghe pháp nó sẽ không ảnh hưởng đến người xung quanh. Nghe qua nó như
một thao tác cực kỳ đơn giản, nhưng có mấy ai thực hiện được cho đúng
cách.
Bằng chứng là thỉnh thoảng chúng ta lại thấy trong đạo tràng đang
trang nghiêm, thì tiếng điện thoại của ai đó lại vang lên “phá vỡ” cả
một không gian. Thái độ của người sử dụng là tỏ ra sợ sệt và nhanh tay
bấm tắt, nhưng điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với mọi người xung
quanh, và nhất là một hội chúng đang tịnh tâm nghe pháp, hay thiền
định.
Một số người Phật tử đang thính pháp, khi nghe điện thoại reo to,
thay vì bấm tắt để nghe sau, nhắn tin, chỉnh chế độ rung, hoặc lui ra
chỗ khác để nghe, nhưng không hiểu sao lại thản nhiên nói chuyện một
cách vô tội vạ, xem như không có mọi người xung quanh. Trong hội chúng
ai cũng hướng mắt về đối tượng, gây cho mọi người sự hoang mang, bực
tức, và vị giảng sư phải dừng lại buổi pháp thoại vì hội chúng mất tập
trung.
Điều đó ít nhiều gì đã nói lên sự thiếu văn hóa trong việc sử
dụng điện thoại không đúng cách. Nó gây tổn thương lớn cho phẩm chất đạo
đức của mình, làm khó chịu những người xung quanh.
Giác Minh Luật (GNO)