Chùa Hương (thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội)
là danh lam thắng cảnh, du lịch trọng điểm của quốc gia. Các chuyên gia
lịch sử đã khẳng định, Lễ hội chùa Hương là lễ hội Phật giáo có quy mô
lớn nhất, thời gian dài nhất, thu hút lượng khách đông nhất trong các lễ
hội của cả nước. Ban Quản lý (BQL) khu di tích thắng cảnh Hương Sơn
đang nỗ lực hoạt động nhằm đưa chùa Hương trở thành di sản văn hóa thế
giới.
Hướng tới mục tiêu đưa quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn
trở thành di sản văn hóa thế giới và xây dựng Lễ hội chùa Hương là "Lễ
hội an toàn, lịch sự, đạt hiệu quả cao" thiết thực chào mừng Đại lễ 1000
năm Thăng Long - Hà Nội, huyện Mỹ Đức luôn xác định, đây là nhiệm vụ
trọng tâm của địa phương.
Hằng năm, sau mỗi mùa trẩy hội, huyện đều tiến hành tu bổ, chỉnh
trang, rút kinh nghiệm. Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Chí Thanh,
Trưởng BQL di tích thắng cảnh chùa Hương cho biết, năm 2010, UBND huyện
đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đầu tư, tu bổ, tôn tạo cơ sở hạ tầng
trong khu di tích.
Hiện nay đã hoàn thành dự án xây nhà tả vu - hữu vu, hoàn thiện hệ
thống nội thất Nhà triển lãm và phòng trưng bày Phật giáo khu vực chùa
Thiên Trù để phục vụ du khách tìm hiểu về đạo Phật.
Đặc biệt, công trình cầu đường bộ đi ra từ động Hương Tích (đoạn Quan
âm kiều) đi vào hoạt động đã hạn chế được tình trạng ùn tắc xảy ra hằng
năm. Công trình cầu Hội (trên suối Yến) cũng được mở rộng thông thoáng
hơn, tình trạng tắc thuyền, đò trên suối Yến không còn.
Hằng năm du khách đến trẩy hội chùa Hương ngày một đông, năm 2010, Lễ
hội chùa Hương đã đón 1.249.823 lượt khách (tính từ ngày 1-1 đến 30-4 âm
lịch), trong đó có 6.918 khách nước ngoài. Để phục vụ tốt du khách, BQL
di tích phối hợp với chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch bảo vệ an
ninh trật tự.
Trong quá trình diễn ra lễ hội, BQL đã phối hợp chặt chẽ với lực
lượng công an và thanh tra giao thông giải tỏa vi phạm hành lang giao
thông, kiên quyết dẹp bỏ các điểm họp chợ lấn chiếm lòng đường, lề
đường.
Đặc biệt, tại 15 chốt trạm BQL cùng lực lượng công an, chính quyền
địa phương đã bố trí lực lượng trực 24/24h hằng ngày để kịp thời giải
quyết các vụ việc xảy ra.
Với những nỗ lực trên, tình hình an ninh trật tự mùa trẩy hội ngày
càng ổn định, ngăn chặn và khắc phục các vụ cướp giật, lừa đảo. Số vụ
trộm cắp móc túi, tai nạn giao thông giảm đáng kể, không còn vụ việc
phức tạp xảy ra làm ảnh hưởng xấu đến lễ hội.
Bên cạnh đó, BQL di tích cũng đặc biệt chú trọng tới công tác tổ chức
quản lý và điều hành phương tiện thuyền đò, đồng thời phối hợp với các
ngành chức năng rà soát, thống kê các loại phương tiện đường thủy tham
gia chở khách.
Đến nay, hơn 4.049 phương tiện đã được gắn biển số để quản lý. Đặc
biệt, lễ hội năm nay, BQL đã đưa vào sử dụng 200 thuyền đò chất lượng
cao để phục vụ tốt du khách, đồng thời, phân công lực lượng hợp lý tại
các trạm, bố trí đủ xuồng đò phục vụ du khách và quản lý tốt vé thắng
cảnh, chống thất thu cho ngân sách.
Lễ hội chùa Hương không đơn thuần là lễ hội du lịch mà còn là lễ hội văn hóa, phản ánh đa dạng đời sống tôn giáo của nhân dân.
BQL di tích thắng cảnh Hương Sơn đang từng bước nâng cao chất lượng,
phát động các phong trào quảng bá, tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động
thiết thực để quần thể khu di tích này sớm được công nhận là di sản văn
hóa thế giới.
Theo: Hà Nội Mới