Văn hóa Phật Giáo
1000 con rồng bằng đồng - để làm gì?
06/07/2010 02:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Những con rồng thời Lý vừa khởi đúc tại Từ Liêm sẽ tạo tiền lệ xấu cho hàng loạt rồng bằng chất liệu khác xuất hiện nhan nhản tại Hà Nội dịp cận ngày đại lễ.


 



Rồng chào mừng nghìn năm Thăng Long - còn nhiều băn khoăn. Ảnh: N.H

Tại xưởng đúc của Cty CP Mỹ nghệ Đông Sơn ở Xuân Phương - Từ Liêm - Hà Nội đã diễn ra lễ khởi công đúc 1.000 con rồng bằng đồng, dưới sự chủ trì của Đại đức Thích Minh Hiền.

Trước đó, ngày 1- 6- 2009, Văn phòng UBND TP Hà Nội ban hành công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng, trong đó nói rằng, Phó Chủ tịch đồng ý về chủ trương cho Cty CP Mỹ nghệ Đông Sơn được tổ chức đúc và giới thiệu 1.000 sản phẩm rồng thời Lý, là một hoạt động chính thức trong chương trình đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Cty Đông Sơn được sử dụng logo chính thức của đại lễ gắn vào sản phẩm phục vụ tuyên truyền, được truyền thông quảng bá sự kiện với tên gọi là “sản phẩm lưu niệm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng cũng đồng ý cho Cty Đông Sơn tổ chức đấu giá từ thiện gây quỹ ủng hộ người nghèo tại Hoàng thành Thăng Long trong dịp đại lễ từ 1- 10 đến 10- 10- 2010.

Trong cuộc họp báo đông đảo sáng 5- 3 vừa rồi tại di tích Thành cổ Hà Nội, đại diện Cty Đông Sơn khẳng định, đây là sản phẩm chào mừng, không phải sản phẩm lưu niệm chính thức của ban tổ chức đại lễ gửi tặng khách quý. Nhiều tiếng “à ra thế” vang lên.

Cty Đông Sơn cho biết, 1.000 con rồng được đúc bằng đồng nguyên chất, hai mắt gắn đá quý, dựa trên nguyên mẫu rồng thời Lý. Sau khi hoàn thành, mỗi sản phẩm nặng 3-3,5kg và được đánh số từ 1 đến 1000.

Mỗi rồng cũng sẽ có một giấy chứng nhận xuất xứ riêng nhằm khẳng định yếu tố quý giá và đặc biệt của sản phẩm (mẫu sản phẩm đã được đăng ký bản quyền để đảm bảo sản phẩm là độc bản).

Theo nữ nghệ nhân Lê Diệu Hương- Giám đốc Cty Đông Sơn, hình tượng rồng gấp khúc nhiều lần, thân mảnh mai và đầy khí phách là đặc trưng của mẫu vật rồng thời Lý, do chính người Việt sáng tạo ra.

Còn những con rồng bằng đồng này được Cty sáng tạo ra từ “ý kiến đóng góp của các nhà sử học, mỹ thuật, văn hóa và điêu khắc hàng đầu Việt Nam” (trích thông cáo báo chí).

Bản thông cáo này cũng đưa một nội dung khác hẳn với ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: trong khi bà Ngô Thị Thanh Hằng đồng ý để Cty Đông Sơn đấu giá từ thiện gây quỹ ủng hộ người nghèo thì Cty Đông Sơn “dự kiến sẽ sử dụng một phần trong số tiền thu được từ hoạt động đấu giá từ thiện để làm nền tảng xây dựng Quỹ Vì văn hóa Hà Nội...”

Để mở những phiên đấu giá, sản phẩm mang đấu luôn phải có giá trị độc đáo và nổi bật. Giá trị nổi bật của những con rồng - cơ sở của việc đấu giá qua truyền hình và Internet - sẽ là gì?

Chẳng lẽ là ở chất liệu đồng và (có thể thêm) đá quý? Hay là logo của đại lễ 1.000 năm Thăng Long gắn theo nó? Không hẳn, bởi bà Ngô Thị Thanh Hằng chỉ cho phép Cty Đông Sơn được sử dụng logo chính thức của đại lễ gắn vào sản phẩm phục vụ tuyên truyền?

 Chẳng lẽ đó là sản phẩm có một (ngàn) không hai (ngàn) vô tiền khoáng hậu, và bất cứ làng nghề đúc đồng nào khác cũng không thể thực hiện? Thật khó trả lời trước một sản phẩm của thời đại mới và một hình tượng quen thuộc với phần lớn công chúng như thế.

Tuy nhiên, nhà sản xuất đưa ra bốn yếu tố được họ đảm bảo ở sản phẩm này, đều rất trừu tượng: Là sản phẩm mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc (đánh dấu ngàn năm thành phố rồng bay), là sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt (rồng thời Lý là con rồng của người Việt sáng tạo ra), là sản phẩm mỹ nghệ cao cấp (do các nghệ nhân tài hoa của Hà Nội chế tác), sản phẩm mang yếu tố tâm linh như một lời chúc phúc cho người sở hữu.

Trước nhiều thắc mắc của báo chí về số lượng rồng được chọn để đấu giá, giá khởi điểm, ông Lê Huy Đắc- Chủ tịch HĐQT Cty Đông Sơn nói, vì rồng mới chỉ được khởi đúc nên đại diện khác của Công ty Cổ phần Mỹ nghệ Đông Sơn cũng chưa thể công bố mức giá khởi điểm cho phiên bán đấu giá mà chỉ dự kiến trong thời gian tới, công ty sẽ tổ chức họp báo và công bố giá khởi điểm.

Một họa sỹ kiêm hội viên Hội Cổ vật Thăng Long cho biết, bản thân rồng thời Lý quá dài và mảnh, nó chỉ thích hợp trên các chi tiết kiến trúc, còn đứng độc lập thì không có giá trị tạo hình cao, không bay bổng.

Chưa kể những nét uốn lượn của nó đều nhau chằn chặn tạo cảm giác nhàm chán khi nhìn lâu. Đó là lý do những đầu đao hình rồng, phượng hấp dẫn giới đồ cổ hơn là cả con rồng dài ngoằng.

Những con rồng của Cty CP Mỹ nghệ Đông Sơn có thể sẽ là tiền lệ cho hàng loạt rồng bằng đá, bằng mây tre đan, bằng gỗ lũa, bằng hoa giấy... đua nhau chào khách từ nay đến ngày đại lễ.

Uy Viễn ( Tiền Phong)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch