Văn hóa Phật Giáo
Phật tâm, nhân nghĩa trong nghìn năm văn hiến Thăng Long
23/02/2010 09:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chiến tranh đã xóa đi rất nhiều vết tích của gốc nguồn văn hóa. Khi Hoàng thành Thăng Long hiện ra, người Việt có một khoảng lặng cần thiết để nhìn về quá khứ. Không đơn thuần chỉ là nền móng vật chất của các vương triều đã trải qua những suy biến đầy khắc nghiệt của lịch sử, mà người xưa đã tạo ra lịch sử bằng những giá trị lạ lùng và huyền nhiệm. Đó là hồn thiêng, là khí phách hiên ngang mà ông cha ta đã ứng xử trong đối nội và đối ngoại...

Vua Trần Nhân Tông từng nói: "Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân" (Mỗi lần chạm đến lại thành mới tinh). Việt Nam đang nhắc đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như một niềm tự hào lớn khi ở đó năng lực tinh thần là chủ điểm của mọi hội tụ sáng tạo. Việt Nam đang ý thức về tất cả những gì còn lại trong gia tài của kinh đô 1.000 năm. Với biết bao thăng trầm, bụi phủ, có lúc tưởng chừng như văn hiến Thăng Long đã nguội lạnh và chỉ còn là một nỗi niềm hoài cổ.

nhannghia-1.jpg 

Chùa Trấn Quốc- Hà Nội

Hoàng thành Thăng Long phát lộ, nghiệp đế vương của một nước độc lập, tự chủ từ 1.000 năm trước hiện về nguyên vẹn giá trị. Khát vọng lịch sử về một cõi đất có thế rồng cuộn hổ ngồi đã thổi một luồng sinh khí mới mẻ vào hiện tại. Một nghìn năm là dấu ấn của những trang sử đầy đau thương và hào hùng. Bóng tối của lịch sử khép lại, 1.000 năm Bắc thuộc, 100 năm Pháp thuộc đã không thể đồng hóa được dân tộc Việt Nam. Ngay trong lúc cả thế giới thất kinh hồn vía với vó ngựa xâm lăng thì toàn dân tộc ta hô vang lời thề quyết tâm bảo vệ nền hòa bình lâu dài cho dân tộc. Trong lúc thế giới chìm trong đêm trường trung cổ tối tăm thì những bài học về khoan dung tư tưởng, về dân chủ được phát huy tối đa trong mục tiêu thánh hóa cộng đồng.

Kể từ khi chạm tới viên gạch nghìn năm, người Việt bắt đầu ý thức về việc không thể đánh đổi mọi giá để bước vào tương lai bằng chỉ số của kinh tế, bởi lịch sử của một dân tộc còn khởi đầu bằng những dấu ấn vượt trội về văn hóa và lối sống ứng xử. Tinh thần dân tộc là những tích hợp, tích lũy văn hóa. Bước tiến kinh tế có thể hé lộ những thành công nhưng điều gì để người ta nhìn ra một sự phát triển bền vững? Chiến tranh đã xoá đi rất nhiều vết tích của gốc nguồn văn hóa. Khi Hoàng thành Thăng Long hiện ra, người Việt có một khoảng lặng cần thiết để nhìn về quá khứ. Không đơn thuần chỉ là nền móng vật chất của các vương triều đã trải qua những suy biến đầy khắc nghiệt của lịch sử, mà người xưa đã tạo ra lịch sử bằng những giá trị lạ lùng và huyền nhiệm. Đó là hồn thiêng, là khí phách hiên ngang mà ông cha ta đã ứng xử trong đối nội và đối ngoại. Lịch sử rất công bằng khi chỉ ra cách chúng ta xây dựng, phát triển và sự trả giá cho những sai lầm khi quay lưng lại với lợi ích dân tộc.

Một nước nhỏ, một vương triều nhỏ, một kinh đô nhỏ đã từng hơn một lần bị hủy diệt bởi chiến tranh, nhưng mầm sống của 1.000 năm vẫn không ngừng chờ hội đủ nhân duyên cho ngày rồng thiêng cất cánh. Người Việt muôn đời đều có chung một khát vọng hòa bình và khẳng định quyền độc lập, tự chủ. Bởi ở đó, một nền ngoại giao nhân dân được thực hiện từ khá sớm, khi mỗi người dân Đại Việt có thể làm chủ bản sắc văn hóa của chính mình bằng việc khẳng định nhân tài và hào kiệt (đời nào cũng có) trong cái thế ngang hàng với Trung Hoa.

Khi nói đến nhân dân là nói đến lòng hòa hiếu, nói đến đời sống ứng xử thuần thiện, nhân nghĩa, Phật tâm… Chính trong những giá trị đó, để phát triển một cộng đồng lành mạnh, ông cha ta đã cổ xúy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, độc lập và tự chủ. Có vô vàn dấu ấn trên dòng thời gian, nhưng những gì chúng ta đang thấy là một Việt Nam đang bắt đầu cho một nghìn năm sau bằng những vẻ ngoài hào nhoáng đồ sộ của một nền văn minh tiêu dùng, hưởng thụ và lãng phí năng lực vào những cuộc tiêu pha làm cho môi trường sống ngày càng suy thoái trầm trọng hơn.

Ông cha ta có những lý thuyết rất rõ ràng về việc giao hòa giữa cả ba yếu tố Thiên - Địa - Nhân, có những bài học cơ bản làm người để yêu người, yêu đời, có những trọng trách để yên dân, thuần thiện hóa cộng đồng. Khi tạo dựng kinh đô Thăng Long, ông cha ta phải sống trong sự bao vây của các luồng tư tưởng "Liên Tung hợp Hoành", nhưng Việt Nam vẫn không bị đồng hóa và không đánh mất quyền độc lập tự chủ. Đó là âm - dương, là động - tĩnh, là tư tưởng bất nhị, trung đạo, hòa quang đồng trần mà dân tộc ta đã từng thấm đượm bởi tinh thần Tam giáo. Đó cũng chính là sức mạnh nội tại trước những tham vọng của hành trình bá đạo đến từ bên ngoài.

nhannghia-2.jpg

Tượng vua Lý Thái Tổ - vị minh quân mở đầu triều đại nhà Lý.

Trong quá trình tiếp biến những tinh hoa giá trị, không để đánh mất những nguồn nội lực của dân tộc, ông cha ta đã ý thức xây dựng ý chí và niềm tin dân tộc bằng đạo lý nhân nghĩa, xem sự anh minh, thanh bạch, trung chính, yên dân như những giá trị chung để tạo nên bộ mặt của thời đại. Mỗi ngôi nhà của người Việt có một bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ đến gốc nguồn. Mỗi người Việt là một sứ giả văn hóa cho dân tộc mình. Mỗi người đều là một vị Phật sẽ thành…

Việt Nam không thể hóa hổ khi sống bằng những nguồn vay (viện trợ) kinh tế, nếu có, đó chỉ là sức mạnh của một con hổ trong lồng. Việt Nam không thể hóa rồng trước những dòng sông đang chết vì ô nhiễm rác thải và chất độc. Việt Nam có đủ sự "hào phóng" về văn hóa và lối sống để minh chứng cho một tinh thần kiên cường, bất khuất nhưng cũng thuần thiện trong cả cái chắp tay và cúi đầu. Việt Nam không thể để bị lôi cuốn vào trò chơi "đối trọng" của các nước lớn vì đó là môi trường giành giật, đua chen và sẵn sàng xô ngã nhau.

Trong khi văn hóa đang phải nhường đất cho kinh tế trên mọi phương diện, ở những chiều ngược lại, những giá trị truyền thống lại đang bị xuyên tạc, chịu sự lai căng bởi chính bàn tay của tầng lớp có học nhưng hướng ngoại. Người dân không còn đủ bình tĩnh để hành động khi môi trường sống ô nhiễm; không đủ sự thành kính khi bất cứ đâu nơi thờ tự linh thiêng người ta có thể xả rác, xâm lấn đất đai và sẵn sàng thể hiện hành vi nhục mạ; không còn đủ lớp lang thứ bậc trong quan hệ ứng xử thầy trò; không còn đủ tình yêu chung khi những giá trị của cái đẹp bất cứ khi nào cũng có thể gặp tổn hại; không còn đủ niềm tin ở nhau khi các giá trị đều không thể sống chung trong an lạc…

Việt Nam có nhiều di sản văn hóa phong phú, trong khi chưa được quan tâm phục dựng bằng niềm tin yêu tha thiết, thì lại hợp thức hóa những bãi rác khổng lồ mà trong tương lai lâu dài, con cháu chúng ta phải nai lưng ra nhặt rác và trả nợ. Đó là những cách sống phung phí vào những giá trị vô bổ, làm mệt các giác quan, làm khó thở cho lá phổi trong lành của dân tộc.

Trúc Lâm Quốc sư từng khuyên vua Trần Thái Tông "Lòng lặng mà hiểu thì đó chính là chân Phật…, không cần khổ công tìm kiếm ở bên ngoài". Hơn lúc nào, người Việt cần trở về nguồn thiện tâm sẵn đủ, lành mạnh từ trong lối sống ứng xử. Nguồn thiện tâm luôn rất cần thiết để chữa lành những vết thương đang làm độc cho cơ thể dân tộc. Không có một dân tộc nào chinh phục dân tộc kia bằng sức mạnh vũ lực mà có thể nhận được vinh quang. Bởi một nghìn năm binh đao, nhân quả đã chỉ ra rất rõ điều đó. Lợi ích dân tộc, sự bình yên của nhân dân phải được đặt lên hàng đầu, trong mọi hoàn cảnh khó khăn chung, tổ tiên chúng ta không bao giờ biến đất nước mình trở thành phên giậu cho ngoại thuộc. Đó cũng chính là cách thế của dân tộc biết "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân mà thay cường bạo" như Nguyễn Trãi từng phát biểu trong Bình Ngô đại cáo.

Dân tộc ta khi ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo đã không "ăn xổi ở thì" bằng bạo lực chiến tranh, bởi trước sức mạnh nội tại, người Việt sẵn sàng tháo vòng quyền lực để cho những nhân cách cao khiết hiện diện, để hào khí và hào kiệt muôn đời thay nhau giữ vững niềm tin cho xã hội. Do đó, chính trong lúc quyền lực tập trung vào cùng tột của vương triều thì từng lời từng lời giác ngộ vang lên khắp núi sông, từ bậc đế vương đến triều thần, dân chúng đều có thể thực hiện tình thương và khám phá đời sống bên trong, nhằm tránh tối đa cảnh huynh đệ tương tàn. Có những vị hoàng đế luôn sống vì dân vì nước, sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng để thánh hóa cộng đồng bằng con đường giác ngộ cao khiết. Sự hơn đời của một dân tộc nhỏ chính là tỉnh táo và kham nhẫn trước những hiềm khích lớn để mở ra cửa sinh cho toàn dân tộc. Trước tình thế nước sôi lửa bỏng, dân tộc cần có minh quân, lương tướng để chấn hưng mạnh mẽ tinh thần dân tộc, đoàn kết, gác lại mọi ân oán cừu thù ích kỷ cá nhân, để thu phục nhân tâm về một mối. Trần Thái Tông nói: "Người chưa hiểu, chia bừa thành tam giáo, giác ngộ rồi cùng thấu một chữ tâm".

Con người là đối tượng trung tâm cần được phục vụ trong mọi nỗ lực của hệ thống cầm quyền. Từ thế đứng văn hóa một nghìn năm, người Việt phải tự thắp sáng chính mình, nghiêm khắc điều chỉnh lối sống cộng đồng bằng việc thấu cái chữ tâm đó. Bởi tổ tiên ta khi dựng nghiệp không bao giờ quên nhận thức về tương lai muôn đời của con cháu, để làm sao trong thôn cùng xóm vắng không còn lời hờn giận oán sầu, để cho mọi người "Sinh đời thái bình ai cũng được ở yên; Gặp thuở thánh minh ai cũng được thỏa sống" (Nguyễn Trãi). "Ở yên", "thỏa sống" là hai tiêu chí để chứng minh cho "đời thái bình" và "thuở thánh minh". Thiếu hai vế đó, triết lý an dân không tồn tại.

Thực tế đời sống xã hội đang biểu lộ ít nhiều sự đứt gãy về văn hóa, những giá trị nhân văn bị giảm đi đáng kể. Nhìn nhận chính xác những nguyên nhân đó mới có thể tìm ra hướng đi cho tương lai văn hóa dân tộc. Mọi tinh hoa văn hóa dân tộc cũng chỉ để phục vụ cho cộng đồng hiện tại. Vì vậy, nội lực dân tộc cần được thể hiện trong những năng lượng mới của sức sáng tạo, niềm đam mê và sự dấn thân. Đó là kỳ vọng lớn của muôn người, muôn nhà. Ngô Thời Sĩ từng nhắn nhủ: "Đem đạo Thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hoá lòng người". Đạo đời thường là đạo tâm sẵn có ở mỗi con người, không phải tìm kiếm ở đâu xa.

Duy trì hạnh phúc, an ổn cho cộng đồng là duy trì những trạng thái mà mỗi người cần được giải phóng năng lực, tự do, bình đẳng toàn diện trong những nhu cầu căn bản, chính đáng để sống và có cơ hội cống hiến sức lực, trí tuệ. Có những khoảng trống về văn hóa, đạo đức mà người lãnh đạo phải có trách nhiệm để làm sao người dân phát huy đạo lý tình thương, sống kỷ luật, nhân nghĩa. Vì vậy, cần có những chuẩn giá trị để người dân hiểu rằng sống có giá trị là sống bằng tinh thần của lực lượng đang tạo ra cho xã hội những năng lượng mới giàu sức sống và giàu các giá trị nhân văn. Người dân không chỉ giàu có về tài sản mà còn hướng thượng trong tinh thần. Có như vậy, họ mới làm chủ được những giá trị đích thực của cuộc sống, làm chủ được tương lai của chính dân tộc mình.

Thái Nam Thắng (Giác Ngộ Xuân Canh Dần - 2010)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch