Được đánh giá là một trong những chùa
đẹp nhất Hà Nội với kiến trúc độc đáo và nằm kề hồ Tây lộng gió, chùa
Tảo Sách được đông đảo cư dân và khách thập phương ghé thăm, ngày
thường, mùng một, ngày rằm, giỗ tổ… nhất là khi lễ Vu Lan đang gần kề.
Người ta đến để thăm cảnh chùa, để làm lễ, để cầu xin… và cả để được ăn
bữa cơm chay cho tâm hồn được thanh tịnh.
Ngày thường chùa đã rất đông khách xa
gần lui tới, từ những ngày đầu tháng Bảy âm người ta ghé thăm càng đông
hơn. Người tứ xứ đổ về từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên,
Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang… Họ bái phật vãn cảnh chùa và “ăn xin” cửa
Phật.
Hiện nay, xu hướng ăn chay đang dần trở
thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh người Việt. Bởi,
ăn chay là để nuôi dưỡng lòng từ bi, là phương pháp giữ gìn sức khoẻ và
rất tốt cho tuổi thọ. Do đó, khi người ta muốn ăn chay tức là người ta
muốn hướng đến điều thiện, muốn giữ cho tâm trong sạch, tránh làm điều
ác. Thượng toạ Thích Nguyên Hạnh trụ trì chùa Tảo Sách (386 Lạc Long
Quân – Nhật Tân – Tây Hồ – Hà Nội) cho biết, rất nhiều người dân xung
quanh khu vực này có thói quen ăn chay trong các ngày mùng Một và ngày
Rằm hàng tháng. Đặc biệt, vào dịp lễ Vu Lan người dân nơi đây đã bắt đầu
ăn chay từ những ngày đầu tháng Bảy âm lịch. Người ta tự làm đồ ăn chay
ở nhà, nhưng nhiều nhà vào chùa nhờ sư thầy Thích Nguyên Hạnh làm cỗ để
báo hiếu với cha mẹ, tổ tiên của mình
Nét văn hoá cơm chùa là một nét đẹp về
chia sẻ. Sau khi làm lễ xong, mọi người đều được mời ăn bữa cơm chùa,
không phân biệt sang hèn, theo đúng tinh thần Phật dạy trong kinh Hiền
Ngu. Vào mâm mọi người không kể già trẻ đều trở nên thân mật như quen đã
lâu. Cơm chay nhà Phật cũng mâm sáu người nhưng không khí nhẹ nhàng,
thanh tịnh lắm, không ồn ào như khi người ta đi ăn cỗ thông thường. Sự
thảnh thơi, thanh thản chính là cái người ta muốn tìm. Mâm cơm chay chỉ
là một cái cớ để gần gũi trong không gian tĩnh tại, bình yên của chùa
chiền.
Mâm cỗ chay ngày thường
Ngày thường du khách ghé thăm có thể
được thưởng thức những món chay mà các sư thầy trong chùa Tảo sách vẫn
ăn chay trường như: đậu phụ rán, luộc, lạc rang giã làm muối vừng, rau
dưa làm từ lá sắn, món canh đậu xanh, canh rau ngót… Trong lễ Vu Lan
hàng năm, nhà chùa sẽ làm những mâm cố linh đình hơn, món phong phú hơn.
Mâm cỗ chay chẳng khác gì mâm cỗ ngày tết, cũng nem cũng giò, chả, thịt
gà, canh bóng, canh mọc, canh măng, tôm bóc vỏ, các món xào lòng mề ,
món nộm và không thể thiếu xôi và món chè kho… Món nào trông cũng hấp
dẫn và trình bày rất công phu.
Mâm cỗ chay mùa Vu Lan
Tất nhiên các món ăn đó đều được chế
biến từ các nguyên liệu có nguồn gốc thảo mộc như đậu xanh, đậu tương,
vừng, lạc, cùi dừa, bánh đa nem tráng từ bột dong, nấm hương, mộc nhĩ…
Qua cách chế biến khéo léo, các món ăn trông giống như được làm từ thịt.
Dầu là món chay trong các chùa, ngoài nguyên tắc hạn chế sát sinh, bao
giờ cũng hướng đến cái ngon, đến mỹ thực. Rất nhiều khách xa gần đã trầm
trồ thán phục tay nghề của các sư trụ trì, tăng ni, phật tử.
Tên món ăn cũng thấm đẫm văn hoá giáo lý
nhà Phật. Chẳng hạn như món khai vị tri túc, xúp thập thiện, bánh hỏi
nhẫn nhục, cà ri tứ đế, chả ram thiền định, lẩu trí tuệ, cơm chiên bát
nhã, chè ngũ giới… Và khi đó khách thọ trai vừa ăn vừa nghe trụ trì Hạnh
giải thích ý nghĩa tên từng món.
Chế biến các món chay cầu kỳ hơn rất
nhiều so với món ăn thường. Vì món chay thường phải chế biến theo một
quy trình rất chặt chẽ, tuân thủ tuyệt đối yêu cầu về chất lượng. Ngoài
ra, để bắt chước hình thù y hệt các món ăn thường, người chế biến món
chay cũng phải có hoa tay và óc thẩm mỹ cầu kỳ để biến bột mì và các
loại ngũ quả thành hình dáng các loài động vật và mùi vị, hương thơm như
thật.
Trụ trì Thích Nguyên Hạnh cho biết, cỗ
chay như hiện nay có lẽ mới xuất hiện không lâu trong nhà chùa. Tuy vậy,
trong dịp giỗ Tổ nhà chùa làm đến hàng trăm mâm bởi du khách thập
phương về thăm chùa rất đông. Cỗ chay được nấu từ đêm. Nấu xong món nào,
múc ngay ra bát, xếp lên mâm. Từng mâm cỗ được đặt lên giá để cỗ trong
nhà ngang dưới bếp. Mọi việc nấu cỗ, bưng cỗ, dọn chỗ mời khách, rửa
bát… đều được nhà chùa phân công từ trước và tất cả các việc đó đều do
các phật tử, tín đồ tự nguyện làm một cách rất tích cực. Chính vì thế,
nhà chùa có thể tiếp được một lượng khách đông đảo trong ngày giỗ Tổ mà
không có điều gì sơ suất.
Một xã hội phát triển với nhiều nếp sống
mới, tư tưởng mới nhưng ngày giỗ tổ, lễ Vu Lan của chùa Tảo Sách hàng
năm mọi tầng lớp người vẫn nhớ đến dâng hương ăn bữa cơm chay. Thế mới
biết lòng hướng về cội nguồn chưa bao giờ vơi cho dù lối sống trong xã
hội có thay đổi bao nhiêu đi nữa.
Mâm cơm chay là nghệ thuật ẩm thực, vừa
là nghệ thuật tạo hình, rực rỡ sắc màu, tất cả bắt nguồn từ hoa, quả,
thực vật. Có thể thấy, quá trình chế biến và trình bày các món cỗ chay
cũng đóng góp vào văn hóa ẩm thực của Việt Nam một nét riêng. Tuy là cỗ
giả mặn, nhưng nhìn mâm cỗ chay, chúng ta cũng thấy rõ nghệ thuật của
người nấu và bày cỗ. Trên mâm cỗ cũng có đủ mầu sắc hài hòa của các món
ăn. Sự kết hợp của các gia vị và các nguyên liệu để làm thành những món
ngon cũng là kết quả tìm tòi suy nghĩ của bao người có tâm huyết với món
ăn chay. Cuối cùng, là cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng của người được
hưởng bữa cỗ chay nhà chùa sau khi lễ Phật, bởi vì đây không chỉ đơn
thuần là văn hóa ẩm thực, mà còn bao hàm cả giá trị của văn hóa tín
ngưỡng, văn hóa tâm linh trong nền văn hóa cội nguồn của dân tộc Việt
Nam.