Cùng với những thuận lợi
hết sức cơ bản và những cơ hội vô cùng may mắn như đã nêu, Phật giáo
Việt Nam ngày nay cũng phải đối mặt trước những thách thức chung của dân
tộc. Thách thức lớn nhất Phật giáo đang phải đối mặt chính là sự cám dỗ
đáng sợ của thế giới vật chất vô cùng dồi dào của thời hiện đại, mà khả
năng khống chế dục vọng nơi bản thân người tu hành trong thời mạt pháp
thì lại có giới hạn. Trong công tác hoằng pháp thì đây cũng là một thách
thức lớn mà bản thân các nhà hoằng pháp buộc phải nỗ lực tu hành nhiều
hơn nữa mới có thể vượt qua. Đối với quần chúng thì lối sống quen thụ
hưởng cũng sẽ là một trở ngại trên bước đường học Phật.
Hoằng pháp thời hiện đại
Nói
về những khó khăn mà Phật giáo phải “chung sống” thì thời đại nào cũng
có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, khó khăn cơ bản của Phật giáo
nói chung, của ngành hoằng pháp nói riêng, trước hết phải nói là yếu tố
chủ quan xuất phát từ sự giới hạn trong công phu tu tập của hàng tứ
chúng. Những khó khăn như vậy chỉ có thể khắc phục bởi ý thức giác ngộ
nơi mỗi người và sự nỗ lực hành trì nơi mỗi bản thân.
Bên
cạnh đó, tinh thần nhập thế, tùy thuận và thích nghi của Phật giáo,
buộc chúng ta phải hòa nhập vào đời sống trong hoàn cảnh đất nước mở cửa
hội nhập và xã hội đang phát sinh 1001 vấn nạn từ mặt trái của nền kinh
tế thị trường. Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, một bộ phận Tăng, Ni,
nếu không quyết tâm nỗ lực tu hành, thì đạo đức phẩm hạnh của một bậc
xuất gia cũng khó mà toàn vẹn. Đây cũng là một thách thức rất lớn mà
Phật giáo phải đối mặt.
Thật
vậy, dù đạo hay đời thì lớp trẻ ngày nay giống như những hạt giống mạnh
mẽ, sung sức nên rất dễ dàng nảy mầm, đâm chồi, phát triển trước những
điều kiện thuận lợi của nền văn minh thời hiện đại. Tuy nhiên có một
điều mà chúng ta không thể thờ ơ, nhất là đối với những người làm công
tác hoằng pháp, đó là lớp trẻ ngày nay rất dễ ảnh hưởng và bị tiêm nhiễm
những tiêu cực phát sinh từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, thiên
về lối sống thực dụng, nhất là ảnh hưởng xấu bởi thông tin đa chiều trên
mạng, những sản phẩm độc hại từ sách báo cũng như từ mạng internet,
điều này dẫn đến sự xuống cấp, băng hoại đạo đức và tha hóa về đời sống
nhân bản trong một bộ phận Tăng, Ni trẻ không chịu rèn luyện tu dưỡng,
hoặc đối với một bộ phận thanh thiếu niên không được quan tâm định
hướng.
Một
thách thức lớn mà ngành hoằng pháp phải đối mặt nữa, đó là chúng ta
đang sống trong thế kỷ 21, thế kỷ của văn minh, khoa học và cũng là thế
kỷ của tâm linh, trong hoàn cảnh xã hội thời hiện đại, khi mà trình độ
dân trí đã được nâng cao, khả năng cảm nhận và nguồn tri thức của quần
chúng dồi dào, phong phú, do vậy nhu cầu thính pháp của quần chúng Phật
tử hiện nay ở một tầng bậc rất cao, họ không đơn thuần là đến để nghe
những bài giảng vốn đã đọc qua hay đã thông hiểu, mà đến để được chia sẻ
kinh nghiệm hành trì cũng như những pháp ngữ đậm tính khai mở nguồn tuệ
giác. Tóm lại là họ cần những nhà hoằng pháp thực tu thực hành, mỗi lời
nói ra đều là pháp ngữ, chứ không quan tâm đến kỹ năng, nghệ thuật diễn
giảng. Trong khi đó, ngành hoằng pháp hiện nay chỉ chú trọng đến công
tác truyền bá kiến thức giáo lý một cách chung chung và mơ hồ, nặng về
hình thức, chứ ít khi quan tâm đến nhu cầu thực tiễn của thính chúng.
Một điều đáng quan tâm nữa, đội ngũ Tăng sĩ làm công tác hoằng pháp hiện
nay rất mỏng, căn bản tu hành còn nhiều giới hạn, việc phân bổ nhân sự
hoằng pháp cũng chưa hợp lý, trong khi đó Giáo hội vẫn chưa đào tạo được
đội ngũ kế thừa đáng tin cậy để đảm nhận trọng trách cao cả này.
Trong
thời đại toàn cầu hóa, thời đại khoa học kỹ thuật và văn minh vật chất,
trước sự du nhập ồ ạt của các nền văn hóa, vàng thau lẫn lộn, Phật Giáo
luôn được xem là yếu tố quan trọng tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc,
do vậy Phật giáo không thể đánh mất vai trò chủ động của mình trong việc
bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi bản sắc văn hóa dân
tộc chính là nền tảng căn bản của nền độc lập dân tộc. Nhân đây chúng ta
cũng nên để mắt đến một vấn đề không kém phần quan trọng mà ngành hoằng
pháp cần thiết phải quan tâm. Đó là, từ nền tảng truyền thống thờ
phượng ông bà tổ tiên có tự ngàn đời, huân tập nền văn hóa tín ngưỡng
dân gian, thêm vào đó là ảnh hưởng sâu đậm tinh thần từ bi hỷ xả của đạo
Phật, nên vùng nông thôn nước ta từ bao đời nay vốn là địa bàn của Phật
Giáo, luôn là thành trì vững chắc để ngăn chặn các nền văn hóa và tín
ngưỡng ngoại lai. Thế nhưng ngày nay, sự khao khát thụ hưởng thành quả
của nền văn minh thời hiện đại mang đến và khuynh hướng sống thực dụng,
đồng thời với sự du nhập ồ ạt của văn hóa và tín ngưỡng ngoại lai, kết
quả đã biến nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi tại
nước ta trở thành những mảnh đất màu mỡ cho văn hóa và tín ngưỡng gắn
liền với của cải vật chất. Đây là một trong những thách thức lớn mà
ngành hoằng pháp không thể không quan tâm đến.
Giải pháp nào tháo gỡ?
Nói
đến hoằng pháp hay giáo dục là nói về con người. Những thách thức khó
khăn dù là hoàn cảnh khách quan hay chủ quan cũng từ con người tác nhân
mà có. Do vậy, một khi đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn và thách
thức trong công tác hoằng pháp, thì cũng phải tập trung vào yếu tố con
người. Sau mới bàn đến phương hướng kế hoạch để vượt qua những thử thách
khó khăn đang chướng ngại.
Muốntháo
gỡ những khó khăn và thách thức trong công tác hoằng pháp, trước hết
chúng ta nên tận dụng tối đa những thuận lợi và cơ hội đang có để phục
vụ mục đích tu hành và hoằng dương chánh pháp. Song song đó chúng ta tập
trung đẩy mạnh việc đào tạo nhân sự Tăng tài, đề ra kế hoạch khả thi để
thực hiện, cải thiện và nâng cao phương pháp hoằng pháp. Sau đây là một
vài đề xuất mang tính khát quát, xin mạo muội đóng góp cho sự phát
triển ngành hoằng pháp trong thời đại ngày nay.
-
Tăng, Ni, Phật tử phải tùy theo giới luật đã thọ nhận mà gìn giữ, phải
thật sự tha thiết cần cầu giải thoát và nỗ lực công phu tu tập rèn
luyện, có như vậy mới có thể vượt qua vòng danh lợi và sự cám dỗ của thế
giới vật chất vô cùng dồi dào sung mãn của thời đại ngày nay. Riêng đối
với Tăng sĩ đảm nhận trọng trách hoằng pháp lợi sanh thì cần phải trau
dồi bốn đức hạnh Từ- Bi- Hỷ -Xả, phải thiết tha tâm huyết với sự nghiệp
độ sanh, phải luôn khắc kỷ bản thân và nỗ lực nhiều hơn trong công phu
tu tập để thâm nhập kinh tạng, để sự lý viên dung, tương ưng ngôn hạnh.
Có như vậy mới có được phương tiện diệu dụng để nhiếp dẫn quần chúng vào
con đường chánh pháp.
-
Vị trụ trì là người thường xuyên tiếp cận Phật tử, giải quyết những vấn
đề vướng mắc trong tu học và định hướng một đời sống đạo đức tâm linh
cho Phật tử trong khu vực của mình, do vậy mà vai trò của vị trụ trì trở
thành trung tâm chuyển tải nội dung Phật pháp, khơi nguồn tuệ giác
trong đời sống và cũng là trung tâm vận động mọi Phật sự khi cần thiết.
Điều này cho thấy, những vị trụ trì có rất nhiều thuận lợi và ưu thế
trong vai trò cũng như sứ mạng hoằng pháp. Trước những ưu thế và rất
nhiều thuận lợi như vậy, thì đòi hỏi vị trụ trì, đang gánh trọng trách
“Trụ Pháp Vương Gia, Trì Như Lai Tạng” càng phải thận trọng chuyên chú
giữ gìn giới luật nhiều hơn nữa thì mới có thể làm chỗ nương dựa cho tứ
chúng và đảm đương vai trò sứ mạng hoằng pháp độ sanh. Khi giới luật
được chấp trì một cách nghiêm túc thì tướng hảo quang minh thanh tịnh sẽ
hiện ra và nhờ đó nổi bật lên tính cách ly trần thoát tục của một bậc
xuất gia, quần chúng Phật tử và kể cả người ngoại đạo khi nhìn vào oai
nghi Tăng tướng của vị trụ trì sẽ phát tâm quy hướng về Phật pháp. Đây
là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thu hút quần chúng, dẫn
đến thành công trong quá trình hoằng dương chánh pháp. Vai trò hoằng
pháp độ sanh, “Trụ Pháp Vương Gia, Trì Như Lai Tạng” của các vị trụ trì,
có thể nói là cực kỳ quan trọng, do vậy rất cần ngành hoằng pháp và
giáo dục của Phật giáo quan tâm sâu sắc để đào tạo một cách căn bản, đáp
ứng yêu cầu cao nhất cho những Tăng sĩ sắp được bổ nhiệm trụ trì trong
hoàn cảnh xã hội thời nay.
-
Cư sĩ trước hết là những tấm gương sáng mẫu mực trong đời sống gia
đình, định hướng cho con em một đời sống đạo đức và một lối sống lành
mạnh, ở phương diện này, họ là những nhà hoằng pháp cực kỳ quan trọng
trong đời sống xã hội, là những nhân tố tích cực đem đạo vào đời. Trong
vai trò đồng hành với dân tộc, vị trí của người cư sĩ Phật giáo trong
thời đại ngày nay đóng một vai trò hết sức quan trọng.Họvừa tích cực hộ
pháp vừa phấn đấu tu tập, trong khi phải đối diện với muôn vàn vấn đề
phải giải quyết từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Ngoài ra họ còn đóng
một vai trò then chốt trong sự nghiệp hoằng pháp trong thời đại mới,
thông qua các hoạt động từ thiện xã hội như mở các lớp học tình thương,
cô nhi viện, viện dưỡng lão, các phòng thuốc Đông y từ thiện, cứu trợ
thiên tai. Họ còn có khả năng chuyên môn rất cao trong các lãnh vực
nghiên cứu dịch thuật, sáng tác, văn hóa nghệ thuật, thông thạo vi tính,
trình độ kỹ thuật điêu luyện trên nhiều phương diện… Thực tế cho thấy
họ là một bộ phận quan trọng và không thể tách rời của ngành hoằng pháp.
Họ rất xứng đáng có một vị trí trong sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo
nước nhà. Do vậy, Giáo hội cần quan tâm đến hàng ngũ cư sĩ tại gia để
có chính sách bồi dưỡng nhân tài, và cơ chế thích hợp để hỗ trợ họ phát
huy thế mạnh của mình đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp hoằng pháp độ
sanh.
-
Thực tế trong sinh hoạt Giáo hội và trong công tác của ngành hoằng pháp
đã cho chúng ta thấy rõ yếu tố nội lực luôn là yếu tố hàng đầu để vượt
qua những thách thức trong thời đại mới. Do vậy Giáo hội cần nhanh chóng
đào tạo thế hệ Tăng tài có tri thức, có năng lực, có tầm nhìn chiến
lược, đủ sức gánh vác trọng trách của Phật giáo nước nhà trong thời hiện
đại, đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững của ngành hoằng pháp.
Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, rất cần đến việc chuẩn bị hệ
thống giáo trình thật kỹ lưỡng, nội dung các môn học sự chuyển tải nguồn
tri thức bác học thời đại, thật sự đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành
hoằng pháp.
-
Trong lịch sử Phật giáo cho thấy, ngay cả Đức Phật còn phải đích thân
đến với quần chúng để hóa duyên nhiếp dẫn họ đến với đạo giác ngộ giải
thoát, chứ không ngồi đợi quần chúng tìm đến Đức Phật. Đây là xuất phát
từ Đại bi tâm và tính năng động của Đức Phật. Do vậy, Phật giáo ngày
nay, cần phải chủ động đến với quần chúng để thể hiện trọn vẹn vai trò
nhập thế độ sanh. Ngành hoằng pháp thời nay cần phải năng động triển
khai tinh thần nhập thế một cách khoa học và hợp lý.
-
Phật giáo thời nay cần phải làm tốt công tác nâng cao nhận thức của
quần chúng Phật tử về trách nhiệm và sự đóng góp của Phật giáo đối với
công cuộc tái thiết xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, qua đó giúp họ ý
thức vai trò trách nhiệm của một Phật tử trong hoàn cảnh xã hội thời đổi
mới mở cửa hội nhập.
-
Phật giáo thời nay, cần tận dụng cơ hội và thuận lợi đang có để thu hút
sức ủng hộ của dư luận quốc tế, nhất là Phật giáo quốc tế đối với sự
nghiệp phát triển Giáo hội và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
-
Phật giáo nên thường xuyên tổ chức đại lễ cầu siêu cho toàn bộ người
dân ViệtNamđã khuất từ khi dựng đến nay. Giáo hội nên đề xuất với Nhà
nước nên chọn ngày lễ Vu lan hàng năm chính thức được công nhận là ngày
đại lễ hiếu hạnh của cả dân tộc. Nhân ngày Đại lễ Vu lan, Phật giáo nên
tăng cường công tác đền ơn đáp nghĩa, hướng về nguồn cội, tưởng niệm anh
hùng tử sĩ và nạn nhân chiến cuộc.
-Trong
kế hoạch và định hướng, Ban Hoằng pháp cần phải sâu sát với yêu cần
thực tiễn trước nhu cầu học Phật của quần chúng hiện nay. Cần cụ thể hóa
phương hướng hoạt động cho công tác hoằng pháp trong thời gian đến. Để
thực hiện được điều này, trước hết Ban hoằng pháp cần thảo luận chi tiết
để đi đề ra một phương hướng thích ứng với hoàn cảnh thời đại. Nên
chuyên môn hóa ngành hoằng pháp từ Giáo hội trung ương đến Phật giáo các
tỉnh thành. Kế hoạch và định hướng của ngành hoằng pháp phải gắn liền
với chủ trương nhập thế của Phật giáo, Ban Hoằng pháp các tỉnh thành cần
tích cực tìm giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng hoằng pháp. Nên có
chiến lược và chiến thuật thích ứng với thời đại, để công tác hoằng
pháp đạt được hiệu quả cao nhất. Cần tạo điều kiện để các Tăng, Ni trẻ
có đạo hạnh và tâm huyết phục vụ cho ngành hoằng pháp.
-
Nói đến phát triển Giáo hội tức là nói đến sự lớn mạnh của Tăng già hay
khả năng hoàn thiện của Giáo hội về mọi mặt, đặc biệt là về nhân sự và
tổ chức. Nhân sự có tốt thì Giáo hội mới vững mạnh và tổ chức có tốt thì
Giáo hội mới phát huy hết vai trò của nó. Thực tế cuộc sống thời đại
cho thấy, nếu Phật giáo thiếu định hướng giáo dục đào tạo hợp lý, ắt sẽ
khó tránh khỏi những hoạt động yếu kém. Thời gian qua một số lãnh vực
của Phật giáo còn hoạt động trì trệ, Giáo hội cũng chưa chủ động triển
khai những Phật sự quan trọng liên quan đến công tác hoằng pháp, một
trong những nguyên nhân dẫn đến, đó chính là vấn đề nhân sự. Để tháo gỡ
những khó khăn do yêu cầu về mặt nhân và vượt qua những thách thức trước
yêu cầu cao về trình độ tri thức do yêu cầu thực tiễn của xã hội thời
hiện đại. Phật giáo ngày nay rất cần sự ra đời của trường đại học Phật
giáo, bởi đây là phương án thích đáng và hữu hiệu nhất trong việc bổ
sung và chuẩn bị nguồn nhân lực đóng góp cho sự phát triển Phật giáo
nước nhà hiện thời và tương lai. Thiết nghĩ, sự hình thành trường đại
học Phật giáo không chỉ có lợi cho Phật giáo trong sự nghiệp hoằng pháp
độ sanh, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát huy truyền thống văn
hóa dân tộc, góp phần xây dựng văn minh xã hội, nâng cao trình độ nhận
thức cho thế thế hệ trẻ, trang bị kiến thức chuyên môn cao để đáp ứng
nhu cầu của Phật giáo, nhất là ngành hoằng pháp và của xã hội trong thời
đại mới.
- Nên bố trí thành phần nhân sự trong giáo hội sao cho phù hợp với tình hình và hoàn cảnh thời đại.
-
Giáo hội nên nhận chân tình trạng Phật giáo thời đại một cách khách
quan, trung thực, qua đó mạnh dạn đổi mới hòa cùng sự đổi mới của đất
nước để khôi phục lại truyền thống tu tập như thời Lý Trần và tái tạo
nền đạo đức nhân bản vốn là tài sản thiêng liêng của Phật giáo.
Nếu
quyết tâm thực hiện một cách đầy đủ những giải pháp nêu trên, chúng tôi
tự tin cho rằng, những giải pháp này sẽ mang lợi ích rất lớn cho đạo
pháp và dân tộc. Được như vậy, tự nhiên diện mạo Phật giáo Việt Nam sẽ
khởi sắc, công tác hoằng pháp sẽ hanh thông trôi chảy, những thách thức
và khó khăn sẽ hóa thành những cơ hội và điều kiện thuận lợi.