Hoằng Pháp
Phẩm chất cần thiết của giảng sư trong thời hội nhập
Thích Viên Trí
11/06/2010 00:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TT Thích Viên Trí
Hoằng pháp là một trong những nhân tố quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của một tôn giáo. Phật giáo cũng không ngoại lệ.  


Nghiên cứu các giai đoạn thăng trầm của hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, người ta sẽ nhận ra được tầm quan trọng của công tác hoằng pháp.
 
Tìm hiểu nguyên nhân đưa đến giai đoạn vàng son của Phật giáo Việt Nam thời Lý Trần, chúng ta dễ dàng thấy được vai trò tích cực của công tác hoằng pháp trong thời điểm lịch sử ấy.
 
Nhưng yếu tố nào trong công tác hoằng pháp của Phật giáo Lý Trần đã tạo nên những dấu ấn lịch sử như thế?
 
Có thể nói rằng để có được một sự thành công như thế, hoằng pháp thời Lý Trần phải hội đủ hai yếu tố quan trọng: Nội dung hoằng pháp và con người hoằng pháp.
 
Tất nhiên, nội dung hoằng pháp của đạo Phật bao giờ cũng đặt nền tảng trên lời dạy của đức Phật trong tam tạng thánh điển; nhưng vấn đề cốt lõi đóng vai trò chủ đạo trong việc thành bại của công tác hoằng pháp bao giờ cũng là yếu tố nhân sự.
 
Nói khác đi, nếu không có những con người đầy đủ phẩm chất cần thiết cho công tác hoằng pháp, hiệu quả của hoằng pháp sẽ rất giới hạn, nếu như không muốn nói là không có tác dụng.
 
Trong Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Việt Nam, nói đến công tác hoằng pháp là nói vai trò của Tăng Ni. Xét trên một khía cạnh nào đó, đây là một nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam; nhưng xét trên tinh thần đại chúng, đây lại là một sự hạn chế; đặc biệt nếu đặt vấn đề này trong bối cảnh xã hội hiện nay.
 
Tuy nhiên, trong phạm vi bài tham luận này, người viết sẽ tập trung bàn thảo về đội ngũ tăng ni giảng sư; phần còn lại xin bàn luận trong một diễn đàn thích hợp khác.
 
Đối với Phật giáo, khi nói đến yếu tố nhân sự là nói đến tăng đoàn. Sự sống còn của Phật giáo trong quá khứ, hiện tại và mãi mãi về sau luôn phụ thuộc vào tăng đoàn mà không bao giờ là những cá nhân; bởi lẽ Tăng bảo là một trong ba ngôi Tam bảo cao quý.
 
Nhưng để có một tăng đoàn thật sự vững mạnh, có khả năng chuyển tải giáo lý từ bi-trí tuệ, vô ngã-vị tha của đạo Phật đến với quần chúng, thành viên của tăng đoàn phải hội đủ những yếu tố cần và đủ để xứng đáng với danh hiệu là “Sứ Giả Như Lai”.
 
Bởi vì, sức mạnh của một tổ chức xã hội luôn luôn phụ thuộc vào phẩm chất của thành viên. Không thể có một xã hội lành mạnh khi mà những thành viên của nó sống thiếu ý tưởng, thiếu trình độ, thực dụng, bè phái, phe đảng, tham nhũng, hối lộ.
 
Tương tự như thế, không thể có một tăng đoàn Phật giáo tồn tại đúng ý nghĩa khi các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni không hội đủ được những phẩm chất căn bản của một người xuất gia. Không thể có một lực lượng hoằng pháp hùng mạnh để đảm trách sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh báo Phật ân đức, nếu đội ngũ giảng sư coi trọng kiến thức, bỏ qua phần tự thân tu tập, quá nặng nề về hình thức, xem nhẹ phần thực chất.
 
Bởi lẽ, phẩm chất của các vị giảng sư trong lãnh vực hoằng pháp đóng một vai trò vô cùng quan trọng, vì ảnh hưởng của Phật giáo tích cực hay tiêu cực, mạnh mẽ hay yếu ớt, rộng lớn hay hạn chế luôn phụ thuộc vào đạo đức, trình độ kiến thức, đặc biệt là sức mạnh nội tâm của đội ngũ giảng sư.
 
Trong bối cảnh xã hội ngày nay, với sự tiện lợi của ngành công nghệ thông tin, người ta có thể tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi Phật pháp qua sách vở, hệ thống internet, website, v.v… một cách dễ dàng.
 
Nói khác đi, xã hội ngày nay không cần quá nhiều những chuyên viên tôn giáo hay những người xem đời sống tu hành là một nghề sinh nhai, đi rao giảng những kiến thức thuần túy mà họ học hỏi, góp nhặt, thu thập, tom góp được từ trường lớp, báo đài, internet, v.v….; bởi vì, quần chúng ngày nay dường như đã khá mệt mỏi và mất niềm tin với những người hành nghề tôn giáo, rao giảng luân lý, đạo đức, vô ngã-vị tha nhưng dễ dàng thất vọng, buồn phiền khi tự ngã bị tổn thương, luôn luôn nổi sân khi địa vị, quyền lợi không được thỏa mãn…
 
Có lẽ, con người đương thời đang cần đến một đội ngũ tu sĩ Phật giáo chân chính, những người có thể chia xẻ kinh nghiệm hành trì, có khả năng giúp họ đi ra những rắc rối trong đời thường, có thể đem đến những phút giây an tịnh cho con người trong một xã hội đầy biến động và nhiều sức ép, có thể tạo ra niềm tin tốt đẹp và lạc quan khi người ta có cơ hội đến gần.
 
Theo thiển ý của người viết, để có thể đáp ứng được những yêu cầu trên, một giảng sư Phật giáo cần hội đủ các yêu cầu sau quan trọng sau đây
 
Tầm nhìn
 
Yêu cầu tất yếu đối với một vị giảng sư dĩ nhiên là trình độ Phật pháp. Tuy nhiên, vấn đề người viết muốn trình bày ở đây không phải kiến thức Phật học của các giảng sư, mà là cái nhìn thấu suốt của họ về giáo lý Phật giáo.
 
Một giảng sư phải là người phải hiểu biết một cách rõ ràng tầm quan trọng về phương diện lịch sử và tư tưởng của Phật giáo từ khởi nguyên đến hiện tại; bởi vì: “Nếu sự khởi nguyên của các tôn giáo thế giới là những chủ đề có ý nghĩa và rất đáng được quan tâm nghiên cứu, thì sự phát triển và mở mang của chúng cũng không kém phần quan trọng…”[1].
 
Do vậy, một vị giảng sư cần nhận chân một cách thấu đáo mối quan hệ hổ tương giữa các hệ thống triết học từ khởi nguyên đến các giai đoạn phát triển; vì đây là một trong những yêu cầu tất yếu cho sự tồn tại của Phật giáo giữa các nền văn hóa khác nhau.
 
Sự hình thành và phát triển các bộ phái Phật giáo theo thời gian là nhằm mục đích đáp ứng những nhu cầu đa dạng của con người trong, mà không phải là sự phát triển mang tính cục bộ, phân loại cao thấp, bè phái riêng rẽ, không có sự nối kết với nhau.
 
Tất nhiên, về hình thức tổ chức và phương pháp vận dụng triết lý có sự khác nhau đề phù hợp với nhu cầu tri thức của con người từng thời đại, nhưng những triết lý cốt tủy của Phật giáo là không thể có sự khác nhau.
 
Khi được trang bị một sự hiểu biết như thế, một số quan niệm sai lầm, ngộ nhận xưa nay như Nguyên Thủy hay Nam Truyền Phật giáo là mới là chánh thống, Phật giáo Bắc Tông hay Phát Triển không phải là chánh thống; hoặc Phật giáo Nam Truyền là Tiểu Thừa, Phật giáo Bắc Truyền là Đại Thừa sẽ không có cơ sở đề tồn tại.
 
Nói khác đi, những ý tưởng chấp thủ bộ phái, vùng miền, đại tiểu, cao thấp cần phải được chuyển hóa và loại trừ. Tuy nhiên, trong thực tế của tăng đoàn Phật giáo, tầm nhìn này dường như vẫn chưa được phát huy một cách tích cực; từ đó, chủ nghĩa bộ phái, khuynh hướng đề cao cá nhân đã ảnh hưởng khá rõ nét trong tư duy cũng như sinh hoạt của đại đa số đệ tử Phật.
 
Theo thiển ý của người viết, đây có thể xem là một trong những trở lực lớn khiến hiệu quả của ngành hoằng pháp còn nhiều hạn chế.
 
Do vậy, xây dựng một tầm nhìn cho đội ngũ giảng sư là cần thiết cho sự nghiệp hành đạo của tăng đoàn.
 
Khả năng vận dụng
 
Một yếu tố quan trọng nữa là tính bản địa hóa hay địa phương hóa Phật giáo. Trên bình diện tuyệt đối, Đạo Phật không hề mang khoác bất cứ nhãn hiệu nào, ngoại trừ ý nghĩa là con đường thoát khổ, hay là “một nghệ thuật sống”.
 
Tuy nhiên, trên bình diện thế gian, đạo Phật luôn có tên gọi riêng cho chính mình mỗi khi truyền bá vào một quốc gia hay xứ sở; ví dụ Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Thái Lan...
 
Nói khác đi, trong quá hội nhập và phát triển, giáo lý Phật giáo và văn hóa bản địa luôn có một sự giao thoa tương tác để từ đó tạo ra một bản sắc mới cho chính Phật giáo và nền văn hóa ấy. Đây chính là tài sản vô giá đối với từng dân tộc, từng quốc gia, xứ sở.
 
Chắc chắn, người Việt Nam sẽ chỉ bảo vệ và giữ gìn những tài sản nào mang thuộc tính Việt Nam; đó là Lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam, Phật giáo Việt Nam, mà không thể là của Trung Hoa, Nhật Bản, v.v...
 
Như thế, người giảng sư cần phải có những kiến thức cơ bản về lịch sử và đặc tính văn hóa của từng vùng miền cụ thể, để từ đó mới có chương trình hoằng pháp thích hợp với căn cơ, trình độ và đặc tính văn hóa từng địa phương.
 
Chính đặc tính bản địa này tạo nên một sức sống lâu dài cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc và đạo pháp. Trong Phật giáo, kiến thức và khả năng vận dụng này được gọi là tinh thần phương tiện thiện xảo.
 
Tuy nhiên, trong quá trình “phương tiện” để phục vụ mục tiêu hoằng pháp, “thiện xảo’ để đưa đạo vào đời, để bảo tồn tính văn hóa dân tộc trong đạo, người giảng sư không thể bỏ qua ý nghĩa “tùy duyên nhi bất biến” của Phật giáo; nghĩa là không thể đáng mất tinh thần trí tuệ-giải thoát của đạo Phật cho dù có đạt được bất cứ kết quả gì trong hiện tại.
 
Bởi lẽ, nếu đạo Phật mà không có tính chất trí tuệ-giải thoát thì dễ bị đồng hóa thành một loại tín ngưỡng hay tôn giáo thuần túy với chức năng chính là cúng kiến và cầu nguyện.
 
Văn hóa dân tộc mà không được phát huy và bảo tồn tinh thần trong sáng của nó thì không sớm thì muộn cũng sẽ bị tha hóa.
 
Nhưng trong các hình thức sinh hoạt của Phật giáo hiện nay, đặc biệt là trong thập niên đầu của thế kỷ 21, dường như đã có quá nhiều hủ tục, tập quán mang tính đồng bóng, thần quyền, mê tín, dị đoan đang lấn sâu vào trong đời sống của người Phật tử.
 
Lý do là vì vai trò và nhiệm vụ giảng sư đoàn của nhiều tỉnh thành Phật giáo trong cả nước dường như đang rất mờ nhạt và chưa thực sự có ảnh hưởng lớn trong đời sống của quần chúng tín đồ. Ngành hoằng pháp chưa định hình được “giáo trình” hoằng pháp rõ ràng cho từng đối tượng, từng lứa tuổi.
 
Theo cái nhìn người viết, hoạt động của Ban Hoằng Pháp tại các tỉnh thành Phật giáo hiện nay có vẻ mang tính phong trào, thời vụ, mà chưa có tính chiến lược lâu dài, đặc biệt là chưa có chương trình giảng dạy và hướng dẫn cụ thể dành cho đối tượng thanh thiếu niên.
 
Đã đến lúc các vị lãnh đạo của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Ban Hoằng Pháp Giáo hội, cần xác định và phát huy những nét đặc thù nào của giáo lý Phật giáo và văn hóa dân tộc, những thức ăn tinh thần gì mà giới tín đồ Phật giáo Việt Nam với sự khác biệt về tuổi tác, trình độ, sở thích khác nhau đang cần trong bối cảnh xã hội ngày nay để từ đó trang bị cho giảng sư đoàn của Giáo hội đầy đủ những nhu yếu vừa nêu.
 
Có như thế vai trò của ngành hoằng pháp mới hoàn thành được trọng trách đầy thiêng linh và ý nghĩa của mình
 
Nội tâm tu tập
 
Có thể nói rằng đây là phẩm chất quan trọng nhất đối với một tu sĩ Phật giáo nói chung, và giảng sư nói riêng. Tất nhiên, nội lực này không phải do nghiên cứu thuần túy, học tập mà có được; nhưng nó là thành quả của một quá trình  học tập và ứng dụng giáo lý của đức Phật vào trong đời sống hằng ngày ngang qua ba nghiệp thân khẩu ý.
 
Nó chính là chất liệu từ bi-trí tuệ của đạo Phật được tẩm ướt và thẩm thấu vào thân tâm, tạo nên tư cách của một tu sĩ Phật giáo biểu mẫu về đạo đức và trí tuệ của đạo Phật như  lời dạy của Kinh Pháp Cú:
 
Hương thơm các loại hoa
Không ngược bay chiều gió,
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay,
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời[2]
 
Chính sự biểu hiện tinh thần tri hành hợp nhất, nói sao làm vậy, làm sao nói vậy từ cuộc sống của những nhân cách này sẽ khiến cho niềm tin của tín đồ, quần chúng trở nên kiên cố đối với Tam Bảo.
 
Đây chính là nội dung của cái gọi là “sức mạnh nội tâm’ của một hành giả Phật giáo. Sức mạnh này sẽ phát ra một năng lượng gọi là từ trường, có khả năng chuyển hóa nội tâm những người đang bị bối rối bởi chính dục vọng của mình, đang trải nghiệm khổ đau bởi lòng sân hận và chấp thủ của tự thân.
 
Sức mạnh nội tâm này như một cơn mưa giữa mùa hạ, nhanh chóng làm dịu đi cái nóng oi bức tạo nên sự bất an, khó chịu cho mọi loài.
 
Một hành giả chân chính của Phật giáo luôn là cọng nghiệp tốt cho cộng đồng và xã hội; bởi vì cứ mỗi lần được tiếp xúc, thân cận, gần gũi với những con người chân chính này, cảm giác bình an, thư thái, thanh thản, nhẹ nhàng sẽ sinh ra trong tâm của người ta bởi vì hương vị giải thoát của tâm vô tham, vô sân, vô si của chính hành giả tỏa ngát khiến cho tâm hồn của người ta cảm thấy lắng dịu mọi ưu phiền, lo lắng.
 
Có lẽ đây là những phẩm chất mà nhân loại đang cần, và cũng là ưu điểm của những tu sĩ chân chính của Phật giáo có thể đóng góp cho cuộc đời. 
 
Đây cũng chính là khát khao, hoài vọng mà những con người văn minh ÂU Mỹ đang cần khi họ phát biểu rằng: “giá trị chân chính không phải là cái con người đang có, mà giá trị đích thực là chính những gì họ đang sống.”[3]
 
Rõ ràng, giáo lý Phật giáo có thể sản sinh ra những giá trị như thế! Bởi vì, thế giới Âu Mỹ đã thật sự tâm phục, khẩu phục khi nhận ra được những giá trị mà họ mong ước đã được thể hiện hoàn toàn qua cuộc đời đức Phật.
 
Những lời phát biểu sau đây của Herman Hess, giải văn chương Nobel, sẽ minh chứng cho quan điểm này, “… Nhưng nội dung tri thức của lời Phật dạy chỉ là một nửa của sự đóng góp của Ngài. Nửa còn lại là đời sống của Ngài, đời sống thực mà Ngài sống…
 
Thực vậy, đức Phật đã hoàn tất việc rèn luyện chính mình và đem áp dụng cho các đệ tử. Ngài đã xác định một mục tiêu và đã đạt được những kết quả mà các nhà hành động chân chính nổi danh của Phương Tây phải ngả mũ kính phục”, và “Đức Phật là hiện thân của tất cả những đức hạnh mà Ngài giảng dạy.
 
Trong suốt 45 năm thuyết giảng thành công và sinh động, đức Phật đã thể hiện lời nói của mình bằng hành động.”[4]
 
Trích Tham luận củaTỳ kheo Thích Viên Trí - Học viện PGVN tại TP.HCM tại Hội thảo hoằng pháp toàn quốc - Kiên Giang 2010


[1] N. Dutt, The Spread of Buddhism and The Buddhist Philosophy”, New Delhi, Allahabad, 1980.
[2] Thích Minh Châu (dịch) Kinh Pháp Cú, Kệ số 54
[3] Will. Durrant, Câu Chuyện Triết Học.
[4] Thích Trí Thủ, A. Billings-J.C Cleary-Phương Thuần, Bước đầu học Phật, Giao Điểm, 2002.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch