Mùa Vu Lan lại về, tôi bồi hồi xúc động. Ai cũng
có một người mẹ trong trái tim. Sương mù và mưa ngâu. Nhớ thương và xót xa một cái gì đã mất. Tôi bần thần. Chiều nay không viết được
trang sách nào cả. Ngồi uống trà và ngắm nhìn mây trời lang thang. Ôi! Thu!
Điện
thoại reo. À, con hả, gì vậy con?
Thầy đã hứa mấy lần mà chưa giải thích cho con nghe
nghĩa của ba chữ Vu Lan Bồn? Thế hả? Thầy có hứa à? Thầy lại lẩm cẩm rồi! Ừa,
thầy lẩm cẩm lâu rồi! Có tiếng cười vui. Thầy đánh trống lãng hả? Tôi im lặng vài giây. Nếu con muốn tìm
hiểu nghĩa Vu Lan Bồn - thì con hãy lấy bút và giấy ra! Chi vậy thầy? Để thầy
đọc và con chép. Con sẽ chép tên một số sách, báo, tạp chí, một số từ điển -
người ta đã giảng giải
về ba chữ ấy. Đọc rồi hiểu ngay liền à! Không! Đọc mệt lắm!
Con không có thì giờ đâu.
Thầy hãy viết một bài để
đưa lên mạng hay đăng các tập san, các tạp chí Phật giáo.
Thế là tôi có hứa viết. Nhưng viết
làm sao đây? Từ điển Phật học nào cũng có giảng giải cả. Các sách, báo, tạp chí
rải rác mấy chục năm nay cũng đã làm việc ấy
rất nhiều rồi. Có điều, chẳng có ở đâu nói đúng. Khi cái hiểu sai đã trở thành phổ thông, dẫu mình có nói
đúng sự thật thì biết còn
ai nghe, ai tin?
Tôi
thở dài. Ôi! Tôi lại nhớ mẹ tôi quá! Mái tóc bà bạc trắng. Có cái lưng còng hình chữ U. Suốt một đời
ăn ở hiền lành, tốt bụng; nắng mưa tần tảo, lụm cụm lo cho chồng, cho con, cả
cho cháu nữa; đêm nào cũng lần tràng hạt, niệm kinh! Mẹ ơi! Bây giờ mẹ ở đâu?
Ôi! Nếu hiểu Vu Lan Bồn - phát xuất từ chữ
Sanskrit là Ullambana, nghĩa là “đảo huyền” (treo ngược), cứu
cái tội treo ngược, thì hóa ra,
có thể là mẹ mình, mẹ của ai đó, cụ thể là mẹ của ngài Mục-kiền-liên (Moggallāna) đã bị tội treo ngược sao? Và tất cả
hương hồn, vong linh “bảy đời cha mẹ” lang thang cô lữ, phiêu dạt nhiều
đời - đều chỉ chịu chung một hình phạt - là tội
treo ngược cả hay
sao? [1]
Nghĩ
mà buồn. Lại càng buồn hơn khi không biết viết như thế nào để khỏi mất lòng người nầy, người khác; viết như
thế nào để phủ chính một quan niệm sai lầm, khi cái quan niệm sai lầm ấy đã lan tràn khắp Trung Quốc và Việt Nam ? Hay
là cứ liệt kê ra đây tất cả, những ngữ nghĩa, những giải thích nơi này và
nơi kia - rồi cái đúng, cái sai - hãy để mọi người tự khảo sát và chiêm nghiệm lấy? Ừ, cứ
làm vậy đi!
Thế rồi,
đầu tiên là tôi tra từ điển.
* Từ
điển Phật học của Đoàn Trung Còn - nơi chữ Vu Lan Bồn, [2] ông viết:
- Uilambana (sic) [3]: Còn gọi là Ô-lam-bà-noa (sic),
dịch là đảo huyền, chỉ nỗi đau khổ cùng cực. Huyền ứng âm nghĩa, q.13: “ Vu-lan-bồn, là nói sai. Nói đúng là Ô-lam-bà-noa, dịch là đảo huyền. Theo
phép nước Tây Trúc, vào ngày tự tứ của các tăng, đặt cỗ bàn linh đình, dâng cúng Phật tăng để
cứu cái khổ treo ngược (đảo huyền) của người đã mất. Xưa
nói là cái chậu đựng thức ăn, đó là nói sai. Vu-lan-bồn kinh sớ của Tông Mật nói: “ Vu-lan là từ ngữ của Tây vực,
nghĩa là đảo huyền, bồn là âm của Đông Hạ vẫn
là đồ dùng cứu chữa. Nếu theo cách nói của địa phương thì phải nói là Cứu đảo huyền bồn”. Vu-lan-bồn tâm ký của Nguyên Chiếu (q.thượng), bác lại: “ Theo Ứng
pháp sư kinh âm nghĩa thì: Tiếng
Phạn Ô-lam-bà-noa dịch là Đảo huyền, nay xét Ô-lan tức là Vu-lan, bà-noa
là cái chậu. Thế là ba chữ đều là tiếng Phạn. Nhưng âm thì có sự xê xích sai lầm.”
Còn nữa,
- Vu-lan-bồn hội: Tôn
giả Mục Liên đệ tử của đức Phật, thấy mẹ rơi vào đường quỷ đói, chịu nỗi khổ bị
treo ngược (đảo huyền), hỏi đức Phật cách cứu gỡ. Đức Phật dạy rằng vào
ngày Rằm tháng bảy (sic) hằng
năm, đem trăm thức phẩm vật dâng cúng
Tam Bảo, nhờ vào uy của Tam Bảo thì sẽ cứu được cha mẹ của bảy đời. Do
đó mà có pháp hội này...
- Vu-lan-bồn kinh: Tức kinh Phật
thuyết Vu-lan-bồn - Trúc Pháp Hộ dịch (01 q.). Kinh
này do đức Phật thuyết nhằm khuyên người ta cầu siêu cho ông bà cha mẹ còn sống (sic). Kinh này nên tụng trong
tuần tháng bảy vào ngày rằm (sic). Vu-lan-bồn tức là bữa tiệc (sic) cúng
Phật và chư tăng để cầu phúc cho ông bà cha mẹ, cầu cho hồn người thác ở nơi âm
cảnh khỏi bị treo ngược. Vu-lan-bồn kinh
nói về ngài Mục Kiền Liên là đệ tử của đức Phật vừa đắc đạo (sic) liền nhớ tới công ơn cha mẹ.
Ngài ngó xuống cõi âm thấy
cha mẹ (sic) mình đang bị treo ngược vô cùng khổ cực. Ngài đem
cơm xuống cho mẹ nhưng bà chẳng ăn được. Đức Phật dạy ngài muốn cứu vớt mẹ phải
chờ đến ngày Rằm tháng bảy (sic), khi
có đủ chư tăng đại đức hội về làm tiệc (sic) mà cúng Phật và khoản đãi (sic)chư tăng. Dựa vào sức
lành của các ngài mà siêu độ được vong linh, làm cho cha mẹ bà con hiện còn sống (sic) được
thêm phúc đức. Nhờ vậy mà ngài Mục Kiền Liên đã cứu giải được mẹ...
Theo Phật học từ điển của Đạo Uyển:
- Vu-lan-bồn hội: S. Ullambana;
là cách dịch theo âm, dịch nghĩa là Cứu đảo huyền, tức là “ Cứu nạn treo ngược” cứu “ những oan hồn bị treo ngược
dưới địa ngục”.
Rồi
ông giải thích: Một lễ hội cúng các cô hồn, nhằm ngày Rằm tháng bảy. Trong ngày
này, các quỷ đói dưới địa ngục (sic) được cúng dường thức ăn, bánh trái, giấy tiền
vàng bạc (sic), quần
áo... để họ được giảm khổ đau. Lễ này được tổ chức lần đầu tiên năm 538 tại
Trung Quốc và vẫn được tổ chức hằng năm tại các nước Đông Á như Trung Quốc, Việt
Nam. Nguồn gốc của lễ này xuất phát từ Mục Kiền Liên. Tôn giả nhờ thiên nhãn thông thấy được mẹ mình tái sinh làm ngạ quỷ dưới
địa ngục (sic) và
đau xót muốn cứu bà. Đức Phật bảo là chỉ có sự hỗ trợ của toàn thể tỉ-khâu
trong Tăng-già mới giảm đau cho họ được...
Theo An Chi [4] thì giải thích rất dài; ông đã chịu khó dẫn chứng nhiều nơi,
nhiều nguồn rồi phân tích sự sai lầm của các nhà nghiên cứu khác. Tôi chỉ có thể
chép lại tóm tắt những ý chính.
- Huệ Thiên đã viết [5]: “ Vu lan là dạng tắt của Vu
lan bồn, phiên âm danh từ S. Ullambhana. Ban
đầu là Ô lam bà na. Về sau, vu thay thế cho ô, lan
cho lam và bồn cho bà n(a). Vậy, Vu lan bồn chỉ
là ba tiếng dùng để phiên âm, nên từng tiếng một (vu, lan, bồn) không có nghĩa gì cả. Do đó,
tách bồn ra mà giảng thành “cái chậu đựng thức ăn” như hai tác giả Thích
Minh Châu và Minh Chi đã làm [6] là
hoàn toàn không đúng[7].
Huệ Thiên viết tiếp:
- Ullambhana có nghĩa là sự giải thoát.
Danh từ S. này có ba hình vị: Tiền tố ud (trở thành ul do quy tắc
biến âm sandhi khi d đứng trước l), căn tố LAMBH và hậu tố ana (...) Tiền tố ud chỉ ý phủ định hoặc đối lập
(...) Căn tố LAMBH là hình thái
luân phiên với LABH, có nghĩa là lấy, chiếm lấy, nắm bắt. Vậy ul - LAMBH
có nghĩa là giải thoát. Hậu tố ana chỉ hành động có liên quan đến
nghĩa mà tiền tố và căn tố diễn đạt. Vậy Ullambhana có nghĩa là
sự giải thoát. Ullambhana được phiên âm sang Hán ngữ bằng
ba tiếng đọc theo âm Hán Việt là Vu lan bồn, được nói tắt là Vu lan. Vậy Vu lan là sự giải thoát.
Trích
dẫn đến ngang đây, ông An Chi
than: Tiếc rằng, cho đến nay, vẫn còn nhiều tác giả giảng sai về xuất xứ và nghĩa gốc của hai tiếng vu
lan; rồi ông viết:
- Trong Văn tế thập loại chúng sanh của
Nguyễn Du (bản in lần thứ hai, An
Tiêm, Paris, 1995), Hoàng Xuân Hãn đã viết như sau: “Phạn ngữ Ullambana nghĩa là cực khổ tột
bực. Nghĩa lại chuyển thành cứu khỏi cực khổ.
Phiên âm Hán ngữ đã có nhiều
cách; một cách là Vu-lan-bồn, nói tắt: Vu-lan”. (Sđd, tr.14).
Đọc đến
ngang đây, chưa nói cái đúng, cái sai của mỗi nhà, mà chúng ta nên để ý: Huệ Thiên, ở trên, giải thích danh từ
S. Ullambhana; Hoàng Xuân Hãn, ở dưới
lại giải thích danh từ S. Ullambana. Một
bên là căn tố LAMBH, một
bên là căn tố LAMB ( BH
và B).
An Chi viết tiếp:
- Không biết Hoàng Xuân Hãn đã căn cứ vào nguồn thư tịch nào
về Phật học và về tiếng Sanskrit mà lại khẳng định rằng “ Ullambana” là “cực khổ tột bực”, rồi “ nghĩa lại
chuyển thành cứu khỏi cực khổ”. Để cho rõ vấn đề, trước nhất, xin nhấn mạnh
rằng trong tiếng S. thì Ullambhana và Ullambana là
hai từ khác hẳn nhau về nghĩa gốc của căn tố.
Căn tố
của từ trước là LABH/
LAMBH, như đã phân
tích, còn căn tố của từ sau thì lại là LAMB. Cũng
như từ trước, ullambana có ba hình vị: Tiền tố ud (trở thành ul vì
lý do đã nêu), căn tố LAMB và hậu tố ana.
Ngoài nghĩa nêu trong đoạn đã dẫn của Huệ
Thiên, ud ( -> ul) còn chỉ hướng chuyển động từ dưới lên.
LAMB là treo (vậy ul - LAMB là treo lên) còn
ana là hậu tố diễn đạt, như đã thấy. Vậy ullambana là sự treo lên và chỉ có thế. Từ
này hoàn toàn chẳng có liên quan gì đến ý “ cực khổ tột cùng”, càng không phải “ cứu khỏi cực khổ”.
Chúng tôi mạo muội đoán mò rằng chẳng
qua Hoàng Xuân Hãn chỉ căn cứ vào những lời giảng sai về mấy tiếng
“vu lan (bồn)”
trong thư tịch của Trung Hoa rồi lấy cái nghĩa đó mà gán cho danh từ S. ullambana, tự nó vốn cũng
chẳng có liên quan gì đến mấy tiếng “ vu lan (bồn)”.
Đến
chỗ này, dường như ông An Chi bắt
đầu kết luận:
- Mathews’Chinese - English Dictionnary đã chú một cách ngắn gọn và chính xác về xuất xứ
của ba tiếng “ vu lan bồn” như sau: From the Sanskrit ullambhana, deliverance”. (Do tiếng Sanskrit ullambhana, (có nghĩa
là ) sự giải thoát).
Vậy cái nghĩa “cứu khỏi cực khổ” mà Hoàng
Xuân Hãn cho là nghĩa phái sinh (“chuyển”) của ullambana chính
là cái nghĩa đích thực của ullambhana
(sự giải thoát, sự cứu nạn...) còn “ cực khổ tột bực” chẳng những không phải là nghĩa gốc của
từ này mà cũng chẳng phải của từ ullambana do Hoàng Xuân Hãn nêu
ra.
Đến
ngang đây, ta thấy rõ An Chi đã đồng ý với Huệ Thiên (Huệ Thiên cũng là bút danh khác của
An Chi), danh từ S. Ullambana
là sự treo ngược, còn danh từ S.
Ulambhana là sự giải thoát. Vậy, Vu-lan-bồn là sự
giải thoát thật chăng?
Tôi cảm thấy ngờ ngợ, nghi nghi! Ullambana, tội
treo ngược là trật rồi; nhưng Ullambhana, là sự
giải thoát thì cũng không phải! Dường như tôi chưa đọc được ở
đâu “thuật ngữ Ullambhana” lại chỉ cho sự giải thoát cả. Sanskrit hoặc Pāḷi,
đều tương tợ nhau. Tôi có thể nêu ra một số:
- Vimutti (p.) - vimukti (s.): Giải thoát.
- Vimokkha (p.) - vimoksa (s.): Giải thoát.
-
Vimokkha-magga (p.) - Vimoksa-mārga: Giải thoát đạo.
-
Vimutti-kāya (p.) - Vimukti-kāya (s.): Giải thoát thân.
- Pàtimokkha (p.) - Prātimoksa
(s.): Biệt giải thoát.
...
Điểm sơ như vậy để chúng ta hiểu rằng, khi muốn nói đến giải thoát, dù giải thoát
thân, giải thoát tâm, giải thoát trí, giải thoát đạo, giải thoát chướng, giải
thoát nghĩa, giải thoát môn, giải thoát tưởng, giải thoát uẩn, giải thoát tri
kiến... trong kinh điển chỉ sử dụng hai thuật ngữ chính là vimutti, vimokkha (nếu là
Pàli), là vimukti, vimoksa (nếu là Sanskrit) - chứ
chưa hề thấy xuất hiện bóng dáng của danh từ Ullambhana!
Để
cho điều vừa trình bày được
thuyết phục, tôi muốn trích dẫn thêm một số nơi nữa.
Ngay
như từ Ullambhana mà Mathews’ Chinese - Enghish Dictionnary
dịch là Deliverance, rồi sau đó An Chi dịch là “sự giải thoát” - chúng ta cũng nên bàn một
chút để rộng đường nghiên cứu, suy nghĩ:
- Danh từ Deliverance phát
xuất từ động từ Deliver (ngđt) có rất nhiều nghĩa: Phân phối; đọc, phát biểu,
bày tỏ; đỡ đẻ; giao, giao trả, nộp... cho đến nghĩa phụ cuối cùng mới là cứu, cứu khỏi, cứu thoát... Đây
là từ tiếng Anh cổ, vì ngại lệch
nghĩa nên ngày nay người ta (Đức, Anh, Mỹ...) không dùng nữa.
- Còn một từ tiếng Anh cổ thứ hai, đấy
là danh từ Emancipation
- phát xuất từ động từ Emancipate (ngđt) có nghĩa là giải phóng, phóng thích, giải
thoát ... nó gần với từ S. Ullambhana hơn - nhưng bây giờ cũng
rất ít dùng.
- Từ
tiếng Anh hiện đại - khi nói đến “giải thoát” hoặc dịch thuật
ngữ P.Vimutti, vimokkha - S. Vimukti, vimokṣa - thì người
ta dùng từ Liberation, phát
xuất từ động từ Liberate (ngđt) có nghĩa là tha, thả, giải phóng, phóng thích, cho tự do... Động
từ ấy lại tương tợ từ tiếng Pháp - Libre, liberté, libérer, libéralité, libération... đều
cũng một trường nghĩa - chỉ cho sự tự do, cho tự do, sự giải thoát, cho giải thoát... Tiếng
Đức cũng vậy: Libe’ral (Adj) - ưa tự do, tự do; Liberali’ sieren (Vt) - sự
làm cho được tự do, tự do hóa...
Vậy xin các nhà nghiên cứu khi dịch những “thuật
ngữ” Phật học - thì hãy lưu ý đấy là “thuật ngữ” - không thể tùy tiện tìm nghĩa tương
tợ, khái lược thế nào cũng được; vì giả dụ như khi dịch ngược trở lại hoặc dịch sang một ngôn
ngữ khác nữa - thì yếu tính
giáo pháp sẽ phai loãng đi hoặc lệch nghĩa một cách đáng tội! (Trường
hợp này tôi không dám ám chỉ
ông An Chi).
Trở lại câu chuyện của ngài Moggallāna (Mục-kiền-liên). Quả
thật, do mẹ ngài hủy báng Tam Bảo nên bị quả báo đau khổ làm Ngạ quỷ đói thì có thật [8]. Ngài sử dụng thiên nhãn thông nên thấy được
sự đọa đày, thống khổ của mẹ là có thật. Chúng ta cũng nên để ý nữa rằng, Moggallāna
là Đại đệ tử của đức Phật, đắc lục thông - chẳng lẽ nào ngài không biết là cái “thân sống” của Ngạ quỷ là chỉ để
trả quả ác nghiệp - chứ không thể ăn uống gì được, vật thực của cõi người lại
càng không thể. Dẫu có soạn mâm cao, cỗ đầy cũng không ăn được. Còn tiền giấy đô-la, vàng mã, áo quần gì gì đó...
thì thuộc loại mê tín nhân gian
rồi, không phải chánh tín của Phật đâu! Cõi Ngạ quỷ (chính
xác là Ngạ quỷ đói, lạnh) chỉ có thể ăn, uống, mặc... no ấm là do phước
hồi hướng của quyến thuộc; rồi chính phước ấy hóa thành tứ sự đủ đầy cho Ngạ quỷ đói, lạnh.
Như tích truyện đức vua Bimbisāra, đặt bát cúng dường đức Phật và tăng chúng để
hồi hướng cho Ngạ quỷ đói vốn là quyến thuộc nhiều đời của ông được sanh thiên
với đầy đủ oai sang phước tướng. Vậy chẳng lẽ nào ngài Moggallāna không biết sự thật ấy, lại bi
ai, thảm thương mang bát vật thực xuống cho mẹ ăn rồi thấy mẹ
không ăn được, do cơm hóa than!
Truy nguyên, hóa ra là từ đoạn
kinh Vu Lan mà Trúc Pháp Hộ đã dịch sang
chữ Hán:“ Đại Mục Kiền Liên thủy đắc lục thông, dục độ phụ
mẫu báo nhũ bộ chi ân. Tức dĩ đạo nhãn quán thị thế gian. Kiến kỳ vong mẫu sanh ngạ quỷ trung, bất kiến ẩm
thực, bì cốt liên lập. Mục Liên bi ai, tức dĩ bát thịnh phạn vãng hướng
kỳ mẫu. Mẫu đắc bát phạn, tiện dĩ tả thủ chướng bát, hữu thủ sủy thực. Thực vị
nhập khẩu, hóa thành hỏa thán, toại bất đắc thực”[9]
Ta thấy
rằng, chuyện ngài đắc lục thông, vì muốn cứu cha mẹ để đền đáp ân sinh thành dưỡng dục nên dùng
thiên nhãn thông nhìn khắp thế gian,
thấy mẹ sinh làm ngạ quỷ đói, không có gì để ăn uống, da liền với xương... là chuyện có
thật, đúng như câu chữ Hán, đoạn trên. Nhưng đoạn sau, có hai chỗ mà chúng ta đã đề cập ở trên. Đó là “Mục Liên bi ai, tức dĩ bát thịnh phạn” và “ hóa thành hỏa thán”. Bi ai là
xót thương, là thảm thương (thống thiết cảm thương) lấy bát đựng cơm đem
xuống cho mẹ... rồi cơm hóa than...!
Hóa
ra, sự hiểu lầm, lệch lạc là bởi từ kinh chữ Hán; vậy người học Phật hãy xem chừng [10].
Còn nữa, đoạn kinh chữ Hán không hề thấy chữ “ đảo
huyền, treo ngược” và Ngạ quỷ đói lạnh cũng không thấy “ tội bị
treo ngược”.
Đây
có lẽ chỉ là sự hư cấu của người đi sau, có thể là với dụng ý tốt nhằm giáo hóa thế gian, nêu bật tâm Đại
Hiếu của ngài Mục Kiền Liên! Nhưng tiếc thay, khi làm như vậy - người ta lại bỏ
quên, không nhớ rằng, ngài là vị thượng thủ A-la-hán đầy đủ tâm, tuệ giải
thoát, đệ nhất năng lực thắng trí - vốn biết tất cả mọi chuyện, nếu có hướng
tâm - và tuyệt không còn những
tình cảm dung thường nữa!
Đức
Phật dạy Moggallāna với đại ý rằng: “ Mẹ ông bị thống khổ đọa đày do ác nghiệp
hủy báng Tam Bảo. Như Lai không cứu được. Mà sức một mình ông cũng không cứu được
dù ông là Đệ nhất thần thông. Chỉ có một cách duy nhất, là sau ngày mãn hạ [11] của
chư tăng, ông làm phước cúng dường đến quý ngài - mong nhờ cộng hưởng
năng lực thanh tịnh của thập phương tăng chú nguyện, mẹ ông sẽ thoát khỏi khổ!”
Thực
hành theo lời dạy bảo của đức Phật, mẹ ngài thoát kiếp Ngạ quỷ và sau đó, được
sanh thiên.
Tóm tắt câu chuyện ấy, lộ ra tính chất: Do nhờ
năng lực chú nguyện của thập phương tăng nên mẹ ngài Moggallāna được
nâng lên, được giúp đỡ, được cứu, được vớt khỏi cảnh giới đau khổ. Đến
ngang đây, cái từ Ullambhana hiện
ra; chính xác nó phải mang ngữ nghĩa như trên chứ không thể mang nghĩa giải thoát được! Và như thế, từ Sanskrit- Ullambhana sẽ
tương đương với từ Pāḷi-Ullumpana (danh từ trung tính) có cùng một nghĩa là sự nổi lên, mọc lên, cứu vớt - phát xuất từ
động từ Ullumpati có nghĩa là nâng lên, giúp đỡ... Vậy,
tôi dè dặt đề nghị nên dịch từ S.Ullambhana là sự cứu
vớt, cứu khỏi, chính xác hơn là dùng cụm từ “sự giải thoát” Hy vọng rằng, S. Ullambhana và P.
Ullumpana - từ nay sẽ không còn ai hiểu lầm nữa về cái tội
treo ngược; và hãy trả
lại chân dung xứng đáng cho ngài Moggallāna - một vị thánh xuất trần,
ly cấu sao lại tầm thường và lại thiếu trí tuệ như bấy lâu nay - theo cách hiểu
lầm đáng tiếc nêu trên!
Mô Phật! Bài thầy nhờ gởi qua
email ở chùa ngoài con đã nhận được
chưa? Dạ, được rồi! Đã đọc
chưa? Dạ đọc một lần rồi! Con sẽ đọc lại lần thứ hai. Hóa ra nó phức tạp đến vậy!
Cảm ơn thầy đã giải
thoát khỏi trí óc con cái tội bị treo ngược của thất thế phụ mẫu.
Cả cái chậu đựng thức ăn tội nghiệp kia nữa chứ! Phải rồi! Cảm ơn thầy! Đừng cảm
ơn thầy! Tại sao? Hãy cảm ơn
các nhà học giả, nghiên cứu - còn thầy chỉ là người đọc sách, rồi làm cái việc
của người thư ký để chép ra vậy thôi! Thầy khiêm tốn quá đấy! Cái bản ngã khiêm tốn nó cũng lớn lắm đấy!
Thầy không dại thế đâu! Có tiếng cười rúc rích. Rồi im lặng một lát. Mà quả thật
có cứu, có vớt được không hả thầy? Con nói cứu ai, vớt ai? Ai nữa! Cha mẹ bảy đời
đó! Ờ, à... Nếu họ là Ngạ quỷ đói - thì cứu được, vớt được [12]-
nhưng cũng còn tùy thuộc,
còn cần nhiều điều kiện... Thầy hãy hoan hỷ giải thích một lần xem nào... Thế
là tôi lại phải giải thích thêm một tí nữa, đại
lược thôi.
Vào thời đức Phật, phải an cư mùa mưa
là vì chư
tăng không đi hành hóa nơi này và nơi kia được nên tìm những chỗ ngụ thích hợp để tu
tập. Nhờ vậy, pháp học, pháp hành của các ngài đều được tiến bộ, thành tựu - nhất
là giới đức, định đức và tuệ đức - nói cách khác, cả thân, tâm, trí của các
ngài đa phần đều thanh tịnh. Mãn hạ, nhằm
ngày tự tứ, nếu ai bố thí, cúng dường tứ sự (vật thực, y áo, chỗ ngụ, thuốc men) đến tập
thể Tăng-già (Saṅgha) thanh tịnh nầy rồi hồi hướng phước báu ấy đến cho ông
bà, cha mẹ, thân bằng, quyến thuộc nhiều đời... thì họ sẽ thoát khỏi cảnh khổ.
Có rất nhiều loại khổ - vậy cụ thể là khổ gì hả
thầy?
Đúng
vậy, khổ ở
đây chỉ giới hạn nơi khổ đói và khổ lạnh. Chỉ có Ngạ quỷ đói, lạnh mới hưởng được phước nầy
- còn các loại Ngạ quỷ khác hoặc
đang ở cảnh giới khác - ví dụ
địa ngục, bàng sanh, a-tu-la - thì không thể thọ nhận được. Đức Phật có dạy
như vậy - cho nên bên Nam tông có một bài kinh thường được tụng đọc lúc cầu
siêu, hồi hướng - chỉ để dành riêng cho loại Ngạ quỷ ấy [13].
Thầy
giải thích thêm nơi chỗ Tăng-già thanh tịnh?
Thứ
nhất, vị sư, thầy ấy là tỳ-khưu có thọ trì 227 giới (Nam tông), 250 giới (Bắc tông) và ở
trong tập thể tỳ-khưu 4 vị trở lên - cũng thanh tịnh như vậy - mới được gọi là Tăng-già
thanh tịnh. Thứ hai,
chính tập thể Saṅgha ấy thọ nhận phẩm vật cúng dường rồi tụng kinh
siêu độ mới cứu vớt, cứu khỏi cái khổ đói, khổ lạnh cho Ngạ quỷ quyến thuộc được.
Còn 1, 2, 3 vị tỳ-khưu hoặc
tập thể cư sĩ, tập thể tăng không thanh tịnh - thì năng lực rất yếu, đôi lúc lại
không thể tựu thành phước báu do một ái đó bất tịnh!
Vậy,
khi ấy, phước báu bố thí cúng dường ấy, thuộc phần của ai?
Chính
người bố thí, cúng dường (năng thí) được hưởng.
Bây
giờ con mới hiểu điều này!
Thế
mà vẫn chưa đủ đâu con. Người thọ nhận (sở thí) là Tăng thanh tịnh, nhưng còn phải có thêm hai điều
kiện nữa là phẩm vật cúng dường (vật thí) phải thanh tịnh; và người cúng dường (năng
thí) cũng phải thanh tịnh. Đầy đủ Ba thanh tịnh (năng thí, vật thí và sở
thí) thì phước
báu mới cụ túc, viên mãn.
Trí
con đã được
mở ra rồi. Nhưng thầy phải giải thích thêm cho về hai cái thanh tịnh đi sau?
Ừ!
Người bố thí, cúng dường phải có thân, khẩu ý trọn lành tức là ba nghiệp thanh tịnh - đấy được gọi
là năng thí thanh tịnh. Phẩm
vật cúng dường không phải là thứ dư thừa, thô xấu mà phải trân quý trong khả
năng mình, đồng
thời, tài vật ấy có được bằng chánh mạng, tức là bằng chính bàn tay, mồ hôi,
lao tâm và lao lực của mình làm ra - đấy
được gọi là vật thí
thanh tịnh.
Có tiếng
cười nhỏ.
Dường
như thầy giải thích theo kinh điển “ tiểu thừa” rồi!
Ừa, vì thầy vốn là “tiểu thừa” mà!
Cứ
cho vậy đi! Nhưng thầy có biết cách giảng của các nhà đại thừa không?
Biết chút chút...
Vậy thì bên “ phát triển” giải thích ra sao hở
thầy?
Ba cái ấy cũng thanh tịnh, con à! Thuật ngữ là “ Tam luân thanh
tịnh”. Có đôi nơi lại gọi là “tam không”,“ tam luân thể không” hoặc “ tam luân không tịch”.
Nghe
đã khiếp vía chưa.
Con không biết chữ
Hán. Nghĩa là sao hả thầy?
Nghĩa
nó rất cao siêu. Đồng ý ba
cái đó là thanh tịnh rồi, nhưng người bố thí đừng khởi hữu tâm,
đừng dính mắc, phải rỗng rang, không trụ tướng - vì tất thảy chúng đều
là “không tánh” (Suññatā)!
Thế thì khó quá ha?
Có lẽ là vậy!
Tại sao lại “có lẽ”?
Vì có lẽ tu tập “chợt óc” mới vớ được
cái tánh không ấy? Mà khi vớ được
rồi thì nó đã trở thành tánh hữu mất!
Có tiếng
cười.
Hóa ra bên “tiểu thừa” cũng có “tánh không” à?
Có lạc
đề không đó?
Cứ
cho nó lạc đi!
Ừa, thế thì, có chứ con! Nó nằm ở nơi
kinh Tiểu không [14], kinh Đại
không [15] và kinh Đại
duyên [16] - trong đó là những ngữ
nghĩa gần với nguyên thủy nhất, đức Phật đề cập đến những tư tưởng nền tảng mà
sau này các nhà đại thừa lập cước triển khai tư tưởng Tánh không trong Kim cương Bát-nhã hoặc Trung quán luận của Long Thọ đấy!
Ồ, tốt,
vậy là tốt! Hóa ra thầy cũng “đại” như ai!
Thầy ý à, tiểu hay đại đều
là không cả! Thầy dại gì! Con chưa
thuộc tánh không à?
Mà thôi, thầy không nói nữa. Tốn tiền điện thoại quá trời quá đất. Chúc con một mùa Vu Lan (S. Ullambhana.
P.Ullumpana) mát mẻ, an vui - cố gắng làm phước cúng dường để
hồi hướng đến cho ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc nhiều đời nhé!
Con cũng
chúc thầy một mùa Vu Lan tốt đẹp!
Ừa, ước
gì bên Nam Tông cũng có một
mùa lễ hội Vu Lan tương tợ như vậy!
Am Mây Tía,
Thu Kỷ Sửu, 2009
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
1 - Ai có thì giờ xem “Ngạ quỷ sự” - thì thấy rõ cả
hàng trăm, hằng ngàn tội kinh khủng; và “ Địa ngục sự”
thì lại càng kinh khiếp hơn nữa - tại sao lại chỉ lấy một “tội treo ngược” mà đặt tên cho Đại lễ
thiêng liêng như thế?! 2- Hầu hết các chữ nghiêng là của người viết, muốn nhấn
mạnh. 3- “Sic”(tiếng Pháp) thuật ngữ nghiên cứu - Chữ này có nghĩa là trích
đúng nguyên văn - thường thì hàm nghĩa, chữ đó, câu đó là của chính tác giả, có thể nên bàn lại hoặc chữ ấy, câu ấy
là sai hoặc có thể sai! 4 - Trong KTNN 399, ngày 10-9-2001. 5 - Trong bài “ Sự
tích Rằm tháng bảy và xuất xứ của hai tiếng Vu Lan” (KTNN 89, 1-8-1992,
tr.41-44) 6 - Từ điển Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991. 7 - Tôi nghi là không có
Hòa Thượng Minh Châu - vì thầy để tâm suốt đời dịch
thuật Nikāya thuộc hệ Theravāda - và,
nói chung, Tam Tạng Pāli không
hề có lễ Vu Lan theo cách hiểu bấy lâu nay (ý riêng của người viết). 8 - Ngạ quỷ và địa ngục là hai cảnh giới khác nhau - chứ
không phải là “ngạ quỷ ở dưới địa ngục” như PHTĐ của Đạo Uyển. 9 - Xin mượn đoạn
An Chi đã trích, Sđd. 10 - Có một nhà
nghiên cứu Phật học uy tín, thông hiểu nhiều cổ ngữ, ngoại ngữ, có thẩm quyền về
Hán tạng, có nói rằng: “ Người Việt ta, học Đại Tạng kinh chữ Hán mà không truy
cứu Sanskrit thì coi chừng sẽ biến thành Phật Tàu hết!” (Vị ấy không muốn nêu tên). 11 - Hạ, không phải là mùa hạ - mà
phát xuất từ Vassa (P.) chỉ ba tháng an cư mùa mưa. Vậy ngày ra hạ không nhất
thiết phải là ngày Rằm tháng bảy - mà tùy thuộc thời tiết của mỗi quốc độ. Ở
Trung Quốc và Việt Nam đã hình thành được truyền
thống Vu Lan tốt đẹp. Bên Nam Tông, nếu có, phải là sau Rằm tháng 9 ÂL hằng năm
- 16/9 ÂL đến ngày 16/10 ÂL. 12 - Tôi vẫn chưa rõ
có trường hợp đặc biệt nào nữa hay không! 13 - Đại ý là: “ Khi (thí chủ) tưởng
đến ân nghĩa của ân nhân (cha mẹ bảy đời) đã
làm cho họ từ nhiều đời kiếp trước - nên đã bố thí, cúng dường vật thực (hoặc tứ
sự) đến cho chúng ta (tức là Tăng). Các người ấy (Petā-ngạ quỷ) đều là quyến
thuộc của thí chủ - nên phước báu của sự cúng dường này đều dành cho các ngạ quỷ
ấy.(Xét rằng), thí chủ đã làm việc bố thí, cúng dường này một cách chơn chánh, hợp theo giáo pháp (năng thí, vật thí, sở
thí đêu thanh tịnh) nên sẽ thành tựu lợi ích lâu dài đến cho các ngạ quỷ...” 14
- Trung bộ kinh 121; Trung A-hàm 190. 15 - Trung bộ 122; Trung A-hàm 191. 16 -
Trường bộ kinh 15; Trường A-hàm 13.