Vu Lan
"Đừng quên bổn phận làm con"
13/08/2011 06:19 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hãy kết lấy một bó hoa rực rỡ nhất để kính dâng lên mẹ. Mỗi ngày, hãy ngồi xuống trong một khoảng khắc lắng đọng nhất để nhớ đến mẹ. Chẳng có cha mẹ nào sống mãi với con, cho nên, ngày nào còn mẹ cha bên cạnh, chúng ta hãy tự nhủ "Đừng quên bổn phận làm con".


Vu Lan Nhớ Mẹ

U không cho tiền, con sống cũng như chết

Thủa nhỏ, từng dọa tự tử chỉ vì mẹ không cho 5 xu mua kẹo đãi những thằng nhóc cùng xóm. Lớn lên cũng lêu lổng, chẳng những không làm được gì cho song thân vui lòng, còn luôn làm khổ mẹ. Những dòng ký ức xưa của nhà văn Nguyễn Khắc Phục nhân ngày Vu Lan.

Hồi tôi mới lên 7, lên 8, nhà tôi dọn về quê đúng mùa túng đói. Nhà đông con, mẹ tôi phải chạy ngược chạy xuôi, tần tảo mới kiếm nổi gạo nấu trộn với khoai ngứa phơi khô để nuôi chừng ấy miệng ăn…

Những ngày tháng rơm rạ chỉ bừng sáng thật sự  với lũ nhóc đói khát, rách rưới khi đội chiếu bóng lưu động số 40 về làng. Mỗi huyện chỉ có hai đội chiếu bóng mà phải phục vụ cho hơn 30 xã, mỗi năm, quay giáp vòng, dân mỗi xã được xem phim một lần là phúc lắm rồi...

Hoa hồng trắng cài lên áo những người không còn mẹ. Ảnh Internet.
Hoa hồng trắng cài lên áo những người không còn mẹ. Ảnh Internet.

Từ  mấy hôm trước, tôi đã háo hức nghe mấy bà đi chợ về kháo nhau: Nghe đâu "thằng 40" rục rịch về làng mình chiếu bóng. Chỉ cần mẩu tin vu vơ đó đủ làm lũ nhóc làng tôi hoa tay múa chân, náo nức chuẩn bị đón chào ngày hội. Tất nhiên tôi càng phải là kẻ hân hoan số một.

Ngay buổi sáng khi đội chiếu bóng ì ạch chuyển cái máy nổ già nua, cồng kềnh từ một con thuyền lên bến đò Phú An, cả làng đã nhốn nháo, trẻ con người lớn chạy ùa ra chợ, tò mò pha chút kính mẩn, nhìn các nhân viên trong đội chôn cột, treo tấm vải trắng màu cháo lòng, vá chằng vá đụp làm màn ảnh, chăng dây điện, thử chiếc loa sắt to tổ bố treo trên cành cây muỗm, miệng loe ra bằng cái mẹt như một cái phễu kì dị, sơn đã tróc nham nhở.

Hôm  ấy tôi ngoan ngoãn chăm chỉ khác thường. Buổi trưa vừa đi học về, chỉ kịp ăn hai củ khoai ngứa luộc và một nắm ngô rang, tôi giục mẹ:

- Đổ thóc cho con xay đi.

Mẹ tôi không hề ảo tưởng về tính nết chăm chỉ, hay lam hay làm của thằng con bán giời không văn tự. Bà biết thừa, hôm nay nó không muốn gây sự với mẹ. Hôm nay là ngày hội của nó và đám trẻ chân đất, mắt toét, thò lò mũi xanh. Một năm chỉ có một đêm hội chiếu bóng. Tôi muốn hoàn thành chỉ tiêu xay thóc thật sớm để được yên tâm phóng ra chợ, chạy nhảy hớn hở với chúng bạn mà không lo bị mẹ réo về...

Không hiểu hôm nay sức mạnh nào khiến tôi xay vù vù, hai cánh tay khẳng khiu, đen xạm kéo cái chàng xay nhịp nhàng khiến cái thớt cối trên quay tròn hoa cả mắt. Quả nhiên, tôi hoàn thành chỉ tiêu vào lúc chập choạng tối. Từ ngoài chợ đã vọng tới tiếng rao loa:

- Chú ý, chú ý, đêm nay đội chiếu bóng lưu  động số 40 về phục vụ quân dân chính đảng, nam phụ lão ấu làng ta, một bộ phim có nhan đề là...

Người tôi run bần bật, toàn thân nổi da gà vì cảm xúc dâng lên ào ạt, nhưng tôi vẫn đứng chôn chân tại chỗ dù đã xay xong cối thóc chỉ tiêu. Mẹ tôi ngồi quay lưng lại, chăm chú gầy lửa nấu cám lợn. Tôi đắn đo, lựa lời vì biết điều mình sắp thốt ra cực kì nghiêm trọng đối với mẹ tôi, nếu không là nghiêm trọng hơn bất cứ thứ gì trên đời.

- U...

- Cái gì, hử?


Mẹ  tôi không quay lại, nhưng giọng khá dịu dàng. Tôi càng sốt ruột khi tiếng rao loa càng vọng tới cấp thiết:

- Đã sắp tới giờ chiếu phim, kính mời vị đại diện quân dân chính đảng lên phát biểu cảm tưởng về  bộ phim và phát động thi đua làm vụ chiêm xuân sắp tới...

Tôi lấy hết can đảm, cố nói thật nhanh để giảm bớt  ấn tượng ghê gớm của lời đề nghị:

- U  cho con... 5 xu!

Mẹ  tôi giật bắn mình, hơi nhổm người:

- Cái gì hử?

Đã  đâm lao phải theo lao, tôi nhắc lại to hơn:

- U cho con 5 xu... 5 xu thôi mà...

Mẹ  tôi tru tréo như vừa nghe thấy một đề nghị kinh khủng lắm:

- Mày điên à?

Mẹ  tôi thừa biết, muốn vào xem chiếu bóng, người nhớn phải mua vé 1 hào, trẻ con 5 xu. Nhưng thằng con giời đánh của bà đời nào lại thèm mua vé. Nó sẽ cùng lũ bạn cởi truồng, đội quần đùi lên đầu, bơi vượt qua con sông trước, bò lên bờ và lợi dụng vườn ngái dọc sông để đột nhập vào bãi chiếu bóng xem phim mà không cần vé viếc gì sất. Vậy thì nó đòi 5 xu làm gì?

- A, ha, thằng con tội con nợ kia, mày có biết là  một thùng thóc 1 đồng 2 không? Tao làm sao vung tay quá  trán cho mày những 5 xu xem chiếu bóng trong khi mày có ngọng đâu, mày bơi qua sông mà xem đi!

Nghĩ  thế, bà bỏ mặc tôi năn nỉ, khóc mếu, kiên định nhìn ngọn lửa lom đom dưới đít cái nồi cám lợn. Kể ra mẹ tôi cũng không phải keo kiết gì lắm, mỗi lần tôi theo mẹ đội gạo sang bán ở chợ Đông Biên, nếu hôm ấy được giá hời thế nào mẹ tôi cũng thưởng cho con giai bà năm xu bánh đa kê ngọt ngào, thơm nhức mũi... Nhưng đêm nay mẹ tôi không thể phung phí 5 xu  khi biết chắc là tôi sẽ không dùng số tiền đó để mua vé vào bãi, mà lại nướng vào cái vụ kẹo kéo dai ngoách.

Tôi tuyệt vọng khi nghe từ loa vọng về cái xóm bé  nhỏ của tôi, giọng phát biểu của anh Loan, ông chủ tịch xã:

- Thay mặt quân dân chính đảng, tôi phát động thi đua làm vụ Đông-Xuân, lập thành tích chào mừng...


Tôi cuống quá, xón cả nước đái trong quần đùi, mếu máo:

 - U, u cho con 5 xu...

Thật ra tôi cần 5 xu không phải để mua vé. Tôi sẽ xem phim đúng bằng cái cách mà mẹ tôi đã phác họa, mà tôi cần 5 xu để mua kẹo kéo đãi lũ nhóc. Chả gì tôi cũng là thủ lĩnh của chúng. Chả nhẽ một năm chỉ có một ngày hội nhớn thế này mà không đãi được ba quân, 5 xu kẹo kéo ư. Thế thì còn ra thể thống gì nữa? Tôi còn mặt mũi nào xưng hùng xưng bá với đám lâu la trong làng?

Mẹ  tôi vẫn trơ trơ, không lay chuyển mảy may trước tâm trạng của một vị thủ lãnh mũi tẹt, quần đùi, áo cổ vuông khi đòi hỏi khoản kinh phí 5 xu úy lạo quân sĩ của mình.

Tôi vô kế khả thi, quyết định đi nước cờ liều: Tôi tháo sợi dây thừng buộc chàng xay, đứng kiễng chân trên giá cối, thắt sợi dây thành một vòng nút chó, tròng vào cổ mình. Xong xuôi, kiễng chân, cố lấy giọng bi thảm như một kép cải lương chính hiệu:

- U  không cho tiền, con sống cũng như chết...

Mẹ  tôi cố nhịn cười, coi như điếc. Tôi càng điên tiết:

- U  tưởng con dọa hở?

Không ngờ khi cao giọng, người rướn lên, hai chân tôi tuột khỏi cái giá đỡ cối làm sợi dây thừng xiết mạnh vào cổ. Tôi đau quá, vùng vẫy càng làm sợi dây thít chặt hơn. Mẹ tôi vẫn không buồn quay lại, bà thừa biết cái sợi dây ấy khá dài, thằng con bà chưa đến nỗi bị xiết cổ nghẹt thở mà chết ngay được...

Tôi  đau quá, ú ớ kêu lên:

- U... cứu... cứu...

Phải  đến lúc nghe tôi kêu cứu, mẹ tôi mới đủng đỉnh đứng dậy, bế xốc tôi và tháo sợi dây khỏi cổ con. Thấy mẹ nhìn mình với vẻ khác thường, tôi tưởng ý định quyên sinh hào hùng của mình đã làm mẹ nảy ra lòng thương hại và sẽ thí cho con 5 xu.

Mẹ  tôi thản nhiên bảo:

- Đi với tao!

Tôi mừng rỡ, đinh ninh mẹ sẽ dẫn tôi vào buồng, lấy cái ruột tượng moi ra cho tôi 5 xu.

Nhưng không, mẹ tôi không dẫn con vào buồng lấy cái ruột tượng mà dẫn tôi đến ngay nhà ông trưởng họ.

Ông trưởng họ vừa rít xong điếu thuốc Tiên Lãng, ho khù khụ, lạnh lùng nghe mẹ tôi trình bày:

- Nhà em đi vắng, thằng này bất hiếu, định tự  tử  để gieo vạ cho em. Bố nó đi vắng, bác là trưởng họ, em nhờ bác dạy nó.

Ông trưởng họ bình thản:

- Thím ngồi đây, tôi sẽ dạy nó ngay bây giờ.

Ông đứng dậy, xuống bếp, rút ngay cây roi mây vẫn gác trên dàn bếp, bồ hóng bám vào làm ngọn roi ánh lên màu đen tía. Ông hất hàm bảo tôi nằm ngay xuống mặt đất lạnh lẽo, toàn mùi cứt gà, quất túi bụi roi mây lên lưng, mông và hai chân tôi.

Và ông trưởng họ dậy tôi tận tình đến nỗi mẹ tôi phải cõng thằng con giời đánh của mình về nhà...

Bây giờ, mẹ tôi đã khuất núi 23 năm, tôi vẫn còn nhớ như in vụ tự tử bất thành của mình đã làm khổ mẹ như thế nào…

Mùa Vu Lan – 2009

  • Nguyễn Khắc Phục

 

Theo Doanh Anh - Phan Tú ( Khoa học & Đời Sống Online)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch