Vu Lan
Trọng chữ Thiện, chữ Hiếu- nét đẹp của người Việt
Mai Hồng
24/06/2010 23:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Rằm tháng Bảy âm lịch là ngày "Xá tội vong nhân" mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng "thập loại chúng sinh". Đây cũng là ngày giới tăng ni Phật tử tổ chức lễ Vu Lan- một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất.

Trong dịp Rằm tháng Bảy hầu như mọi gia đình người Việt đều sắm sửa một mâm cơm, cùng với hoa quả, tiền vàng, quần áo hoặc đồ dùng làm bằng giấy cung kính cúng dâng tiên tổ, ông bà, cha mẹ đã khuất, thể hiện tấm lòng hướng về nguồn cội. Nhiều người cũng cúng tại nhà hoặc cúng ở các chùa để cầu nguyện cho những vong hồn chưa được siêu thoát hoặc không nơi nương tựa.

Mấy ngày qua, khoảng từ mùng 10 tháng Bảy đến ngày Rằm, đông đảo Phật tử đến các chùa dự khoá lễ Vu Lan, cầu nguyện cho tiên tổ, ông bà, cha mẹ của mình. Theo Kinh Vu Lan, lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung.

Ý nghĩa của lễ Vu Lan trùng hợp với phong tục "xá tội vong nhân" của dân tộc, thể hiện tấm lòng thành kính hướng về nguồn cội, là việc đề cao nhân, nghĩa, trong đó có chữ Hiếu.

Tuy nhiên, trong Kinh Phật cũng dạy rằng: việc báo hiếu hoặc nhớ về cội nguồn tiên tổ cần nhất là ở tâm thành, không nên lãng phí. "Lễ mọn tâm thành". Điều quan trọng nhất là mỗi người, mỗi gia đình luôn luôn hướng về cha mẹ, tiên tổ với tấm lòng thành kính: ghi nhớ công ơn của người đã khuất và giáo dục các thế hệ con, cháu nhớ và biết ơn tiên tổ, cha ông; nỗ lực không ngừng để tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dòng họ, gia đình. Lễ vật không cần nhiều, số lượng tiền vàng sử dụng cũng chỉ là tượng trưng, không mua hàng trăm, hàng triệu đồng vàng mã để đốt đi, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Số tiền dùng để mua vàng mã ấy nếu dùng để giúp đỡ những người nghèo, người gặp hoạn nạn, thiên tai thì sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.

Tôn giáo nào cũng lấy mục tiêu giáo dục con người hướng tới Chân, Thiện, Mỹ nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp, nhân văn, một cuộc sống lành mạnh. Đạo luôn gắn liền với đời. Rằm tháng Bảy là dấu ấn đậm nét nhất của tư tưởng Hiếu- Nghĩa trong văn hoá Việt Nam cũng như trong Phật giáo, nhắc nhở mọi người hàng ngày quan tâm tới việc chăm sóc, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ. Đó là sự ân cần trong việc nâng giấc, chăm sóc sức khoẻ, lo lắng cho từng miếng ăn, giấc ngủ của ông bà, cha mẹ. Đó là cách ứng xử "kính trên, nhường dưới", sự kính trọng, yêu thương trong từng lời ăn, tiếng nói với các bậc cao tuổi… Việc báo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ khi cha mẹ còn sống có ý nghĩa gấp nhiều lần việc cúng bái tưởng nhớ sau khi cha mẹ đã khuất. Làm những việc tốt, việc thiện để cha mẹ vui lòng, hưởng thọ lâu năm cũng là cách thể hiện sự Hiếu - Nghĩa của những người làm con đối với cha mẹ.

Cùng với những việc làm thể hiện sự kính trọng ông bà, cha mẹ, mỗi người cũng cần giang rộng vòng tay nhân ái, sẵn sàng sẻ chia với những người khó hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, giúp đỡ những người hoạn nạn… Làm nhiều việc tốt cũng là để hồi hướng lại cho ông bà, cha mẹ, để họ được siêu sinh tịnh độ. Đó cũng là những biểu hiện tốt đẹp của truyền thống đạo lý văn hoá Việt Nam.  

Chữ Hiếu trong truyền thống văn hoá Việt Nam cũng như trong giáo lý của nhà Phật luôn luôn gắn liền với chữ Thiện...
 

Theo: vovnews.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch