Bố
thí là hạnh đầu tiên theo lời Phật dạy hay còn gọi đầy đủ là hạnh buông
xả. Bố thí là cho, biết cho, là trao tặng, là giúp đỡ sẻ chia hay mở
lòng rộng lượng để cúng dường. Mỗi khi làm việc bố thí là chúng ta đã
thắng được lòng tham lam, ích kỷ của mình. Chúng ta có thể cho đi cái gì
nhỏ nhất là chuyển được lòng tham đôi chút, cho đi cái lớn hơn là thắng
được lòng tham ở mức độ lớn hơn.
Cho đi là
hành động cao thượng của những người có tấm lòng vị tha, nhằm nhắc nhở
chúng ta, giảm bớt tham lam do si mê chấp giữ. Bố thí là biểu hiện của
tình người trong cuộc sống, là sự biết cho đi, là cách để buông xả bớt
mọi phiền não khổ đau. Bố thí cần được thực hiện với tinh thần tự
nguyện, không có điều kiện để trau đổi.
Cho đi là
nhịp cầu kết nối yêu thương, là biết nghĩ tới người khác, biết quan tâm
tới người khác. Người hay thường xuyên bố thí, thân tâm lúc nào cũng an
lạc, thảnh thơi và làm cho người nhận cũng được hoan hỷ vui vẻ.
Với người
nghèo, chúng ta san sẻ hay giúp đỡ một chút cho họ trong cơn hoạn nạn
còn quý hơn bằng chín xe mười vàng. Bố thí cũng không chỉ giới hạn trong
vật chất, người không có phương tiện vật chất gì cũng có thể thực hành
bố thí, như bố thí lời nói để động viên an ủi người khác, bố thí bằng
hành động cụ thể như giúp người đau yếu bệnh tật….
Có một người
rất nghèo đến hỏi Đức Phật: “Tại sao con làm việc gì cũng không thành
công, không gặt hái được kết quả tốt đẹp?”. Phật mới nói rằng: “Vì con
chưa học được cách bố thí cho người khác”. Người kia thưa “Con không có
thứ gì cả, thì lấy gì con bố thí”. Đức Phật dạy : “Cho dù con hoàn toàn
không có của cải gì cả, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 thứ sau đây
cho người khác.
1- Nhan thí: Biết nở nụ cười hân hoan trên nét mặt khi tiếp xúc với mọi người, đó cũng là cách đem lại niềm vui cho người khác.
2- Ngôn thí: Biết dùng lời nói nhẹ nhàng, biết nói lời khích lệ, động viên an ủi, cổ vũ người khác.
3- Tâm thí: Biết mở lòng bao dung và độ lượng, biết cảm thông và tha thứ cho người khác vì không thấy ai là kẻ thù của mình.
4- Nhãn thí:
Biết dùng ánh mắt thân thiện, sống tình nghĩa mà nhìn mọi người với con
mắt biết yêu thương bằng tình người trong cuộc sống.
5- Thân thí: Biết dùng hành động mà giúp đỡ, chăm sóc, chia sẻ cho người khác khi có việc cần thiết.
6- Tọa thí: Biết nhường chỗ ngồi cho người già yếu, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ mang thai.
7- Phòng thí: Biết nhường chỗ trong nhà mình hay chỗ nghỉ ngơi chung cho người lỡ đường hoặc có nhu cầu cần thiết hơn mình.
Thế cho nên
không giới hạn là người giàu hay nghèo, ai cũng có khả năng bố thí nhưng
của cho không bằng cách cho, là cho đúng lúc, đúng thời, đúng nơi, đúng
chỗ.
Bố thí để tăng trưởng lòng từ bi
Vậy bố thí,
cúng dường có ý nghĩa gì? “Bố thí” tiếng Phạn là Dana, có nghĩa là sự
cho; còn theo từ ngữ Hán Việt “bố” là cùng khắp, “thí” là cho, nghĩa là
cho cùng khắp không giới hạn. Thông thường, ta chỉ bố thí cho người
thân, rộng hơn nữa là cho người nghèo khổ, ít ai bố thí cho người ta
đang ghét bỏ hay hận thù. Chính vì không hiểu biết tới nơi tới chốn nên
ta chỉ bố thí có giới hạn dẫn đến không được nhiều lợi ích, có khi còn
tham lam, ích kỷ nữa là khác. Từ “cúng dường” là nói trại của hai chữ
“cung dưỡng”, có nghĩa là cung cấp và dưỡng nuôi. Về nội dung thì bố thí
hay cúng dường chỉ là một, không có gì là sai khác. Tuy cùng chung một
nghĩa cử, một hành động, nhưng người ta dùng hai từ khác nhau để cho phù
hợp với đối tượng thọ nhận; ta cho với lòng hảo tâm, thương cảm thì gọi
là bố thí; còn cho với lòng ngưỡng mộ, tôn kính thì gọi là cúng dường.
Thí dụ, cha
mẹ là hai đấng sanh thành mang nặng đẻ đau, nuôi ta khôn lớn, lo cho ta
ăn học tới nơi tới chốn, dựng vợ gã chồng, tạo cho ta gia tài sự nghiệp,
ta phải có trách nhiệm cúng dường cha mẹ khi tuổi già hay lúc bệnh
hoạn, ốm đau… (nghĩa là cung cấp và dưỡng nuôi cha mẹ.) Cung cấp những
nhu cầu cần thiết để nuôi dưỡng cha mẹ là đạo lý “uống nước nhớ nguồn;
ăn trái nhớ kẻ trồng cây” trong tập quán của người Việt nam. Làm người
trong trời đất ai cũng từ cha mẹ sinh ra, cha mẹ làm nên thân người, vì
vậy ta phải có trách nhiệm, bổn phận hiếu thảo với mẹ cha bằng cách chăm
sóc về tình cảm, tinh thần và cung cấp, dưỡng nuôi lúc cần thiết. Trong
kinh Phật dạy, gặp thời không có Phật thì cha mẹ là hai vị Phật (Phụ
mẫu tại đường như Phật tại thế). Làm người chúng ta cần nhớ lời dạy quan
trọng này.
Một thời lúc
Phật còn tại thế, gặp năm hạn hán mất mùa, dân chúng đói khổ, thiếu
thốn, khó khăn, đức Phật cũng không ngoại lệ. Một vị Tỳ-kheo thấy Phật
thiếu ăn liền đem chiếc y của mình đổi lấy bát cơm dâng lên cúng Phật.
Phật hỏi rằng, “ông còn cha mẹ không?” “bạch Phật, cha con chết rồi, con
chỉ còn mẹ già thôi ạ”. Phật hỏi tiếp, “mẹ ông dùng cơm chưa?” “Dạ
chưa!” Phật nói, “người xứng đáng nhận bát cơm này là mẹ ông chứ không
phải Ta”. Sau đó Phật dạy tiếp, “người xuất gia còn cha mẹ không ai nuôi
dưỡng thì người đó có quyền khất thực đem về cúng dường cha mẹ”. Ngoài
việc cúng dường cha mẹ, người Phật tử còn có trách nhiệm và bổn phận
cúng dường người tu hành chân chánh có đạo đức, có nhân cách, suốt đời
phục vụ vì Tam Bảo, vì lợi ích chúng sanh.
Tai sao ta
phải cúng dường người tu hành chân chánh? Cha mẹ làm nên thân ta, thầy
Tổ giúp ta biết được điều hay lẽ phải để vượt qua cạm bẫy cuộc đời,
không rơi vào hố sâu tội lỗi.
Chính vì
vậy, từ cúng dường được dùng đối với các bậc trưởng thượng, tôn kính như
cha, mẹ, thầy Tổ… là những người có công nuôi dưỡng, dạy dỗ, chỉ dạy,
giúp ta nên người. Ngoài từ ngữ bố thí, cúng dường còn có nhiều từ ngữ
khác như kính tặng, kính biếu… để nói lên lòng tôn kính của người cho.
Từ ngữ “bố
thí” được người Việt Nam sử dụng với nhiều ý nghĩa như cho, tặng, biếu,
giúp đỡ, chia sẻ… Tất cả đều mang ý nghĩa tốt đẹp của hành động cho. Khi
gặp người nghèo khổ ta thương tình giúp đỡ gọi là “cho” hay gọi là “bố
thí” cũng được.
Người có tâm
từ bi rộng lớn không những biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ
cho người mà còn giúp các loài vật nữa. Đó là người biết gieo trồng
phước đức đúng Pháp. Người tu hành theo đạo Phật rất cần thực tập để có
được tâm từ bi rộng lớn này.
Con cháu đem
vật phẩm nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ thì gọi là cúng dường phẩm vật; còn
ông bà cha mẹ đem của cải vật chất lo cho con cháu thì gọi bằng từ cho,
giúp đỡ hay chia sẻ; hoặc người dân bình thường muốn đem phẩm vật cho
những người có địa vị trong xã hội thì gọi là kính biếu hay kính tặng.
Cùng một
hành động bố thí nhưng tùy đối tượng, tùy hoàn cảnh mà ta dùng từ ngữ
sao cho phù hợp để không làm mất đi sự tôn kính và lòng thương cảm của
ta.