PG & Hôn nhân gia đình
Quan điểm của Đức Phật về vấn đề giới tính
16/08/2010 08:26 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi mỗi cá nhân có cái nhìn chánh tri kiến trong vấn đề giới tính, ắt hẳn họ sẽ xây dựng một gia đình tốt đẹp. Mỗi gia đình đều có một đời sống như vậy sẽ góp phần thiết lập đời sống hạnh phúc cho toàn xã hội, cho mỗi quốc gia dân tộc.

  Từ học thuyết Duyên khởi, Đức Phật đã minh định sự hình thành của con người là do 12 nhân duyên, hay nói một cách tổng quát là do 5 uẩn hợp thành. Từ đó, Phật cũng khẳng định tùy theo nghiệp lực của mỗi cá nhân mà được thọ thân làm người nam hay nữ trong dòng sống tương tục của sinh tử luân hồi. Và như thế, theo thiển ý của chúng tôi, Phật nghiễm nhiên xác lập vấn đề giới tính rõ ràng, cụ thể qua các bản kinh Nguyên thủy hay Đại thừa về việc thiết lập quan hệ tình cảm nam nữ, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng ngay trong đời sống hiện thực của cõi Dục giới này. Mục đích cuối cùng là nhằm xây dựng một đời sống hướng thượng, hạnh phúc gia đình của giới tại gia đời này, đời sau.


Mở đầu Kinh Tăng Chi, bài Nữ sắc, Phật nói về vấn đề quan hệ tình cảm nam nữ: “Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như sắc người đàn bà. Này các Tỷ kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông”. Rồi Phật nói tiếp: “Ta không thấy một tiếng nào khác, này các Tỷ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như tiếng người đàn bà. Này các Tỷ kheo, tiếng người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông”. “Ta không thấy một hương,…một vị… một xúc nào khác, này các Tỷ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như hương, vị, xúc người đàn bà. Này các Tỷ kheo, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông…”

Hương là mùi hương. Vị là vị nếm. Xúc là tiếp xúc, sờ mó, mơn trớn. Đàn ông thích những trần cảm ấy từ đàn bà. Ngược lại, trong quan hệ tình dục và sắc dục, vì đàn bà có thua gì đàn ông cho nên Phật nói tiếp: “Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc người đàn ông. Này các Tỷ kheo, sắc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà”.

Phật lại tiếp tục diễn trình, về tiếng, hương, vị, xúc… của người đàn ông cũng xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, được người đàn bà ưa thích và thèm muốn. Rõ ràng, Đức Phật nhận định sự biểu lộ tình cảm, quan hệ yêu đương giữa nam và nữ, nhìn từ hiện tượng mà nói, do sự khác biệt về giới tính mà nam và nữ hấp dẫn nhau, bị thu hút vào với nhau không những bằng sắc đẹp, mà còn bằng âm thanh, mùi hương, vị nếm, tiếp xúc mà tìm đến với nhau qua con đường tình cảm yêu thương nhau v.v… những quan hệ như vậy dẫn đến tình cảm lứa đôi, sau cùng đi đến hôn nhân, thiết lập một đời sống gia đình là chuyện bình thường và rất tự nhiên.

Tuy nhiên, xét ở góc độ bản chất của vấn đề giới tính, xuất phát từ điểm nhìn của thuyết 12 nhân duyên, Phật lại nói: “Do vô minh mà có hành, do hành mà có thức, do thức mà có danh sắc, do danh sắc mà có lục nhập, do lục nhập mà có xúc, do xúc mà có thọ, do thọ mà có ái, do ái mà có thủ, do thủ mà có hữu, do hữu mà có sanh, do sanh mà có lão”. Trong sự vận hành của 12 chi phần duyên khởi: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, bệnh, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não; mỗi chi phần đều có liên hệ chặt chẽ với nhau và nối lại như là một chuỗi mắt xích.


Rõ ràng 12 chi phần nhân duyên là biểu hiện toàn thể thân vật lý và tâm lý của con người gắn liền thiên nhiên và cuộc sống con người. Ngay trong bản Kinh Đoạn Tận Ái (số 38) thuộc Trung Bộ, tập 1, Đức Phật cũng xác lập sự hiện hữu của con người qua lý duyên khởi như là sự tập khởi của năm thủ uẩn. Trước hết, Đức Phật cho rằng sự có mặt của con người (Bhùta), sự có mặt này lấy bốn thức ăn làm nhân duyên, làm tập khởi, làm sanh chủng, làm hiện hữu. Bốn món thức ăn, đó là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực khiến cho con người đã sinh hay phù trợ sẽ sinh ra sự khát vọng yêu thương và được yêu thương với nhau một cách say đắm. Phải chăng trong muôn vàn tiêu chí hạnh phúc của con người đặt ra thì quan niệm “yêu và được yêu là điều hạnh phúc nhất đời” mà mỗi cá nhân hiện hữu thường khát khao mong chờ.

Kinh Tăng Chi còn nói về thiên chức của nữ giới là lòng luôn dạt dào tình cảm, luôn khát khao được gần gũi với người mình thương, với người chồng mà họ sẵn sàng hiến dâng, sẵn sàng được sinh con, dù công việc đó rất là khó khăn, đầy cực khổ: “Người đàn bà có hai việc làm không biết chán là mong được gần gũi người mình yêu và sinh con”. Khi nói vậy, Phật cũng gián tiếp bảo, trong mối quan hệ này không thể đơn phương một chiều, nam giới cũng có những nhu cầu và khát vọng như thế. Để một cá nhân hiện hữu thì cần có sự kết hợp tương thích giữa tinh cha huyết mẹ, kết quả sự vận hành của quá trình yêu thương và trao cho nhau cả cuộc đời giữa hai người, ngoại trừ những trường hợp ngoài ý muốn.

Kinh Pháp Hoa, một bản kinh quan yếu đối với Phật tử, trong phẩm Phổ Môn, Ngài Quan Thế Âm, với lòng thương tưởng chúng sinh như mẹ hiền thương con, cũng phát nguyện độ trì cho bất cứ người nữ, có khát vọng, mong cầu con trai, thì phải thường xuyên lễ bái, cúng dường Bồ tát Quán Thế Âm để sinh con trai có phước đức trí tuệ; hay khao khát mong cầu con gái, liền sinh được con gái có dáng vẻ xinh đẹp; tất cả đều đầy đủ đức độ, được mọi người cung kính: “Nhược hữu nữ nhơn, thiết dục cầu nam, lễ bái cúng dường Quán Thế Âm Bồ tát, tiện sinh phước đức trí tuệ chi nam; thiết dục cầu nữ, tiện sinh đoan chính hữu tướng chi nữ, túc thực đức bổn, chúng nhân ái kính.”. Và như vậy, vấn đề giới tính sinh con trai, con gái là nhu cầu thiết yếu của con người trong việc xây dựng đời sống hạnh phúc thế gian, được giới Phật tử tại gia quan tâm và mong cầu.

Rõ ràng, từ vấn đề xác lập giới tính, Đức Phật cũng khuyến cáo hàng Phật tử tại gia xây dựng một đời sống mới phù hợp với các thiết chế xã hội, thích ứng với thuần phong mỹ tục văn hóa, tạo ra sự thân thiện, sự sẻ chia, sự quan tâm, nhất là vai trò và trách nhiệm của người đàn ông và đàn bà trong đời sống hiện thực qua các mối quan hệ. Học thuyết Duyên khởi khẳng định, con người cần phải thiết lập các mối quan hệ trong chiều hướng thiện chí, tôn trọng, hài hòa, sẻ chia lẫn nhau. Ngay trong việc xây dựng nền tảng đạo đức của người Phật tử, giới “Không được tà dâm” đã cũng phản ánh tinh thần tôn trọng lẫn nhau trong các mối quan hệ tình cảm đôi lứa, nhất là tình cảm vợ chồng.

Với cái nhìn chánh tri kiến, Đức Phật biết chúng sinh đang sống trong cõi gọi là Dục giới, tức là cõi sống có lòng dục, đầy khát ái, bị cuốn hút trong tình yêu, ham muốn tình dục do nghiệp nhân nghiệp quả mà chúng sinh hướng đến là chuyện rất bình thường. Nhưng học thuyết Nhân quả - Nghiệp báo của đạo Phật cũng khẳng định: “Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng…”. Cho nên, vấn đề đặt ra, là người tại gia phải có thái độ sống và ứng xử văn hóa lành mạnh, không nên tà dâm, nghĩa là đừng có quan hệ nam nữ, hay biểu lộ văn hóa tình dục không chính đáng làm đổ vỡ tình cảm, mang tiếng xấu cho mình và dòng họ, nhằm bảo vệ quyền được hạnh phúc của con người, đảm bảo trật tự an toàn, giảm thiểu tệ nạn xã hội.

Đạo Phật không khuyến cáo, lại càng không bắt buộc các tín đồ phải tránh mọi quan hệ nam nữ, quan hệ tình dục trong đời sống hạnh phúc lứa đôi vợ chồng. Còn thế nào là quan hệ tình cảm yêu đương, đời sống tình dục không chính đáng, đấy lại là một vấn đề tùy thuộc vào phong tục tập quán của từng nước. Nói chung, người Phật tử không được có quan hệ tình cảm, tình dục với vợ hay chồng của người khác, với người dưới tuổi vị thành niên. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, cũng xác lập thái độ sống đó và chỉ dạy người bị nghiệp tà dâm phương thức chuyển đổi hành vi, nghiệp lực của mình một cách rõ ràng, bằng cách người đó thường xuyên khởi niệm nhớ nghĩ đến Phật, Bồ tát, nói chung là chánh niệm thì sẽ ly dục, ly tà dâm, đồng nghĩa ly sân, ly si

Ngoài ra, để thiết lập một đời sống gia đình hạnh phúc thật sự, tình cảm đôi lứa đã chín muồi, sau khi đã thuận thảo với nhau, gia đình cha mẹ đôi bên đồng ý thì đôi uyên ương đi đến hôn nhân. Đức Phật cũng khéo léo chỉ dạy nếp sống gìn giữ hạnh phúc gia đình, duy trì tình cảm vợ chồng bền vững như thưở ban đầu, có thể diễn đạt “Yêu nhau từ muôn kiếp, gặp nhau từ thưở luân hồi”. Đọc các bản kinh Nguyên thủy như Tăng Chi, Tương Ưng, hay A Hàm, ta thấy Đức Phật từng giảng thuyết cho con gái Cấp Cô Độc về đạo lý sống với chồng con và cách thức ứng xử những mối quan hệ bên nhà chồng trước ngày thành hôn. Nhưng rõ nét nhất và thật cụ thể là bản kinh Singàla và kinh Thiện Sinh, Đức Phật đã giải trình và thiết lập những nguyên tắc chung sống giữa vợ và chồng trong các mối quan hệ tứ thân phụ mẫu, xác lập vai trò và trách nhiệm bổn phận của người chồng đối với vợ con và ngược lại bổn phận của người vợ đối với chồng con.

Mối quan hệ này là mối quan hệ thiêng liêng, nó là nền tảng của gia đình và xã hội, nó kết nối liên thông trong các mối quan hệ giữa người với người, với xã hội, với dân tộc và cả môi trường sinh sống và các hoạt động khác. Do đó, không phải ngẫu nhiên Phật dạy mối quan hệ này cần phải được đảnh lễ. Ý nghĩa đảnh lễ là nhằm thiết lập sự tôn trọng và gìn giữ hạnh phúc của hai người trao cho nhau mà Tổ tiên, ông bà, cha mẹ của họ đã dày công tạo dựng cho chính mỗi người.

Cho nên, Phật dạy người chồng phải biết yêu thương, kính trọng và trung thành đối với người vợ; săn sóc chu đáo đời sống kinh tế của người vợ với việc cung cấp các tiện nghi vật chất; nuôi dưỡng tình cảm, thường xuyên tặng quần áo, đồ trang điểm. Xem ra, Phật rất quan tâm đến vấn đề hạnh phúc lứa đôi. Thương yêu chưa đủ, hạnh phúc cần phải đáp ứng các nhu cầu thực tiễn nữa. Tâm lý người nữ luôn mong cầu được khéo léo săn sóc, mong muốn được làm đẹp, trong thái độ tôn trọng thực sự. Vấn đề ở đây là thái độ tôn trọng bạn đời. Do luôn được kính trọng, người vợ càng yêu thương và kính trọng chồng, và không dễ dàng yêu người khác, làm  tổn thương người bạn đời của mình. Cả hai sẽ trung thành và chung thủy để gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Do đó, vai trò và bổn phận của người chồng không chỉ chủ động tạo ra những cảm giác an toàn mà còn thiết lập những cảm giác mới mẻ để đem lại cho vợ những niềm vui qua việc quan tâm bảo đảm nguồn kinh tế gia đình, tiện nghi sinh hoạt, khéo tế nhị trong việc tặng quà làm đẹp vợ, biết được sở thích, tâm lý của người bạn đời, biết “hâm nóng” tình cảm, nhằm tạo ra những sự hưng phấn để duy trì tình yêu trong cảm hứng thật lãng mạn, thật riêng tư được kéo dài. Thử nghĩ, người chồng đi đâu xa về mà biết chọn lựa và mua quà về cho vợ thì vợ sẽ biết người bạn đời của mình luôn nhớ nghĩ đến mình trong tâm khảm. Đây là một thái độ sống tốt mà người đời thường hay thiếu sót, sau khi đã trở thành người vợ của mình thì thiếu săn sóc hơn khi đang còn là người yêu.

Đáp lại, người vợ phải thương yêu, kính trọng và trung thành với chồng. Thực tế, “của của chồng, công của vợ”, vì vậy, người chồng trong khi bận rộn công việc xã hội thì vợ phải biết quản lý tài sản gia đình, khéo điều hành và khéo ứng xử; niềm nở đón tiếp những người trong các mối quan hệ của chồng với sự kính trọng và biết vui vẻ với láng giềng. Người vợ không được ỷ lại sự thương yêu của chồng; lại càng không được ngoại tình, không được sai khiến chồng như bà chủ, không được phung phí tài sản. Kinh Tăng Chi, tập 3, Phật còn dạy, người vợ cư xử với chồng trong tư cách là người vợ, người yêu, người bạn và có khi là như là người mẹ, người chị hay em gái của chồng. Làm được vậy, sau khi chết, người vợ sẽ hưởng được phước báu sinh thiên.

Với tất cả những lời dạy nói trên, được ghi trong các bản kinh, rõ ràng vợ chồng cư xử với nhau trong ba vai trò: người chồng (người vợ), người yêu, người bạn. Vai trò của người chồng (người vợ) như là vai trò của bổn phận; vai trò của người yêu là vai trò tình cảm đặc biệt, ái ân của đôi vợ chồng; vai trò người bạn là vai trò nói lên tính bền bỉ và sẻ chia tương hệ. Ba vai trò này, vợ hay chồng phải thường linh hoạt vận dụng trong mọi hoàn cảnh, tình huống trong đời sống bình nhật thật hợp thời. Khi vợ hoặc chồng bệnh thì phải biết quan tâm chu đáo như là vai trò của người cha, hay mẹ. Trong công việc gia đình, xã hội thì hai người cần có sự bàn bạc thống nhất, hợp tác. Bấy giờ, đôi vợ chồng xuất hiện như là người bạn đời tri kỷ. Lúc riêng tư, thì cần biểu lộ bày tỏ sự yêu thương nồng nàn, đấy là vai trò của người yêu. Và như thế, đời sống hạnh phúc lứa đôi sẽ được duy trì vững bền trọn đời, mặc cho cuộc sống cứ trôi chảy.

Điểm đáng nói, Phật giáo chủ trương thiết lập đời sống hạnh phúc gia đình trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng về vấn đề giới tính, không có thái độ phân biệt đối xử nam trọng nữ khinh, hoàn toàn không bị câu thúc bởi lễ giáo phong kiến. Đạo Phật là bình đẳng, không có phân biệt kỳ thị nam và nữ. Quan điểm của Đức Phật trong các bản kinh đều ghi nhận người phụ nữ được hoàn toàn tự do, không bị hạn chế bởi những quy tắc lễ giáo khắt khe như là các quy tắc Khổng giáo, theo kiểu như người phụ nữ ở nhà thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, và chồng chết thì theo con. Đối với đạo Phật, nền tảng hôn nhân đã là tình yêu, thì khi tình yêu vì một lý do nào đó, đã không còn nữa, thì gia đình xác lập trên tình yêu và hôn nhân cũng mất lý do tồn tại - ly dị sẽ là chuyện tất yếu và đương nhiên.

Trên tinh thần của Phật giáo thì tục cấm người đàn bà góa không được tái giá là một tục lạc hậu của Bà-la-môn giáo ở Ấn Độ, và cũng như ở nước Trung Hoa theo quan điểm của Khổng giáo. Nó trái với nguyên tắc bình đẳng của đạo Phật. Đạo Phật là Đạo bình đẳng và diệt khổ, không thể nào hoan nghênh, lại càng không thể chủ trương một lối ứng xử không nhân bản như vậy đối với người đàn bà góa. Đạo Phật không chỉ cho phép sự ly dị khi bị đổ vỡ, nếu cả hai bên không thể kết nối yêu thương nữa, mà còn chủ trương cho phép người đàn bà góa tái giá, nếu họ muốn và có điều kiện để thiết lập một đời sống mới, hạnh phúc phù hợp với đạo lý làm người. Nếu không như thế thì hai người sẽ rơi vào trạng thái tâm lý khổ đau “oán tắng hội khổ” (Không muốn gặp mà vẫn gặp nhau là khổ), hay “cầu bất đắc khổ” (cầu mong điều gì đó mà không được thì khổ) trong đời sống vợ chồng. Nói chung, đạo Phật tán thành quan điểm hôn nhân phải dựa trên nền tảng đạo đức luân lý, trên cơ sở  hiểu biết lẫn nhau và đồng cảm giữa người nam và người nữ.

Ngay cả trong việc tu hành, Phật giáo cũng hết sức bình đẳng, không phân biệt vấn đề giới tính. Trường hợp dâm nữ Ambapali, nổi tiếng về sắc đẹp, thông minh, giàu có, là của báu sắc đẹp của thành phố, đã được Phật hoan hỷ tôn trọng, nhận lời của cô về thọ trai tại nhà và thuyết pháp, trong khi Phật sẵn sàng từ chối lời mời của dòng họ quý tộc Licchavi, cai trị thành phố xứ Vesali được ghi trong kinh Trường Bô:“Này quý công tử Licchavi, tôi vừa mới mời Thế Tôn cùng chúng Tỷ kheo ngày mai đến dùng cơm. Này Ambapali, các công tử nói: Hãy nhường cho chúng tôi mời bữa cơm ấy, đổi lấy một trăm ngàn đồng vàng. Dầu cho quý công tử cho tôi cả thành Vesali cùng với các đất phụ thuộc, tôi cũng không nhường bữa cơm quan trọng này”. Và sách sử cũng cho biết, sau khi Đức Phật cùng với chúng Tỷ kheo dự tiệc tại nhà Ambapali, sau đó rời khỏi thành phố Vesali, thì Ambapali cũng xuất gia làm Ni, và không bao lâu chứng quả Thánh A La Hán.

Mời được Phật và chúng Tỷ kheo đến dự tiệc chỉ trong vòng một ngày không phải đơn giản. Một mặt nó nói lên thái độ cầu học, cầu tu của dâm nữ đối với Chánh pháp, thái độ tự nguyện chuyển hóa thân tâm. Nhưng mặt khác, sự nhận lời mời dùng cơm của dâm nữ Ambapali, thay vì nhận lời mời cơm của vua chúa, và hàng quý tộc của Đức Phật đã nói lên tinh thần bình đẳng về giới tính của Phật trong việc thu nhận và chuyển hóa tâm thức hàng đệ tử, dù người đó là dâm nữ. Theo đạo Phật, mọi người dù nam hay nữ, thuộc tầng lớp nào, nếu tự thân tu hành, tự thân sẽ giải thoát. Đọc Trưởng Lão Ni kệ, ta thấy giới nữ sau khi từ bỏ gia đình, xuất gia cũng chứng đắc quả vị thánh. Vào đời Lý - Trần, ta có ni sư Diệu Nhân, Nguyên phi Ỷ Lan, Công chúa Huyền Trân và nhiều vị nữ giới của hoàng tộc khác xuất gia tu hành, đoạn ái và chứng đạo.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, mang tính xu hướng toàn cầu hóa, quá nhiều phương tiện để tạo ra sự ham muốn, vì thế vấn đề giới tính càng được quan tâm hơn lúc nào hết. Nếu không có cái nhìn về giới tính đúng theo tinh thần chánh tri kiến thì sẽ dẫn đến những quan điểm lệch lạc về giới tính, gây ra những hậu quả sai lầm về những tệ nạn của xã hội mà tự thân, gia đình, cộng đồng phải gánh chịu như vấn đề mại dâm, bạo dâm, cưỡng bức tình dục, đổ vỡ hạnh phúc gia đình, con cái mất niềm tin với cha mẹ, nạn phá thai, nhiễm HIV, đắm chìm trong hoan lạc, trẻ em lang thang, không nơi nương tựa… Suy cho cùng, vấn đề giới tính, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp liên hệ nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống như đạo đức xã hội, sự phát triển dân số, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, tín ngưỡng tâm linh…

Vấn đề đặt ra là làm thế nào xây dựng một nếp sống hướng thượng, đảm bảo hạnh phúc tự thân, gia đình và toàn xã hội, trong đó vấn đề giới tính cần phải có cái nhìn đúng đắn và ứng xử trong các mối quan hệ nam nữ của con người trên tinh thần tôn trọng và dân chủ, bình đẳng. Điều căn bản nhất mà người tại gia có thể thực thi là trong 5 giới điều, có điều thứ ba là không tà dâm, tức là không được có quan hệ trên mức tình cảm, dẫn đến tình dục với những người không phải là vợ hay chồng mình, không được quan hệ tình dục với những người vị thành niên… Nguyên tắc chung của đạo Phật là bình đẳng, tôn trọng nam cũng như nữ, cho nên phản đối những quan hệ tình cảm, tình dục có tính cưỡng bức, bắt buộc, trái với luân thường đạo lý để đảm bảo quyền được hạnh phúc của mỗi con người.

Tuy nhiên, đạo Phật cũng khẳng định, tất cả hạnh phúc thế gian, bao gồm hạnh phúc liên hệ đến giới tính, chỉ có giá trị hiện thực, đem lại niềm vui, đáp ứng lòng khát khao mong chờ của con người luôn mang tính tạm thời, hạn chế và sẽ không bao giờ thỏa mãn hết được - nếu con người thiếu trí tuệ, lấy đó làm cứu cánh. Đạo Phật khuyến khích con người tìm đến những hạnh phúc chân thật hơn với niềm vui cao cấp hơn, lâu bền hơn như niềm vui sống đạo đức, niềm vui của những tâm hồn rộng mở, vị tha đối với người khác, niềm vui của lương tâm không bao giờ bị cắn rứt, ân hận, biết ly dục, những niềm vui sáng tạo vì hạnh phúc số đông và cuối cùng là niềm vui ái diệt là Niết bàn.

Thích Phước Đạt

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch