Một vài độc giả chắc còn nhớ, cách đây vài năm ở gần
khu Covent Garden ở Luân Đôn có một tiệm sách cũ. Tôi nói “một vài” vì
đa số mọi người chắc hẳn không thích thú bao nhiêu với những bộ cổ thư
quý giá mà ông D., chủ tiệm và cũng là bạn cố tri của tôi, đã phí công
lao suốt cả một đời để góp nhặt và chồng chất lên những kệ sách đầy bụi
bám. <br /><br />
Trên toàn cõi châu Âu, có lẽ đó là nơi mà những kẻ tò mò có thể
tìm thấy nhiều loại sách cổ xưa hiếm có, nhất là về các vấn đề huyền
học, thuật luyện kim,
phù phép, chiêm tinh, phương thuật v.v... mà người học giả say mê khoa
huyền môn này đã thu thập từ khắp nơi. Người chủ tiệm đã tiêu phí cả
một gia tài để mua những bộ sách cổ đó – những thứ mà thật ra không thể
bán lại được. Nhưng ông ta lại cũng không hề muốn bán những của quý
dó! <br /><br />
Khi một khách hàng bước vào tiệm của ông, đó là cả một vấn dề
nghiêm trọng. Bằng một cái nhìn soi mói, ông theo dõi từng cử chỉ, động
tác nhỏ nhặt nhất của người ấy. Ông tỏ ra băn khoăn, lo ngại, đề cao
cảnh giác, nhăn mặt nhíu mày và rên siết một cách đau đớn khi nhìn thấy
những bàn tay phàm tục xâm phạm đến những pho sách quý giá của ông và
lôi ra khỏi chỗ của nó. <br /><br />
Nếu bạn chú ý đến một quyển sách quý trong “cổ tàng viện” của ông
ta, và cái giá “cắt cổ” ghi ngoài bìa chưa đủ cao để làm cho bạn hoảng
hồn, thì ông ta thường tăng lên gấp đôi nếu bạn cương quyết muốn mua.
Bạn do dự chăng? Khi đó, ông ta sẽ lấy làm khoái trá mà giật lại từ
trên tay bạn quyển sách mà bạn đang mê say. Trái lại, nếu bạn bằng lòng
mua với cái giá “cắt họng” đó, thì ông ta lập tức trở thành hiện thân
của sự thất vọng! Và trong trường hợp đó, ông ta sẽ đến gõ cửa nhà bạn
giữa lúc đêm khuya canh vắng để năn nỉ bạn nhường lại – với bất cứ điều
kiện nào do chính bạn nêu ra – quyển sách mà bạn đã dám bỏ tiền mua!
<br /><br />
Chính ông ta cũng là một tín đồ trung thành của Paracelse và
Jamblique cũng như những bậc đạo sư khác thời cổ đại, nhưng ông ta
không thích lưu truyền cho kẻ phàm tục những giáo lý huyền môn cao siêu
mà ông ta đã học được. <br /><br />
Trước đây, khi còn đang tuổi thanh xuân, tôi đã có lúc muốn hiểu
biết về nguồn gốc thật sự và giáo lý của một môn phái dị kỳ gọi là phái
Hồng Hoa (Rose–croix). Không thỏa mãn với những gì đã được công bố
trong những sách vở nông cạn nói về vấn đề này, tôi liền nghĩ đến tiệm
sách cũ của ông D. với những bộ cổ thư phong phú mà ông đã góp nhặt
được, chắc hẳn có thể cung ứng cho tôi những tài liệu chính xác hơn.
Nghĩ vậy, tôi bèn đến viếng tiệm sách của ông. <br /><br />
Khi bước vào cửa tiệm, tôi chú ý ngay đến dáng dấp đạo mạo và tác
phong khả kính của một ông khách cao niên mà tôi chưa hề gặp ở đó bao
giờ. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy vị chủ tiệm ngạo nghễ kia tỏ ra
rất mực cung kính đối với người lạ mặt. ông ta nói một cách sôi nổi hào
hứng trong khi tôi đang lật từng trang của quyển thư mục: <br
/><br />
– Thưa ông, từ khi tôi bắt đầu khảo cứu về các vấn đề này, đã bốn
mươi lăm năm nay, chỉ có ông là người duy nhất tôi thấy xứng đáng là
khách hàng của tôi. Trong một thời đại nông nổi thiển cận như ngày nay,
làm sao ông lại có thể sở đắc được những kiến thức thâm sâu đến thế?
Còn các môn phái siêu việt ấy, giáo lý cổ truyền của họ tự muôn đời vẫn
là điều bí hiểm đối với các triết gia cận đại. Ông có thể nói cho tôi
biết chăng, hiện nay có những loại sách vở nào còn tồn tại trên mặt đất
có thể soi sáng cho chúng tôi về những vấn đề ấy? <br /><br
/>
Không cần phải nói, khi nghe đến mấy chữ “môn phái siêu việt” là
tôi liền chú ý ngay và lập tức lắng tai nghe câu trả lời của người
khách lạ. Ông lão đáp: <br /><br />
– Tôi không nghĩ rằng các bậc đạo sư của môn phái ấy đã từng lưu
truyền giáo lý của các ngài, trừ phi trong những bản văn với lời lẽ bí
hiểm và những ngụ ngôn thần bí. Và tôi cũng không trách các ngài về sự
kín đáo đó. <br /><br />
Nói đến đây ông lão ngừng lại, và có vẻ sắp sửa ra về. Tôi bèn đột ngột hỏi người chủ tiệm: <br /><br />
– Này ông D., trong quyển thư mục này tôi không thấy có tên sách nào nói về môn phái Hồng Hoa! <br /><br />
–Môn phái Hồng Hoa! <br /><br />
Người khách lạ nói lặp lại câu ấy và đến lượt ông ta nhìn tôi một cách ngạc nhiên rồi nói: <br /><br />
– Ai là người có thể giải thích những bí pháp của phái Hồng Hoa
nếu không phải là một môn sinh của phái ấy? Và anh tưởng rằng một tín
đồ của môn phái bí mật nhất trong các giáo phái huyền môn lại có thể
tiết lộ sự minh triết ẩn giấu của họ cho người thế gian hay sao?.
<br /><br />
Tôi thầm nghĩ: À! Đây mới chính là cái “môn phái siêu việt” mà
ông ta nói lúc nãy! Thế ra mình đã gặp được một môn đồ chính cống của
môn phái Hồng Hoa đây rồi! <br /><br />
Đó là một nhân vật kỳ bí, có những thói quen lạ đời và những ý
kiến khác thường. Ông ta không bao giờ tiết lộ về tung tích hay dĩ vãng
của mình, và tôi chẳng hề biết gì về cuộc đời của ông. Ông dường như
không có gia đình, và tôi vẫn tưởng như thế cho đến một ngày nọ, người
chấp hành di chúc của ông là một thân nhân xa ở nước ngoài, đến thông
báo cho tôi biết rằng trước khi qua đời ông bạn già của tôi có để lại
cho tôi một di sản khá lớn. Di sản này gồm một số tiền lớn và một vài
quyển sách viết tay quý báu mà tôi dùng làm tài liệu để viết nên những
trang sách này. <br /><br />
Tôi nghĩ rằng phần di sản thứ hai này hẳn có liên quan đến cuộc
đàm thoại khi tôi đến viếng ông lão chỉ khoảng vài tuần trước khi ông
qua đời. Tuy ông bạn già của tôi rất ít khi theo dõi những trào lưu văn
chương hiện đại, nhưng với một sự cởi mở hồn nhiên ông sẵn sàng cho
phép tôi tham khảo ý kiến ông về những công trình văn nghệ mà một sinh
viên trẻ tuổi và non nớt như tôi muôn thực hiện với lòng tham vọng
cuồng nhiệt của mình. <br /><br />
Hôm ấy, tôi hỏi ý kiến ông về một quyển sách tham luận mà tôi
định viết với mục đích trình bày những tác dụng của cảm hứng đối với
những diễn biến của tính chất con người. Ông lão lắng nghe một cách
kiên nhẫn quan niệm tầm thường vô vị của tôi về cuốn sách ấy. Kế đó,
ông quay lại tủ sách của ông, lấy ra một quyển sách cũ và đọc cho tôi
nghe vài đoạn đại khái như sau: <br /><br />
“Trong đoạn này, nhà triết học Platon trình bày bốn loại đam mê
đưa đến sự hứng khởi và nguồn cảm hứng thiêng liêng. Trước hết là sự đam
mê âm nhạc, kế dó là sự đam mê thần bí, thứ đến là sự đam mê tiên tri
và sau cùng là sự đam mê ái tình.” <br /><br />
Ông lão nói: <br /><br />
– Tác giả phủ nhận trong linh hồn còn có một cái gì cao siêu hơn
lý trí, và quả quyết rằng trong bản thể con người có những năng lực
khác biệt nhau, chẳng hạn như do một trong những năng lực đó mà chúng
ta phát hiện và thấu triệt được những khoa học và định lý một cách mau
chóng lạ thường, chẳng khác nào do trực giác, hoặc do một năng lực khác
mà người ta đạt tới mức tột đỉnh của nghệ thuật, chẳng hạn như những
bức tượng điêu khắc của Phidias. <br /><br />
Tác giả còn khẳng định rằng “lòng hứng khởi” chỉ bộc phát khi
phần siêu lý trí trong linh hồn tiếp xúc với thần minh, và bằng cách đó
tạo nên một nguồn cảm hứng thiêng liêng trực tiếp. Tiếp tục bình luận
về triết học Platon, tác giả nhận xét rằng “một trong những loại đam mê
đó (nhất là đam mê ái tình, có thể đưa linh hồn đến niềm phúc lạc đầu
tiên và siêu việt của nó. Nhưng vẫn có một sự hợp nhất chặt chẽ và sâu
xa giữa tất cả các loại đam mê và diễn trình tiến hóa tự nhiên của tâm
thức phải đi qua từng giai đoạn, trước hết là qua sự hứng khởi về âm
nhạc, kế đó qua sự hứng khởi thần bí, thứ đến là sự hứng khởi tiên tri
và sau cùng là sự hứng khởi ái tình. <br /><br />
Trong khi tôi ngồi nghe với một tâm trạng sửng sốt, bỡ ngỡ và tập
trung mọi sự chú ý để cố gắng nhận hiểu những lời lẽ tối tăm bí hiểm
đó, ông lão gập sách lại và nói một cách hả hê: <br /><br
/>
– Đó là chủ đề quyển sách của anh, nó là đề mục chính yếu của
công trình văn học mà anh muốn thực hiện! <br /><br />
Tôi lắc đầu, đáp với một giọng bất mãn: <br /><br />
– Thưa tiên sinh, đó là những lời lẽ siêu việt và tốt đẹp vô
cùng. Nhưng lạy trời, tôi chẳng hiểu chi cả! Xin ông thứ lỗi, nhưng so
với những bí pháp của môn phái Hồng Hoa và những tổ chức huyền môn khác
thì luận điệu bí hiểm của Platon có lẽ chỉ là những trò chơi trẻ con
mà thôi! <br /><br />
– Tuy vậy, nếu không thấu triệt được ý nghĩa của đoạn văn ấy, anh
sẽ không bao giờ có thể hiểu những giáo lý cao siêu nhất của môn phái
Hồng Hoa hay của những môn phái khác mà anh vừa châm biếm với một giọng
khinh thường. <br /><br />
– Ồ! Nếu vậy thì tôi xin bỏ cuộc và đành chịu hoàn toàn thất
vọng. Nhưng nếu tiên sinh là người đã nắm vững vấn đề, sao ông không
viết sách nhằm trình bày những vấn đề ấy để lại cho hậu thế? <br
/><br />
– Ý hay đấy! Nhưng nếu tôi đã có sẵn một cuốn sách lấy điều dó
làm chủ đề, anh có bằng lòng nhận lấy công việc trình bày nó với công
chúng hay không? <br /><br />
– Tôi sẵn lòng. <br /><br />
Tôi đáp, và ngay sau đó liền nhận ra là mình quá vội vàng! <br /><br />
Ông lão nói tiếp: <br /><br />
– Tôi ghi nhận lời hứa của anh, và sau khi tôi chết, anh sẽ nhận
được tập bản thảo. Theo lời anh đã nói với tôi về những trào lưu của
văn chương hiện đại, tôi không chắc là anh sẽ gặt hái được gì nhiều
trong công việc này. Hơn nữa, tôi phải nói trước cho anh biết rằng công
việc này sẽ có phần hơi khó nhọc đấy! <br /><br />
– Đó là một quyển tiểu thuyết chăng? <br /><br />
– Ừ, tiểu thuyết, nhưng cũng không hẳn là tiểu thuyết. Vì đó có
thể là chân lý cho những ai hiểu được nó, nhưng sẽ là một câu chuyện
viễn vông đối với những người không hiểu được. <br /><br />
Thế là tập bản thảo đã đến tay tôi, kèm theo một mảnh giấy nhỏ
của ông bạn già đã từ trần, nhắc lại lời hứa dại dột của tôi. Với một
sự thích thú pha chút buồn man mác, và với một sự tò mò nôn nóng, tôi
vặn bấc đèn và mở gói sách ra. Bạn đọc hãy tưởng tượng sự kinh ngạc của
tôi khi nhận thấy tập bản thảo được viết tay bằng một thứ chữ bí mật
mà tôi chép lại dưới đây một số chữ điển hình:<br /><br />
<br /><br />
Tất cả choán hết 940 trang giấy vở học trò! <br /><br />
Tôi không tin vào mắt mình và tưởng là mình đang mê ngủ. Tôi sắp
sửa xếp tất cả vào hộc tủ để không bao giờ động đến nữa thì bỗng nhìn
thấy một quyển sách nhỏ đóng bìa da màu thiên thanh, mà trước đó trong
lúc vội vàng tôi đã không để ý đến. Tôi mở quyển sách ấy ra, và lấy làm
vui mừng vô hạn khi thấy đó là một quyển tự điển, chính là cái chìa
khóa để tra khảo ý nghĩa những chữ bí mật nói trên. <br /><br
/>
Tôi bèn bắt tay vào việc một cách hăng say. Nhưng phải nói ngay
rằng đó không phải là một việc dễ dàng. Tôi đã mất đến hai năm làm việc
khó nhọc mới thâu hoạch được một vài tiến bộ. Tôi có thể nói rằng,
ngoài các khoản thời gian dành cho những công việc gấp rút hơn, lời hứa
nông nổi của tôi đã bắt tôi phải trả một giá rất đắt là nhiều năm làm
việc vất vả để thực hiện nó. <br /><br />
Công việc lại càng khó khăn hơn nữa vì bản thảo được viết bằng
một thể văn vần, dường như tác giả có dụng ý trình bày tác phẩm của
mình bằng một hình thức thi vị. Tuy nhiên, tôi không đủ khả năng chuyển
dịch theo thể văn này, cho dù tôi vẫn muốn cố gắng giữ đúng theo ý
muốn của tác giả. Vì thế, tôi bắt buộc phải viết lại theo thể văn xuôi.
<br /><br />
Tôi cũng phải thú thật rằng, mặc dù đã hết sức cố gắng và không
quản công lao khó nhọc, tôi vẫn không hoàn toàn chắc chắn là đã dịch
được hết ý nghĩa chính xác của những chữ bí mật trong tập bản thảo.
Thậm chí, thỉnh thoảng vì có một vài khoảng trống trong câu chuyện,
hoặc vì không thể giải đoán được ý nghĩa của một số chữ, tôi buộc phải
lấp đầy khoảng trống bằng những đoạn văn của riêng mình. Những đoạn văn
này hẳn là rất dễ nhận ra, nhưng tôi cũng tự hào rằng nó không đi
ngược lại với ý chính trong toàn thể câu chuyện. <br /><br
/>
Sự thú nhận trên đưa tôi đến kết luận như sau: <br /><br />
“Thưa quý độc giả, nếu trong quyển sách này có chút gì làm bạn
thích thú, thì hẳn là tôi có đóng góp ít nhiều công lao trong đó; còn
nếu có gì làm cho bạn không được hài lòng, thì xin hãy phiền trách ông
bạn già kỳ quái của tôi.” <br /><br />
London, tháng 1 năm l842 <br /><br />
Sir Bulwer Lytton<br /><br />
Trong sách này, thuật luyện kim được dùng để chỉ đến một khoa học
huyền bí cổ xưa, theo đó người ta tin rằng có thể biến các kim loại
khác thành ra vàng; và các nhà luyện kim xưa kia là những người tu
luyện các chú thuật, phù phép để có thể làm được việc đó. <br
/><br />