Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có bốn sự việc này, rất xa, rất xa với nhau. Thế nào là bốn?
Trời và đất là sự việc thứ nhất rất xa, rất xa với nhau. Bờ biển bên này và bờ biển bên kia rất xa, rất xa với nhau, là sự việc thứ hai. Từ chỗ mặt trời mọc lên đến chỗ mặt trời lặn xuống là sự việc thứ ba rất xa, rất xa với nhau. Pháp của hạng người bất thiện với pháp của hạng người thiện rất xa, rất xa với nhau, là sự việc thứ tư.
Này các Tỷ kheo, đây là bốn sự việc rất xa, rất xa với nhau này.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Rohitassa, phần Rất xa xăm, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.647).
LỜI BÀN:
Nếu ai đã từng trải nghiệm về cuộc sống thì sẽ dễ dàng nhận thấy khoảng cách vật lý giữa xa và gần thật rõ ràng, xa thì đúng thật là xa mà gần đích thực là gần. Tuy nhiên, khoảng cách tâm lý xa gần giữa thiện và ác thì khó lường. Bởi thiện và ác về tính chất vốn cách nhau rất xa nhưng trong tự thân của mỗi người thì lẫn lộn “tuy xa mà gần, tuy gần mà xa”.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, pháp của hạng người thiện và bất thiện rất xa nhau như khoảng cách giữa trời và đất, bờ này với bờ kia của đại dương, từ chỗ mặt trời mọc đến chỗ mặt trời lặn. Vì đối với hạng người thuần thiện thì suy nghĩ, lời nói và hành động đều thiện, nói chung ba nghiệp thanh tịnh và đối lập hoàn toàn với hạng người ác, luôn tạo ba ác nghiệp.
Vấn đề là con người sống ở đời thường không thuần thiện hoặc ác mà luôn giao thoa giữa thiện và ác. Vì thế, đời sống là một quá trình đấu tranh liên tục để vượt lên cái ác. Nơi đây, khoảng cách giữa thiện và ác không còn rất xa nữa mà thậm chí rất gần, chỉ cần một sát na mất chánh niệm thì cái ác sẽ hiện tiền. Vì tham, sân, si và phiền não nói chung luôn tiềm ẩn trong ta, do đó niệm ác sẵn sàng trỗi dậy bất cứ lúc nào. Bởi vậy, phải nỗ lực tu tập, nguyện làm các điều lành, luôn giữ tâm chánh niệm để tự chủ để không chạy theo và bị chi phối bởi các điều ác.
Kinh nghiệm của tiền nhân cho thấy “bảy mươi chưa hết què”, hay “chỉ cần một chút sơ suất có thể dẫn đến đoạ lạc nhiều kiếp” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương), tức lầm lỗi có thể tạo ra bất cứ lúc nào. Nhận thức được như thế, người con Phật trong nỗ lực hướng đến sự thuần thiện, luôn cảnh giác với cái ác vì thiện ác vốn rất xa mà lại rất gần trong mỗi chúng ta.
Quảng Tánh