Nhân ngày
lễ Phật Đản năm nay, chúng tôi xin trình bày về đề tài: "Nếp sống Phật
Giáo", một đề tài mà chính Đức Bổn Thích Ca đã giảng thuyết nhiều lần,
nhưng cụ thể và rõ ràng là trong các bài Kinh Đức Phật dạy người con trai của
mình là La Hầu La , sau khi La Hầu La xuất gia. Những bài Kinh này đều có bản
dịch trong Trung bộ Kinh II, Kinh thứ 61 và 62 và trong Trung bộ Kinh III, kinh
thứ 147.
Kinh này đã được Vua A Dục, thế kỷ thứ tư trước Công nguyên
khắc trên bia ký Bhàbrà, kêu gọi mọi người xuất gia và tại gia Phật tử cần phải
tụng đọc Kinh này.
Chúng ta không phải là con trai Đức Phật như La Hầu La,
nhưng đều là người con tinh thần của Đức Phật. Những lời chí tình và đầy trí
tuê của Đức Phật. Những lời dạy chí tình và đầy trí tuệ của Đức Phật đối với La
Hầu La, cách đây gần ba ngàn năm tại Ấn Độ cũng là lời dạy đối với tất cả chúng
ta, những con người Phật Việt Nam, xuất gia cũng như tại gia, nam cũng như nữ,
trẻ cũng như già.
Hôm nay, nhân ngày Đại Lễ Phật Đản trang trọng, chúng ta
hãy cùng nhau suy ngẫm về những lời giáo huấn của Đức Phật về nếp sống đạo, nếp
sống Phật giáo.
Đức Phật nói: "Này, La Hầu La, nhà ngươi nghĩ thế nào?
Mục đích của cái gương là gì?".
La Hầu La trả lời: "Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản
tỉnh"
"Cũng vậy, Đức Phật dạy: "Này La Hầu La, sau khi
phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy
hành khẩu nghiệp, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp".
Nếp sống đạo là nếp sống luôn luôn có phản tỉnh, không
buông trôi, không phóng túng. Cái gương mà Đức Phật nói không phải là cái gương
soi mặt, mà là cái gương tâm hồn soi chiếu lại mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm
của mình có hợp hay không với nếp sống đạo; nếp sống Phật giáo, tức là như lời
Phật dạy La Hầu La, có hại hay không có hại đối với mình; đối với người, có lợi
hay không có lợi, đối với mình và đối với người, đem lại hạnh phúc hay là gây
ra đau khổ bất hạnh cho mình và cho người.
Vì sao Đức Phật lại khuyên chúng ta phải phản tỉnh nhiều
lần?
Đó là do quá trình diễn biến của nghiệp, có thể chia làm ba
giai đoạn: giai đoạn một là giai đoạn dụng tâm, cũng gọi là tác ý. Thông
thường, chúng ta gọi là ý muốn. Thí dụ hôm nay là ngày Lễ Phật Đản. Nhưng ngay
từ ngày hôm qua và trước nữa, có vị đã có ý muốn hôm nay đến chùa lễ Phật, nghe
giảng, làm nhiều Phật sự và thiện sự khác. Nhưng cũng có những vị chắc chỉ là
số rất ít nhân ngày Lễ Phật Đản lại muốn đi xem bói, xem toán, mong được
"vào cầu" một chuyến để phát tài, phát lộc.
Ngay trong giai đoạn ý muốn này, chúng ta cũng phải phản
tỉnh, phải xét xem muốn như vậy là đúng hay không đúng, hợp hay không hợp với
nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, có lợi lạc cho mình và cho người hay không,
đem lại hạnh phúc hay là gây ra đau khổ, cho mình và cho người hay là cho cả
hai.
Nếu trong giai đoạn ý muốn, quý vị phản tỉnh thấy vào ngày
Lễ Phật đản mà đi xem bói xem toán là không thích hợp, là nêu gương xấu mê tín
dị đoan cho vợ con, họ hàng bè bạn và những người khác thì quý vị hãy kiên
quyết từ bỏ ý muốn đó đi. Ngược lại, đối với ý muốn đi chùa, lễ Phật, nghe
thuyết giảng, làm nhiều Phật sự và thiện sự khác. Các vị phản tỉnh thấy ý muốn
đó là tốt đẹp, đem lại an lạc cho mình và cho người khác, hiện nay cũng như về
sau, thì quý vị hãy cương quyết thực hiện ý muốn đó, mà cũng chính vì tuyệt đại
đa số các vị đã có ý muốn tốt đẹp đó, cho nên hôm nay chúng tôi có duyên lành
thuyết giảng trong một hội chúng đông đảo và hồ hởi như thế này.
Nếu mọi việc chúng ta làm, mọi lời chúng ta nói, mọi ý nghĩ
của chúng ta đều được phản tỉnh xem xét cẩn thận ngay từ trong giai đoạn ý
muốn, như lời Đức Phật dạy La Hầu La, thì bao nhiêu sai lầm, tội ác và bất hạnh
đã không xảy ra trong thế giới đầy đau thương này.
Đức Phật nói: "Này La Hầu La, nếu trong khi phản tỉnh
ngươi biết "Thân nghiệp này ta muốn làm, thân nghiệp này cuả ta có thể đưa
đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến cả hai, thời thân nghiệp
này là bất thiện, đưa đến đau khổ. Một thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, nhà
ngươi nhất định chớ có làm. Này La Hầu La, nếu sau khi phản tỉnh, người biết:
"Thân nghiệp này ta muốn làm, thân nghiệp này cuả ta không có thể đưa đến
tự hại, không có thể đưa đến hại nguời, không có thể đưa đến hại cả hai, thời
thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc. Một thân
nghiệp như vậy là thiện, này La Hầu La, nhà ngươi nên làm".
Giai đoạn hai là giai đoạn một việc đã bắt đầu làm, đang
làm. Ngay trong giai đoạn này, giai đoạn việc làm đang diễn biến, chúng ta vẫn
tiếp tục phản tỉnh: việc này chúng ta đang làm hợp hay không hợp với nếp sống
đạo, nếp sống Phật giáo, có gây thiệt hại cho mình, cho người khác, cho cả hai
hay không, hay là ngược lại, có đem an lạc cho mình, cho người khác, cho cả hai
hay không? Nếu qua phản tỉnh, xét thấy là có hại cho mình, cho người, cho cả
hai thì chúng ta hãy cương quyết tiếp tục việc làm đó, dù có khó khăn cản trở.
Cũng như ngày hôm nay, quý vị hoan hỉ đến đây lễ Phật, nghe
thuyết pháp, làm nhiều thiện sự và Phật sự, trong lòng quý vị cảm thấy an lạc,
hạnh phúc, trí tuệ các vị tăng trưởng. Nếu quý vị xét thấy đáng như vậy thì quý
vị hãy yên tâm tiếp tục làm, trong ngày lễ Phật đản này cũng như trong các ngày
lễ Phật khác, hay là mỗi khi có điều kiện.
Trái lại, có những việc quý vị đang làm, đang tiến hành,
nhưng trong quá trình làm, quý vị xét thấy không có lợi cho mình, cho người,
không có lợi cho cả hai, thì dù ý muốn ban đầu có tốt chăng nữa, quý vị cũng
nên chấm dứt ngay công việc đó.
Đức Phật dạy La Hầu La rằng: "Này La Hầu La, khi nhà
ngươi đang làm một thân nghiệp, nhà ngươi cần phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau:
Thân nghiệp này ta đang làm, thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại
người, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ,
đem đến quả báo đau khổ. Này La Hầu La, nếu trong khi phản tỉnh, nhà ngươi biết
thân nghiệp đang làm là bất thiện, như vậy thì nhà ngươi hãy từ bỏ một thân
nghiệp như vậy. Nhưng nếu, này La Hầu La, trong khi phản tỉnh, nhà ngươi biết
như sau: thân nghiệp nay ta đang làm không đưa đến tự hại, không đưa đến hại
người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc,
đem đến quả báo an lạc, thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, nhà ngươi cần phải
tiếp tục làm."
Giai đoạn ba là giai đoạn khi một việc đã được làm xong.
Chúng ta cũng cần phản tỉnh xem, việc mà chúng ta đã làm có hợp hay không hợp
với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, có gây thiệt hại hay không cho mình và
cho người, có gây thiệt hại hay không cho cả hai, có đem lại an lạc và hạnh
phúc hay không cho mình và cho người khác hay là cho cả hai. Nếu phản tỉnh và
nhận thấy việc đã làm có gây thiệt hại cho mình và cho người khác hay là cho cả
hai, thì chúng ta phải thành thật ăn ăn hối lỗi, trung thực bộc lộ lỗi lầm với
vị đạo sư hay là với những người bạn đồng tu, đồng đạo của mình. Sau đó, hạ
quyết tâm từ nay không làm lại một việc làm có hại như vậy nữa. Nhưng nếu, qua
phản tỉnh, nhận thấy việc mình đã làm là hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật
giáo, đem lại hạnh phúc an lạc cho mình và cho ngưòi khác, hay cho cả hai, thì
chúng ta thật sự hoan hỷ, sẵn sàng làm lại việc đó một lần nữa, nhiều lần nữa
mỗi khi có điều kiện, vì hạnh phúc an lạc của bản thân mình và của mọi người.
Chính Đức Phật cũng đã khuyến cáo La Hầu La nên làm như
vậy, sau mỗi việc làm cuả mình: "Này La Hầu La, sau khi nhà ngươi làm xong
một thân nghiệp, nhà ngươi cần phải phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau:
"Thân nghiệp này ta đã làm, thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến
hại người khác, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến
đau khổ, đem đến quả báo đau khổ, nếu trong khi phản tỉnh, này La Hầu La, nhà
ngươi biết như sau: Thân nghiệp này ta đã làm, đưa đến tự hại, đưa đến hại
người, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện đưa đến đau khổ,
đem đến quả báo đau khổ. Một thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, nhà ngươi cần
phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước các vị Đạo sư, hay
trước các vị đồng Phạm Hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần
phải phòng hộ trong tương lai".
"Lại nữa, nếu trong khi phản tỉnh, này La Hầu La, nhà
ngươi biết như sau: Thân nghiệp này ta đã làm, không đưa đến tự hại, không đưa
đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến
an lạc đem đến quả báo an lạc. Do vậy, này La Hầu La, nhà ngươi phải an trú
trong niềm hoan hỷ, tự mình tu học ngày đêm trong các thiện pháp".
Đối với mỗi việc làm của thân, tức là thân nghiệp, dù khi
còn là ý muốn, hay là khi đang làm, hay là sau khi đã làm xong, Đức Phật đều
khuyên La Hầu La cũng như tất cả Phật tử chúng ta đều nên tỉnh táo xem xét, là
thiện hay là bất thiện, nếu là thiện, thì hãy tu học ngày đêm để tăng trưởng
những việc làm thiện đó. Và nếu là bất thiện thì cũng hãy cố gắng ngày đêm để
dứt bỏ, đoạn trừ, đề phòng, ăn năn, hối lỗi, để cho những pháp bất thiện đó
không bao giờ còn tái phạm nữa.
Không những đối vói việc làm nơi thân, mà cả đối với lời
nói, đối với mỗi ý nghĩ chớm nở trong tâm mình, Đức Phật cũng đều khuyên chúng
ta phản tỉnh xem xét là thiện hay bất thiện. Nếu là thiện, thì học tập phát huy
tăng trưởng lên, nếu là bất thiện, thì phấn đấu không mệt mỏi để diệt trừ, xóa
bỏ. Và chỉ sau nhiều lần phản tỉnh như vậy đối với việc làm, lời nói và ý nghĩ
cuả mình, chúng ta mới có thể tiến dần tới chỗ tất cả ba nghiệp của chúng ta,
thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp dần dần được trong sạch sáng sủa, hoàn toàn
hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo. Chúng ta, dần dần thực hiện theo đúng
lời dạy của Đức Phật, như đã ghi trong Kinh Pháp Cú:
"Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm giữ ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy".
Tâm ý giữ trong sạch, phải là mối quan tâm thường xuyên và
hàng đầu của mọi Phật tử chúng ta, xuất gia hay tại gia. Vì sao vậy? Thưa quý
vị, đây là vì, thông thường, người ta suy nghĩ trước rồi mới nói, mới làm, tất
cả chúng ta đều tâm niệm câu kệ I của Kinh Pháp Cú:
"Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như bánh xe vật kéo"
Nghĩa là: Tâm ý đã bất thiện, nhơ bẩn, đầy tham sân si, thì
lời nói, hành động với tâm ý như vậy cũng sẽ bất thiện, nhơ bẩn, đầy tham sân
si, và đem lại quả báo đau khổ.
Trái lại, như Kinh Pháp Cú nói:
"Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình".
Nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, là nếp sống với tâm ý
trong sạch. Đó cũng chính là nếp sống hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc mình tự tạo
cho mình, đem lại cho mình chứ không phải người nào khác, dù là cha mẹ, bà con
cũng không làm được. Đó chính là ý tứ cuả câu kệ 43 trong kinh Pháp Cú:
"Điều mẹ cha, bà con
Không có thể làm được,
Tám hướng chánh làm được,
Làm được tốt đẹp hơn!".
Tâm hướng chánh là tâm thiện, tâm lành, tâm trong sạch.
Trái lại, con ngưòi có tâm bất thiện cũng là người bất hạnh
nhất trên đời, một nỗi bất hạnh còn lớn lao hơn, đáng sợ hơn là điều ác kẻ thú
đem lại cho mình nữa. Kinh Pháp Cú viết:
"Oan gia hại oan gia,
Kẻ thù hại kẻ thù,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân".
Vì sao Kinh Pháp Cú lại nói như vậy? Đấy là vì tâm bất
thiện là kẻ thù ở bên trong, kẻ thù làm hại ngấm ngầm, cho nên cũng là kẻ thù
đáng sợ hơn cả.
Có vị nêu câu hỏi: Làm sao giữ được cho tâm ý luôn luôn
thiện lành trong sạch? Làm sao giữ cho tâm ý không còn nghĩ ác, nghĩ bất thiện?
Làm sao đừng có tham sân si, bớt tham sân si, mặc dù vẫn biết tham sân si là
sai trái, đau khổ?
Đó là một câu hỏi rất chính đáng, Đức Phật đã từng nói:
"Rối ren thay loài người!" (Kinh Kandakara, Trung bộ II Kinh 51) . Có
người biết hút thuốc là có hại những vẫn hút, biết uống rượu là có hại nhưng
vẫn uống. Đó là sức mạnh cuả thói quen, một sức mạnh đáng sợ. Cũng như một
người đi mãi trong sương mai, thế nào áo cũng thấm sương. Muốn cho áo mình đươc
khô, phải phơi phóng bao nhiêu ngày! Đối với tâm người cũng vậy. Tâm người nghĩ
ác hay nghĩ thiện cũng thành thói quen. Mà đã thành thói quen, nhất là thói
quen xấu thì cũng phải có công phu, mất thời gian mới trừ bỏ được.
Trước hết phải tự tạo cho mình một môi trường tốt với những
môi trường tốt, những thiện trí thức, như sách Phật thường nói. Trong kinh Tiểu
Kinh Mãn Nguyên (Kinh Trung Bộ số 110), Đức Phật giới thiệu cho chúng ta rõ thế
nào là nếp sống của một người bất thiện. Một người bất thiện, là một người đầy
những tánh bất thiện, như không có lòng tin, không biết xấu hổ, không biết sợ
hãi, nghe ít, biếng nhác, thất niệm, kém trí tuệ. Người bất tiện suy tư như
người bất chánh, suy tư tự làm hại mình, suy tư làm hại người khác, suy tư làm
hại cả hai. Người bất thiện nói năng như người bất chánh: Nói láo, nói hai
lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm. Người bất thiện hành động như người
bất chánh, sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục. Như vậy, với
những định nghĩa trên chúng ta biết ngay thế nào là người bất thiện và giúp
chúng ta tự tránh không trở thành người bất thiện.
Phật tử thường xuyên đến đây Lễ Phật, nghe giảng kinh đọc sách
Phâạt, cùng nhau nói chuyện đạo lý, làm các việc Phật sự và thiện sự, đó chính
là tự tạo cho mình một môi trường tốt bài trừ niệm ác, nẩy sinh niệm lành, niệm
thiện. Một người làm thì khó, hay là mới bắt đầu làm thì khó. Nhưng nếu có tổ
chức, nhiều người cùng làm và làm nhiều lần, thành quen, thành nếp thì công
việc khó khăn mấy cũng sẽ hoàn thành tốt đẹp.
Có môi trường tốt rồi, có bạn bè tốt rồi, chúng ta còn phải
nổ lực bản thân nữa.
Kinh An Trú Tầm (Kinh thứ 20, Trung Bộ Kinh 1), dạy chúng
ta phương pháp nổ lực đúng đắn để nuôi dưỡng niệm lành, loại trừ niệm ác. Kinh
An Trú Tầm nói có năm biện pháp tất cả:
-- Biện pháp thứ nhất: là lấy niệm lành xua đuổi niệm ác.
Thí dụ, lấy niệm từ bi xua đuổi niệm sân giận Đức Phật dùng ví dụ người thợ mộc
khéo, dùng một cái nêm hay (Ý nghĩ lành) đánh bật một cái nêm khác (ý nghĩ ác).
-- Biện pháp thứ hai: Là ngẫm nghĩ về hậu quả tai hại của
niệm ác sẽ dẫn tới tội ác và sự trừng phạt. Cũng như một người quan sát thấy
mình đang đeo xung quanh cổ một cái xác chó chết, sợ quá, liền vứt bỏ đi. Cũng
như hiện nay, người nghiện thuốc lá suy nghĩ thấy hút thuốc có thể gây cho mình
và con cái mình (ngửi khói thuốc) mắc bệnh ung thư, phát sợ bèn bỏ thuốc hút.
-- Biện pháp thứ ba: là cố gắng, quên niệm ác đi, đừng nghĩ
tới nó nữa. Phật lấy ví dụ một người nhắm mắt để khỏi phải thấy một vật gì đó
có thể thúc đẩy mình làm ác.
-- Biện pháp thứ tư: là hãy chận giòng niệm ác lại, để cho
nó giảm bớt sức mạnh. Đức Phật dùng ví dụ một người đang chạy, chuyển sang đi,
rồi chuyển sang đứng, rồi ngồi, rồi nằm. Tôi có thể lấy ví dụ hút thuốc để minh
họa lời Phật. Một người nghiện, thấy bao thuốc lá cầm ngay lấy, rút thuốc đánh
diêm châm, hít hai ba hơi luôn. Bây giờ thấy bao thuốc, khoan cầm lấy bao, và
khi đã cầm lấy bao rồi, thì khoan rút điếu thuốc rqa, khoan châm diêm, hay là
đã châm diêm rồi, thì khoan hít một hơi v.v... Bởi vì, mỗi khi dừng lại như
vậy, chúng ta đều có thể phản tỉnh, nhớ đến lời dặn của thầy thuốc về thuốc lá
gây bệnh ung thư như thế nào, lời nhắn của vợ hút thuốc tốn tiền như thế nào
v.v... nhờ vậy, có thể ngăn không hút thuốc nữa.
-- Biện pháp thứ năm: là dùng ý chí, nghị lực khống chế
niệm ác, không cho nó sanh khởi, Phật ví dụ một người khoẻ vật ngã một người
yếu.
Trên đây là năm biện pháp khống chế và loại trừ niệm ác,
được Đức Phật giảng trong Kinh "An Trú tầm". Đó là những lời dạy
thiết thực và cụ thể, mọi người đều có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Một điều chúng ta cần ghi nhớ là tất cả các niệm đều vô thường, dù ác hay
thiện, nếu nó không được nuôi dưỡng bằng những niệm tương ứng và nhất là việc
làm tương ứng. Tôi lấy ví dụ niệm hút thuốc của người hút thuốc lá. Niệm hút
thuốc đó được nuôi dưỡng bằng những niệm như là hút thuốc là vô hại, hút thuốc
thêm sáng kiến, hút một điếu có thể giảm thọ vài ba giây nhưg cười một tiếng
lại tăng thọ bảy giây v.v.. Nếu chúng ta không nuôi dưõng niệm hút thuốc bằng
những niệm như vậy, trái lại chống đối nó, bài trừ nó bằng những niệm như hút
thuốc gây bệnh ung thư, hút thuốc hại phổi, hút thuốc tốn tiền v.v.. thì niệm hút
thuốc có thể dần dần không còn chi phối chúng ta như trước nữa. Và chúng ta có
thể tiến tới bỏ thuốc lá mà không gặp khó khăn gì.
Một điều nữa, chúng ta cũng cần ghi nhớ là niệm thiện nói
chung mạnh hơn niệm ác, cũng như ánh sáng mạnh hơn bóng tối vậy. Niệm ác sỡ dĩ
chi phối chúng ta được là vì chúng ta không biết nó là ac. Nếu nhận mặt nó được
là ác, thì tự nhiên nó sẽ tan biến đi. Chính vì vậy, mà Kinh sách Phật khuyên
chúng ta nên luôn luôn chánh niệm tỉnh giác, biết rõ mình đang nghĩ gì, nói gì,
làm gì và ý nghĩ đó, lời nói đó, việc làm đó là thiện hay bất thiện, đem lại an
lạc hay đau khổ cho mình và cho người. Có người nghĩ ác mà không biết mình là
ác. Con người như thế rất khó tu tập bỏ ác làm lành. Cũng như có người làm điều
thiện mà không biết mình làm điều thiện thì cũng rất khó tăng trưởng điều
thiện.
Cuộc sống của người Phật tử phải là một cuộc sống tỉnh táo,
biết thiện là thiện để phát huy điều thiện vốn có, học những điều thiện mình
chưa có. Đồng thời cũng phải biết ác là ác thì mới loại bỏ điều ác mình đã phạm
và phòng hộ những điều ác chưa sanh khởi. Nói tóm lại, tăng điều thiện vốn có,
học những điều thiện chưa có, bỏ điều ác vốn có, tránh điều ác chưa có: đó phải
là nếp sống tinh tấn của mọi Phật tử chúng ta.
Đó cũng là định nghĩa chữ "Chánh tinh tấn", Sammà
vàyama, trong Bát chánh đạo mà Đức Phật khuyên tất cả Phật Tử chúng ta cần phải
hành trì. "Vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn từ bỏ các pháp bất thiện,
thành tựu các thiện pháp, nổ lực kiên trì tinh tấn, không từ bỏ gánh nặng đối
với thiện pháp". (Tăng Chi II, trang 18).
Trên đây, chúng tôi có nói dùng niệm thiện xưa đuổi niệm
ác. Các vị có thể hỏi đó là niệm thiện gì?
Các Kinh Phật thường dạy pháp tu "Tám chánh đạo"
bằng chánh Tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh
tinh tấn, chánh niệm, chánh định, tám pháp môn tác thành con người toàn thiện,
tám pháp môn xây dựng một nếp sống Phật giáo hoàn mỹ, thiết thực ứng dụng vào
đời sống thực tại. Một con người chí thiện tất nhiên phải là con người có tri
kiến chơn chánh có tư duy chơn chánh, có ngôn ngữ chơn chánh, có ba nghiệp chơn
chánh, có sinh kế chơn chánh, có ý niệm chơ chánh và có thiền định chơn chánh.
Thực là sai lầm khi có một người nào đó buộc tội đạo Phật
chúng ta như là tiêu diệt mọi tình cảm của con người, như là phi nhân bản! Trái
lại, có thể nói đạo Phật là đạo nhân bản nhất bời vì nói giúp cho mọi ngưòi
phấn đấu để trở thành những con người hoàn thiện, những bậc Thánh trên thế gian
này, những con người hội tự một cách đầy đủ và hoàn mỹ nhất những đức hạnh từ
bi và trí tuệ. Con người có trí tuệ và tình thương rộng lớn (từ bi): đó phải là
hướng phấn đấu của tất cả chúng ta, vì đó là mẫu mực, của con người hoàn thiện
theo quan điểm Phật giáo.
Đó là một hướng phấn đấu cụ thể, không có gì là viễn vông
xa vời, Đức Phật và hằng bao thế hệ đệ tử đắc đạo của Ngài chứng tỏ con người
mẫu mực hoàn thiện đó không phải là một cấu trúc không tưởng mà đã là, đang là,
sẽ là những con người sống, thực tại nếu biết cố gắng phấn đấu theo con đường.
Bát chánh đạo mà Đức Phật đã vạch ra.
Giá trị bất hủ của đạo Phật chính là ở chỗ nó vạch ra con
đường cụ thể giúp cho mỗi người chúng ta trở thành con người hoàn thiện, con
người sống hạnh phúc và tự do, con người mẫu mực về trí tuệ và tình thương rộng
lớn.
Đó cũng chính là bức thông điệp mà Đức Phật để lại chúng
ta: bức thông điệp kêu gọi mọi người chúng ta hãy phấn đấu để trở thành những
con người hoàn thiện, những con người giải thoat khỏi ba độc Tham, Sân và Si,
những con người tâm giải thoát và trí tuệ giải thoát, xứng đáng là học trò đức
Phật, con đẻ tinh thần cuả Đức Phật.
Trong thế giới đầy hận thù này, chúng ta hãy sống không hận
thù, hãy nêu gương sáng của cuộc sống đầy tình thương. Trong thế giới đầy bóng
tối này, bóng tối của đe dọa chiến tranh, và nếp sống phi đạo đức, chúng ta hãy
thắp lên ngọn đèn của trí tuệ, của hiểu biết và thông cảm.
Xã hội không nhìn chúng ta, đánh giá chúng ta qua sách Phật
và tượng Phật, mà nhìn chúng ta, đánh giá chúng ta qua con người cụ thể của
chúng ta, qua việc làm và lời nói cụ thể của chúng ta, có thể hiện trung thành
hay tương phản lại với ý tưởng từ bi và trí tuệ của Đạo Phật.
Đức Phật cũng vậy, Ngài nhìn chúng ta đánh giá chúng ta
không phải qua tượng, tranh Phật, qua sách Phật ghi chép lời Ngài có đúng hay
không, mà là qua nếp sống hàng ngày cụ thể của Tăng ni Phật tử chúng ta có thật
là nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo hay không. Nếu thật sự, chúng ta sống, ứng
xử, hành động theo đúng những lời dạy cuả Phật, thì dù Đức Phật có nhập Niết
Bàn cách đây ba ngàn năm, nhưng Ngài vẫn luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, theo
dõi hướng dẫn, khích lệ chúng ta.
Trong ngày lễ Phật Đản trang trọng này, chúng tôi hy vọng
đó là niềm tin của tất cả chúng ta, và tất cả chúng ta sẽ sống theo niềm tin
đó.
Kính chúc tất cả quý vị trọn hưởng một mùa Phật Đản tràn
đầy Từ bi và Trí tuệ.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tỳ kheo Thích Minh Châu