Những Vấn Đề Đạo Đức
Trước khi khảo sát quan điểm Phật giáo
về đạo đức, chúng ta cần hiểu một cách tổng quát về ý nghĩa từ đạo đức.
Từ nầy gắn liền với sự phân biệt giữa đúng và sai, thiện và ác trong
hành động, ý muốn và tính tình. Nó liên quan đến bản chất và sự áp dụng
luân lý trong đời sống. Ý thức đạo đức là khả năng hiểu được sự khác
biệt giữa đúng và sai. Những khái niệm về đạo đức là những quy định liên
quan đến việc khen hay chê cách xử thế, hợp luân lý hay không hợp luân
lý, hoặc những lề luật cho cách cư xử đúng.
Gần đây, các phương tiện truyền thông
của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã báo cáo nhiều sự cố xảy ra ở
mức độ địa phương, quốc gia và quốc tế. Với mức báo động càng ngày càng
gia tăng, chúng ta được biết những thất bại trầm trọng của con người -
nam, nữ, già, trẻ, giàu, nghèo, thông minh có học hoặc ngược lại, bất kể
chủng tộc, tôn giáo, màu da và ngôn ngữ. Mặc dù những quy định và luật
lệ cộng với những thiết bị để giữ an toàn cho cuộc sống và tài sản, vẫn
khó có người sống mà không cảm thấy bất ổn và lo lắng. Phải chăng con
người lo lắng về dã thú hay thiên tai? Không. Con ngưởi sợ nhất là những
phần tử không có kỹ luật, không đáng tin cậy trong chủng loại của mình –
những con người khác. Con người sợ những con người ích kỹ, tham lam,
không đạo đức, thờ ơ với những bổn phận và trách nhiệm của mình, thờ ơ
với quyền lợi của người khác, và những con người suy nghĩ không hợp lý
lẽ, tâm thức méo mó làm tổn hại người khác. Những ý nghĩ, hành động và
lời nói đi ngược lại xã hội, chống trái bản ngã lan tràn quá rộng, quá
nhiều, quá thường và quá phổ biến. Một số những việc thường xảy ra và
phổ biến nhất bao gồm việc chế tạo và tiêu dùng nhiều loại thuốc nguy
hiểm đe dọa mạng sống, vũ khí, cướp bóc, cưỡng đoạt, lường gạt, bóc lột
và tống tiền, đe dọa, hành hạ, khủng bố, quấy nhiễu, hãm hiếp, ngược đãi
trẻ con … Những tội ác từ nhỏ đến lớn xảy ra từ mức độ gia đình, ra đến
cộng đồng, quốc gia và quốc tế, riêng tư cũng như công cộng. Những
người phạm tội nầy rõ ràng không có vẻ gì chứng tỏ được phú cho hay được
rèn luyện để phát triển một ý thức đạo đức hướng dẫn họ đi theo con
đường đúng.
Người ta có thể nói rằng không có gì mới
mẽ trong những nhận xét về cách cư xử không đẹp phổ biến đã có từ thời
xa xưa nầy. Đồng thời chúng ta có khuynh hướng tự tôn cho rằng chúng ta
ngày nay sống văn minh, tiến bộ, tao nhã, có văn hóa, có khoa học và tân
tiến hơn, là những người đã chinh phục không gian, những bậc thầy của
những phát minh lỗi lạc. Vâng, chúng ta không nghi ngờ rằng loài người
đã tiến bộ nhanh chóng về vất chất, nhưng chúng ta đã thụt lùi về tinh
thần. Con người cần chinh phục tâm hồn để hiểu và vui hưởng nền văn minh
và tiến bộ trong lẽ phải, với ý nghĩa cao cả nhất và chân thật của từ
nầy.
Nhìn những kết quả xảy ra, chúng ta thấy
rằng những khái niệm của chúng ta về văn minh, văn hóa và tiến bộ có vẻ
không chính xác và hời hợt, ở đó con người bị một tâm thức vẩn đục đưa
đi lạc hướng. Điều nầy có thể là một nguyên do khiến cho vấn đề về đạo
đức được đưa lên hàng đầu, và nhiều quan điểm và đề nghị đã được những
người có trách nhiệm trong giới tu sĩ và cư sĩ của nhiều tôn giáo trong
đó có Phật giáo, các nhà giáo dục, các nhà tư vấn và cả chính khách đặt
ra. Nói tóm lại, những người bình thường và nhạy cảm đều bị sốc bởi hậu
quả của hàng loạt những hành vi trái đạo đức không ngừng xảy ra trong xã
hội hiện đại. Đó là một điều nổi bậc cho thấy rằng họ đang suy nghĩ
theo chiều hướng đúng để giúp nhân loại trở thành một tài sản của nhau.
Đạo Đức Phật Giáo
Quan điểm Phật giáo về đạo đức có thể tóm lược trong bài kệ sau đây:
Tránh làm các việc ác
Gắng làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy.
Chúng ta cần hiểu thế nào là lành và thế
nào là ác trong lời dạy của đức Phật. Một lần nữa đức Phật giải thích
về tiêu chuẩn của đạo đức khi ngài khuyên Rahula (La Hầu La):
“Trước khi làm điều gì, hãy suy nghĩ
điều đó có gây tổn hại cho bản thân hay cho người khác hay cho cả bản
thân và người khác. Nếu điều đó có thể đưa đến khổ đau thì tránh không
làm.”
“Nếu điều đó có thể đưa đến an vui và không gây tổn hại, hãy thực hành và thực hành.”
Lời dạy trên cho chúng ta thấy rằng việc làm tốt nhất là biết quan tâm đến những điều có ích cho bản thân và cho người khác.
Quan điểm Phật giáo về đạo đức được nói
rõ đặc biệt trong các kinh Sigalovada, Vyagghapajja, Parabhava, Vasala,
Mangala, Metta và Dhammika và dĩ nhiên trong Dhammapada. Đạo đức được
trình bày và giải thích trong các kinh nầy không phải là những điều có
được từ sự huyền khải. Đó là những điều hợp lý lẽ và thực tiễn đặt nền
tảng trên những sự kiện có thể xác minh và qua kinh nghiệm của cá nhân.
Cá nhân thực hành những lời dạy nầy trong đời sống hằng ngày với nỗ lực
và chuyên cần của chính bản thân, rèn luyện kỹ luật tự giác và tự chủ,
nuơng tựa nơi chính mình và tự thanh tịnh hóa cho chính mình. Không có
giáo điều để tin và thực hành theo một cách mù quáng, những giáo điều
không được suy nghĩ và thử nghiệm. Cầu nguyện đức Phật hay những chúng
sanh khác, thực hành những nghi thức và lễ nghi mê tín, những sự hy sinh
và hành xác vô nghĩa không có ích lợi gì. Đạo đức trong Phật giáo cung
cấp cho con người những hướng dẫn về cách cư xử, nêu ra những điều nên
làm và những điều không nên làm với mục đích đem đến lợi ích cho bản
thân và cho người khác. Nó hướng dẫn người con người đạt được và vui
hưởng những tiến bộ vật chất trong sự hài hòa với niềm vui và sự thăng
hoa về tinh thần. Nó dẫn chúng ta đến một đời sống an tịnh, hóa giải
những mâu thuẩn giữa khối óc và con tim, giúp chúng ta tiến tới trong
công việc, nhiệm vụ, bổn phận với tâm bình an và hỉ lạc.
Giới luật được đức Phật đưa ra không khó
hiểu và khó thực hành trong mỗi giây phút ý thức của cuộc sống chúng
ta. Giới luật đó không cần phải đợi đến khi về hưu hay đến một thời gian
nào đó. Nó cần được thực hiện trong ý nghĩ, lời nói và hành động trong
đời sống tu tập hằng ngày của chúng ta.
Chúng ta cũng nên dạy trẻ con thực hành
giới luật. Giới luật phải được coi là một phần trong sự giáo dục không
chính thức và chính thức của chúng ta. Những người có trách nhiệm không
chỉ dạy dỗ bằng sự khuyên bảo, giáo huấn, mà còn phải là tấm gương cho
trẻ con noi theo. Những người lớn nầy trước tiên là những bậc cha mẹ,
thầy cô giáo, tu sĩ, và những người cần tiếp xúc với trẻ con.
Giới Luật Phật Giáo Cho Người Tại Gia
Đối với những người tại gia như chúng ta
thì Phật giáo đưa ra Năm Giới kết hợp chặt chẽ với Tám Chánh Đạo (tám
con đường chân chánh.)
Nhận lãnh và thực hành Tám Chánh Đạo là
quyền và đặc ân của bất cứ người nào muốn, là quyền và đặc ân của tất cả
những người tại gia như chúng ta. Đó là cây kim chỉ nam không bao giờ
sai cho cách cư xử của chúng ta trong cuộc đời nầy. Nó cần được chiếu
rọi vào mọi mối quan hệ tương giao của chúng ta như vợ và chồng, cha mẹ
và con cái, thầy và trò, anh chị em, bạn bè, người thân, chủ và người
làm, tu sĩ và cư sĩ, chính quyền và dân chúng cũng như trong mối liên hệ
quốc tế, giữa các tôn giáo và giữa các chủng tộc.
Sau đây, chúng ta phân tích ảnh hưởng
của Năm Giới kết hợp với Tám Chánh Đạo trong đời sống hằng ngày của
chúng ta nói riêng, trong sự thanh bình và hài hòa của xã hội nói chung.
Việc nầy sẽ làm sáng tỏ quan điểm của Phật giáo về đạo đức của người
tại gia.
1. Sự sống là quí giá đối với mọi sinh
linh và không ai có quyền hủy hoại đời sống của kẻ khác với bất kỳ lý do
nào. Nhưng chúng ta biết rằng con người đã giết hại kẻ khác, cá nhân
hay tập thể, dưới danh nghĩa nhân quyền, tôn giáo, hòa bình, chủng tộc,
văn hóa và kiểm soát dân số - tất cả đều cho là với mục đích tốt. Ganh
ghét, đố kỵ, quyền lực, tham lam, dã tâm, ích kỹ, độc ác, tàn nhẫn, kiêu
hãnh, ngu muội là những động cơ tạo ra và hướng dẫn con người dấng thân
vào sự giết hại. Điều nầy đi lệch ra ngoài Chánh tri kiến (hiểu biết
chân chánh), Chánh tư duy (suy nghĩ chân chánh), Chánh nghiệp (hành động
chân chánh) của Tám Chánh Đạo.
Trong thời gian gần đây chúng ta được
nghe những tin tức về việc trẻ con giết trẻ con, cha mẹ giết con, học
sinh giết thầy, giết hại lẫn nhau và nhiều hành động tàn ác xảy ra.
Nếu bầu không khí gia đình được tạo
thành với những phần tử có tinh thần cao thượng với tâm từ bi, thiện
lành, cảm thông và trầm tĩnh, trẻ con sẽ không bị hướng dẫn vi phạm giới
thứ nhất, đạo đức sẽ ở trong chúng, sẽ hướng dẫn những suy nghĩ của
chúng trước những sự khủng hoảng, làm nẩy nở những ý nghĩ trong lành và
loại bõ những ý nghĩ xấu ác.
2. Giới thứ hai – không trộm cắp - có
thể bao gồm từ việc trộm cắp một vật nhỏ như viên kẹo hay một đồ chơi
cho đến những việc cướp bóc, ăn trộm, hối lộ, lừa đảo, mạo danh v.v. lớn
hơn ở nhiều cấp độ.
Tôn trọng tài sản của mình và của người,
mở rộng lòng với những người cần giúp đỡ, không ích kỷ, vui vẻ, đơn
giản, chân thật, tín cẩn là những đức tính có thể được trau dồi dễ dàng
từ khi còn niên thiếu ở trong gia đình. Người có những đức tính đó sẽ
giữ mình tránh mọi hình thức trộm cắp lộ liễu hay lén lút. Trừ phi một
người được thuyết phục để biết rằng trộm cắp là xấu ác, sự trừng phạt,
áp chế v.v. sẽ không có tác dụng bao nhiêu. Do đó, Chánh tri kiến (hiểu
biết chân chánh) là một đức hạnh thiết yếu, cơ bản và nền tảng cho giới
thứ hai nầy.
Và chúng ta thấy rằng số lượng mất mát
do trộm cắp đưa đến hậu quả nghèo khổ, thất vọng, sợ hãi của nạn nhân,
những lo toan, hình phạt của chính phủ v.v. lại được chuyển giao cho
người đóng thuế phải gánh chịu.
3. Không tà dâm có thể được coi là một
giới rất cần thiết cho bất kỳ xã hội nào hiện nay trên khắp thế giới. Sự
vi phạm giới nầy đã và đang gây ra vô số những hậu quả thảm khốc và
đáng báo động: bịnh hoạn về thể xác và tinh thần của cá nhân, sự đổ vỡ
của gia đình, sự lẫn trốn trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm cha mẹ, đưa
con cái vào con đường khốn đốn, nguy hiểm.
Ngày 01 tháng Mười Hai mỗi năm, được lấy
làm Ngày Thế Giới Về Bịnh AIDS, nói lên sự báo động về cơn dịch trầm
trọng đang đe dọa tiêu diệt loài người chúng ta. Có những đứa trẻ, những
người vợ, những người chồng, những bịnh nhân chưa bao giờ phạm vào giới
tà dâm nầy cũng đã và đang là nạn nhân của chứng bịnh chết người nầy.
Bạo hành đối với trẻ con, hiếp dâm, loạn
luân và nhiều loại quan hệ đồi trụy khác của con người dường như đang
trồi lên trong mọi xã hội, Đông phương cũng như Tây phương. Những tội
phạm đa phần là những người đã trưởng thành, không phải là những đứa
trẻ. Việc không tự chủ, không có một nền tảng hiểu biết về đúng và sai,
sống ích kỷ, ham tiền và những động cơ thương mại khác đã đưa con người
đến chỗ phạm vào giới nầy và cám dỗ người khác phạm theo. Trẻ con thường
xuyên chứng kiến những thói hư tật xấu sẽ nghĩ rằng đó là những chuyện
bình thường, dẫn chúng đi vào con đường lầm lỗi. Chánh tư duy (suy nghĩ
chân chánh), Chánh tinh tấn (cố gắng chân chánh) và Chánh nghiệp (hành
động chân chánh) bị xâm phạm, trong khi những đức hạnh nầy có thể được
phát triển và nuôi dưỡng không mấy khó khăn.
4. Giới thứ tư đề cập đến lời nói hay
Chánh ngữ (lời nói chân chánh) trong Tám Chánh Đạo. Đây là một phần
thưởng đặc biệt dành cho con người. Chánh ngữ bao gồm việc tránh những
lời nói không đúng sự thật, vu khống, nói lời cộc cằn thô lậu và nói lời
ba hoa vô ích. Quán sát những giới khác cũng có thể đưa đến kết quả có
được sự thành thật, uy tín, thân thiện, vui vẻ, lịch sự, có ý nghĩa và
hiệu quả trong những điều nói ra. Những lời viết xuống hay in ra cũng
nằm trong phạm vi của giới nầy.
Những tính chất tốt đẹp đó của lời nói
có thể được rèn luyện một cách dễ dàng cho trẻ con ngay từ lúc chúng bắt
đầu tập nói. Chỉ cần cho chúng được nuôi dưỡng trong môi trường chỉ có
những lời nói đẹp đẽ và không tổn hại, thận trọng, thuyết phục, thỏa
đáng, lợi ích, tử tế, rõ ràng và lịch sự. Mỗi người đều có thể nói lời
tốt đẹp mà không cần qua một khóa học cấp tốc về ngôn ngữ. Nếu trong gia
đình có những tiêu chuẩn đứng đắn được thực hiện, một đứa trẻ lớn lên
trong đó sẽ ít bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Do đó, việc thực hành theo Tám
Chánh Đạo có thể bắt đầu từ lúc còn thơ ấu.
5. Giới thứ năm là tránh dùng những chất
làm say dưới mọi hình thức. Giới nầy liên quan đến Chánh niệm (nhớ nghĩ
chân chánh), Chánh tri kiến (hiểu biết chân chánh), Chánh tư duy (suy
nghĩ chân chánh), Chánh mạng (nghề nghiệp chân chánh), Chánh nghiệp
(hành động chân chánh) và Chánh tinh tấn (cố gắng chân chánh) trong Tám
Chánh Đạo. Giữ được giới nầy có thể tránh phạm nhiều điều trong Tám
Chánh Đạo và ngược lại.
Dưới ảnh hưởng của chất làm say, con
người mất tự chủ về cả thể xác và tinh thần đưa đến việc gây ra nhiều
vấn đề cho bản thân và xã hội. Rượu chè, ma túy… là một vấn nạn toàn
cầu ở mọi lứa tuổi, mọi giống phái, chủng tộc và tôn giáo. Trong nhà, ở
trường và bất cứ nơi nào có sự tụ tập đều bị ảnh hưởng, và số nạn nhân
liên hệ ngày càng gia tăng. Đổ vỡ gia đình, tổn hại trẻ con, cướp bóc,
bịnh hoạn, giết người, lạm dụng, chết chóc, mất mát của cải v.v… được
biết đến rất nhiều. Nhiều người với tâm độc ác và bất bình thường đã chế
tạo, phân phối và bán ra thị trường những sản phẩm nầy để làm giàu với
giá phải trả là đời sống của hàng triệu đồng loại. Các chính phủ không
giúp gì ngoài việc chi tiền vào những phương tiện kềm chế sự lưu hành ma
túy, chữa trị và phục hồi người nghiện, đưa ra tòa, bắt bỏ tù v.v. Kết
quả là sự xuống cấp thảm thương về đạo đức của xã hội, sự khốn đốn của
thân nhân của những người vuớn vào những thứ đó, khi họ đánh mất lý trí,
không còn trí nhớ, không còn khả năng suy nghĩ, sức khỏe bạc nhược…
Đặc Điểm Của Giới Luật Phật Giáo
Trước tiên và trên hết giới luật Phật
giáo được đặt nền tảng trên trí tuệ, tự do tư tưởng, tự do tra vấn và
luật nhân quả. Không giáo điều, không ép buộc, không đe dọa, không bắt
tin theo một cách mù quáng. Phật giáo lầy Từ (metta), Bi (karuna), Bất
hại (ahimsa - không tổn hại) và Nhẫn (khanti) để nuôi dưỡng đạo đức.
Những mối quan hệ qua lại như chồng và vợ, cha mẹ và con cái, anh chị
em, bạn bè, người thân, thầy và trò, chủ và người làm, tu sĩ và cư sĩ
được nêu rõ.
Điều được khuyến khích trong việc dạy dỗ
của Phật giáo là không bóp méo hay linh động để thích ứng với sự xấu
ác. Giết hại là một hành động bất thiện (akusala kamma), dù được nhân
danh tôn giáo hay tổ quốc. Chế tạo và bán vũ khí không thể được coi là
chính đáng dù nó đem đến lợi tức lớn lao cho quốc gia như Hoa kỳ và nước
Anh. Không ai có thể tha lỗi và xá tội cho những hành động tàn ác của
một người dù người đó cầu nguyện bao nhiêu đi nữa. Có một số tôn giáo
nghĩ như vậy. Hành động tốt sẽ đem đến kết quả tốt và hành động xấu sẽ
đem đến kết quả xấu, cho dù người đó là vua hay người cùng đinh. Cũng
theo Phật giáo, dạy lối sống đạo đức bằng việc nêu gương được coi là
cách dạy tốt nhất. Đức Phật là một điển hình. Đó là một nền đạo đức thực
tiễn giúp con người cư xử một cách hài hòa và công bằng với mọi
người.
Con người được rèn luyện để cảm thấy có
trách nhiệm và giá trị trong những việc làm của mình. Đạo đức Phật giáo
hình thành những tiêu chuẩn và nguyên tắc về cách cư xử tốt thể hiện
trong lời nói và hành động theo con đường chân chánh và tự chủ. Những
đức tính nầy phát triển từ sự tự giác, không từ sự sợ hãi hay hình phạt.
Chúng hướng dẫn chúng ta cách làm người, thực hiện những điều tốt và
tránh xa những điều xấu.
Đạo đức Phật giáo (Giới) đi cùng với
định và tuệ – giới, định, tuệ. Trí tuệ ở đây không phải chỉ là sự thông
thái. Nếu chỉ có thông thái mà không có trí tuệ, sự thông thái có thể
trở thành một hiểm họa.
Sống một đời sống tích cực và tốt đẹp
trên thế gian theo những hướng dẫn của đạo Phật sẽ đem đến hạnh phúc,
bình an và niềm vui cho mình và cho người. Đời sống đó thật sự có giá
trị hơn nhiều so với đời sống bon chen để thỏa mãn bản ngã và lòng tham.
Đời sống đó cũng thiết lập một hợp đồng bảo hiểm cho tương lai sau khi
chết. Nếu chúng ta có thể nói một cách thành thật và nghiêm túc cho nhau
rằng anh hay chị là một phúc lành cho chúng tôi, chúng ta là những hành
giả trên con đường đạo đức Phật giáo, đang đi trên con đường Tám Chánh
Đạo. Một bộ luật cho đời sống đạo đức được thử nghiệm qua thời gian, hợp
lý, thực tiễn là cần yếu cho mọi người, giống như người lái xe cần hiểu
biết và tuân hành luật lệ đi đường. Lời dạy của đức Phật cho chúng ta
một bộ luật như vậy nếu chúng ta chấp nhận và sống theo.