BẢN CHẤT TẠI GIA VÀ XUẤT GIA
Cách đây vài tháng, chúng tôi có dịp thuyết pháp mười ba tiểu bang ở Hoa kỳ. Đến tiểu bang nào, hầu như chúng tôi cũng được gặp và trao đổi những người có nguyện vọng muốn xuất gia nhưng không xuất gia được. Sau khi làm một thống kê nhỏ, chúng tôi đúc kết thành bốn lý do căn bản. Gồm nghịch cảnh, thói quen, tình thương, và sở hữu. Rất nhiều người có tâm nguyện chân thành, động cơ và thái độ đúng đắn, xem con đường xuất gia như là một lý tưởng. Thế mà thời gian qua đi, họ vẫn duy trì hình thức tại gia. Dĩ nhiên, chúng ta cảm thấy hơi buồn và làm tiếc cho họ. Các hạt giống xuất gia ấy, nếu được phát hiện đúng lúc, chăm sóc một cách có phương pháp, chắc chắn sau này họ sẽ trở thành những rường cột giúp cho Phật giáo phát triển vững mạnh.
Khi sống và sinh hoạt với tư cách là một người tại gia, có rất nhiều hạn chế. Trong kinh Phật thường dùng ẩn dụ về đời sống tại gia bị giới hạn trong bốn bức tường, với những sinh hoạt mang tính chất thỏa mãn các dục lạc thế gian. Người nam và người nữ khi trưởng thành lấy vợ hoặc gả chồng. Hoa trái của tình yêu và hạnh phúc đó mang lại cho họ những đứa con, và tiếp tục được nuôi dưỡng bằng nhà cao cửa rộng, tài sản, sự nghiệp, danh phận, địa vị và chức tước v.v… Tất cả những thứ này được xem là đỉnh cao hạnh phúc của người tại gia.
Đức Phật đưa ra ẩn dụ sâu sắc, sánh ví hạnh phúc đó giống như hình ảnh của con ốc hay con rùa. Dĩ nhiên, cái vỏ của con ốc hay cái mai của con rùa sẽ giúp cho hai loài vật này được sống an ổn trong môi trường mà nó được sinh ra. Mỗi khi đối đầu với con vật lớn hơn, có sức hủy diệt hay tàn phá nhiều, thì phản ứng khôn ngoan của chúng là rút đầu vào trong cái mang hay cái vỏ đó. Nhờ đó, các con vật lớn hơn không thể làm hại đến tánh mạng của chúng.
Chính cái mai hay cái vỏ này đã làm cho chúng có cảm giác đây là một sự an ổn, giả tạo. Nói cách khác, nó có giá trị thời lượng rất hạn hữu. Có đôi lúc, chúng ta cảm thấy thực sự thoải mái và hạnh phúc, nhưng phần lớn không thể duy trì được trạng thái này một cách lâu dài.
Ngược lại, đức Phật cũng đưa ra hình ảnh ẩn dụ về người xuất gia giống như bầu trời quang đãng không có mái nhà che, không có bốn bức tường bao bọc lại, nhưng có thể sống, hít thở không khí trong lành của gió thoảng, mây bay, trời xanh, thông reo hay suối chảy. Những cảnh vật xung quanh là dưỡng khí giúp cho người tu có một sức sống lạc quan, yêu đời, hạnh phúc, vững chải và an lạc. Đây là hai hình ảnh đối lập nhau, một bên có mái nhà che và một bên là sự bao la không cùng tận. Dĩ nhiên, bức tường mà đức Phật đề cập đến ở đây không phải là bức tường vật lý mà là những bức tường về thái độ nhận thức, tâm lý, tình cảm, hành động liên hệ đến đời sống vật dục. Theo tình huống của thái độ chấp mắc, bức tường này là vật vô hình nối kết ta với những người khác. Thông thường, chính thái độ chấp mắc luôn dẫn đến những khổ đau trong cuộc đời.
Trong khi đó, sự hoạch định sống với bầu trời quang đãng, thong dong, tự tại gợi cho người xuất gia có một sức sống mới: “Lấy thái hư làm nhà, phong cảnh làm bạn, chánh pháp làm thầy, đạo lý vô ngã vị tha làm tông chỉ, mang lại hạnh phúc cho mình và cho những người khác”.
Do đó, hai phương cách này dẫn đến tình huống của hai lối sống khác nhau: con đường thế trần lẫn lộn hạnh phúc và khổ đau; và con đường tâm linh, tìm giá trị an lạc bằng đời sống nội tại, vượt lên trên các giá trị hạn hữu của một kiếp người. Mặc dù, người xuất gia vẫn mang thân phận của một con người, có trái tim biết yêu thương, biết suy nghĩ và hành động để có thể đứng vững vàng trong cuộc đời, nhưng sự biết yêu thương, suy nghĩ và hành động của người xuất gia vẫn mang tính vị tha hơn. Họ lấy đức tính vị tha vô ngã làm nền tảng. Mỗi bước chân đi, mỗi một hành động của họ, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều góp phần mang lại hạnh phúc cho tha nhân.
Trong cuộc đời, không phải ai cũng có được sự may mắn phát tâm xuất gia. Đã xuất gia rồi, có nhiều người duy trì được đời sống tâm linh lâu dài với lý tưởng và hạnh nguyện dấn thân phục vụ. Một số còn lại thì bỏ cuộc nửa chừng. Đại đa số những người không thực hiện được, hoặc bỏ cuộc nửa chừng, đều do thái độ chuẩn bị tâm lý, động cơ và lý tưởng quá ít, hoặc không đúng theo tinh thần mà đức Phật đã dạy.
NHẬN DIỆN NGHỊCH CẢNH
Nghịch cảnh bao gồm thái độ nhận thức, hoàn cảnh, điều kiện và con người không thuận lợi, hoặc tiêu cực, mà chúng ta có dịp tiếp xúc. Tất cả những tâm lý tiêu cực từ nghịch cảnh đã làm cho nhiều người nhận định về đời sống của người tu chẳng khác gì so với đời sống của người tại gia.
Trong những nước phương Tây, chúng tôi có dịp tham quan và thuyết pháp, có một số nghịch cảnh làm cho nhiều người không muốn xuất gia, mặc dù họ có chí nguyện. Những nghịch cảnh đơn giản như hằng ngày họ tới chùa, nhìn thấy quí thầy, quí sư cô phải làm nhang bán, đi tụng kinh, ma chay, những việc rất đỗi thông thường. Ngoài ra, họ không nhìn thấy được những việc gì có giá trị ấn tượng hơn. Do đó, họ đã suy nghĩ rằng, đi tu là giao hết thân phận cho đức Phật, chánh pháp và những vị hướng dẫn đời sống tâm linh, liệu mình sẽ có được những giá trị an lạc gì thông qua những việc làm như thế này? Câu hỏi của họ chứa đựng nỗi niềm thao thức. Chính vì thế, người xuất gia cần thể hiện các giá trị vượt lên trên những người thông thường về nhận thức, tình cảm, cách ứng xử và các sinh hoạt khác trong cuộc đời.
Hoặc một tình huống so sánh về nội dung và hình thức,đã làm cho người phát tâm xuất gia chưa vững trở nên thối chí. Chẳng hạn như nhìn thấy quí thầy, quí sư cô ở chùa vẫn có những nỗi buồn, lời qua tiếng lại, ăn uống, ngủ nghỉ giống như những sinh hoạt hàng ngày của người tại gia. Một số đã thối chí vì nghĩ rằng khi xuất gia ta hy sinh cả tuổi đời thanh xuân tươi đẹp để được gì đây?
Nếu được ở chùa, ta sẽ được học cách ăn uống, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, trao đổi hay tư duy có chánh niệm sẽ khác hoàn toàn với người tại gia. Sự khác biệt lớn giữa người tại gia và người xuất gia trong các sinh hoạt hằng ngày, người tại gia thể hiện như một thói quen: thích cái gì thỏa mãn cái đó, đôi lúc thể hiện thiếu sự cân nhắc, chỉ chiều theo bản ngã và thói hưởng thụ vật dục.
Trong khi đó, đạo Phật dạy người xuất gia khi ăn luôn có sự hiện diện của dòng chảy chánh niệm tỉnh thức. Khi ăn, họ đóng lại cửa ngõ của suy nghĩ, hay ký ức về mọi sự vật hiện tượng, con người hoặc các mối quan hệ đối tác. Khi ăn, họ hiểu được thực phẩm nào có lợi ích cho sức khỏe, thực phẩm nào chứa độc tố thì mạnh dạn kiêng cữ, không hành hạ thân thể bằng những chiều chuộng thông thường.
Trong lời nói và việc làm của họ cũng thể hiện tính cách từ ái, biết chia sẻ, lắng nghe, bồi đắp tình huynh đệ và các giá trị của sự vươn lên. Trong dòng chảy của tâm thức, họ có sự huấn luyện và theo dõi chánh niệm không còn những nỗi khổ niềm đau và những ước vọng mông lung. Cho nên, người xuất gia sẽ nhận thấy rất rõ các giá trị của sự tu tập. Với những phương tiện đời sống giản đơn ấy, nhưng họ vẫn tìm được những giá trị của hạnh phúc và đi suốt cuộc đời với hình ảnh và hình thức người tu.
Vì thế, khi đánh đồng hình thức sinh hoạt hằng ngày của người xuất gia giống như người tại gia, ta đã đánh mất đi cơ hội nhìn thấy các giá trị của chánh niệm tỉnh thức trong lòng hiện thực. Khi hành động của người đánh đồng bị ám ảnh bởi những điều đó, những người muốn xuất gia khó phát nguyện chân thật đi tu để mang lại lợi ích cho nhiều người. Chướng ngại này liên hệ đến nhận thức, vốn thuộc về phần chủ đạo, dẫn khởi và đạo diễn cho đời sống của chúng ta. Sự nhận thức sai lệch về khuynh hướng lý tưởng và con đường thực hiện đi theo cái ngã mà giá trị của nó lại không được gì. Vì lẽ đó, đức Phật khuyên chúng ta hãy chăm sóc nhận thức của chính mình, giúp nó đi đúng hướng và có giá trị bền bỉ, lâu dài.
NHẬN DIỆN THÓI QUEN ĐỜI
Thói quen thế tục luôn ảnh hưởng đến sự xuất gia. Thói quen này đòi hỏi sự hưởng thụ đời sống vật dục như: quần áo, thực phẩm, giải trí, hoàn cảnh sinh hoạt v.v… Nếu không có những thứ này, cuộc sống sẽ trở nên vô vị.
Các hình thức sinh hoạt, giải trí, phục vụ đời sống là cần thiết, nhưng nếu chạy theo những khuynh hướng này một cách cực đoan, con người sẽ bị biến thành kẻ nô lệ. Thói quen đó được nhận định như một dòng chảy ngấm ngầm, vô hình không thấy được, nhưng bên trong có tác động chi phối, buộc chúng ta phải ứng xử theo hình thức này mà không phải hình thức khác. Chúng ta bị sai sử theo cách này hay cách khác. Từ đó, nó tạo cho ta một phong cách riêng, làm cho ta khác biệt hơn những người khác. Khi một ai đó chạm đến sự khác biệt này, ta thường có sự biện hộ rằng: “Tính của tôi như thế, ai không chịu được thì thôi..!”. Vì suy nghĩ sai như thế, ta sẽ khó thực hiện được việc sửa đổi, cho dù những điều này liên hệ đến hạnh phúc của bản thân.
Chúng tôi từng gặp một số tình huống, các cô thiếu nữ muốn xuất gia, khi được sự khuyến khích, đã trả lời rằng: “Thưa thầy, con rất thích đi tu nhưng tu không được. Vì con rất yêu mái tóc đẹp của con. Nếu xuất gia sẽ bị cạo đầu trọc, con cảm thấy nó làm sao ấy!” Hoặc nhiều người có thói quen trang điểm son phấn, đồ nữ trang v.v… Họ cảm thấy nếu đi tu mà thiếu những thứ này thì giá trị con người sẽ bị giảm xuống.
Thực ra, giá trị nhà Phật không dựa trên những nền tảng này, vì nó là những giá trị ảo, liên hệ đến sự nhận thức về bản ngã, tầm quan trọng của mình đối với người khác. Khi ăn mặc những bộ quần áo thời trang và nữ trang đắt tiền, ta nhầm tưởng nó làm tăng giá trị đẹp cho bản thân mình, ta sẽ được nhiều người ca ngợi, nhưng thực tế không có ai quan tâm. Sĩ diện này làm cho một số người cảm thấy hạnh phúc khi được sở hữu những thứ đắt tiền và sang trọng.
Thói quen vật dục sẽ chi phối con người lớn đến độ làm cho ta mất tất cả sự tự do.Về lâu dài, có thể làm cho con người bị trói buộc, chạy theo những gì mà ta muốn, thay vì nó phải phục vụ cho những gì mà ta cần làm.
Trong Kinh Phật có câu chuyện ngụ ngôn như sau. Có một chàng thanh niên vào rừng thưởng ngoạn cảnh đẹp. Không may anh ta đã gặp cọp. Anh hoảng hốt chạy bán sống, bán chết về phía trước, nhưng càng chạy anh lại càng bị lạc sâu hơn vào rừng. Cuối cùng, anh ta không thể tìm thấy con đường phía trước. Trước mắt anh chỉ là một vực thẳm. Khi anh quay đầu nhìn lại, con cọp đã tới gần và nó sắp sửa chực vồ lấy anh. Nếu anh không có một phản ứng nhanh bằng cách nhào xuống vực sâu, chắc chắn anh đã trở thành con mồi cho cọp. May mắn thay, ở dưới vực sâu có một chùm dây tầm gửi, và anh đã vội chụp lấy chùm dây này. Chùm dây đã đánh đong đưa qua lại làm cho thân thể của anh cũng bị va vào trong vách núi, khiến anh ta bị đau nhức vô cùng, và tim anh đập thình thịch. Nỗi sợ hãi lúc đó đã chiếm hết tâm trí của anh. Một lát sau, ngước nhìn lên trên, anh thấy con cọp đang nhìn xuống. Ở phía trên của vực sâu có hai con chuột đang gặm nhấm chùm dây tầm gửi này, anh đã chợt nghĩ không biết nó sẽ đứt vào lúc nào?
Bi kịch của câu chuyện, thay vì phải tìm cách leo lên khỏi vực sâu để tránh cái chết đang gần kề, làm mồi cho cọp. Anh lại nhìn một chùm nho lơ lửng trước mặt, anh đã nở nụ cười rất tươi, với tay hái lấy nó, mà quên đi sự nguy hiểm ở gần kề. Anh đã ăn những trái nho đó một cách ngon lành, không còn nhớ đến mọi khổ đau đang có mặt với anh. Bi kịch này gợi lên một số suy nghĩ
Thứ nhất, nếu đứng trên phương diện kinh Phật, ta phải biết tận dụng đời sống hiện tại, sống với những gì mà ta đang có và những gì ta cần phải sống, không nên để cho những nỗi sợ hãi, khó khăn chi phối mình. Ta vẫn có thể biến nỗi khổ đau thành niềm vui. Một khuynh hướng thông thường khác mà bài kinh muốn phản ánh là thái độ, thói quen thường chi phối con người. Đó là góc độ của sự hưởng thụ, thay vì phải tìm cách thoát khỏi vực thẳm và cái chết, thì anh ta lại quay sang hưởng thụ những trái nho.
Thứ hai, nó phản ánh được rằng trong cuộc sống luôn có nhiều nỗi khổ, niềm đau. Nhiều người trong chúng ta lại không quan tâm, chăm sóc và chữa trị nó. Ta chỉ quan tâm tìm đến những nguồn vui nhất thời. Do vậy, nỗi khổ niềm đau sẽ bị tăng trưởng theo thời gian. Khi để cho các thói quen hưởng thụ chi phối cuộc đời mình, ta sẽ trở thành những cái máy. Phản ứng của ta thể hiện qua lời nói hoặc việc làm hoàn toàn sẽ không phụ thuộc vào nhận thức, mà phụ thuộc vào quán tính, thay vì ta phải ứng xử, lời nói, việc làm theo cách khác có lợi cho mình và cho người.
Chướng duyên trong đời sống vật dục làm cho nhiều người nhận thấy rằng mình không thoải mái, an lạc, hạnh phúc trong đời sống rất thanh cao và giản dị của người tu. Nghịch cảnh về thói quen trong trường hợp này liên hệ đến yếu tố nhận thức, tâm lý, vốn có khả năng chi phối tác động những hành vi trong cuộc sống. Vì lẽ đó một số người họ có nguyện vọng chính đáng, có chí nguyện xuất gia nhưng lại không dám nghĩ, vì sợ nó sẽ làm cho họ mất hết tất cả.
NHẬN DIỆN SỰ TRÓI BUỘC CỦA TÌNH CẢM
Tình cảm quyến luyến giữa chúng ta và cha mẹ, giữa vợ chồng, con cái, anh em với nhau đã tạo nên sự ràng buộc rất lớn. Sợi dây tình cảm càng đằm thắm bao nhiêu sẽ là những trở lực cho người tu nhiều bấy nhiêu.
Kinh điển nhà Phật đề cập đến người xuất gia như người đang đi trên con đường ngược dòng, và đời sống của họ được xem là đời sống của những người ngược đời. Ngược dòng và ngược đời là hai khái niệm ca ngợi sự ra đi có giá trị của họ. Theo nhà Phật, phản ánh một cách sống ngược lại với khuynh hướng hưởng thụ thông thường. Những gì mà con người cho là sự hạnh phúc tuyệt đối và lâu dài, thì nhà Phật xem nó có giá trị nhất thời, dễ bị vô thường tác động, làm thay đổi, có thể gây những nỗi khổ niềm đau cho chúng ta bất cứ lúc nào.
Có nhiều bậc cha mẹ không đồng ý cho con cái họ xuất gia, vì nghĩ rằng nếu con mình đi tu sẽ khổ. Đây là một quan niệm và nhận thức rất sai lầm.
Đức Phật Thích Ca, khi còn là một đông cung thái tử, muốn được xuất gia nhưng vua cha không cho phép. Các vị tiên tri đã dự đoán trước, sau này thái tử sẽ đi một trong hai con đường. Con đường thứ nhất, nếu là vua thì Ngài sẽ là một đấng minh quân, cai trị toàn cõi Ấn Độ, thống nhất sơn hà về một mối và có khả năng ảnh hưởng đến các nước liên bang. Ngài sẽ lấy tinh thần đạo đức làm nền tảng của chính trị. Con đường thứ hai, nếu trở thành người tu, Ngài sẽ là một nhà đạo sư lỗi lạc nhất của nhân loại. Dĩ nhiên, khi nghe điều dự đoán con đường thứ hai của đức Phật, nhà vua đã không thể chấp nhận. Ông chỉ mong muốn con mình trở thành một đấng minh quân, giúp cho dòng họ ông được trường thịnh. Từ đó, nhà vua luôn tìm đủ mọi cách để ngăn cản, không cho thái tử tiếp xúc với ai. Ông cho xây dựng ba cung điện nguy nga tráng lệ, giúp cho đời sống của thái tử được an vui hạnh phúc, để cho nhu cầu xuất gia của Ngài không có cơ hội bén rễ. Vậy mà lúc nào, trong lòng thái tử vẫn thao thức, mong muốn thuyết phục được cha mình để trở thành nhà tâm linh, hơn là một vị minh quân.
Sau đó, không còn cách nào khác, nhà vua đành chọn một cô gái đẹp nhất để lập gia thất cho thái tử. Đó là công chúa Da-du-đà-la. Vẻ đẹp và sự chung thủy của nàng vẫn không thể giữ chân được thái tử. Ngay khi nàng vừa sanh đứa con đầu lòng là La-hầu-la, thái tử đã quyết định từ bỏ cung vàng điện ngọc để ra đi. Nhiều người cho rằng ngài là một người chồng không có tình nghĩa, một người cha thiếu trách nhiệm, và một người con bất hiếu, và một thái tử vô trách nhiệm với muôn dân. Trước tình cảnh như thế, Ngài vẫn dứt khoát không hề thay đổi quyết định. Khi từ giã vợ con để ra đi, những xúc cảm dâng trào với tình thương yêu đã giằng xé đến độ Ngài phải quay trở vào lần thứ hai. Và khi đi được vài bước, Ngài cảm thấy khó chịu trong lòng, trở vào nhìn vợ con một lần nữa. Ngài đã tự chiến đấu với tâm lý dằn co. Thái độ dứt khoát giúp Ngài hy sinh tình cảm nhỏ nhoi để hướng về tình thương bao la. Cuối cùng, Ngài đã tìm thấy được bầu trời của hạnh phúc, với những giá trị của sự hy sinh, để mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình mình và cho quốc gia xã tắc. Ngài đã không còn bận tâm, quyến luyến đến những tình cảm thông thường của cuộc đời.
Chúng ta thấy, nếu đi tu để khổ thì đức Phật không bao giờ từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con khôn, quyền uy tối thượng để chọn con đường đi tu. Ngài nhận thấy tâm linh mới chính là con đường mang đến những giá trị và niềm hạnh phúc cao đẹp để phục vụ nhân sinh và xã hội.
Ngày nay, có một bài Thiền ca được cải biên lời lại, phản ánh rất rõ giá trị này: “Ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ …!” Thật vậy, đi tu rất sướng. Có những người khi chưa xuất gia mặt mày u ám, phiền não tràn trề, nhưng khi vào chùa, nếu tu tập đúng phương pháp trong một thời gian ngắn, tâm của họ sáng ra, chất liệu an lạc và thảnh thơi bắt đầu có mặt. Họ trở thành một con người mới hoàn toàn với tâm buông xả, lòng hoan hỷ, sự hy sinh và sự dấn thân phục vụ cho tha nhân.
Thời nay, câu chuyện về cô công chúa Thái Lan, hiện tại cũng là một người có chí nguyện xuất gia, không còn xa lạ nữa. Vì truyền thống của Phật giáo Nam Tông không chấp nhận nữ tu như trong thời kỳ của đức Phật ngày xưa. Vì thế, khi người nữ đi xuất gia ở các nước Nam Tông sẽ không có tương lai. Thế nhưng, hạt giống xuất gia của công chúa vẫn lớn mạnh. Cô quyết định không lập gia đình và tu Bát Quan Trai giới dành cho người tại gia. Cô theo học Phật và trở thành nhà Phật học. Chúng ta thấy, khi hạt giống xuất gia cấy vào trong tâm thức của con người, tuy có thể trải qua nhiều đời, hạt giống của sự tu tập đó vẫn tiếp tục phát triển lớn mạnh, khiến cho nhiều người nhận thấy đời sống của thế gian thực sự không phù hợp, không mang lại hạnh phúc cho họ.
Các bậc cha mẹ nếu nhận thấy con em mình có nguyện vọng xuất gia với lòng nhiệt huyết và niềm tin chánh pháp rõ ràng thì đừng bao giờ ngăn cản. Chính sự ngăn cản này sẽ làm cho những hạt giống đó bị biến dạng. Chúng ta là những người Phật tử, hiểu được tu là con đường đúng đắn, hãy khuyến khích, tạo điều kiện cho con em đạt thành sở nguyện đi đúng con đường lý tưởng, với những giá trị của sự dấn thân phục vụ.
Trong một số nước Phật giáo Nam Tông như Thái Lan, Lào, Campuchia, tất cả những người nam trước khi lập gia đình đều phải xuất gia tối thiểu là một tuần, ba tháng hoặc ba năm. Tu tập ở chùa với thời gian nhiều chừng nào, thì cơ hội được các cô chọn làm chồng sẽ nhiều chừng đó. Vì xã hội của họ quan niệm rằng, một thanh niên trước khi lập gia đình để trở thành một người chồng, một người cha mẫu mực, cần phải trải qua đời sống đạo đức trong chùa. Sau khi đi tu họ sẽ trở thành những người có đạo đức, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Họ nhận thấy việc đi tu như vậy không phải là khổ. Cứ một tháng đi tu, họ cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn và sau những kỳ đi tu như vậy, tâm của họ được sáng ra, làm được nhiều việc thiện, giúp cho những mảnh đời bất hạnh, giải phóng khổ đau.
Sự quyến luyến về tình cảm trong gia đình là một rào cản lớn, làm cho người muốn đi tu nhưng không cắt đứt được.
Nhất là khi cha mẹ đang gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc cha mẹ đang cần sự chăm sóc, nâng đỡ của người con. Vì thế, họ đi tu rất khó, tâm không cảm thấy an ổn. Việc cắt đứt sợi dây luyến ái của người thân là việc khó làm. Những người có đời sống không được hạnh phúc với gia đình, vợ chồng, con cái, hoặc anh em ra đi rất dễ. Sự ra đi trong trường hợp này giống như một quá trình giải phóng, mang lại cho ta niềm vui lớn. Ngược lại, những tình cảm gia đình nồng nàn, hạnh phúc trong đời tại gia sẽ là một thử thách, rào cản và những trở lực lớn đối với những người có chí nguyện xuất gia.
TÀI SẢN TRÓI BUỘC NGƯỜI TẠI GIA
Sở hữu tài sản cũng là sợi dây ràng buộc đối với người xuất gia, làm cho họ khó có thể rời bỏ để ra đi. Những ràng buộc đó gồm: tiền bạc, tình yêu, nhà cửa, địa vị, chức tước, v.v… Một số người không quan trọng về tài sản, nhưng lại quan trọng chức danh, địa vị họ đang có. Khi có ý định xuất gia, họ thấy rằng mình sẽ mất hết những gì mà hàng ngày mình có được, mất hết sự quí trọng và tôn kính của những người cấp dưới, để trở thành một nhà sư sống nương tựa vào sự giúp đỡ của đàn na tín thí. Trước đây, khi làm Phật sự, phát tâm cúng dường và chia sẻ, họ cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng bây giờ phải nhận lại những đồng tiền từ người cúng dường, lòng tự ái, mặc cảm bị trỗi dậy, khiến họ cảm thấy không thể mạnh dạn để xuất gia. Mặc khác, nếu một người nào đó đã làm việc đủ số thời gian mà chính phủ qui định, họ sẽ được hưởng các khoản trợ cấp như lương hưu hoặc các chế độ an sinh xã hội khác. Khi có ý định xuất gia, thời điểm này họ chưa được hưởng các chế độ ưu đãi mà bỏ đi tu thật uổng phí, mất hết những gì họ đã dành dụm suốt mấy mươi năm qua.
Quan niệm trên là cách nhìn thông thường của những người không hiểu được qui luật nhân quả, vô thường. Trong các tùng lâm của Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam thời xưa, tất cả những người đi xuất gia không được quyền có tài sản riêng, những trương mục riêng, chỉ giao trọn thân phận mình cho nhà chùa gói gọn. Tất cả những việc khác đều được nhà chùa lo. Ngay cả khi có bệnh tật đau ốm, nhà chùa sẽ giúp đỡ. Người xuất gia nếu tích lũy nhiều tài sản, tiền bạc sẽ ỷ lại, không cố gắng tu học. Càng có nhiều phương tiện, tâm của họ sẽ hướng ngoại nhiều hơn. Từ đó, họ sẽ xa rời đời sống tăng thân. Do đó, để vượt qua sự trở ngại của việc tiếc nuối về sở hữu tài sản, đây cũng là sự thách đố rất lớn đối với người xuất gia.
Câu chuyện của Ngài lục tổ Huệ Năng, là một bài học để chúng ta suy ngẫm và học hỏi. Cha của ngài mất sớm. Mẹ của ngài mất sức lao động, không tạo ra của cải vật chất để lo cho bản thân bà lúc về già.
Một ngày nọ, khi ngài từ trong rừng đốn củi trở về, gặp một cư sĩ từ chùa Huỳnh Mai đi xuống. Ông ta rất hân hoan, vừa đi vừa xướng đọc bài kệ: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kì tâm”. Ý Nghĩa nói tâm rỗng rang, thanh thản, không vướng mắc, tức không bị kẹt vào địa vị, chức tước, quyền thế, danh lợi. Có an trụ tâm như vậy lòng mới cảm thấy nhẹ nhàng. Khi nghe được bài kệ, bỗng nhiên ngài lục tổ Huệ Năng cảm thấy tâm mình bừng sáng và hạnh phúc vô cùng, ông quyết định trở thành một người xuất gia. Thông thường, những người có đại căn, chỉ cần nghe một câu nói hay một ý tưởng nào đó, tâm của họ bừng sáng và tự nguyện trở thành người tu.
Hoàn cảnh ngài lúc đó thật khó giải quyết. Vì ngài còn mẹ già, nếu đi tu ai sẽ chăm sóc cho bà? Dù ngài không được đi học, không hề biết chữ, nhưng nhờ trí sáng suốt, ngài đã giải quyết công việc ổn thỏa. Ngài đã mời một người bạn thân nhất đến giúp mình cùng đốn củi trong thời gian thêm một tháng nữa. Một tháng đó, giúp ngài đốn thêm được nhiều củi và bán được nhiều tiền. Ngài lấy tất cả tiền kiếm được cùng tài sản, giao hết cho người bạn thân, mong anh ta hãy xem mình như người anh em ruột thịt, thay mình chăm sóc mẹ, để ngài có thể yên lòng ra đi.
Cuộc đời của ngài rất gian truân, lận đận. Suốt mấy tháng ở chùa, ngài chưa một lần được bước lên chánh điện, chỉ quanh quẩn dưới nhà bếp để làm những công việc nặng nhọc mà người khác không làm. Có những việc chỉ dành cho những người thấp kém, nhưng ngài vẫn làm với tất cả sự dấn thân phục vụ, với niềm hoan hỷ và dòng chảy chánh niệm tỉnh thức. Với niềm hạnh phúc tràn đầy, Tâm ngài càng sáng hơn.
Lúc bấy giờ, ngài ngũ Tổ Hoàng Mai nhận thấy đây chính là pháp khí của Phật giáo nên đã âm thầm truyền y bát cho ngài. Và ngài đã trở thành vị tổ thứ sáu khi còn là người cư sĩ tại gia. Đây là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử truyền tâm ấn của Phật giáo. Từ khi nhận tâm ấn, ngài phải sống một cuộc sống nhiều gian truân thử thách. Rất nhiều người ganh tị, hãm hại nên ngài phải sống ẩn tu trong rừng với đám thợ săn trong suốt mười một năm. Ngài vẫn không sờn lòng, nản chí, để nuôi dưỡng chí nguyện lớn trở thành nhân tài đóng góp những lợi ích thiết thực cho Phật giáo.
Qua câu chuyện, chúng ta thấy sự lựa chọn của ngài lục tổ Huệ Năng bấy giờ là sự buông bỏ khôn ngoan. Ngài đã trở thành một vị thầy xứng đáng cho chúng ta học hỏi suốt cuộc đời vẫn chưa hết.
Khi người muốn xuất gia không chấp trước vào sở hữu tài sản, nhận thấy những giá trị thật thì họ sẽ mạnh dạn buông bỏ hết tất cả.
XUẤT GIA LÀ SỰ KHAI SINH TRONG ĐẠO
Bốn trở lực về nghịch cảnh, thói quen, quyến luyến tình cảm, và sự tiếc nuối sở hữu tài sản trở thành những nghịch duyên đối với những người có chí nguyện xuất gia.
Những ai có chí nguyện muốn xuất gia nên đi trong thời điểm còn tuổi thanh xuân, có năng lực, sức khỏe và sự sáng tạo. Lúc đó, sự dấn thân của chúng ta mới thật sự có ích cho xã hội và tha nhân. Mặc dù đi tu tuổi về già, vẫn mang lại sự an lạc nhưng sự đóng góp, phục vụ của ta sẽ bị hạn chế.
Có thể định nghĩa rằng, xuất gia là sự khai sinh trong Phật pháp. Với giáo pháp của đức Phật, chúng ta được sinh ra với con người hoàn toàn mới. Mặc dù về vóc dáng, hình hài không có gì thay đổi, nhưng sự nhận thức, lý tưởng và hành trì của người xuất gia hoàn toàn khác với trạng thái của người tại gia. Xuất gia là cơ hội để ta tiếp xúc với hạnh phúc, và là con đường mở rộng tầm nhìn, sự dấn thân nhằm đem lại lợi ích cho chính mình và cho những người khác. Niềm thao thức và động cơ xuất gia là những yếu tố rất quan trọng, quyết định cho sự đóng góp của ta trong suốt đời tu.
Đức Phật dùng hình ảnh những quả trứng gà sau một thời gian được gà mẹ ấp. Nhờ sự ấp ủ đó gà con có khả năng chọc thủng lớp vỏ bên ngoài, trở thành một chú gà con.
Đức Phậ
t nói, Ngài cũng là một con gà giống bao nhiêu con gà khác như chúng ta, nhưng Ngài khác chúng ta một điểm, Ngài là con gà đầu tiên chọc thủng vỏ đi ra với một thân thể khỏe mạnh, không cần sự giúp đỡ của gà mẹ. Thỉnh thoảng, ta vẫn thấy gà mẹ hỗ trợ gà con, dùng mỏ, mổ cho gà con chui ra. Hành động này đôi khi làm cho gà con bên trong bị chết do gà mẹ không xác định vị trí, vô tình mổ trúng con mắt hoặc cái đầu.
Đức Phật dạ
y người xuất gia hãy nương vào sự hỗ trợ phương tiện, hoàn cảnh, điều kiện môi trường khi có thầy bạn tốt. Chính ngôi chùa là nơi chúng ta cũng như những gà con biết tự mình chọc thủng vỏ trứng, chui ra tạo nên một sức sống mới. Đó là sự khai sinh trong đời sống của đạo đức, thiền định và hành trì. Nơi đó, yếu tố tâm lý, tình cảm của người tu sẽ hoàn toàn khác biệt so với lúc họ còn tại gia. Sự khác biệt này được cảm nhận rõ rệt giống như cảm xúc của người nam và nữ khi kết hôn với nhau. Ở đây, người xuất gia kết hôn với chánh pháp của đức Phật, với lý tưởng của sự phục vụ, những giá trị hạnh phúc, an lạc nội tại và xa rời hạnh phúc của thế nhân. Đối với những ai khi xuất gia không có sự rung động với Phật pháp, người đó khó tu được lâu dài và bền bỉ. Sự rung động càng mạnh, giá trị sự tu tập càng lớn, dấn thân càng lâu dài, giúp họ vượt qua được những thử thách, trở ngại dễ dàng trong tương lai.
CÁC TÌNH HUỐNG XUẤT GIA
Không phải những ai đi xuất gia đều mang một tâm nguyện lớn, được đóng góp, phục vụ. Có những người xuất gia để quên đi những nỗi khổ đau trong tình duyên, như chuyện tình Lan và Điệp. Xuất xuất gia như vậy sẽ không có giá trị cho bản thân, làm cho thế nhân có sự nhìn nhận sai lệch, cho rằng người xuất gia chỉ toàn là người chán đời, tiêu cực, không mang lại giá trị gì cho cuộc đời.
Chúng ta nhìn thấy có nhiều vị thầy, vị sư cô rất trẻ, thậm chí rất đẹp, nhưng họ lại đi tu. Không phải do họ chán đời hoặc không có người thương. Thực ra, họ có rất nhiều thứ, nhưng những thứ ấy họ không màng tới. Họ nghĩ rằng, hy sinh tình yêu nhỏ để có được tình yêu lớn, vĩ đại hơn. Đó là những người xuất gia chân chính. Tôi xin nêu ra một số hình thức xuất gia như sau:
1. Thân xuất gia mà tâm hướng về thế tục
Hình thức này, họ vẫn vào chùa, cạo đầu, mặc đồ tu, tụng kinh, bái sám, niệm Phật, tham thiền nhưng tâm của họ luôn hướng về đời sống của thế gian, những dục lạc thấp kém, về danh vọng, địa vị hoặc họ để cho dòng cảm xúc tiêu cực như tham, sân, si, hờn giận, ganh tị chi phối. Những người xuất gia này, theo ngôn ngữ nhà Phật gọi là dơi chuột. Vì họ không hẳn là chuột, mà cũng không hẳn là dơi, nếu xếp vào loài có cánh cũng không xong, vì vừa có cánh vừa có chân. Hành động của một người tu không đúng với người tu thật là đáng tiếc.
Khi xuất gia, nếu không làm mới cuộc đời, không cách tân về nhận thức, không làm cho con mình hạnh phúc, không làm cho tình yêu thương của mình được mở rộng, để những giá trị cuộc đời thêm lớn mạnh, thà rằng chúng ta đừng đi tu. Nếu động cơ của ta không đúng với những chất liệu Phật pháp, về sau ta dễ rơi vào những cám dỗ, sa ngã trước dục tình, trở thành con người đi sai với lý tưởng Phật giáo, phản bội lại con đường phục vụ chân chính.
2. Tâm xuất gia nhưng thân tại gia
Hình thức này là một sai lầm lớn đối với người tại gia. Những người này không thấy được sự khác biệt giữa người xuất gia và người tại gia. Họ nghĩ, mình ở nhà tu tâm dưỡng tánh, thích thì đi chùa, tụng kinh hoặc khi có tiền thì làm phước, không có thì thôi. Họ không bị ràng buộc, vướng bận nào. Điều khó nhất của người xuất gia là đời sống độc thân. Họ phải từ bỏ tình cảm luyến ái của thế gian. Đây là sự hy sinh hướng thượng. Nếu ai có thể từ bỏ tất cả những thứ đó, tại sao không dám mạnh dạn mang hình thức của một người tu?
Chúng ta làm một cư sĩ với hình thức tại gia cũng tốt, nhưng sự phục vụ sẽ bị giới hạn. Trong khi đó, mang hình thức người tu, có hình tướng trang nghiêm, đỉnh đạt, lời nói nhẹ nhàng có thể mang lại sự an lạc cho những người khác. Nếu ta là một nhà sư có uy tín trong lời nói, ta có khả năng vận động được nhiều người cùng chia sẻ những sở hữu tài sản của họ để làm những việc từ thiện, phước báu, khả năng này đối với những người tại gia vẫn còn bị hạn chế.
Trường hợp của Ni sư Chứng Nghiêm ở Đài Loan là một điển hình. Những năm trước, đất nước Đài Loan bị động đất, Ni sư đã vận động được những khoản từ thiện từ quần chúng vượt xa hơn cả ngân quỹ của quốc gia.
Là một người tu có tư cách, có hạnh nguyện lớn, chúng ta luôn mang lại an vui cho những người khác và sẽ được nhiều người cùng dấn thân, giúp đỡ ta hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, khi xuất gia bằng tâm mà thân tại gia, là sự uổng ích: Vì tâm thiêng về xuất gia nên không dấn thân xã hội, vì không xuất gia nên có tâm tốt mà không làm việc lớn được. Nếu không khéo chuyển hóa, kiếp này và những kiếp khác, chúng ta mãi mãi cũng chỉ là những người tu tại gia mà thôi.
3. Thân và tâm xuất gia
Đây là hình thức xuất gia đúng đắn với lý tưởng nhất, đầu tròn, áo vuông, vào chùa, tu học, sống với tăng thân, có tình huynh đệ, có lý tưởng, có chí nguyện và sự dấn thân. Mặt khác, ta cũng có thể làm được nhiều Phật sự để mang lại hạnh phúc, tháo gỡ những đau khổ của con người trong điều kiện mà ta có thể. Đây là mẫu người tu có lý tưởng mà người xuất gia cần hướng đến. Người tu muốn có một đời sống lý tưởng về thân và tâm, phải có động cơ lớn, chí nguyện hùng dũng, hành sự khôn ngoan, khéo léo. Sự tu tập của họ phải miên mật và lâu dài, biết tạo điều kiện, cơ hội để có phước báu và hạnh phúc. Họ không sợ hãi trước những khó khăn, không chùn bước trước những thử thách. Chính động cơ xuất gia này sẽ giúp họ trở thành những người có giá trị đóng góp lớn cho Phật giáo và cuộc đời về sau.
4. Thân và tâm đều không xuất gia
Đây là hình thức của những người có lối sống buông thả, ăn chơi, sa đọa hoặc không có đạo đức và cũng không chịu tu. Những người này không những mang lại khổ đau cho bản thân, cho người thân, người thương mà còn là mối đe dọa của xã hội.
Các tổ Trung Hoa phân định ra bốn loại xuất gia trên, các ngài cũng thấy rằng. Giá trị của người xuất gia chân chính bao gồm hai phương diện. Phương diện về hình thức và phương diện về nội dung.
Về phương diện hình thức, dân gian Việt Nam có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng nếu thiếu đi chiếc áo của thầy tu, có lẽ chúng ta dễ dàng đánh mất đi tư cách của người tu.
Khi mặc chiếc áo của người tu đi ra đường, chúng ta luôn ý thức đến tính cách trang nghiêm, không dám nghĩ đến việc đùa giỡn. Ta cũng không thể làm những việc mang tính chất phàm tình của thế nhân, phải tự nhắc nhở mình cần làm gì để xứng đáng với người tu. Không chỉ xứng đáng về mặt hình thức, mà còn xứng đáng trong suy nghĩ của người tu. Khi phát khởi một ý nghĩ sai lầm như: ăn cắp, lừa đảo, giả dối hoặc hưởng thụ, chính hình thức này sẽ ngăn cản chúng ta lại, không dẫn ta đi đến con đường sa ngã và tội lỗi.
Ta không nên xem nhẹ yếu tố hình thức, vì nó sẽ làm thăng hoa đời sống của người tu bằng những việc làm thanh cao, những giá trị hạnh phúc lớn từ hành động cho đến suy nghĩ của họ. Nếu đánh giá con người thông qua hình thức, ta dễ dàng bị đồng hóa những cái không có giá trị, trở thành những cái có giá trị. Đôi khi trong cuộc sống, ta có thể gặp những vị Phật sống, nhưng do vì chấp mắc vào hình thức, ta lại xem họ chỉ là những người bình thường.
Đức Phật dạy những người xuất gia, mỗi ngày hãy sờ vào cái đầu láng bóng của mình, để suy nghĩ và sống như thế nào cho xứng đáng là bậc chân tu, vượt lên trên thế tục. Nếu tâm của chúng ta vẫn còn sự ích kỷ, nhỏ hẹp, ngại khó, hưởng thụ thì biết rằng mình vẫn đang đi chưa đúng con đường, đang làm mất đi giá trị của một vị thánh. Cho nên, ta cần phải chuyển hóa, cải tạo, cách tân và làm mới.
Có ba cấp độ của sự xuất gia, được phân định về nội dung như sau:
1. Cấp độ thứ nhất – Xuất thế tục gia
Cấp độ này có ý nghĩa là chúng ta từ bỏ mái ấm gia đình, chia tay với người thân, người thương không hề quyến luyến và nuối tiếc. Ta không nối dõi tông đường, không dấn thân làm chính trị để trở thành con người có chất liệu an vui, hạnh phúc, thảnh thơi, vững chãi. Thông qua những giá trị ta có được, có thể giúp đỡ cho những người khác. Xuất thế tục gia trong trường hợp này cần phải cương quyết. Vì khi xuất gia rồi, mà ta vẫn giống như đang ở trong ngôi nhà thế tục, thì ý nghĩa xuất gia không còn nữa.
Có nhiều người do không hiểu được lời Phật dạy, cứ tưởng rằng tu đâu chẳng được. Nhất là khi họ bị ảnh hưởng bởi quan niệm dân gian có câu: “Thứ nhất tu chợ, thứ hai tu chùa, thứ ba tu tại gia”. Nghĩa là thờ cha, kính mẹ mới là tu. Họ cho rằng tu ở chùa thì dễ, nhưng tu ở nhà thì khó hơn.
Hiểu như vậy là sai lầm. Khi chúng ta xa rời đời sống tập thể của những người xuất gia chân chính thì thân và tâm của ta cũng sẽ bị lung lạc. Khi tăng thân phấn đấu vươn lên trong lý tưởng, ta cũng được ảnh hưởng theo chiều hướng tích cực đó. Phấn chấn vươn lên, không cho phép mình lười biếng.
Chúng ta hãy quan sát con hổ, nó sẽ mất đi thế mạnh của nó khi rời khỏi rừng sâu, núi thẳm, nơi nó từng sinh sống. Hình ảnh của một người xuất gia cũng thế. Nếu chỉ ở nhà tu tại gia, ý nghĩa của việc xuất gia sẽ không còn nữa.
Chúng ta từ bỏ gia đình, để có điều kiện tiếp xúc với ngôi chùa, với Phật, chánh pháp. Với sự hành trì và dấn thân, người xuất gia chân chính sẽ làm mình ngày càng lớn mạnh. Nếu chỉ tiếp xúc với những bức tường của ngôi nhà thế tục, thì tâm của ta sẽ không có gì thay đổi. Đứng về góc độ xuất thế tục gia, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được cấp độ thứ hai và thứ ba.
2. Cấp độ thứ hai – Xuất phiền não gia
Đây là một cách chơi chữ rất hay. Nghĩa là cần vượt ra khỏi ngôi nhà phiền não. Phiền não tức những tâm lý tiêu cực như: tham, sân, si, giận dỗi, ganh tị, lười biếng v.v… không làm cho con người hạnh phúc và phát triển đúng mức. Ta cần phải chuyển hóa những nhận thức sai lầm, lý giải mọi sự vật hiện tượng theo nguyên lý vô thường, vô ngã, không lệ thuộc vào thần linh. Khi nào gội rửa được phiền não, chuyển hóa được nhận thức, lúc đó chúng ta mới thật sự là người xuất gia.
Chúng ta phải nắm bắt cơ hội làm người tu ở trong chùa, làm người tu đúng đắn về nhận thức, chí nguyện và hành động. Chính những sự trưởng thành đó mới giúp chúng ta đạt được chí nguyện ở cấp độ thứ ba.
3. Cấp độ thứ ba – Xuất tam giới gia
Có nghĩa là vượt qua khỏi dòng sanh tử luân hồi trong ba cõi sáu đường. Ba cõi gồm: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.
Cõi dục là cảnh giới sống như đời sống vật dục, tình dục. Sự ham muốn của con người đặt trên nền tảng của bản ngã, vị kỷ và lòng tham. Ta có thể bất chấp nền tảng của đạo đức, hạnh phúc, khổ đau của người khác để mang lại những giá trị cho bản thân. Vì vậy, đời sống trong dục giới là đời sống thấp kém. Cõi sắc vẫn còn hạn chế những điều kiện, hoặc cảnh giới vô sắc, nghĩa là sống hoàn toàn với trạng thái lặng thinh với đời sống nội tâm. Trong ba cảnh giới này, dục giới là cảnh giới thấp nhất.
Theo đức Phật, ba giới nằm trong nhà lửa. Muốn vượt ra khỏi nhà lửa của ba cõi, tnhững người xuất gia cần phải có động cơ chân chính, nghị lực phi thường để buông bỏ và chuyển hóa nhận thức, cảm xúc với những pháp môn đúng đắn. Có như thế, chúng ta mới có thể đi đến con đường của an lạc, hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát.
CON ĐƯỜNG RỘNG MỞ
Bốn loại hình và ba cấp độ của người xuất gia, giá trị của người tu gợi cho ta một con đường phục vụ, dấn thân lớn. Khi muốn trở thành người xuất gia, ta cần phải đạt được hai giá trị: xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Nếu không đạt được trong kiếp này, cần có quyết tâm lớn để đạt được ở nhiều kiếp trong tương lai, không bao giờ cho phép ta được bỏ cuộc nữa chừng. Trên thực tế, có rất nhiều người không thành công, họ đã ra đời và sống đời sống của một người tại gia.
Trước khi xuất gia, ta cần có quyết tâm, thấu rõ động cơ tốt, hiểu được bản thân, xác định lý tưởng. Không nên lấy thiện cảm hay tình cảm với một vị thầy nào để làm mục đích xuất gia, vì như thế sẽ không có giá trị. Nếu xuất phát từ tâm niệm đúng đắn, thì những giá trị lợi lạc sẽ có mặt, nhờ đó sự đóng góp, dấn thân của chúng ta mới mang lại các giá trị an vui và hạnh phúc lâu dài.
TT.Thích Nhật Từ
Trích trong cuốn sách “Phương trời thong dong”
Theo phatgiao.org.vn