Gia đình Phật tử: thực trạng và giải pháp
Lời
thưa: Kính thưa chư vị. Kính thưa quý Anh Chị trưởng , đến thời điểm
nầy tổ chức Gia đình Phật tử được xã hội đánh giá là một tổ chức sinh
hoạt tu học hiệu quả, nội hàm giáo dục sâu sắc góp phần lợi lạc cho xã
hội, đem lại niềm an vui cho đời. Là một người trong cuộc, vui buồn cùng
màu lam thân thương gần 60 năm, chúng tôi mong ước khi đọc bài viết này
anh chị sẽ thấy hình ảnh của đơn vị mình, huyện thành mình,tỉnh mình để
từ đó chúng ta có hướng giải quyết bài toán khó của việc duy tri và
phát triển Gia đình Phật tử hiện nay trong một đất nước đang phát triển
và nhiều thách thức. Người viết bài này xin trình bày quan điểm của mình
với đề tài GĐPT : THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP với ước mong GĐPT luôn luôn
là một tổ chức áp dụng Ngũ minh pháp trong việc tu học…theo lộ trình
Giới – Định – Tuệ.
A MỞ ĐẦU
Từ đại hội lần thứ I năm 1951, Gia đình Phật hóa phổ đổi tên thành Gia đình Phật tử
; tổ chức áo lam đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức
giáo dục thanh thiếu niên của Giáo hội PGVN uy tín nhất trước 1975.
Mặc dù có nhiều ngoại chướng nhưng nhờ tinh thần vô ngã vị tha mà
người Phật tử tu học trên tinh thần “Tứ chúng đồng tu”
có kết quả đáng trân trọng. Về tổ chức GĐPT, trong suốt 24 năm tồn tại
chưa hề bị phân hoá. Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất…thì niềm
vui và nỗi lo đan xen vào từng gia đình, từng cá nhân, từng tổ chức
như một quy luật nghiệt ngã sau chiến tranh…Gia đình Phật tử là một bộ
phận của cộng đồng xã hôi cũng phải chịu ảnh hưởng sâu sắc. Tổ chức
GĐPT gặp quá nhiều chướng duyên từ năm 1975 đến 1992 về vấn đề pháp lý.
Mặc dù năm 1981 GHPGVN ra đời nhưng mãi đến đại hội nhiệm kỳ
III(1992-1997) Giáo hội mới ra các văn bản đề cập đến việc sinh hoạt của
GĐPT .
Và
kể từ đại hội kỳ IV (1997-2002) tổ chức GĐPT chính thức được công nhận,
Phân ban GĐPT TW được thành lập (1998).Hiện nay cả nước đã có 34 tỉnh
thành có GĐPT đang sinh hoạt tu học với số lượng gần 100.000 Huynh
trưởng và Đoàn sinh.
B.THỰC TRẠNG GĐPT HIỆN NAY
I . Thuận duyên:
* GĐPT sinh hoạt tu học trong lòng GHPGVN, được Giáo hội quan tâm.
*
Tổ chức GĐPT tự hào về những Chư Tôn Đức, tiền bối hữu công, người anh
sáng lập, xây dựng nên như Bác Tâm Minh Lê Đình Thám, Hoà Thượng Thích
Minh Châu, anh Nguyên Hùng Võ Đình Cường, chị Tâm Chánh Hoàng Thị Kim
Cúc…., anh Tâm Mẫn Võ Nhi, chị Tâm Mỹ Nguyễn Thị Kim Chi….
*
Trong quá khứ cũng như hiện tại GĐPT luôn góp phần đem lại niềm vui
cho đời và làm vơi đi nỗi đau nhân thế nên được Chư Tôn Đức, Tín đồ
Phật tử giúp đỡ, được quần chúng kính trọng.
II . Những khó khăn trở ngại:
1/ Tại đơn vị GĐPT cơ sở, huyện, thành.
a/
Thiếu Huynh trưởng cầm đoàn : Huynh trưởng lớn tuổi thì lực bất tòng
tâm, cá biệt có anh chị sống lâu lên lão làng, xem thường , thiếu tin
tưởng vào đội ngũ Huynh trưởng trẻ và hay hờn dỗi với cấp trên. Huynh
trưởng đã kinh qua trại huấn luyện đào tạo (Lộc uyển. A Dục) thì vào đại
học, cao đẳng, học nghề, khi đã ra trường thì phải lo tìm công ăn việc
làm ở các thành phố lớn không còn điều kiện trở về quê hương, tâm chưa
an để lo nghĩ về tổ chức.
b/
Nguồn quỹ hoạt động rất hạn hẹp, Huynh trưởng tại đơn vị phải tự thân
vận động để trang trải; đời sống của Huynh trưỏng đa số đều khó khăn
thiếu thốn.
c/
Có nơi, có lúc GĐPT chưa được chư vị Trụ trì, Ban Hộ tự nhiệt tình bảo
trợ, giúp đỡ thậm chí xãy ra bất hoà ; một số Đạo hữu không mấy thiết
tha, ưu ái với đơn vị GĐPT và Đoàn sinh thì bị hụt hẫng hoang mang,
việc sinh hoạt trì trệ; Đoàn sinh thưa dần, chưong trình tu học cho các
bậc không thực hiện được một cách trọn vẹn.
d/
Có nơi, khi mới tái sinh hoạt thì số lượng Đoàn sinh khá đông đảo
nhưng được một thời gian, các em thấy chán vì sinh hoạt đơn điệu không
thật sự lôi cuốn hấp dẫn do nhiều nguyên nhân chủ quan như: Ban Huynh
trưởng không phân công cụ thể cho từng Huynh trưởng phụ trách và nhiều
Huynh trưởng lại quá dễ dãi với chính bản thân mình; thiếu tinh thần
trách nhiệm; lý tưởng phục vụ của người Huynh trưởng mờ nhạt, Ban Huynh
trưởng nhiều nơi mất đoàn kết, Huynh trưởng và phụ Huynh Đoàn sinh chưa
có mối quan hệ gắn bó mật thiết; thu chi tài chánh thiếu minh bạch ,
nguồn quỹ nhiều đơn vị không được quản lý chặt chẽ, có nơi mạnh ai nấy
mượn khi có việc cần chi tiêu thì không thu hồi được.
e/ Việc học thêm tràn lan cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt của Đoàn sinh.
f/
Một số Ủy viên đại diện và các phụ tá tại huyện, thành phố chưa phát
huy hết năng lực hoạt động, thiếu năng động, sáng tạo, chưa mạnh dạn đổi
mới phương thức sinh hoạt bằng các hình thức như: Hội thi giao lưu Phật
pháp – Hoạt đông Thanh niên – Văn nghệ - Hoạt động Xã hội; tổ chức
thăm viếng sinh hoạt giao lưu luân phiên liên Gia đình các đơn vị liền
kề. v.v…nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa các đơn vị.
2/ Tại một số Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT các tỉnh, thành .
a/
Chưa có tiêu chí thi đua cụ thể cho các đơn vị nên việc đánh giá thi
đua theo cảm tính, thiếu khách quan chính xác, chưa tạo được động lực
thúc đẩy phong trào thi đua sinh hoạt tu học giữa các đơn vị trong tỉnh,
thành.
b/
Chưa đặt nặng công tác tham sát, thăm viếng đột xuất nhằm động viên
khuyến tấn các đơn vị làm tốt đồng thời điều chỉnh, uốn nắn, hỗ trợ,
hướng dẫn các đơn vị thực hiện chưa tốt để từng bước đi vào ổn định quy
củ.
c/
Các uỷ viên chuyên môn, chuyên ngành còn hạn chế về nhiều mặt, chưa
mạnh dạn tham mưu đề xuất cụ thể về công việc có liên quan.
d/
Chưa mạnh dạn tổ chức phê bình, kiểm thảo từng thành viên trong BHD
trước khi tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và hội nghị tổng kết
hàng năm.
C. ĐÊ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP
1/ Tại đơn vị GĐPT cơ sở:
a/ Cách ứng xử
GĐPT
là một bộ phận trong tứ chúng đồng tu, Huynh trưởng, Đoàn sinh là con
em của Đạo hữu do vậy chúng ta phải tâm nguyện “ trọng Pháp kính Tăng
là điều lành tối thượng”. Ban Huynh trưởng cần tạo mối quan hệ tốt đẹp
với Ban Hộ tự, Ban Hộ trì Tam bảo, chư Tăng, Ni trụ trì hoặc thủ tự tạm
thời; tuyệt đối không đối đầu gây bất hoà . Cụ thể là:
* Tham gia các Phật sự của nhà chùa, các ngày lễ trọng: Phật Đản, Vu Lan., Hiệp kỵ …
*
Báo cáo chuơng trình sinh hoạt hàng quý, năm cho Ban Hộ tự, Sư Trụ
trì và cơ quan hữu quan xin phép khi tổ chức các công tác Phật sự đột
xuất không nằm trong chương trình đã đăng ký.
* Việc cung dưỡng, cúng dường Tăng, Ni trụ trì là bổn phận của người Phật tử trong đó có chúng ta.
Ngoài
ra, trong quá trình sinh hoạt tại cơ sở nếu có gì vướng mắc thì Gia
trưởng hoặc Liên đoàn trưởng có trách nhiệm trực tiếp gặp thường trực
Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT trình bày để có hướng giải quyết.
b/ Về con người:
*
Mỗi Huynh trưởng phải tu học tự thân (sắp xếp hàng ngày có khoá lễ
trước bàn Phật tại gia đình), luôn hành trì giới luật, thân giáo là bài
học không lời.
*
Ban Huynh trưởng gồm nhiều thế hệ biết tôn trọng nhau, biết học hỏi lẫn
nhau, sắp xếp công việc phù hợp với năng lực và phẩm hạnh từng người.
c/ Tổ chức sinh hoạt, tu học:
*
Tùy theo điều kiện của từng đơn vị, nên quy định giờ sinh hoạt cho phù
hợp nhưng phải đủ thời gian (120 phút bao gồm lễ Phật, lễ Đoàn, tu học
và sinh hoạt vòng tròn).
*
Lên lịch học tập và Huynh trưởng hướng dẫn cụ thể (về Phật pháp có thể
mời Sư Trụ trì, nhưng nội dung truyền đạt phải bám sát vào chương
trình, tài liệu hiện hành của Trung ương).
*
Cần tạo điều kiện trang bị cho Đoàn sinh tài liệu bậc học kèm theo sổ
tay ghi chép, Huynh trưởng vận dụng sổ tay Huynh trưởng, tài liệu bậc
học, tài liệu tham khảo soạn các câu hỏi ngắn sát chủ đề để hướng dẫn
các em, tránh tình trạng đọc chép; nhồi nhét kiến thức. Vị trí học tập
cần thay đổi qua từng môn học, cần có các hoạt động chống sự ể oải, nhàm
chán sau mỗi môn học (các trò chơi nhỏn các bài hát ngắn) .
d/ Duy trì và phát triển tổ chức:
* Tổ chức tốt việc sinh hoạt tu học là yếu tố hàng đầu duy trì sức sống của một Gia đình Phật tử .
*
Tài chánh phân minh, tình cảm nam nữ trong sáng, biết kính trên nhuờng
dưới là yếu tố quan trọng duy trì sự phát triển bền vững của một GĐPT,
tổ chức phê bình kiểm thảo thường xuyên, mỗi Huynh trưởng tự đánh giá
lại mình, tiến tu để hoành thành tốt chức năng nhiệm vụ của từng Huynh
trưởng.
*
Cần duy trì thường xuyên việc liên lạc và thăm viếng phụ Huynh đoàn
sinh, các hoạt động trong các dịp lễ lượt, trại mạc, văn nghệ, mừng chu
niên, Ban Huynh trưởng cũng nên mời phụ Huynh về tham dự cùng đơn vị
Gia đình để tạo mối thân tình cần thiết cho sự phát triển của đơn vị.
*
Ban Huynh trưởng nên mời một số Đạo hữu và các nhà Mạnh Thường Quân có
cảm tình với tổ chức GĐPT để hình thành Ban bảo trợ để được trợ duyên,
giúp đỡ về vật chất về tinh thần, tạo đà phát triển vững mạnh cho đơn
vị.
*
Ngoài thời gian hội họp Huynh trưởng định kỳ, Ban Huynh trưởng cần phải
tổ chức nhiều đợt tập huấn bồi dưỡng những chuyên đề cần thiết cho
Huynh trưởng (kỷ năng cầm Đoàn, kỷ năng quản trò, phương pháp hướng dẫn
đề tài Phật pháp, HĐTN…. (có thể mời Huynh trưởng chuyên môn của huyện,
của BHD).
đ/ Hoạt động Xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
*
Hàng tuần, sau buổi lễ Đoàn Huynh trưởng trực nên dành thời gian trao
đổi, khơi gợi hạnh từ bi của người con Phật, nhắc nhỡ, động viên các em
biết làm từ thiện, mỗi GĐPT nên có chuẩn bị sẳn con heo đất hoặc bùng
binh để các em đóng góp những đồng tiền lẻ tiết kiệm được trong tuần.
Hàng quý Ban Huynh trưởng tổ chức tổng kết và lựa chọn hoàn cảnh đối
tượng để hỗ trợ giúp đỡ.
*
Hàng tuần phân công các em quét rác khu vực chùa, hàng tháng cả đơn vị
Gia đình làm tổng vệ sinh khu vực xung quanh chùa, thỉnh thoảng đơn vị
Gia đình cũng nên tổ chức các buổi làm sạch vệ sinh môi trường nơi công
cộng tại địa bàn đơn vị đang sinh hoạt.
2/ Tại huyện, thành phố (trực thuộc tỉnh)
*
Cần phải hình thành Ban viên đại diện Phân ban tại huyện, thành phố
(Ban điều hành) mời một số phụ tá hỗ trợ, phân công cụ thể nhiệm vụ từng
thành viên phụ tá .
*
Tổ chức họp định kỳ đưa ra kế hoạch sinh hoạt phù hợp với lịch sinh
hoạt của các đơn vị cơ sở. Chú ý việc tu Bát quan trai định kỳ cho Huynh
trưởng và Đoàn sinh ngành Thanh, ngành Thiếu, tổ chức các buổi giao lưu
luân phiên liên Gia đình có chủ đề và nội dung súc tích, hấp dẫn. Chủ
động tổ chức các bậc học Kiên,Trì, tổ chức thi vượt bậc cho Đoàn sinh ,
tổ chức trại họp bạn, huấn luyện theo phân cấp.
* Thành lập tổ bồi dưỡng kỹ năng sinh hoạt tu học để hỗ trợ, giúp đỡ cho các đơn vị trực thuộc khi có yêu cầu.
* Vận động Đoàn viên tham gia công tác xã hội, công tác bảo vệ môi trường sinh thái.
3/ Tại Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT tỉnh, thành phố (trực thuộc TW) * Chương trình kế hoạch:
Yêu
cầu các uỷ viên chuyên môn,ngành đề xuất kế họach phần việc trong năm
của bộ phận mình, thường trực Phân ban xây dựng kế họach tổng thể cả năm
có tính khả thi.
* Hội nghị:
Các
kỳ hội nghị sau đây không thể thiếu: tổng kết năm, sơ kết 6 tháng
(phương hướng 6 tháng cuối năm cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế),
thành phần tham dự : toàn thể thành viên phân ban, các ban viên đại diện
BHD tại huyện ,thành (Uỷ viên đại diện và các phụ tá); Gia trưởng,
Liên đoàn trưởng, phó, Thư ký gia đình. Phải dành thời gian báo cáo
ngắn gọn của các huyện, thành và phản ảnh của đại biểu. Hội nghị sơ kết
chỉ cần cung thỉnh vị trưởng ban HDPT. Xin lưu ý trong sơ kết, tổng kết
việc báo cáo tài chánh phải rõ ràng, phân minh. Toàn Phân ban họp 3
tháng 1 lần ngoại trừ họp đột xuất. Thường trực BHD họp nữa tháng họp
1 lần không kể các lần họp đột xuất.
* Tham sát, thăm viếng:
Thăm
viếng theo định kỳ hoặc đột xuất mỗi đơn vị Gia đình ít nhất 1 lần/
năm (góp ý xây dựng, kiểm tra từng phần việc, kiểm tra đột xuất, theo
yêu cầu).
* Tổ chức các bậc học, các kỳ trại huấn luyệ, học tập và các công tác khác.
Ban
điều hành các bậc học Kiên, Trì, Định điều hành và tổ chức tốt việc tu
học cũng như kiểm tra, khảo sát và thi kết khóa các bậc học cho học
viên.
Tổ
chức các trại huấn luyện A Dục, Huyền Trang theo sát giáo trình đã được
biên soạn, thời gian tập trung tại đất trại có thể linh động cho phù
hợp với điều kiện hiên nay nhưng phải đảm bảo đủ chương trình, cần tạo
điều kiện để Htr trại sinh đi thực tập một số chuyên đề tại vài đơn vị
GĐPT cơ sở.
Trại
A Nô Ma – Ni Liên, Tuyết Sơn (Đoàn sinh), Lộc Uyển (Htr sơ cấp) vô
cùng quan trọng, do đó không thể tổ chức hời hợt, Ban hướng dẫn Phân
ban có thể tổ chức trực tiếp hoặc tổ chức liên huyện, thành phố. Thành
phần BQT và ban giảng huấn phải được BHD chọn lựa và ra quyết định
thành lập.
Duy trì thường xuyên công tác tập huấn, bồi dưỡng Huynh trưởng (kỹ năng cầm đoàn, hướng dẫn cách sọan, cách truyền đạt).
Tạo
nguồn quỹ khuyến học, từ thiện để tổ chức cấp phát học bổng hàng năm
cho Đoàn sinh các GĐPT trong tỉnh, kịp thời hỗ trợ giúp đỡ cho Đoàn viên
nghèo thiếu may mắn trong cuộc sống.
Vận động Huynh trưởng và Đoàn sinh ngành Thiếu có đủ điều kiện tham gia công tác hiến máu nhân đạo.
Tổ chức liên hoan văn nghệ cúng dường các ngày đại lễ Phật đản, Vu lan.
Thực hiện các công tác Phật sự quan trọng của Giáo hội giao phó.
Tổ chức kiểm thúc các thành viên của Phân ban trước khi tổng kết.
Tạo
sự cảm thông, đồng thuận của Chư Tôn giáo phẩm, của Ban Trị sự PG tỉnh
về tổ chức GĐPT. Về vấn đề này xin được đề xuất mấy ý kiến như sau:
- Mỗi thành viên BHD làm gương về sự trọng Pháp kính Tăng.
- Khéo léo trong việc đề xuất giải quyết những vướng mắc ở cấp cơ sở.
- BHD tổ chức lễ tri ân chư tôn đức có liên quan đến GĐPT: Trai Tăng (lễ Cầu siêu, Hiệp kỵ ) dâng y (Lễ Vu lan)…
-
Bộ phận văn phòng Phân ban gởi số liệu báo cáo và các ý kiến thỉnh thị,
đề xuất cho văn phòng BTS đúng thời gian quy định để Ban Trị sự tổng
hợp đưa vào báo cáo sơ kết, tổng kết của BTS.
KẾT LUẬN:
Thưa chư vị cùng quý anh chị:
Một
GĐPT vững mạnh khi có đội ngũ Huynh trưởng đoàn kết, mỗi thành viên
đều có học, có tu, biết nhịn trên nhường dưới, xem nặng cái chung (Gia
đình) nhẹ cái riêng ( bản thân) biết nhận cái sai, có lòng vị tha.
Một
huyện, thành phố khá, tốt khi Ban viên đại diện (Ban điều hành) có kế
hoạch theo dõi động viên, giúp đỡ các Gia đình trong tinh thần vô ngã
vị tha…
Một
Ban hướng dẫn Phân ban vững mạnh khi thực hiện trọn vẹn kế hoạch toàn
năm và các thành viên làm việc đều tay trên tinh thần đoàn kết, hoà
hợp, chấp hành tốt chỉ đạo của cấp trên.
Yếu
tố con người quyết định sự tồn vong của một tổ chức, ước mong mỗi chúng
ta vì màu Lam thân yêu mà đối xử với nhau trong tình HUYNH ĐỆ của một GIA ĐÌNH được nuôi dưỡng bởi các chất liệu :TỪ- BI- HỶ- XẢ.
Tâm Giới PHAN NGỌC THẢO