PG & Khoa học
Chọn ngày tốt, tránh ngày xấu mê tín hay khoa học
20/02/2015 09:46 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Không biết từ bao giờ, quan niệm về ngày tốt ngày xấu, về con số không may mắn đã hình thành trong suy nghĩ của người dân ở nhiều quốc gia khác nhau.

Trong dân gian, kể cả ở phương Đông lẫn phương Tây, người ta thường kiêng một số ngày xấu và con số xấu. Trong năm thì làm việc gì lớn hoặc hệ trọng như xây nhà, dọn về nhà mới (nhập trạch), cưới hỏi v..v.. người ta cũng chọn ngày tốt, giờ tốt để tiến hành. 

NHỮNG KIÊNG KỴ NGÀY XẤU

Ở Việt Nam và một số nước Châu Á người ta kiêng “Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3” (ÂL) vì đó là ngày Tam nương. Trong mỗi tháng âm lịch có 6 ngày Tam nương phải kiêng là ngày 3-7-13-18-22-27. Người ta còn làm ra các câu thơ, câu vè để cho người đời dễ nhớ là:

Mùng ba, mùng bảy tránh xa
Mười ba, mười tám cũng là không hay
Hăm hai, hăm bảy sáu ngày
Là Tam nương sát họa tai khôn lường

Dân gian còn kiêng 3 ngày Nguyệt kỵ:     
                   
Mùng năm, mười bốn, hai ba 
Làm gì cũng bại, chẳng ra việc gì 

Trong 3 ngày xấu đó phải kiêng những việc sau đây:

a-Mùng năm, mười bốn, hai ba
Là ngày Nguyệt kỵ chớ nên xuất hành
b-Mùng năm, mười bốn, hai ba
Đi chơi còn thiệt, nữa là đi buôn
c-Mùng năm, mười bốn, hai ba
Lấy vợ thì tránh, làm nhà thì kiêng

Kiêng số 13 (Dương lịch) ngày thứ sáu
 
Nhiều người (phương Đông cũng như phương Tây) rất sợ con số 13. Họ cho rằng con số 13 đem lại những chuyện không hay. Nhất là ngày 13 (DL) lại trùng với thứ sáu thì có thể xảy ra nhiều chuyện xui xẻo hơn nữa. Tuy nhiên sự trùng hợp tai hại này mỗi năm chỉ xảy ra 1 lần, hãn hữu mới có năm trùng lặp đến 2 hoặc 3 lần “Thứ sáu ngày 13”.

Do sợ con số 13 nên khi xây cao ốc (chung cư), khách sạn người ta kiêng không để phòng số 13. Theo thăm dò dư luận có đến 1/4 dân số nước Đức tin chắc rằng con số 13 đem lại chuyện “gở”. 

Vậy tại sao người ta lại sợ và kiêng số 13, nhất là sợ “Thứ sáu ngày 13”? Có những sự kiện sau đây làm họ sợ:

a- Theo sự tích trong Kinh Thánh thì đức chúa Jesus họp mặt lần cuối cùng với 12 môn đồ (tức là có 13 người trong cuộc họp mặt) vào buổi tối ngày Thứ sáu. Sau đó Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây Thánh giá. Từ đó xuất hiện niềm tin là hễ cứ 13 người họp mặt thì thế nào cũng có một người gặp tai họa!

b- Các nhà khoa học và thiên văn học trên thế giới đã tính được với độ chính xác 99,7% rằng: Thứ sáu ngày 13-4-2029 sẽ là “Ngày nguy hiểm của Trái đất”, bởi có một thiên thạch khổng lồ mang tên Apophis nặng 25 triệu tấn, rộng 300-400 mét di chuyển hướng về Trái đất với tốc độ 48.000km/giờ. “Hòn đá trời” này mang một nguồn năng lượng bằng 58.000- 65.000 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, ở thời điểm 11 giờ 36 phút (giờ Hà Nội) ngày Thứ sáu 13-4-2029 nó sẽ cách Trái đất khoảng 30.800-32.128 km. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, Apophis va vào Trái đất sẽ hủy diệt cả một quốc gia và gây ra một trận sóng thần cao 256m…(Theo báo Tiền Phong Chủ nhật ngày 21-1- 2007).

Tuy vậy, không phải tất cả mọi người trên thế giới đều sợ Thứ sáu ngày 13. Đó là:

a- Đối với vua Louis XIII nước Pháp, thì 13 là con số đáng yêu, vì nhà vua kết hôn với Anne d’Autriche khi nàng vừa tròn 13 tuổi.

b- Đối với người Hồi giáo và người Hindou thì ngày Thứ sáu được coi là ngày may mắn, hạnh phúc nên thường tổ chức đám cưới vào ngày này. 

c- Người dân vùng Emmenthol của Thụy Sĩ lại có câu nói: “Yêu nhau vào ngày Thứ sáu thì sẽ sớm lấy được nhau!”. 

Như vậy những kiêng kỵ về ngày và con số như trên là theo quan niệm của từng người, từng dân tộc, từng tôn giáo; không dựa trên một cơ sở khoa học nào, nên tin hay không là tùy ở nhận thức mỗi người! 

TÁC HẠI CỦA “NGÀY XẤU” DƯỚI GÓC NHÌN KHOA HỌC

Trong vũ trụ bao la, con người như một hạt cát bé nhỏ giữa đất trời mênh mông (Thiên-Địa-Nhân), được hưởng những ân huệ do thiên nhiên ban tặng (không khí để thở, nước để uống, đất đai để trồng trọt, canh tác v..v..). Tuy nhiên con người dù muốn hay không cũng phải chịu những tác động xấu từ vũ trụ (Thiên-Địa). Những tác động xấu đó là:

A-Tác hại của mặt trăng và ánh trăng

a-Tác hại của mặt trăng 

Mặt trăng nhìn từ trái đất tưởng như đang đứng yên, tĩnh lặng. Thật ra mặt trăng luôn luôn chuyển động (quay xung quanh trái đất). Sự chuyển động này đã và đang tạo ra sức hút và sức mạnh tàn phá ghê  gớm, tập trung vào những ngày Rằm (ngày 15 ÂL) hàng tháng và những ngày sát với tuần trăng (trước và sau ngày Rằm)-tức là trùng với một số ngày Tam nương (13-18 ÂL) và Nguyệt kỵ (14-23 ÂL). 

- Sức hút của mặt trăng tạo ra những đợt thủy triều trên biển, làm vỏ trái đất bị đứt gãy, gây ra hiện tượng động đất hoặc nứt nẻ, sụt lún vỏ trái đất. Các nhà khoa học đã tổng kết thấy rằng, hầu hết các trận động đất xảy ra vào ngày mùng 1 và ngày 15 ÂL hoặc dao động xung quanh 2 ngày này, hoặc vào những ngày Mặt trời-Mặt trăng-Trái đất nằm trên một đường thẳng, gọi là ngày Sóc (xẩy ra nhật thực) và ngày Vọng (xảy ra nguyệt thực) thì lực hút của mặt trăng đạt tới đỉnh điểm cao nhất, gây ra những trận động đất lớn. Ví dụ: Trận động đất ở Đường Sơn (Trung Quốc) xảy ra ngày 28-7-1976 (tức ngày 2-7 ÂL), trận động đất ở Ấn Độ ngày 30-9-1993 (tức ngày 15-8-ÂL). Các thống kê cho thấy có đến 80% các trận động đất đã xảy ra từ 7h tối hôm trước tới 6h sáng hôm sau, lúc mặt trời đã lặn, khi đó chỉ còn tác động của mặt trăng. Ví dụ: Trận động đất lớn ở Côbê (Nhật Bản) năm 1995 xảy ra lúc 5h46’sáng, cường độ địa chấn mạnh 7,2 độ Richter làm thiệt mạng hơn 6000 người.

- Sức hút của mặt trăng cũng tạo ra lực hấp dẫn làm cho huyết dịch trong cơ thể con người (chiếm 80% khối lượng cơ thể) cũng dâng lên, hạ xuống như những đợt thủy triều ngoài biển cả. Các nhà khoa học phát hiện thấy, vào những ngày trăng tròn (tức ngày Rằm), áp lực máu bên trong cơ thể và bên ngoài huyết quản có sự chênh lệch (bên trong huyết áp thấp, bên ngoài áp lực không khí cao) dễ làm nảy sinh những tai biến trong hệ thống tim mạch, nguy hiểm đến tính mạng, có khi gây ra tử vong bất ngờ (thuật ngữ y học gọi là đột quỵ). Vì thế không phải vô cớ mà người xưa đã than rằng “Nguyệt viên nhân khuyết” (Trăng tròn người khuyết) hàm ý nói rằng, khi trăng tròn thì con người rất dễ mất mạng! 

b-Tác hại của ánh trăng 

Tác hại của ánh trăng cũng ghê gớm không kém. Bằng chứng là số các vụ tự sát, rối loạn tâm thần, các hành vi phạm tội, ăn cắp, trấn lột thường xảy ra vào ban đêm, vào các ngày trăng tròn (ngày Rằm).

- Có thể nói ánh trăng Rằm ảnh hưởng toàn diện đến thể chất và tâm hồn con người, tác động tiêu cực về mặt tâm sinh lý đến cuộc sống con người-đặc biệt đối với phụ nữ thuộc bản thể âm. Các nhà thông thái từ xa xưa đã nhận ra điều này và đã có bút tích lưu lại. Tại một ngôi đền cổ ở Ai Cập có ghi lời cảnh báo là “Dưới ánh trăng Rằm, phụ nữ dễ bị mê muội”. Còn trên một chiếc bình cổ ở Hy Lạp có từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên có khắc một hình vẽ mô tả “các đồ vật đều ngả theo ánh trăng” (hàm ý “chịu sức hút của mặt trăng”. 

- Ở một số nước phương Đông người ta cũng e ngại hoặc sợ trường hợp con gái sinh ra vào đúng ngày Rằm, bởi “Nuôi thì nuôi được, trong lòng vẫn căm!”. Tại sao lại như vậy? Vì người mẹ sợ rằng, nguồn khí âm quá nhiều từ ánh trăng Rằm sẽ tác động  xấu đến hệ thần kinh non nớt của đứa trẻ, dẫn tới những biến đổi tiêu cực về tâm sinh lý, hình thành tính khí thất thường, ngang ngạnh hoặc trầm cảm của đứa trẻ sau này…Người mẹ mặc cảm và “căm” là ở chỗ đó! 

- Các nhà kinh dịch học nước ta từ xa xưa cũng đã nhận ra tác hại của mặt trăng và ánh trăng Rằm nên đã cảnh báo là: “Đối với ngày Rằm thì làm gì cũng chẳng ra việc gì” và “Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn”. Lời cảnh báo này trùng với những điều kiêng kỵ trong dân gian đã nói ở phần đầu. 

B-Tác hại của bức xạ mặt trời và bão mặt trời

a-Bức xạ mặt trời

Các nhà thiên văn học nước ngoài đã tiến hành nhiều khảo sát, nghiên cứu bức xạ mặt trời để dự báo trước những “ngày bất lợi” cho sức khỏe con người. Kết quả cho thấy, bức xạ mặt trời dọi xuống trái đất có nhiệt độ tăng-giảm theo từng chu kỳ 11 năm. Nghĩa là: Trong vòng 11 năm nhiệt độ bức xạ mặt trời tăng dần đến cực độ, rồi lại giảm dần đến tối thiểu…để 11 năm tiếp theo lại diễn ra quá trình tăng-giảm nhiệt độ như vậy. Chu kỳ này là bất di bất dịch. 

Lần đầu tiên các nhà thiên văn thấy nhiệt độ mặt trời tăng vào năm 1933, từ 1936 đến 1939 nhiệt độ mặt trời tăng dần đến cực độ, từ 1940 đến 1943 nhiệt độ giảm dần…Từ 1944 trở đi bắt đầu chu kỳ thứ hai của việc tăng-giảm nhiệt độ này. Khi nhiệt độ bức xạ mặt trời đạt đến cực lớn là lúc sức khỏe con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiệt độ đạt tới đỉnh điểm, khoảng 6000 độ, sẽ gây ra bão mặt trời.

b-Bão mặt trời

Khi có bão mặt trời, còn gọi là bão từ, vỏ mặt trời nứt ra tạo thành một lỗ hổng như miệng phễu, từ lỗ hổng này sức nóng của mặt trời tỏa ra rất mạnh, nhiệt độ cực cao hàng mấy triệu độ, làm tan chảy đất đá rơi xuống trái đất.

Các nhà thiên văn cho biết, khi xảy ra bão mặt trời thì hàng năm có tới trên 10 ngàn thiên thạch to bằng quả bóng đá rơi xuống trái đất. Cũng may là đa số các thiên thạch này đều rơi xuống các đại dương, vì 70% bề mặt trái đất là đại dương. Tuy nhiên tầng ôzôn (bảo vệ trái đất) ở một số vùng miền của trái đất có thể bị phá hủy và những vùng miền này phải hứng chịu những trận “mưa a xít”.

Theo các nhà khoa học, bão từ có tác động xấu đến cơ thể con người, trước hết là những người mẫn cảm với từ trường, những người đang đau ốm, bệnh tật. Bão từ cũng có thể gây ra nhiều tai họa cho trái đất như giông bão, lụt lội, động đất, các bệnh dịch (do bức xạ mặt trời làm các virut gia tăng hoạt động gây ra dịch bệnh), những vụ tự sát, đột tử v..v..

Chúng ta dễ dàng nhận thấy khi thay đổi thời tiết hoặc sắp có giông bão thì người yếu sức khỏe hoặc có bệnh mãn tính đều cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, nhức đầu, đau mình mảy. Do đó vào thời gian có bão từ, nhiều căn bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, hen suyễn, loét dạ dày, rối loạn tâm lý…dễ phát triển đột biến, có khi gây ra tử vong! 

Chính vì vậy mà Giáo sư-bác sĩ Ane Dias người Brazil cho biết là các bệnh viện ở thành phố Rio de Janero luôn liên hệ chặt chẽ với các Đài thiên văn ở Brazil để biết khi nào có bão từ thì bệnh viện sẽ ngừng các ca phẫu thuật.

C-Tác hại của những vùng gây bệnh địa chất

Theo các nhà nghiên cứu năng lượng sinh học, trái đất có những vùng nguy hiểm, phát ra những “tia đất xấu” làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gọi là vùng gây bệnh địa chất (GBĐC). Vùng GBĐC này lại tồn tại trong mỗi căn nhà, làm giảm khả năng miễn dịch, gây đau ốm vặt, thậm chí dẫn đến các bệnh hiểm nghèo.

Hai nhà bác học Đức là E.Hartman và M.Kurri trong các công trình nghiên cứu năng lượng sinh học đã ví Trái đất như một quả dưa nằm trong một cái túi lưới. Tại các điểm giao nhau của những mắt lưới tưởng tượng đó, năng lượng sinh học của trái đất phát ra những tia đất rất mạnh và đặc biệt nguy hiểm khi đi qua những nơi có mạch nước ngầm, mỏ quặng hoặc những chỗ vỏ trái đất nứt nẻ, tạo thành những hào rãnh, hố sâu…

Có thể hạn chế tác hại của vùng GBĐC bằng cách:

- Không ngủ, làm việc, học tập… ở vùng có tia đất xấu.

- Dùng than tre hoạt tính đặt ở nơi có tia đất xấu. Than tre hoạt tính không chỉ hút mùi hôi và ẩm thấp trong nhà, mà còn khử được các loại bức xạ phát ra từ lòng đất, ti vi, máy tính…

D-Tác hại của nhịp sinh học bất lợi đối với cơ thể con người

Các nhà khoa học đã tiến hành những công trình nghiên cứu toàn diện về khả năng làm việc của con người trong một ngày đêm để đưa ra phác đồ nhịp sinh học của con người: Lúc nào con người có khả năng làm việc tốt nhất và lúc nào hoạt động của con người kém hiệu quả nhất. Cụ thể là:

- Ban ngày: Từ 9h sáng đến trước 12h trưa và từ 16h chiều đến 18h tối con người có khả năng làm việc cao nhất, tốt nhất. Đặc biệt, lúc 10h là đỉnh cao của tuần hoàn máu, giúp con người minh mẫn hơn, hoạt động trí não tốt hơn, giải quyết mọi công việc nhanh hơn.

- Tối và đêm: Lúc 7h tối, nhịp tim và huyết áp giảm, rất khó tập trung tư tưởng vào một công việc gì đó. Từ 1h đến 3h sáng là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi hoàn toàn, khả năng làm việc của con người thấp nhất.

Các nhà khoa học cũng cho biết là các phi công lái máy bay đường xa, qua nhiều múi giờ và nhiều vùng khí hậu khác nhau, thì cơ thể cần phải thích nghi với nơi mới đến từ 6 đến 8 ngày mới nên bay trở về.

ĐÔI ĐIỀU LUẬN BÀN

Việc chọn ngày tốt, tránh ngày xấu mà dân gian kiêng kỵ là có cơ sở khoa học nhất định, vì những ngày xấu Tam nương-Nguyệt kỵ vào đầu tháng-giữa tháng và cuối tháng ÂL là do tác hại của mặt trăng gây ra. Ngoài ra còn có những tác hại khác của bức xạ mặt trời-bão mặt trời, của nhịp sinh học bất lợi làm cho sức khỏe con người suy giảm, mệt mỏi, đầu óc kém minh mẫn v..v.. thì chắc chắn là “Làm gì cũng bại chẳng ra việc gì!”. Người tài xế lái xe đường dài thâu đêm tới sáng (trong lúc buồn ngủ, cơ thể mệt mỏi cần được nghỉ ngơi) hoặc lái xe trong lúc mưa gió bão bùng, trong vùng có lũ cuốn…thì khả năng xảy ra tai nạn nghiêm trọng là rất lớn! Khi đó đừng đổ tại cho “ngày xấu”, mà tại chính bản thân bác tài không am hiểu nhịp sinh học trong cơ thể mình, lại mạo hiểm lái xe trong lúc thời tiết xấu (bão tố, lũ lụt…) thì sự cố đáng tiếc xảy ra là không tránh khỏi!

Như vậy yếu tố con người vẫn là quyết định để công việc thành công hay thất bại. Cố nhà giáo Bùi Huy Lữ Hải 94 tuổi-nhà nghiên cứu Phật học ở số 5 phố Nguyễn Chế Nghĩa  Hà Nội, khi tôi hỏi về “ngày tốt-ngày xấu” đã nói: “Tôi theo đạo Phật và tu tại gia đã hơn 30 năm nay. Đối với tôi không có ngày xấu. Mỗi tháng có 30 ngày, ngày nào tôi cũng tụng kinh niệm Phật. Vậy 30 ngày đó là ngày của Phật, tôi đi đâu, làm gì đều không xem ngày, chọn ngày!”.

Đúng vậy, người lương thiện, tử tế, sống có đạo đức, không làm hại ai…thì giả sử có gặp chuyện xui xẻo, chắc chắn sẽ được Trời-Phật  độ cho, cái “hạn” sẽ không lớn và qua khỏi được. Còn kẻ độc ác, bất nhân dù chọn “ngày tốt” để đi trộm cắp, gây án…thì theo luật nhân quả của đức Phật, chắc chắn sớm muộn sẽ bị pháp luật trừng trị!

Bởi vậy phương Tây mới có câu: “Nhân cách, tính cách quyết định số phận chứ không phải nhân tướng hay “số má” gì cả!”.

Vũ Tất Tiến
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2015

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch