“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Tôn giả Bàn-đặc bảo em là Châu-lợi-bàn-đặc rằng:
- Nếu em không thể trì giới được thì trở về làm cư sĩ.
Ngài Châu-lợi-bàn-đặc nghe lời này xong, liền đến đứng ngoài cửa tinh xá Kỳ hoàn khóc ròng. Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh, xem thấy Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc đứng ngoài cửa buồn khóc không dừng được. Thế Tôn liền từ tịnh thất đứng lên, dường như đi kinh hành, đến ngoài cửa tinh xá Kỳ hoàn hỏi Châu-lợi-bàn-đặc rằng:
- Tỳ-kheo, cớ sao đứng đây khóc lóc?
Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc đáp:
- Bạch Thế Tôn, anh con xua đuổi con, nói không thể trì giới thì trở về làm cư sĩ, không nên ở đây. Vì thế, con buồn khóc.
Thế Tôn bảo:
- Tỳ-kheo, chớ ôm lo sợ, Ta thành Vô Thượng Đẳng Chánh Giác, chớ chẳng phải Bàn-đặc anh thầy đắc đạo.
Bấy giờ Thế Tôn tay nắm Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc, dẫn đến tịnh thất bảo ngồi, rồi Thế Tôn lại dạy cầm chổi quét.
- Thầy tụng chữ này là chữ gì?
Bấy giờ Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc tụng chữ 'quét' lại quên chữ 'chổi'. Nếu tụng chữ 'chổi' lại quên chữ 'quét'. Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc tụng 'chổi quét' này qua mấy ngày. Mà 'chổi quét' này gọi là trừ dơ. Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc lại nghĩ: 'Cái gì là trừ? Cái gì là dơ?'. Dơ là tro, đất, ngói, gạch; trừ là thanh tịnh.
Tôn giả lại nghĩ: 'Thế Tôn cớ sao dùng điều này dạy ta. Nay ta nên suy nghĩ nghĩa này'. Do suy nghĩ nghĩa này, Tôn giả lại nghĩ: 'Nay trên thân ta cũng có bụi dơ, ta tự ví dụ. Thế nào là trừ? Thế nào là dơ?'
Tôn giả lại nghĩ: 'Buộc kết là dơ, trí tuệ là trừ. Nay ta có thể lấy chổi trí tuệ quét trói buộc này'.
Bấy giờ Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc suy nghĩ: ‘Ngũ thạnh ấm, sự thành, sự bại, nghĩa là sắc này, sắc tập, sắc diệt; thọ, tưởng, hành, thức, sự thành sự bại cũng lại như vậy’. Lúc ấy, Tôn giả tư duy về ngũ thạnh ấm này xong, tâm dục được giải thoát, tâm hữu lậu, tâm vô minh lậu được giải thoát; đã được giải thoát liền được trí giải thoát; sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân nữa, như thật mà biết. Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc liền thành A-la-hán. Đã thành A-la-hán, Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng lên, đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên, bạch Thế Tôn:
- Nay con đã có trí, nay đã có tuệ, nay đã hiểu chổi quét.
Thế Tôn nói:
- Tỳ-kheo, thầy hiểu thế nào?
Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc đáp:
- Trừ đó là tuệ, dơ là kết.
Thế Tôn bảo:
- Lành thay, Tỳ-kheo! Như lời Thầy nói, trừ là tuệ, dơ là kết.
Bấy giờ Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc hướng về Thế Tôn mà nói kệ:
Nay tụng này đã đủ,
Như chỗ Ngài đã nói,
Trí tuệ hay trừ dơ
Chẳng do hạnh nào khác.
Thế Tôn bảo:
- Tỳ-kheo, như lời thầy nói, do trí tuệ chứ không do gì khác.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 20.Thiện tri thức, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.350)
LỜI BÀN:
Thế Tôn là bậc Y vương, biết bệnh cho thuốc nên bệnh chóng lành. Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc vốn không thông minh để theo pháp học, nhưng nhờ có Thế Tôn chỉ cho pháp hành phù hợp với căn cơ nên nhanh chóng chứng đắc Thánh quả, thành tựu giải thoát.
Mới hay, chỉ cần nương theo pháp Chỉ - Quán, hành giả có thể tự dạo bước trên lộ trình hướng đến giải thoát mà không nhất thiết phải học rộng hiểu nhiều, bằng này cấp nọ. Mặt khác, từ kinh nghiệm pháp hành có thể giúp hành giả dễ dàng thông hiểu pháp học, nhưng ngược lại thì chưa hẳn người học rộng nghe nhiều mà có thể cơ cảm được yếu chỉ của pháp hành.
Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc dù ít chữ nhưng đã quán thấu ngũ uẩn giai không. Còn chúng ta học rộng, nghe nhiều, bằng cao, chức trọng mà nếu như ngã chấp ngày càng lớn thì chẳng ích gì. Pháp của Như Lai là đến để thấy, để sống với, để chứng đạt chứ không phải để nói về. Thế nên trong nhà đạo quý ở pháp hành. Hành đúng và thâm sâu thì chấp ngã mới giảm xuống, trí tuệ mới sáng lên, phiền não mới diệt trừ.
Quảng Tánh