Bạn phải có chánh niệm định tĩnh hay thiền minh sát. Nói cách
khác, hãy quan sát sự biến hoại liên tục trong tâm bạn. Đây là nơi mà
tâm tiến đến sự phát triển tuệ giác giải thoát, nắm lấy cái chết làm đề
mục của tâm. Cái chết ở đây đề cập đến cái chết có mặt trong hiện
tại—các cảm giác mang tính vật lý đang khởi lên và biến mất, các hoạt
động tâm lý khởi lên và biến mất, tất cả đều nằm trong một sát na (chóc
lát) của nhận thức. Chỉ khi nhận thức dựa trên cấp độ này, thì bạn mới
có thể thấu rõ chánh niệm về cái chết.
Bây giờ, nêu ra đề tài về cái chết, chúng ta phải phản
chiếu về sự sống nhằm thấy rõ có bao nhiêu cách mà các cảm giác và các
hoạt động tâm thức được sinh ra. Đây là một cái gì đó mà một người đã
đạt đến tâm thanh tịnh mới có thể biết được.
Các cảm giác khởi lên theo năm cấp độ tinh tế như sau:
1.Sắc xấu (hina-rupa): những cảm giác nặng nề, khó
chịu, nhức nhối và đau đớn. Khi những cảm giác này khởi lên, bạn hãy
tập trung chú ý xem những gì tạo ra chúng cho đến khi chúng biến mất.
2. Sắc đẹp (panita-rupa): những cảm giác thích thú
khiến cho cơ thể cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng và thanh khiết. Hãy tập
trung chú ý vào những gì tạo nên chúng cho đến khi chúng biến mất.
3. Sắc vi tế (sukhumala-rupa): các cảm giác tinh
tế, êm dịu, nhẹ nhàng và linh động. Khi chúng khởi lên, bạn hãy tập
trung chú ý vào những gì tạo ra chúng cho đến khi chúng biến mất.
4. Sắc thô (olarika-rupa): các cảm giác vật lý đưa
đến một cảm giác hùng tráng, phong phú, sáng suốt và hân hoan. Khi
những cảm giác này khởi lên, bạn hãy tập trung chú ý để nhận rõ những gì
tạo nên chúng cho đến khi chúng biến mất.
Tất cả bốn loại cảm giác này khởi lên và biến mất do chính
bản chất của chúng; và có thể nhận rõ nơi chúng xuất hiện đầu tiên.
5. Ý hữu (mano-bhava): các trường hợp tưởng tượng
xuất hiện qua năng lực của tâm. Khi chúng khởi lên, bạn hãy chú ý nắm
lấy những biểu hiện của chúng cho đến khi chúng biến mất. Khi biết rõ
theo cách này, thì bạn thâm nhập vào lãnh vực chánh niệm đích thực về
cái chết.
Một sự giải thích về loại cảm giác này: khi tâm trở nên
bình lặng và định tĩnh, thì nó có năng lực để tạo ra những hình ảnh
trong trí tưởng tượng (các cảm giác nội tại, hoặc các cảm giác trong cảm
giác). Bất cứ điều gì hình dung ra, nó đều nghỉ rằng sẽ xuất hiện với
nó sau đó, và khi chúng xuất hiện, thì tâm có xu hướng thâm nhập vào
chúng, đồng thời rời xa nơi cư trú của mình (nó có thể cách rất xa). Nếu
tâm bám chặt vào các cảm giác này, thì nó được gọi là tái sanh—đơn giản
bởi vì nó không có cảm giác về cái chết. Những cảm giác này có thể xuất
hiện trong bất cứ năm cách sau:
a.Sanh khởi từ tình trạng của cơ thể và biến mất khi tình trạng đó thay đổi.
b. Sanh khởi từ các ý tưởng bị tham, sân hoặc si chiếm hữu—khởi lên, định tĩnh rồi biến mất.
c. Sanh khởi theo hơi thở ra và biến mất theo hơi thở vào.
d. Sanh khởi từ sự thanh lọc máu huyết trong phổi—xuất hiện và biến mất trong chóc lát.
e. Sanh khởi từ việc bơm máu của tim đi vào các bộ phận
khác của cơ thể, áp lực của máu tạo ra các cảm giác khởi lên tương ứng
với thị giác, thanh giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Các cảm giác
kiểu này khởi lên và biến mất trong mỗi sát na.
Một loại cảm giác khác được gọi là “sắc hành xứ”—các cảm
giác xoay quanh cơ thể vật lý. Có năm loại—cảm giác về ánh sáng, âm
thanh, mùi, vị và xúc chạm—mỗi loại bao gồm năm cấp độ. Ví dụ, ánh sáng
thông thường đi qua một cách chậm chạp; trong sự liếc nhìn của con mắt,
nó hội tụ lại rồi sau đó biến mất. Cấp độ thứ hai là như ánh sáng tinh
vi, đi xa hơn, và cấp độ thứ ba là đi xa hơn nữa. Cấp độ thứ tư và thứ
năm có thể đi khắp vũ trụ. Tương tự, các cảm giác về âm thanh, mùi, vị
và xúc chạm cũng như thế. Những mối quan hệ giữa tất cả các tiềm lực
trong vũ trụ vạn hữu đang tương tác trong từng sát na, chỉ khác biệt là
nhanh hay chậm mà thôi. Đây là tính sai biệt được gọi là “vô thường”—sự
biến chuyển vốn có. Bất cứ ai bị vô minh che lấp đều thường xuyên suy
nghỉ rằng tất cả điều này là không thể xảy ra, nhưng thực chất đây là
cách mà các pháp thể hiện bản chất của chúng. Chúng ta sẽ đi đến hiểu
biết điều này qua kỹ năng thể nghiệm—không thông qua khẩu hiệu và các
khái niệm bình thường. Đây được gọi là sự hiểu biết chân thực mà các
thiền sinh phát huy tuệ nhãn sẽ nhận thức rõ chúng: biết các cảm giác
này sanh khởi, sự tồn tại và biến hoại của chúng, trong hạn định thuộc
các đặc tính ban sơ và nguyên lý cơ bản của chúng.
Biết các pháp như thực
Giải thoát, thanh tịnh, an nhiên, buông xả.
Niết bàn là hạnh phúc tối thượng.
Nên biết, quãng thời gian mà các hoạt động của tâm sanh
khởi và hoại diệt nhanh hơn các cảm giác gấp nhiều ngàn lần. Để có thể
nắm bắt được tiến trình sanh khởi và hoại diệt của chúng, nhận thức của
chúng ta phải trở nên định tĩnh. Có bốn loại hoạt động tâm thức như sau:
-Thọ (vedana): sự thể nghiệm của tâm qua các cảm thọ vui, khổ và không khổ không vui.
-Tưởng (sanna): thừa nhận và bám víu các đối tượng của tâm.
-Hành (sankhara): sáng tạo tâm thức hoặc cấu thành điều thiện và bất thiện.
-Thức (vinnana): hiểu biết rõ ràng hoặc nhận thức rõ các đối tượng.
Một loại của các hoạt động tâm thức này tồn tại một chỗ,
sanh khởi và biến hoại qua quán chiếu trong chóc lát. Một loại khác được
gọi là đối tượng của thọ, đối tượng của tưởng v.v
phóng ra bên ngoài để khảo cứu thế giới. Mỗi một loại đều có năm cấp độ
(năm uẩn), khác biệt ở chỗ là chúng thô thiển hay tinh tế, nhạy bén hay
ngu ngơ, nhanh hay chậm. Năm cấp độ này liên kết với mỗi loại khác, tỏa
ra trong nhiều phạm vi, sau đó quay lại điểm khởi nguyên của chúng, hoại
diệt rồi sinh khởi—tất cả đều không có điểm kết thúc.
Khi không có kỹ năng để nhận thức các cảm giác cơ bản và
các hoạt động của tâm tồn tại ở một chỗ, chúng ta không thể thấy rõ đối
tượng của các cảm giác và các hoạt động tâm thức tuôn chảy tròn đầy.
Điều này được gọi là “vô minh”[1], không hiểu rõ “kiết sanh thức”[2],
sanh khởi hoạt động (hành), bản chất của nghiệp. Điều này dẫn đến kết
quả như các cảm giác và cảm thọ được theo sau bởi tham ái, và sau đó
hành động bám víu sanh khởi cấp độ khác của ý thức—của các đối tượng cảm
giác—và vòng xoáy cứ tiếp tục xoay tròn. Đây được gọi là
“khandha-vitta”, nghĩa là vòng quay của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành,
thức), quay tròn và biến đổi thất thường, không nhất quán. Thấy rõ điều
này thì gọi là aniccanupassana-nana, nghĩa là nhận thức rõ bản chất đích thực của vô thường. Điều này được biết qua tuệ nhãn, tức kỹ năng của nhận thức chính xác.
Như vậy, những người thực tập các phương pháp của thiền
minh sát[3] nên ứng dụng tính nhạy bén và thận trọng một cách đầy đủ nếu
họ hy vọng giải thoát khỏi mê mờ. Các hành, trong tình huống này, giống
như những đợt sóng trên biển cả. Nếu chèo thuyền ra khơi khi những đợt
sóng to nổi lên, thì tầm nhìn của chúng ta sẽ bị hạn chế. Tất cả các cảm
giác nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và tưởng tượng của chúng ta đều bị giảm
sút. Chúng ta không thể nhìn xa hơn trong khoảng cách đó. Điều này có
nghĩa khi tâm chúng ta bị mắc phải những chướng ngại, chúng ta sẽ hoàn
toàn không nhận thức rõ cái chết. Tuy nhiên, một khi chúng ta vượt qua
các chướng ngại đó, thì giống như chèo thuyền vượt qua đại dương khi
sóng yên biển lặng. Chúng ta sẽ thấy những đối tượng xa hơn trong khoảng
cách đó. Mắt của chúng ta sẽ nhìn thấy rõ, tai chúng ta sẽ nghe rõ, các
cảm giác ngửi, nếm, xúc chạm và tưởng tượng của chúng ta sẽ trở nên
mênh mông rộng lớn. Nước sẽ trở nên trong xanh, và ánh sáng trở nên rực
rở. Chúng ta có thể biết tất cả xuất hiện xung quanh mình.
Tương tự, những người biết rõ cái chết phải bắt đầu bằng
cách thực tập thiền định như là một nền tảng để phát triển tuệ giác giải
thoát. Năm loại cảm giác được đề cập đến ở trên sanh khởi như thế nào?
Những nguyên nhân của chúng là gì? Chúng biến hoại ra sao? Những cảm thọ
tâm sinh lý khởi lên như thế nào? Chúng biến hoại ra sao? Những nguyên
nhân của chúng là gì? Các nhãn hiệu và khái niệm khởi lên như thế nào?
Những nguyên nhân của chúng là gì? Chúng biến hoại thế nào? Các hoạt
động của tâm sanh khởi ra sao? Các nguyên nhân của chúng là gì? Chúng
biến hoại thế nào? Ý thức sanh khởi như thế nào qua các cảm giác thấy,
nghe, ngưởi, nếm, xúc chạm và suy nghỉ? Những nguyên nhân của nó là gì?
Nó biến hoại ra sao?
Nhìn chung, có bốn cấp độ tác động đến mỗi yếu tố trong năm
uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức): thế giới nội tại tại và ngoại tại,
tuôn chảy và đứng yên. Những điều này có thể được biết đến trong bất cứ
lúc nào, nhưng chỉ những người có tuệ giác xuất phát từ việc luyện tập
tâm trong tỉnh lặng và thiền minh sát mới có thể biết rõ cái chết trên
cấp độ này.
Tuệ giác sanh khởi theo cách này được gọi là “pubbenivas-anussati-nân”,
nghĩa là hiểu biết rõ tất cả các cảm giác trong quá khứ, tương lai và
hiện tại. Những cảm giác này khác nhau ở cách thức chúng sanh khởi và
biến mất. Biết được điều này tức là đã đạt được một kỹ năng nhận thức
dựa trên thể nghiệm.
Thiên nhãn minh (cutupapata-nana): với loại trí
tuệ này, chúng ta có thể nắm bắt được các trạng thái tâm mình khi chúng
sanh khởi và hoại diệt. Các trạng thái tâm ấy, đôi lúc, sanh khởi và
biến hoại tốt; đôi lúc sanh khởi và biến hoại xấu; đôi lúc khởi lên tốt
và biến hoại xấu; đôi lúc sanh khởi xấu và biến hoại tốt. Để nắm bắt
vết tích theo cách này, thì phải biết rõ các trạng thái của hiện hữu và
tái sanh.
Lậu tận minh (asavakkhaya-nana): khi tuệ giác
thuộc kỹ năng này sanh khởi, nó dẫn đến phá tan vô minh với cách thức
mà các cảm giác và hoạt động của tâm sanh khởi và hoại diệt, sau đó sanh
khởi trở lại, đơn giản nó chỉ xoay quanh: các cảm giác thô thiển đi qua
với chu kỳ chậm, các cảm giác tinh tế đi với chu kỳ nhanh hơn; các hoạt
động của thô tâm (tâm thô tháo) đi qua chậm, các hoạt động của tâm vi
tế đi với tốc độ nhanh hơn. Khi nắm bắt được mấu chốt của điều này, bạn
biết rõ hình thái của phiền muộn. Bấy giờ, hãy tập trung chú ý trở lại
tâm của bạn để thấy rõ nó có trung hòa hay không tại thời điểm đó. Nếu
tâm chạy theo sự hiểu biết của nó hoặc các thứ mà nó biết, thì được gọi
là kamasukkallikanuyoga—đắm mình trong khoái lạc. Nếu tâm không chạy theo hiểu biết của nó hoặc những thứ mà nó biết, thì được gọi là attakilamathanuyoga—đắm
mình trong khổ hạnh. Một khi bạn đã thấy rõ điều này, thì hãy điều
chỉnh tâm trở nên trung hòa hướng về bất cứ điều gì mà nó biết: thời
điểm nhận thức đó là trạng thái tâm đang thực hành chánh đạo. Khi chánh
đạo sanh khởi, thì các nguyên nhân của sầu não biến mất. Hãy cố gắng với
cách tốt nhất của bạn để giữ trạng thái tâm đó tiếp tục biểu hiện. Hãy
theo đuổi nó đến mức tối đa nếu bạn có thể. Tâm, khi nó ở trong trạng
thái đó thì được cho là phát triển chánh đạo—và tại bất cứ thời điểm nào
dù chánh đạo bền vững, biến hoại và không hiện hữu.
Khi có thể thực hiện được điều này, bạn đạt đến cấp độ nơi
mà mình biết rõ cái chết. Những người biết rõ cái chết theo cách này thì
sau đó có thể giảm bớt số lượng lớn cái chết của chính họ. Một số các
bậc Thánh có hơn bảy lần chết (sanh tử) trước đó, một số chỉ có hơn một
lần chết, và số khác hoàn toàn vượt qua cái chết. Các bậc Thánh này là
những người hiểu rõ sanh tử, và vì lý do này, họ chỉ còn một vài lần
sanh tử. Thật rất khó để tìm ra những người bình thường hiểu rõ sanh tử
của chính họ theo cấp độ này. Nói chung, sự sanh tử thông thường không
phải là đặc biệt cần thiết, nhưng những người không hiểu giáo pháp lại
đề cao chuyện sanh tử như là một điều phổ biến.
Vì vậy, bất cứ ai biết được cái chết theo cấp độ này đều
phải phát triển kỹ năng nhận thức xuất phát từ việc rèn luyện tâm. kỹ
năng ở đây là biết rõ sự ưu tư của tâm trong quá khứ, tương lai và hiện
tại. Đây là kỹ năng nhận thức, tức sự hiểu biết chơn chánh hay trí tuệ.
Việc buông xã quá khứ, tương lai và hiện tại, hoàn toàn không bám víu
vào bất cứ điều gì: đây là thanh tịnh và giải thoát.
Nói về vô minh, nó thực sự là điều đối lập (với trí tuệ):
không biết những gì về quá khứ, tương lai và hiện tại—sự sanh khởi và
biến hoại của các cảm giác và các hoạt động của tâm thức, hoặc thân và
tâm—hay hầu hết chỉ hiểu biết dựa trên nhãn hiệu và các khái niệm được
ghi nhớ từ những gì người khác nói, chứ không hiểu biết dựa trên cấp độ
nhận thức mà chúng ta phát huy ở chính mình. Tất cả điều này được gọi là
vô minh, hoặc ngu si.
Không quan trọng mấy khi chúng ta sử dụng những từ ngữ trí tuệ và tỉnh giác,
vì nó vẫn không khiến chúng ta đạt được giải thoát. Ví dụ, chúng ta
biết rằng các pháp là vô thường nhưng chúng ta lại đắm đuối vào chúng.
Chúng ta biết các pháp là khổ, nhưng vẫn say mê chúng. Chúng ta biết
các pháp là vô ngã, nhưng vẫn say đắm chúng. Sự hiểu biết về vô thường,
khổ, vô ngã của chúng ta là không thực. Như vậy, đích xác phải hiểu các
pháp này ra sao? Phải hiểu như:
Biết rõ hai bên
Buông xả hai lối
Bỏ hết mọi thứ.
“Biết rõ hai bên” nghĩa là thấu hiểu cái gì là
thường và cái gì là vô thường, cái gì là khổ và cái gì là an vui, cái gì
là tự ngã và cái gì là vô ngã. “Buông xả hai lối” nghĩa là
không bám chấp vào các pháp là thường hay vô thường, không bám chấp vào
các pháp là khổ hay an vui, không bám chấp vào các pháp là ngã hay vô
ngã. “Bỏ hết mọi thứ” nghĩa là không chấp chặt vào quá khứ,
tương lai và hiện tại: sự tỉnh thức không hướng về phía trước hay phía
sau, tuy vậy bạn không thể nói rằng nó đang đứng bám vào một chổ. Phải
nói đó là:
Yavadeva nanamattaya patissatimattaya anissito ca viharati na ca kinci loke upadiyati.
“Chánh niệm và tỉnh thức, tâm an nhiên tự tại, không vướng chấp các pháp”.
[1]Vô minh: hay u mê là một khái niệm quan trọng trong những lời giảng huấn của Phật. Phật giảng rằng Vô Minh là một trong ba thứ nọc độc (tam độc) gồm có Tham Lam, Hận Thù và Si mê (Tham, Sân, Si). Vô minh
tức là si mê, u tối, là sự hiểu biết sai lạc thực thể của những hiện
tượng xảy ra chung quanh ta và trong tâm thức ta. Lầm lẫn do hiểu biết
sẽ đưa đến lầm lẫn trong hành động và những xúc cảm bấn loạn trong tâm
thức. Phật trình bày Vô Minh như là một mối giây, một khoen móc nối chính yếu trong chuỗi dài tương tác (nhị tập nhân duyên) trói buộc mọi sinh linh (chúng sinh) trong thế giới ta bà (sa-bà), còn gọi là thế giới Luân hồi (Samsara). Thế giới Luân hồi tức là một thế giới luôn luôn biến động và đổi thay (vô thường) đang xảy ra chung quanh ta, trên thể xác ta và trong tâm thức ta.
Vô minh tiếng Phạn là Avidyà và tiếng Pa-li là Avijja, nghĩa từ
chương là « thiếu hiểu biết », « thiếu khoa học ». Theo lời giảng huấn
của Phật, Vô minh không phải là sự thiếu hiểu biết có tính cách
học hỏi từ chương trong sách vở, hay sự thiếu hiểu biết có tính cách
thông thái chất chứa trong phần trí nhớ của ta. Vô minh mà Phật thuyết
giảng ám chỉ một cái nhìn sai lầm, một quan niệm lệch lạc, thiếu sự cảm
nhận trực tiếp về thực thể hay bản chất đúng thực của những hiện tượng
chung quanh ta. Phật dạy ta nhìn (quán nhận) bản chất đúng thực của mọi vật thể (và mọi hiện tượng) như thế này : « Đây
là một vật thể, đây là cách thức dựa vào đó vật thể hiển hiện ra, đây
là sự chấm dứt của nó, và đây là con đường (hay cách thức) đưa đến sự
chấm dứt của nó. Nếu ta nhìn bằng phương cách như thế, ta sẽ thấy rằng
mọi vật thể (và mọi hiện tượng) tự nó không có một sự hiện hữu thật sự
nào cả, một sự độc lập nào cả ». Câu ấy có nghĩa là tất cả mọi vật
thể và mọi hiện tượng ta thấy đều do nhiều thành phần, nhiều điều kiện
tạo ra nó. Những thành phần và những điều kiện ấy biến đổi không ngừng,
những vật thể và những hiện tượng do chúng tạo ra vì thế cũng biến đổi
không ngừng.
Vậy Vô minh là gì? Vô minh là cái nhìn cứng ngắc cho rằng mọi vật thể tự nơi chúng chúng có thật, giống như có một bản thể thật sự bất di dịch (tự tại)
mà ta có thể nắm bắt được, chiếm giữ được. Chữ mọi vật thể nói đến ở
đây không những chỉ định các vật thể vật chất và những hiện tượng bên
ngoài mà còn gồm cả những vật thể thuộc tâm thức, tức những giác cảm,
những cảm nhận (cảm biết), những thành phần duy ý hay chủ tâm (sự bám
níu), tri thức (sư hiểu biết) và tư tưởng (tư duy) của ta nữa. Năm thành
phần này Phật gọi là « năm thứ cấu hợp của sự chiếm hữu » (ngũ uẩn).
Tại sao gọi là chiếm giữ ? Chỉ vì khi ta chiếm giữ làm sở hữu năm thứ
cấu hợp luôn luôn biến động ấy sẽ làm phát sinh trong ta cái ảo giác về
thực thể của một cái « tôi » bền vững, tức ảo giác của một cái « ngã » (tiếng Phạn : àttman, tiếng Pali : atta), tức một cái « ta » có thể tính trường tồn.
[2] Kiết sanh thức: là thức liên hệ giữa đời này và đời sau của
nhiều cảnh giới từ địa ngục cho đến cõi cao nhất của vô sắc giới. Nếu
đọc giả muốn hiểu rõ hơn về Kiết sanh thức, thì nghiên cứu tác phẩm
Thắng Pháp Tập Yếu Luận, chương V, do HT Minh Châu biên dịch.
[3] Thiền minh sát: Trong tiếng Pali, từ 'Vipassana'là danh từ ghép hai từ khác là: “Vi”có nghĩa là “bằng nhiều cách khác nhau” và “passana”có nghĩa là “thấy”. Vì vậy, nguyên chữ “Vipassana” có nghĩa là “thấy bằng nhiều cách khác nhau”, và khi được dùng trong ý nghĩa về “Thiền” thì “Vipassana” có nghĩa là: “thấy mọi đối tượng hay hiện tượng là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta)”.
Nguyên tắc của Thiền Minh Sát là “quan sát” hay “quán sát” bất kỳ quá
trình tâm vật lý khởi sinh lên ngay trong khoảng khắc này. Như vậy việc
định tâm không phải được cố định trên một đối tượng riêng lẻ nào, mà
trên những khoảng khắc định tâm hay sát-nađịnh (khanika samadhi) khởi
sinh lên khi tâm không còn dính với năm chướng ngại. Trong lúc này, tâm
có thể “lưu ý” bất cứ đối tượng nào nổi lên hay khởi sinh một cách mạnh
mẽ, và nó sẽ lộ ra bản chất đích thực của nó (yathabhuta).