Sau khi đạt đến Chánh Đẳng Giác, Đức Phật bắt đầu tiếp nhận đệ tử gia nhập Tăng đoàn của Ngài dựa trên quyết tâm của người đệ tử ấy, miễn sao người ấy có thể tận tâm sống cuộc sống của một Tỳ-kheo để theo đuổi con đường giải thoát mà Đức Phật đã chứng ngộ. Sự tình đã diễn ra như thế cho đến khi chính phụ thân của Đức Phật, vua Suddhodhana, yêu cầu rằng, “trong tương lai không một đứa trẻ nào được chấp nhận vào Tăng đoàn mà trước đó không có sự ưng thuận của cha mẹ chúng”. Đức Phật đã chấp thuận yêu cầu đó của vua cha và lập ra một quy định tương ứng trong Luật (Tỳ-ni) nghiêm cấm việc tiếp nhận vào Tăng đoàn những đứa trẻ chưa có sự ưng thuận của cha mẹ chúng.
Quy định này đã đi ngược lại chính những hành động mà Đức Phật vẫn thực hiện cho đến lúc bấy giờ.
Một học giả nghiên cứu về Phật giáo là R.F. Gombrich1 ghi nhận rằng, “Chấp nhận yêu cầu ấy, về thực tế, Đức Phật đã tự sửa chữa để những gì Ngài đã làm cho cha mình và những gì Ngài vừa lặp lại với chính đứa con của mình sẽ không bao giờ còn gây tổn thương cho bất kỳ một bậc cha mẹ nào”1. Như vậy, theo Gombrich, không như những quy định khác của Luật (Tỳ-ni) vốn được nêu ra để điều chỉnh một hành vi thiếu trí tuệ của các đệ tử, người có lỗi ở đây chính là Đức Phật.
Tuy nhiên, tôi không đồng ý với quan điểm của Gombrich. Nếu Đức Phật tự sửa chữa lỗi lầm., chúng ta sẽ lấy làm ngạc nhiên vì tại sao Ngài không bao giờ đòi hỏi một người đàn ông đã có gia đình muốn xuất gia phải có sự đồng ý của người vợ của mình bên cạnh việc có được sự đồng ý của cha mẹ; vì, trong khi người con xuất gia có thể làm đau lòng những bậc cha mẹ không đồng tình, một người chồng xuất gia có thể hủy hoại cuộc đời của một người vợ, đặc biệt là trong trường hợp người vợ còn đang sống trong gia đình chồng, hầu như chẳng có tài sản và quyền lực gì. Và điều đó lại càng có vẻ kỳ cục vì chính Đức Phật đòi hỏi một người phụ nữ đã có gia đình muốn xuất gia phải được sự đồng ý của cả cha mẹ lẫn của người chồng. Phải chăng điều đó có nghĩa là Đức Phật có một khuynh hướng chống lại việc phụ nữ gia nhập giáo đoàn? Và trường hợp những đứa trẻ trở thành mồ côi khi cả cha mẹ chúng đều gia nhập giáo đoàn thì thế nào? Ở đây, tôi muốn đưa ra một lời giải thích khác.
Trước hết, tôi phải chỉ ra rằng đức vua Suddhodhana có lẽ không phải là người đầu tiên yêu cầu Đức Phật đặt ra những ràng buộc để ngăn chặn dòng người xin vào giáo đoàn của Ngài. Theo Luật (Tỳ- ni), sau khi chứng ngộ đạo vô thượng và trước lúc gặp lại vua cha, Đức Phật đã dẫn một ngàn vị tu khổ hạnh nay đã trở thành Tỳ-kheo đến Rajagaha (thành Vương xá), và trong thời gian tạm cư ở đó, Ngài đã chấp nhận cho gia nhập giáo đoàn của Ngài hai trăm năm mươi người mới trong đó có cả hai ngài Sariputta (Xá-lợi-phất) và Moggallana (Mục-kiền- liên), nguyên là những đệ tử của giáo phái Sanjaya. Không những thế, lại còn có nhiều thanh niên trẻ tuổi tìm đến xin thực hành phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Đức Phật. Thế là công chúng bắt đầu chỉ trích Ngài, tuyên bố rằng nhà tu khổ hạnh Gotama đang tích cực hoạt động để khiến cho dân chúng trở thành không có con nối dõi, tạo ra những người đàn bà góa và phá vỡ đời sống gia đình. Khi trông thấy những Tỳ-kheo, người dân ở Rajagaha chế giễu họ bằng lời kệ như sau: “Quả là nhà tu khổ hạnh vĩ đại đã tới cổ thành Giribbaja2 của xứ Magadha. Sau khi đã dẫn đi toàn bộ giáo đoàn của Sanjaya, giờ đây ông ấy sẽ dẫn người nào theo nữa?”3.
Lý do nào dẫn đến phản ứng của công chúng như vậy? Vì dân chúng xứ Magadha cảm thấy bị đe dọa. Vì sao họ cảm thấy thế? Vì họ phản đối việc xuất gia của chồng hay con của họ. Thế thì tại sao họ đã không trực tiếp khiếu nại với Đức Phật và yêu cầu Ngài có một hành động nào về tình trạng ấy? Có lẽ là họ cũng đã lên tiếng và có lẽ Đức Phật đã từ chối giải quyết giúp họ. Mặc dù không có một nguồn văn bản Pali nào ghi nhận một yêu cầu liên quan cũng như lời từ chối của Đức Phật, tôi cho rằng đó là cách giải thích có vẻ hợp lý hơn cả cho việc vì sao dân chúng ở Rajagaha phải sử dụng tới việc tấn công công khai vào Đức Phật và các đệ tử của Ngài.
Mặc dù chúng ta không thể biết một cách chắc chắn rằng, trong lúc đang ở lại Rajagaha, Đức Phật có thực sự bác bỏ những yêu cầu cá nhân để trả lại những người trẻ cho gia đình của họ hoặc không chấp nhận vào Tăng đoàn của Ngài những ai xuất gia mà không có sự ưng thuận của cha mẹ hay không, chắc chắn Ngài đã không nhân nhượng khi Ngài phải đối mặt với những sự phản ứng của công chúng. Thực tế, Ngài đã dạy các đệ tử một bài kệ dùng để trả lời trước sự kết tội của công chúng như sau, “Đúng vậy, các bậc Đại hùng, các Đấng Như Lai dẫn dắt bằng Chánh pháp. Những người nhận thức được chư Phật là người dẫn dắt bằng Chánh pháp thì có gì phải ghen tỵ với chư Phật?”3.
Vậy tại sao Đức Phật đã động lòng trước yêu cầu của vua cha? Tôi cho rằng vì Ngài biết rằng Ngài không thể tiếp tục làm ngơ trước một yêu cầu như vậy, vì sẽ trở nên quá nguy hiểm cho Ngài cũng như giáo đoàn của Ngài nếu như Ngài tiếp tục hành xử như trước. Đức vua Suddhodhana có vẻ là một người có quyền lực trong dòng Thích-ca; nếu nhà vua không ngăn trở Đức Phật và các đệ tử, hẳn là chỉ vì Đức Phật là con của nhà vua chứ không phải vì nhà vua không có đủ quyền lực. Nếu một vị vua khác hay một người khác có quyền lực mất con vì con tham gia giáo đoàn của Đức Phật không có sự ưng thuận của họ, họ có thể trở thành kẻ thù nguy hiểm và nghiệt ngã hơn đối với Đức Phật và giáo đoàn của Ngài. Chính là để bảo vệ giáo đoàn trước những nguy hiểm như vậy mà Đức Phật đã phải từ bỏ chính sách tuyển mộ trước đó và khiến việc có được sự ưng thuận của cha mẹ là một điều kiện bắt buộc đối với những ứng viên gia nhập giáo đoàn.
Cũng chính vì lý do đó mà Ngài đã khiến cho việc có sự ưng thuận của người chồng là điều kiện bắt buộc đối với những người phụ nữ có mong muốn gia nhập Ni giới. Nếu không có điều kiện này, cái hoạt cảnh một vị quận chúa xuất gia mà không có sự ưng thuận của người chồng và vì thế khiến người chồng của vị quận chúa ấy, có thể là một hoàng tử hay một vương thân, trở thành một kẻ thù nghiệt ngã của Tăng đoàn hoàn toàn là một thực tế có khả năng xảy ra.
Và không thể nào khuếch đại những mối nguy hiểm chực chờ các vị Tỳ-kheo dám vượt qua những quyền lực khi mà:
“Thế rồi vua Senyia Bimbisara xứ Magadha hỏi các vị đại thần phụ trách về xét xử: ‘Này các ông, nếu có một kẻ khiến cho người hầu cận của nhà vua xuất gia mà không được sự ưng thuận của nhà vua thì kẻ đó làm phát sinh điều gì cho chính mình?’”.
“Tâu Đại vương, đầu của một vị giáo thọ nên được cắt rời khỏi cổ, lưỡi của kẻ đưa ra lời thuyết pháp nên được cắt lìa, một chân và một tay của một thành viên trong nhóm nên được chặt bỏ…”.
“Bấy giờ vua Senyia Bimbisara thưa với Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, có những vị vua thiếu niềm tin, không có sự tin tưởng, những vị đó có thể làm hại các Tỳ-kheo kể cả bằng những hình phạt tàn khốc nhất. Bạch Thế Tôn, sẽ là tốt hơn nếu các vị trưởng lão đừng làm cho những kẻ hầu cận của nhà vua xuất gia’”4.
Theo những giải thích dẫn trên, các vị trưởng lão chấp nhận những người làm việc cho hoàng gia được phép xuất gia chỉ nên chấp nhận điều đó căn cứ vào đề nghị của nhà vua. Nếu chỉ với những người hầu cận của hoàng gia mà các vị trưởng lão đã có thể phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt như thế, thì chúng ta có thể tưởng tượng thế nào về những hình thức khủng bố rùng rợn sẽ chờ đợi một vị trưởng lão khi vị ấy cả gan chấp nhận vào Tăng đoàn một vị hoàng tử, một vị công chúa hay một vị hoàng hậu mà không có được sự ưng thuận của một nhà vua có liên quan. Đức Phật có thể vẫn được an toàn vì Ngài là bậc Chánh Đẳng Giác, được tôn trọng, nhưng các đệ tử của Ngài chắc chắn không thể có được cái may mắn ấy. Nhu cầu bảo vệ những tín đồ trung kiên của mình có thể là lý do chính xác khiến Đức Phật phải nêu nguyên tắc có được sự ưng thuận của người chồng đối với người muốn tham gia Ni giới và có được sự ưng thuận của cha mẹhoặc của cả cha mẹ lẫn của người chồng đối với những người sẽ trở thành Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni.
Hơn nữa, cũng với cùng những nhận thức đó có thể giải thích vì sao Đức Phật không bao giờ quan tâm đến việc có được sự ưng thuận của người vợ khi Ngài chấp nhận cho người chồng xuất gia. Điều đơn giản là vì Ngài biết rõ những người vợ của những ứng viên Tỳ-kheo của Ngài trong thời ấy, thường là sống bên gia đình chồng, khó mà có được địa vị có thể gây hại cho Tăng đoàn. Trong thời ấy, ngay cả một vị quận chúa mất chồng vì chồng gia nhập Tăng đoàn mà không có sự đồng ý của mình, người ấy cũng chẳng có quyền lực gì để chống lại Tăng đoàn, trừ khi người ấy có được sự ủng hộ của gia đình chồng, là những người mà nhiều phần là bà ta phải sống chung. Và nếu gia đình chồng của bà ta đã đồng ý để chồng của bà ta xuất gia, thì quả là có quá ít cơ hội để họ giúp đỡ bà ta chống lại Tăng đoàn.
Có nhận định rằng “Hiển nhiên tiếng nói của người vợ chẳng bao giờ được lắng nghe”. Tuy nhiên, như được thấy từ những gì đã diễn ra ờ Rajagaha đã được trình bày ở trên, những người vợ đã có khả năng làm cho lời phàn nàn của họ đến tai Tăng đoàn; có điều là như chúng ta đã thấy, Đức Phật không quan tâm đến tiếng nói của họ. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta không nên thấy đó là một sự thiên vị chống lại phụ nữ. Nếu như xã hội bấy giờ theo chế độ mẫu hệ, tôi tin rằng Đức Phật sẽ không ngần ngại thực hiện điều ngược lại: Ngài sẽ đòi hỏi người đàn ông có gia đình muốn xuất gia phải được vợ đồng ý, nhưng không đòi hỏi điều đó ở người phụ nữ có gia đình muốn xuất gia.
Cái thực tế phụ nữ không có hoặc có rất ít quyền hạn là một khiếm khuyết của xã hội thời bấy giờ. Điều hoàn toàn dễ hiểu là Đức Phật đã chẳng thể nào sửa chữa khiếm khuyết đó, vì Ngài chỉ là một nhà tu khổ hạnh sống bên ngoài xã hội. Nhưng làm sao mà Ngài có thể lợi dụng một khiếm khuyết của xã hội cho lợi ích của lý tưởng giải thoát của Ngài? Nói khác đi, phải chăng việc một người như Ngài, được kính ngưỡng là bậc toàn giác có trí tuệ và từ bi vô lượng, lại không lý gì đến nỗi đau khổ của những người vợ miễn cưỡng chấp nhận thực tế có chồng xuất gia vì chẳng thể làm gì được, là một điều thích đáng? Câu trả lời của tôi là, khi Đức Phật không quan tâm đến hoàn cảnh của những người vợ trong trường hợp chồng của họ xuất gia, Ngài không hề làm hại xã hội mà chỉ thành tựu lý tưởng của mình nơi nào và lúc nào Ngài có thể thực hiện được.
Chúng ta hãy xét một trường hợp. Giả sử một người đàn ông đã có vợ mà lòng mong muốn xuất gia của người ấy quá mạnh đến nỗi đã làm cho cha mẹ của người ấy phải ưng thuận rồi xin gia nhập Tăng đoàn. Cũng giả sử rằng vợ và con của người ấy hết sức không đồng ý với quyết định của anh ta mà không thể nào cản trở được ý muốn của anh ta, và việc xuất gia của anh ta sẽ đưa gia đình của anh ta đến chỗ thiếu thốn và đói khổ vì trước khi xuất gia thì anh ta là người lao động chính nuôi cả gia đình.
Trong trường hợp này, việc tìm kiếm sự giải thoát bằng cách xuất gia và hiến cả cuộc đời cho việc theo đuổi con đường Thánh là một tác ý tốt về phần người chồng trẻ. Vì Đức Phật xác định rằng nghiệp chính là tác ý, một tác ý tốt sẽ dẫn đến một nghiệp tốt, đó chính là chánh nghiệp theo lý thuyết về nghiệp trong Phật giáo. Và chánh nghiệp của người thanh niên xuất gia sẽ không thay đổi cho dù hậu quả của hành động ấy là sự đau khổ của gia đình mình; vì ngay cả một hành động có thiện ý mang lại những hậu quả xấu trong thực tiễn thì cũng là một bước tích cực tiến tới sự giải thoát.
Nếu vậy, Đức Phật và các trưởng lão, tức là những người có trách nhiệm trong việc mang người thanh niên ra khỏi gia đình của anh ta, cũng chẳng có gì đáng trách về mặt đạo đức. Quả thật, chính hành động của Đức Phật hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc ấy khi Ngài đã quyết định lúc còn là một vị thái tử, rời bỏ hoàng thành để đi tìm chân lý, hoàn toàn ngược lại với kế hoạch của vua cha; và rồi, sau khi đạt tới Chánh Đẳng Giác, Ngài bắt đầu cho phép mọi người tham gia giáo đoàn mà không hề quan tâm đến gia đình của họ cũng như xã hội họ đang sống, và Ngài đã tiếp tục thực hành chính sách ấy bao lâu Ngài còn có thể thực hành được. Và nếu chúng ta dùng phép ngoại suy từ những hành động ấy dựa trên cùng nguyên lý, chúng ta có thể kết luận rằng nếu có thể, Đức Phật sẽ muốn chẳng phải quan tâm đến những điều kiện bên ngoài, kể cả việc có sự ưng thuận của cha mẹ, trong trường hợp bất kỳ một ứng viên nào thực sự cầu tìm sự giải thoát.
Mặt khác, nếu sau đó, Đức Phật đã có những quy định dựa trên những điều kiện ngoại tại, những giới hạn đó chỉ là những sự nhượng bộ mà Ngài buộc phải thực hiện để tránh sự cọ xát với xã hội hay với những người trong giới cầm quyền của xã hội. Yêu cầu có sự ưng thuận của cha mẹ cho mọi ứng viên xuất gia và sự ưng thuận của người chồng với ứng viên Tỳ-kheo- ni chỉ là một trong những sự nhượng bộ mà Đức Phật buộc phải áp dụng đối với xã hội. Chúng ta có thể tìm thấy những sự nhân nhượng tương tự trong những quy định khác như việc không chấp nhận vào giáo đoàn những người bị bệnh nặng, những nhân viên của hoàng gia, những tướng cướp và những kẻ ăn trộm nổi danh, những kẻ là tù vượt ngục, những người trộm cắp đang bị truy nã, những kẻ đang có nợ, những người nô lệ… Sau cùng, là người lãnh đạo một cộng đồng tồn tại nhờ sự trợ giúp của xã hội thế tục, Đức Phật chắc chắn không thể chịu đựng sự va chạm với xã hội. Cho nên, hoàn toàn không hợp lý khi nghĩ rằng Đức Phật đã lợi dụng những khiếm khuyết của xã hội đương thời chỉ vì Ngài phủ nhận yêu cầu của phụ nữ về việc chồng của họ xuất gia; Ngài chỉ bác bỏ việc nhân nhượng đối với phụ nữ trong thời của Ngài, là những người quá yếu về mặt quyền hạn để có thể đưa ra đòi hỏi. •
Chú thích của người dịch:
- Richard Francis Gombrich, sinh năm 1937, nhà Ấn Độ học người Anh, chuyên nghiên cứu về Pali, Sanskrit và Phật học, nguyên giáo sư Oxford, nguyên Chủ tịch Pali Text Society, hiện là Chủ tịch sáng lập Viện Nghiên cứu Phật học, Viện Đại học Oxford. Quan điểm trong bài viết được trích từ What the Buddha thought,NXB Equinox, London,
- Tên cũ của Rajagaha
- Trích từ Luật tạng, bản dịch tiếng Anh của Horner, The Book of the Discipline (Vinaya Pitaka), quyển 4, trang 56
- Trích từ Luật tạng, bản dịch tiếng Anh của Horner, The Book of the Discipline (Vinaya Pitaka), quyển 4, trang 92
Nguồn: Did the Buddha Correct Himself? Pandita (Burma),
Journal of Buddhist Ethics, Volume 19, 2012.
Pandita là một tu sĩ người Myanmar, hiện giảng dạy tại Viện Nghiên cứu về Phật học và Pali, chương trình Sau đại học, thuộc Viện Đại học Kelaniya, Sri Lanka, cộng tác viên thường xuyên của Journal of Buddhist Ethics, một chuyên san nghiên cứu về đạo đức Phật giáo xuất bản hàng năm bắt đầu từ năm 1994.
nguồn:TC Văn Hóa Phật Giáo