Các phật tử thì săn sóc ủng hộ các tu
sĩ các nhu cầu vật chất tối thiểu (y áo, thuốc men, giường chiếu và thực
phẩm) và biểu lộ chân thành lòng thương yêu, kính trọng.
Các tu sĩ thường bị ràng buộc bởi giới luật nên không nói rõ các phật tử
các nhu cầu trên. Các phật tử cần rõ điều này, đến gần các tu sĩ để
biết các vị đang cần gì để hộ trì. Hộ trì tu sĩ có nghĩa là hộ trì Chánh
pháp, mong muốn Chánh pháp được tồn tại lâu dài giữa đời. Chánh pháp
tồn tại lâu dài thì cuộc đời được thêm phần an lạc. Hộ trì tu sĩ như thế
có nghĩa là đóng góp vào việc xây dựng an lạc cho cuộc đời, cho chính
tự thân người hộ trì.
Ðáp lại, người tu sĩ vốn là vô sản,
trọn ngày chỉ học Phật Pháp, khất thực và hành Thiền định, chỉ có trao
cho người cư sĩ tấm lòng từ mẫn, lân mẫn, các hiểu biết về các pháp, và
giới thiệu các cư sĩ con đường chân chính đoạn khổ, xây dựng hạnh phúc ở
đời. Tương hệ này là đầy tình đạo và tình người.
Vị tu sĩ chỉ trao truyền kiến thức và
kinh nghiệm tu tập cho các phật tử, cung cấp các kiến thức, trao truyền
năm giới, mười giới, bát quan trai giới, và khích lệ các phật tử giác
tỉnh vô thường mà phát khởi tinh tấn tu tập.
Thiếu lòng từ mẫn, thiếu kinh nghiệm
của học hỏi và tu tập Phật Pháp thì dù có đầy đủ ý thức trách nhiệm đối
với cư sĩ, các tu sĩ cũng không đóng được vai trò của mình, cũng không
giữ được thiên chức thiêng liêng cao cả của mình. Nhận sự hộ trì của các
tu sĩ là nhận lãnh trách nhiệm giáo dục của mình, là chấp nhận mối
tương giao rất hợp lý, đầy tình người và tình đạo, như Thế Tôn đã dạy về
mối tương hệ ấy.
Mối tương hệ đó như là sự trao đổi hai
chiều các nhu cầu của mỗi phía một cách công bằng và có tính cách tự
nguyện mà không ràng buộc nhau, không gây thiệt thòi cho phía nào. Người
tu sĩ không phải chỉ giảng dạy Phật Pháp và con đường tu tập, mà còn
đảm trách thêm việc giáo dục hướng dẫn về kinh tế, quản lý gia đình và
các tâm lý cá nhân, xã hội, những gì trực tiếp ảnh hưởng đến hạnh phúc
cá nhân, gia đình và xã hội.
Tóm lại, nhu cầu người cư sĩ chờ đợi ở
tu sĩ là nhu cầu giáo dục (theo nghĩa rộng), và nhu cầu người tu sĩ chờ
đợi ở cư sĩ là nhu cầu kinh tế. Hai nhu cầy ấy bổ sung cho nhau trong
một hòa điệu của sự hưng thịnh của Phật giáo và sự an lạc, hạnh phúc,
phồn vinh của cuộc đời.
Theo đó, thiết lập tương giao tốt giữa
con người, đấy là một nghệ thuật sống. Nghệ thuật này được xây dựng
trên các yếu tính: kính trọng nhau, chấp nhận nhau, thành thực với nhau,
và thương yêu giúp đỡ lẫn nhau vì hạnh phúc chung.
Nếu trước đây Thế Tôn đã cặn kẽ dạy
chàng thanh niên Singàla trong kinh Thiện sinh hướng về tôn kính, xây
dựng sáu mối tương giao kia, thì ngày nay người tu sĩ cũng cần hỗ trợ
cho các phật tử tại gia công việc tương tự. Ðể thể hiện tốt vai trò
hướng dẫn, chỉ đạo của mình, vị Tỷ-kheo cũng cần có kiến thức về tâm lý,
về kinh tế, xã hội. Ðời sống vị Tỷ-kheo, qua mối tương giao này, không
chỉ giới hạn trong khuôn viên nhà chùa, mà cần phải đi vào sự quan tâm
đến hạnh phúc của người đời với thái độ dấn thân tích cực hơn.
Kinh nghiệm lịch sử, đặc biệt là lịch
sử Việt Nam, cho thấy thời đại nào mà có nhiều tu sĩ Phật giáo chân
chính hành đạo với kiến thức uyên bác, dấn thân giúp đỡ xã hội thì Phật
giáo hưng thịnh và dân tộc cũng hưng thịnh, như đời Lý, Trần; thời đại
nào các vị Sư thu mình về trong khuôn viên nhà chùa, trong tinh thần
lánh thế, hay đi xa con đường thực hành Giới, Ðịnh, Tuệ thì thời đại ấy
Phật giáo suy vong, hay đi vào suy vong, và dân tộc cũng không hùng
cường, như cuối đời Lý, cuối đời Trần và qua triều Lê, Nguyễn. Giới bổn
Ba-la-đề-mộc-xoa cần được hiểu một cách sáng tỏ là làm dậy sức sống giải
thoát trong mỗi người, đem lại an lạc cho mình và người, chứ không phải
để buộc chân người cứu thế, độ đời.
Người tu sĩ và người cư sĩ đều cùng
lúc có hai bổn phận chính yếu: một bổn phận đi vào giải thoát và một bổn
phận xây dựng hạnh phúc cho đời. Xây dựng được mối tương giao thứ sáu
tốt đẹp là làm tròn hai bổn phận đó. Và ngược lại.
TK.Thích Chơn Thiện