Nói một cách vắn tắt, tất cả những nan giải được nêu lên cho tánh
Không luận là người ta có được quyền coi nó như một hư vô luận hay
không? Chắc chắn, tánh Không và hư vô có thể được hiểu như là đồng
nghĩa. Như vậy, đến mức độ nào thì thứ hư vô luận này được coi như là
phương tiện để đạt đến một chân lý tuyệt đối nào đó; và trong một mức độ
nào thì tánh Không là cứu cánh của phương tiện diễn đạt ấy? Chúng ta
không thể không lầm lẫn giữa phương tiện và cứu cánh; bởi vì, mối tương
quan giữa chúng không gì khác hơn chính là mối quan hệ nhân quả.
Nàgàrjuna nhắc nhở: "Như bắt rắn không đúng cách; như dùng chú thuật sai
lạc, tánh Không bị hiểu nhầm là điều tai hại cho kẻ trí năng thấp kém."
(MK. XXIV. 11)
Nhắc nhở ấy hình như chỉ là lấy lệ. Ai cũng có thể viện dẫn lời khuyến
cáo ấy để binh vực cho giải thích của mình về tánh Không. Theo giải
thích chung của đa số, trong mức độ mà tánh Không luận chỉ là phương
tiện diễn đạt về một Tuyệt đối bất khả tri nào đó, thì tánh Không luận
cũng đồng với hư vô luận. Ơ?đây, người ta ưa dùng chữ Phủ định luận hơn.
Trong mức độ mà tánh Không chính là cứu cánh, người ta sẽ coi nó như
một thực nghiệm luận, hay thực hữu luận. Bởi vì, nó thực đến độ người ta
phải nhảy vọt qua tất cả hàng rào danh lý để diện kiến trực tiếp, vì
đây là nơi: "chấm dứt tất cả con đường của ngôn ngữ; hủy diệt tất cả con
đường của tư tưởng". Ở đây, người ta ưa gọi tánh Không luận như một thứ
Tuyệt đối luận. Nếu kết hợp cả hai, tánh Không vừa là phương tiện và
vừa là cứu cánh, ta có một danh từ tập hợp để chỉ cho nó: Tuyệt đối duy
danh luận. Tuyệt đối, vì tánh Không là cứu cánh phải đạt đến. Duy danh,
vì tánh Không là phương tiện đáng được thể hiện. Nhưng, hai chữ này,
Tuyệt đối và Duy danh (hay giả danh), chống đối lẫn nhau, loại trừ lẫn
nhau. Nếu duy danh - như là phương tiện của tánh Không – mà được khai
thác đến triệt để, thì nó tiến đến nột hư vô luận ở ngay nơi cứu cánh
chứ không chỉ ở phương tiện. Chúng ta giả thiết một quá trình lịch sử về
tánh Không luận để giải thích điều này. trọng tâm của vấn đề là: từ
những dữ kiện thực nghiệm, vì những nan giải nào của nhận thức và diễn
đạt, mà người ta phải tiến đến một hư vô luận như vậy – bất xét đó là hư
vô luận ở phương tiện hay hư vô luận trong cứu cánh. Vấn đề được rút
lại trong câu hỏi : "cái gì có và cái gì không?" Dể có thể có một trả
lời thích ứng, người ta phải xét đến hai trường hợp: khả tính của phức
thể và khả tính của nhứt thể. Hai khía cạnh này nhằm xác định một điều:
Khả tính của đối tượng. Nhận thức về một đối tượng tức la nhận thức về
một nhất thể; nhất thể hiểu như là tổng hợp của những phức thể. Thí dụ,
vì thế giới của dữ kiện kinh nghiệm là thế giới của tương quan: "một
chút màu xanh của biển càng xanh khi máu đỏ càng đỏ" nói như nhà thơ
Pháp, Paul Claudel; do đó nhất thể của đối tượng lại được coi như là
tổng hợp của những phức thể. Thí dụ khác, vật chất hữu hình mà ta thấy
đó là sự kết hợp của vô số cực vi; nhưng lý luận đến kỳ cùng thì sự kết
hợp này là điều bất khả: chỉ có tổ hợo hữu hình nhưng không có yếu tố
của tổ hợp; giống như một vòng lửa, không có hiện hữu đích thực của
nhiều đốm lửa để hợp thành một vòng lửa. Vòng lửa là ảo ảnh về sự liên
tục vận chuyển của một đốm lửa. Tất cả mọi tổ hợp đều là rỗng không. Như
vậy, do ảo tưởng nào mà người ta hứa hẹn khả tính của nhất thể? Chỉ có
nhất thể trong tên gọi, đó là lập trường duy danh luận; trong lập trường
này, đã hàm ý một hư vô luận.
Trong lịch sử tư tưởng của Tánh Không luận, khởi đầu là sự tranh luận
về điểm: có nên thừa nhận có một Bản ngã (Pdugala) hay không? Sự tranh
luận này được khởi đầu vì hình như nguyên thủy, Phật từ chối về một Bản
ngã, nhưng phái Vàtsiputìrya lại chủ trương phải có Bản ngã và dẫn chứng
lời của Phật. Theo lập luận của phái này, nếu không có sự tồn tại của
một Bản ngã, làm sao người ta có thể truy ức về những hoài niệm đã qua?
Những hoạt động của các tổ chức vật lý và tâm lý phải chịu sự chi phối
của định luật vô thường; nếu không có sự tồn tại của một Bản ngã ở ngoài
định luật này, cái gì duy trì những hoạt động của các tổ chức vật lý và
tâm lý để có thể truy ức về một quá khứ của chúng? Vả lại, nếu căn cứ
trên định luật nhân quả, với tính cách phổ quát và thường nghiệm của
định luật, người ta bị bắt buộc phải thừa nhận tính cách thường tại của
một Bản Ngã. Bởi vì, phải có một Bản ngã vừa là tác giả vừa là thọ giả,
người ta mới giải thích được mối tương quan và đồng nhất giữa tác dụng
và phản ứng của tác dụng.
Lối lập luận trên đây nếu được nới rộng, ta sẽ đi đến một Nhất thể toàn
diện và khép kín. Nhất thể đó sẽ là căn nguyên của tất cả vạn hữu. Nó
thỏa mãn câu hỏi: thế nào là khả tính của một đối tượng? Câu trả lời có
thể là: trong tương quan đối đãi với một Bản ngã thường tại, khả tính
của một đối tượng được xác định từ một Nhất thể toàn diện. Nói theo
thuật ngữ: Ngã pháp câu hữu; Bản ngã và những yếu tố tập hợp của tất cả
phức thể: cả hai không đồng nhất cũng không dị biệt. Tập hợp các phức
thể thành một Nhất thể: Nhất thể không phải là một bản thể, hay bản ngã,
ở ngoài các phức thể. Nhưng ngược lại, do Nhất thể – xét như một bản
thể hay bản ngã – mà trật tự của các phức thể được duy trì và chúng có
thể tác động theo định luật nhân quả: như vậy, Nhất thể không thể đồng
nhất với phức thể. Nhất thể và phức thể không đồng nhất cũng không dị
biệt: các nhà Vàtsiputrĩyas thành lập một Bản ngã bất khả thuyết.
Chủ trương này bị cực lực phản đối. Lý do chính của sự phản đối này là:
bất cứ một chủ trương nào thừa nhận có một Bản ngã thường tại đều đi
ngược với Phật pháp. Trong lý tưởng "tuyệt đối từ khước" không thể dung
dưỡng một Bản ngã như vậy; dù Bản ngã được hiểu, trong phạm vi thường
nghiệm như một chủ thể tâm lý, hay trong lãnh vực tâm linh như một
nguyên lý siêu hình, như một căn nguyên thực tại.
Ngoài ra chủ trương đòi hỏi có một Bản ngã thường tại để làm căn nguyên
cho vạn hữu không giải quyết được gì cả. Trước tiên, nếu coi Bản ngã
như một thể tính không chịu chi phối của luật vô thường, nó không thể là
căn nguyên của tác dụng nhân quả; vì rằng bất động. Ngược lại, những gì
có tác dụng nhân quả đều phải chịu sự chi phối của định luật vô thường.
Trong định luật này, không có đồng nhất tính, do đó không có một thể
tính bất biến nào để có thể gọi đó là một Bản ngã thường hằng. Những lập
luận phản đối chủ trương Bản ngã thường không quên trích dẫn lời này
của Phật: "có tác nghiệp, như không có tác giả và thọ giả."
"Có tác nghiệp, nhưng không có tác giả và thọ giả": ở đây, tất nhiên từ
khước sự hiện hữu của một bản ngã liên tục thường tại và đồng nhất hay
không? Bởi vì, trong tương quan tác dụng, khỏi cần có một căn nguyên
chung, mà chính do sự giao hỗ của các hiện thể cũng đảm bảo hiệu quả
thiết thực của định luật nhân quả và lại không chống trái với định luật
vô thường. Nếu thế, phải thừa nhận thể tính của hiện hữu; mặc dù không
thể nhận có bản ngã của hiện hữu. Thể tính đó tức là tính cách thực hữu
của hiện hữu trong giới hạn nào đó của thời gian: chỉ thực hữu trong
hiện tại, hay cả trong quá khứ và vị lai? Ở đây người ta bộc lộ một vấn
đề công khai và quyết liệt: cái gì có và cái gì không?
Chúng ta có hai quan điểm:
Thứ nhất, đặc trưng là phái Sarvàstivàda: "Cái CÓ thì có thấy; cái
KHÔNG thì không thấy". Thứ hai, đặc trưng là phái Sautrantika: "cái CÓ
thì thấy có; cái KHÔNG thì thấy không".
Cái CÓ thì có thấy; cái Không thì không thấy; tức là, những gì được xác
định là CÓ, chúng phải là đối tượng cho nhận thức hay khả hữu của đối
tượng, cái không xuất hiện như một đối tượng hay khả hữu của đối tượng,
cái ấy là KHÔNG và không thể nghĩ hay nói về một cái KHÔNG mà không phải
là đối tượng như vậy. Trên tổng quát, lập luận của Sarvàstivàda căn cứ ở
định thức duyên khởi (Pratityasamutpàda) : có cái này vì có cái kia.
Khi định thức này được khai triển, thì bản chất của tri thức là truy
nhận đối tượng; do đó, nếu thừa nhậnhoạt động của tri thức thì phải thừa
nhận sự hiện hữu của đối tượng. Nếu đối tượng hoàn toàn bất thực, nó
không đủ khả năng tác động sự truy nhận của tri thức. Nhưng, trong
trường hợp đối tượng chỉ là một ảo giác, nó tác động như thế nào?
Để giải quyết nạn vấn này, các nhà Sarvàstivàda theo như trình bày của
Sanghabhadra, có hai loại hữu: a) thật vật hữu (dravyasat), là tinh cách
thực hữu đạt được trong nhận thức trực khởi hay trực giác; thí dụ, từng
đốm lửa trong một vòng lửa. b) giả danh hữu (prajnaptisat), là ảo giác
đạt được do gán ghép những thực vật hữu; thí dụ, vòng lửa. Trong thực
vật hữu, người ta đạt được tự tướng của sự hữu. Đó là sự hữu biểu lộ
trong từng khoảnh khắc sát na. Ơ?giả danh hữu, người ta đạt được cọng
tướng hay tổng tướng của sự hữu. Đó là sự hữu trong một khoảnh khắc sát
na nhưng lại biểu lộ như là tất cả mọi thời; thấy sự hữu bây giờ và ở
đây như là thấy nó trong mọi lúc và mọi nơi. Như vậy, dù đối tượng là ảo
giác, nhưng ảo giác ấy không phải là vô căn vô cố. Thí dụ, khi thấy sợi
dây ngỡ là con rắn; ảo giác này căn cứ sự hữu của chính sợi dây. Nếu
diễn dịch cho đến kỳ cùng, thì sự hữu xét như thực vật hữu của sợi dây
phải là những cực vi kết tụ. Chính cực vi ấy mới là tự tướng, và chỉ có
trong nhận thức trực khởi. Giải thích này cũng để trả lời cho những nạn
vấn của Sautrantika. Theo những nạn vấn này, thi thức vẫn có thể truy
nhận được cái KHÔNG. Vả lại, khi một nhà tu thiền, họ lấy màu xanh làm
khởi điểm chẳng hạn; đến một lúc nào đó, đối với ông cả thế giới này đều
là màu xanh hết. Màu xanh như vậy cũng không phải là một sự hữu. Lại
nữa, hoặc như trong chiêm bao, người ta có thể thấy lông của rùa hay
sừng của thỏ. Trên tất cả thí dụ này, Sautrantika đưa ra một nạn vấn
tổng quát: nếu cái KHÔNG nhất thiết không thể là đối tượng của nhận
thức, tại sao trong ngôn ngữ thường nhật người ta vẫn dùng được những
danh từ không chỉ cho một sự hữu nào cả? Đối với những thí dụ như màu
xanh phổ biến hay hình ảnh trong chiêm bao mà Sautrantika đề ra, các nhà
Sarvàstivàda quả quyết rằng, chính trong dữ kiện kinh nghiệm đã cung
cấp cho ta những hình ảnh ấy. Thí dụ, thực sự ta không hề thấy lông của
rùa hay sừng của thỏ, nhưng trong dữ kiện kinh nghiệm, ta đã từng thấy
lông và rùa, sừng và thỏ. Nói tổng quát, cái giả căn cứ trên cái thực.
Với nạn vấn về những danh từ chỉ trống, họ cho rằng đấy chỉ là mặt phủ
định của danh từ; mặt kia vẫn là khẳng định.
Với lối lý luận đặc trưng như trên, các nhà Sarvàstivàda đi đến một chủ
thuyết về Hữu toàn diện, đúng như tên gọi của nó: Nhất thiết hữu bộ
(Sarvàstivàda); họ chấp nhận luôn đến cả thực tại tính của giấc mộng.
Trong truyền thống này, nếu ta thành lập một tánh Không luận, phải chăng
đó là cưỡng từ đoạt lý? Bởi vì, tánh Không là một phủ định, mà mặt khác
chắc chắn là khẳng định . Như vậy, khái niệm về Không chỉ là một giả
tưởng. Nếu vậy, ta phải hiểu thế nào với giải thích thông thường về tánh
Không luận, rằng "vì Không cho nên Có" để không vướng khỏi cái lưới hữu
toàn diện mà Sarvàstivàda đã bũa ra đó?
Bây giờ xét đến chủ trương của Sautrantika: "cái CÓ thì thấy có; cái
KHÔNG thì thấy không." Ở trên chúng ta có nhắc đến một ít nạn vấn mà họ
nêu lên cho Sarvàstivàda để buộc phái này phải nhận rằng có thể có nhận
thức về KHÔNG. Nạn vấn của họ hình như được giải đáp thỏa đáng. Chúng ta
không có các văn kiện của Sautrantika để thấy rõ lập luận của họ. Nhưng
Harivarma, trong truyền thống của Sautrantika, cũng trả lời lại cho câu
giải đáp của Sarvàrtivàda. Đối với Harivarma, định thức duyên khởi cố
nhiên phải thừa nhận, nhưng bản chất của tri thức là hoạt động liên khởi
với đối tượng, thì CÓ thấy rằng CÓ và KHÔNG thấy rằng KHÔNG, có gì trở
ngại? Vả lại, căn cứ trên một chút màu xanh mà thấy tất cả đều xanh, thì
trong cái thấy ấy, đối tượng trực tiếp của tri thức không phải là cái
"màu xanh một chút" nhưng là cái "màu xanh tất cả"; và màu xanh như vậy
là một sự trống không. Khi các nhà Sarvàstivàda diễn kịch đến tự tướng
cực vi và đặt biên tế của thực tại hữu ở đây, thì cực vi thực ra cũng
chỉ là một giả tưởng; nó chỉ là hệ luận có vẻ hợp lý của lý luận diễn
dịch. Bởi vì, người ta không thể giải thích được tính cách tập hợp của
cực vi. Khi truy nhận về một tập hợp sắc, mà tập hợp ấy lại không có các
phần tử cực vi tụ hội lại, thì tập hợp ấy há không phải là một tập hợp
trống không? Và như vậy, cái KHÔNG vẫn có thể hiện diện như là đối tượng
của nhận thức. Đây là hậu quả hợp lý của một thứ hư vô luận. Nhưng xét
cho kỳ cùng, ta vẫn có thể nói ngược lại. Khi các nhà Sarvàstivàda, thì
hiển nhiên họ treo một thứ hư vô luận lơ lửng trên đầu. Trong khi đó,
các nhà Sautrantika cố tìm cách đặt cái KHÔNG vào hoạt trường của nhận
thức, rõ ràng họ đẩy hư vô ra khỏi bóng tối để trở thành một thứ duy
thực triệt để.
Đấy là kinh nghiệm rút ra từ lịch sử của tư tưởng – một thứ lịch sử giả
thiết: khi nói về cái CÓ thì nói trong sự bao dung của cái KHÔNG; khi
nói về cái KHÔNG thì nói trong sự bao dung của cái CÓ. Cái gì có và cái
gì không: CÓ và KHÔNG là một song quan luận đã điều động tất cả lịch sử
tư tưởng Phật giáo. Đấy vẫn là một thứ lịch sử của giả thiết. Bên trong
giả thiết là môi trường diễn đạt của ngôn ngữ. Và, hình như bên trên tất
cả sự giả thiết ấy, một chân tính nào đó cần phải được thể nghiệm, mà
không thể nói bằng lời. Cái chân tính ấy như là căn nguyên. Rõ ràng đây
chỉ là một hệ luận hợp lý, vẫn ở trong vòng chi phối của diễn đạt ngôn
ngữ:
"Tất cả đều hợp lý vì hợp lý với Tánh Không. Tất cả không hợp lý vì không hợp lý với tánh Không." (MK. XXIV. 14)
Nếu tánh Không được hiểu như một hư vô luận; thì ở đây mọi cái hợp lý
đều không phải là hợp lý do đối chiếu với một căn tính nào đó, mà hợp lý
vì tương quan đúng, vì kết hợp được mạch lạc giữa nguyên nhân và hiệu
quả. Hợp lý không phải vì mọi sự hữu đều có nguyên nhân hiện hữu, nhưng
vì là tương quan hiện hữu. Như thế, tất cả đều là hữu của giả danh, vì
bản tính của hữu là Không. Trong phương tiện, trong dữ kiện thường
nghiệm, hữu là giả danh. Trong cứu cánh, tính thể của hữu là tánh Không.
Ta có kết luận: đấy là lý luận để đưa đến một tánh Không duy danh luận.
Trong con mắt của những nhà Yogàcàra, thứ tánh Không luận ấy không thể
chấp nhận được. Thứ nhất, nếu đặt nó thành một tiền đề luận lý, tiền đề
ấy không thể xác định được đúng hay sai, một tiền đề vượt ngoài tương
quan nhân quả. Thứ đến, với thứ tánh Không luận ấy, người ta không tạo
nổi một nội dung cho giả thiết. Như vậy, mọi luận thuyết sẽ diễn ra như
một trò chơi chữ. Lankavàtàra, với một cố gắng dung hợp hơn, chấp nhận
tánh Không luận ấy, nhưng khuyên là đừng nên đặt nó thành một tiền đề
của luận lý. Hình như Nàgàrjuna bất chấp tất cả những điều ấy. Chúng ta
đã biết Nàgàrjuna nói gì về những nan giải cho tánh Không luận trong
Vigrahavyàvartànì. Tại sao các nhà Yogàcàra không xét đến, dù họ là
những người đi sau Nàgàrjuna? Lại nữa, ngay cả Aryadeva, một đồ đệ thân
cận nhất của Nàgàrjuna, cũng yêu sách tánh Không luận phải hội đủ cà hai
phương diện là phá hủy và kiến thiết. Chính Nàgàrjuna trong chươgn XXIV
của Madhyamika-Kàrikà, hình như cũng nói rằng tánh Không luận gồm đủ cả
hai phương diện là phá hủy và kiến thiết. Cuối cùng, người ta không thể
giải thích khác hơn là nói rằng tánh Không luận chì được hiểu như hư vô
luận ở mức độ phương tiện mà thôi. Như thế, tận cùng của lịch sử tánh
Không luận vẫn là lãnh vực của một "nhất thiết Hữu", Hữu toàn diện.
Trong cái lãnh vực Hữu toàn diện này, bất cứ dữ kiện thường nghiệm nào
cũng có khả năng dẫn khởi hạt giống Giác ngộ. Nhưng, tất cả dữ kiện
thường nghiệm đều phải chịu sự chi phối của định luật vô thường, sự dẫn
khởi của hạt giống Giác ngộ lại là sự sáng tạo liên tục; liên tục trong
từng ý niệm liên tục.
Trong mọi trường hợp, đối với chúng ta, tánh Không luận chỉ mới được
hiểu như là một phương thức tư tưởng, một phương tiện diễn đạt; hay nói
gọn, nó chỉ là một pháp thức luận lý nào đó. Nếu ta coi nó như là ngón
tay chỉ mặt trăng; thì mặt trăng đang lơ lững ở phương nào? Trước câu
hỏi ấy, ta đối đầu với một hư vô luận nữa. Tánh Không là phương tiện;
nhưng tánh không cũng là cứu cánh. Đấy là tánh Không duy danh luận trong
một lãnh vực Hữu toàn diện? Hay đấy là một thứ hư vô luận triệt để, từ
đầu đến cuối? Mượn trả lời của Nietzsche: "thà chun qua lỗ khóa còn hơn
qua những cánh cửa mở rộng".