Triết học PG
Con Người Qua Lý Duyên Khởi
Tịnh Ngọc
23/12/2011 00:43 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.

(Trịnh Công Sơn)

Ca từ về cuộc sống nhân sinh, về vòng quay của kiếp người vẫn muôn thủa vẫn cất lên trong đêm trường mộng ảo. Để đi tìm một con người chính mình. Tôi là ai? Con người là gì? vẫn luôn là điều mà Triết học – Đông cũng như Tây, ưu tư, với bao khát vọng tìm tòi, khám phá.

Với tương quan duyên khởi. Đạo Phật chỉ ra rằng: Con người là một hiện hữu do duyên mà sinh, một quá trình trở thành, cho nên con người không phải là một thực thể có bản chất thường hằng bất biến. Qua Duyên khởi tính, con người được thể hiện với đầy đủ những phồn tạp, khúc mắc đa diện, nên cũng có thể nói Duyên khởi của đạo Phật là đạo của “con người”– Nhân đạo – với những trái ngược phức tạp nhiều xung động tâm lý đa thù. Nhưng trước sau vẫn là một “con người” sống thực với những tương quan đa diện. Tương quan Duyên khởi hiện hữu một cách toàn diện như một con người toàn diện như một cuộc đời toàn diện, như vạn hữu toàn diện. Như chính lời kinh Phạm động (Trường A hàm). “Đức Như lai thấu rõ mọi thuyết của các học phái... chỉ cần dùng một cái lưới nhỏ, bủa trùm xuống một cái ao thì bao nhiêu vật trong ao đều lọt vào lưới chứ không thể trốn tránh ngả nào”.

Đức thế tôn đã bủa lưới xuống ao lý luận tự ngã, để lôi lên hết thảy mọi vật, đặt trước trí tuệ bình đẳng, siêu việt, trí tuệ toàn triệt, để thấu rõ nguyên nhân phát khởi những hiện tượng sai lầm cũng như chân xác.

Chúng ta đều biết, mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống nhân sinh đều có tính đa diện, đa tố và đều tương quan với nhau, chúng tương duyên tương sinh.

...Cái này có thì cái kia có,

Cái này sinh thi cái kia sinh,

Cái này diệt thì cái kia diệt

Cái này không thì cái kia không...

Tất cả, như mắt lưới để hình thành hiện tượng vạn hữu. Cho nên, mọi hiện tượng đã thành đều có một lý do tự thân và lý do tương quan của nó. Chỉ đến khi nào hiểu và thấu triệt được những lý do phát khởi, đoạn diệt của nó mới có thể chuyển hoá nổi hiện tượng đó. Cho đến khi một hiện tượng đã chuyển hoá, không ít thì nhiều toàn thể hiện tượng cũng được chuyển hoá theo.

Cũng theo Duyên khởi thì thế giới hiện tượng là do duyên sinh, là vô ngã, là trống

rỗng. Con người chỉ là tập hợp của năm uẩn, vô ngã và rỗng không. Con người và thế giới cùng hiện hữu mà không thể tách rời nhau. Sự thật này đã được đức Phật chứng tỏ trong kinh Mahapunnama (Trung Bộ II) và trong kinh Giới phân biệt (Dhatuvibhalga, Trung bộ III) rằng: Sắc uẩn gồm có nội sắc là cơ thể vật lý của mỗi cá nhân, ngoại sắc là thế giới vật lý, điều này có nghĩa là vũ trụ tự nó là một phần của cơ thể con người. Như thế, thế giới như thật là thế giới hiện tượng này mà vắng bóng chấp thủ và tham ái của con người. Đức Phật đã xác định: “Và, này Bhagava, điều này đã đưạc giảng dậy, được tuyên bố là sai lầm là trống rỗng, là dối trá”.. điều mà Như lai tuyên bố là bất cứ khi nào mà một người chứng đắc cảnh giới “giải thoát” “thanh tịnh” người ấy thấy thế giới là “thanh tịnh”.

“Tâm tịnh thế giới tịnh”

(Kinh Duy Ma).

Lời dậy trên đã biểu lộ quan điểm giáo dục của đức Phật là giáo dục con người giúp con người thoát khỏi phiền não, lậu hoặc bằng cách tu tập tâm nhằm đạt đến cảnh giới thanh tịnh và bằng cách đó, có thể gây duyên lành cho ngoại giới. Đối với người “thanh tịnh” ấy hạnh phúc và chân lý xuất hiện cùng một lúc Chính tại đây ta hiểu rằng thực tại là Duyên khởi, vô ngã. Thực tại luôn luôn nói lên rằng tinh thần hay vật chất là do duyên mà sinh. Như sự thật Duyên khởi đã nói. Nếu sắc uẩn không thể tách rời khỏi bốn uẩn kia thì vật chất cũng không thể tách rời khỏi tinh thần. Cả hai cùng hiện hữu.

Một lần nữa dưới ánh sáng của Duyên khởi, có thể khẳng định rằng - đạo Phật là đạo của con người - Nhân đạo.

Mục đích tối hậu của giáo lý Phật giáo là giúp con người chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm hoá Thánh. Điều đó không phải ở đâu xa, chúng ta có thể tìm thấy ngay tại thế gian này cảnh giới cực lạc nhân gian tại đây và bây giờ. Đồng thời, mục đích đó phải thực hiện bằng cách tu tập và điều phục, chế ngự tâm.

Tu, điều phục tâm là đi đến giải thoát và tri kiến giải thoát. Tu là lộ trình đi ra khỏi sinh tử luân hồi, có nghĩa là đi ra khỏi sự trói buộc đầy “sương mù” của sự chấp có “Ai” để chứng đắc thực tại “không có ai”.

Chính vì thế mà với một người (có đủ sáu căn và sáu thức) mà hiểu được lý Duyên khởi của đức Phật. Giác ngộ ngay trên cuộc đời này, thì thế giới cũng sẽ xuất hiện với hình tướng, danh, sắc như những người bình thường mà thôi.

Lúc bấy giờ thì núi van là núi, sông vẫn là sông. Nhưng chỉ có một điểm khác biệt lớn nhất là núi, sông này được nhìn dưới cái nhìn đã đoạn tận lậu hoặc, đoạn tận chấp thủ.

Đó là cái nhìn của bậc Thánh, của bậc giác ngộ, như lời của Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã gửi lại thông điệp ấy cho chúng ta:

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Có, không bóng nguyệt dòng sông

Nào ai chấp có chấp không làm gì...

 

Hà Thành cuối thu.
(đăng trong Tạp chí nghiên cứu Phật học số 1 )



Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch