Lời dạy của Ðức Phật là chân lý. Những gì Ngài dạy có thể
được chứng minh qua kinh nghiệm của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thật
sự không biết hầu hết những sự thật thông thường về đời sống hằng ngày:
Danh pháp và Sắc pháp xuất hiện do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm.
Dường như phần lớn chúng ta quan tâm đến quá khứ hay tương lai. Tuy
vậy, chúng ta sẽ khám phá sự thật của đời sống là gì, nếu chúng ta biết
nhiều về những sự thật của giây phút hiện tại, và chúng ta học cách
nhận biết chúng khi chúng xuất hiện.
Ðức Phật giải thích tâm là
sự thật. Chúng ta có thể hoài nghi có phải tâm là sự thật chăng? Làm
thế nào chúng ta có thể chứng minh rằng có tâm? Nó có thể chỉ có sắc
pháp mà không có danh pháp? Có nhiều điều trong đời sống mà chúng ta
cho là tự nhiên như nhà cửa, bữa ăn, quần áo, hoặc những dụng cụ chúng
ta dùng mỗi ngày. Những điều này không tự xuất hiện. Chúng được tạo ra
do tâm suy nghĩ. Tâm là danh pháp; nó biết cảnh. Tâm không giống như
sắc pháp vì sắc pháp thì không biết cảnh. Chúng ta nghe nhạc, mà nó
được viết do người sáng tác. Chính tâm có ý tưởng phổ thành nhạc. Chính
tâm sai khiến người sáng tác. Tay của người sáng tác không thể viết mà
không có tâm.
Tâm có thể đạt được nhiều kết quả khác nhau.
Trong hành động làm tâm có thể sinh ra nhiều kết quả? Không có
nghệ thuật nào trên thế gian đa dạng hơn nghệ thuật hội họa. Trong hội
họa, tác phẩm kiệt tác của họa sĩ thì đẹp hơn những bức tranh còn lại
của ông ta. Một mẫu vẽ đẹp nẩy sinh đến người họa sĩ như thế thì tác
phẩm kiệt tác được ông ta vẽ theo cách đó. Do tâm sinh nên có mẫu vẽ
đẹp, muốn hoàn thành công việc phát họa này, phải trải qua những giai
đoạn như sơn, thiết kế và tô điểm ... Như vậy, tất cả những loại nghệ
thuật trên thế gian, chung hoặc riêng đều thành tựu do tâm. Vì khả năng
tâm sản sinh nhiều kết quả trong hành động như vậy, nên tâm thành tựu
tất cả những nghệ thuật này. Chính tâm là nghệ thuật mà nghệ thuật là
tâm. Nói cho đúng hơn, cả tâm còn đẹp hơn nghệ thuật nữa, vì không có
tâm thì không thực hiện mẫu vẽ đẹp hoàn hảo được. Vì lý do đó Ðức Thế
Tôn dạy: "Này chư Tỳ khưu, các thầy có thấy tác phẩm kiệt tác của hội
họa không?" "Thưa Thế Tôn, chúng con thấy." "Này chư Tỳ khưu, tác phẩm
nghệ thuật đó do tâm tạo. Này chư Tỳ khưu, thật vậy, thậm chí tâm còn
đẹp hơn tác phẩm kiệt tác đó." (Tương Ưng , III, 151)
Như vậy
chúng ta có thể xem nhiều điều khác nhau do tâm tạo tác: những hành
động thiện như bố thí, những hành động bất thiện như hung ác và gian
tham do tâm tạo tác và những hành động này tạo nên những kết quả khác
nhau. Không chỉ có một loại tâm mà còn có nhiều loại tâm khác nữa.
Có nhiều hạng người khác nhau hành động một cách khác biệt điều mà họ
suy nghĩ, như vậy những loại tâm khác nhau phát sinh. Có điều người này
thích, người khác không thích. Chúng ta có thể chú ý những người khác
nhau là thế nào khi họ hành động và sản sinh điều gì. Thậm chí khi hai
người dự định làm một điều gì giống nhau mà kết quả thì hoàn toàn khác
nhau. Ví dụ khi hai người vẽ một cành cây giống nhau, nhưng bức hội họa
thì hoàn toàn không giống nhau. Con người có những tài năng và tư cách
khác nhau; có một số người việc học tập thì rất thuận lợi, còn một số
khác thì việc học gặp nhiều khó khăn. Tâm thì vượt trên sự kiểm soát;
mỗi loại tâm phát sinh thì có những điều kiện riêng biệt.
Tại
sao con người có quá nhiều sự khác nhau? Lý do là họ có những kinh
nghiệm sống khác nhau và cho nên họ tích lũy những sở thích khác nhau.
Khi một em bé được dạy những đức tính bao dung lúc còn nhỏ thì chắc chắn
em sẽ có hạt giống bố thí trong tương lai. Người giận dữ thì huân tập
nhiều sân hận. Tất cả chúng ta đã huân tập những sở thích, năng khiếu
và kinh nghiệm khác nhau.
Mỗi tâm sinh diệt hoàn toàn thì tiếp
tục một tâm khác phát sinh. Làm thế nào có thể huân tập được kinh
nghiệm sống và huân tập hành động thiện ác? Lý do là mỗi tâm diệt tiếp
theo là tâm khác sinh. Ðời sống chúng ta là một chuỗi tâm không gián
đoạn và mỗi tâm trợ duyên cho tâm sau và tâm này trợ duyên cho tâm kế
nữa, và như vậy quá khứ có thể trợ duyên cho hiện tại. Ðiều thực tế là
tâm thiện và tâm bất thiện của chúng ta trong quá khứ trợ duyên cho
hành động cho chúng ta ngày hôm nay. Như vậy hành động thiện và bất
thiện đã được huân tập.
Tất cả chúng ta đã huân tập nhiều hành
động ô nhiễm và phiền não. Ví dụ phiền não là tham, sân, si. Ðây là
những mức độ khác nhau của phiền não: những phiền não vi tế, phiền não
bậc trung và phiền não thô. Những phiền não không xuất hiện trong tâm,
nhưng chúng là những khuynh hướng tiềm ẩn đã được huân tập và ngủ ngầm
trong tâm. Khi chúng ta ngủ không mơ mộng, không có những tâm bất
thiện, nhưng có những khuynh hướng tiềm ẩn bất thiện. Khi chúng ta thức
dậy thì những tâm bất thiện xuất hiện trở lại. Nếu không có tâm bất
thiện ngủ ngầm thì làm sao chúng có thể xuất hiện được? Ngay khi tâm
thiện phát sinh vẫn có tâm bất thiện ngủ ngầm chừng nào chúng chưa được
diệt trừ bằng trí tuệ. Phiền não bậc trung thì khác với phiền não vi
tế bởi vì nó phát sinh cùng với tâm. Phiền não bậc trung phát sinh cùng
với tâm bất thiện đã có nguồn gốc tham, sân, si. Ví dụ phiền não bậc
trung là tham đắm vào điều gì mà người ta thấy, nghe hoặc suy nghĩ do
thân căn, hoặc là sân hận với những đối tượng mà mình không thích.
Phiền não bậc trung thì không thúc đẩy tạo những ác nghiệp. Phiền não
thô thúc đẩy nghiệp bất thiện do thân, khẩu, ý như sát sinh, trộm cắp.
Thực ra tác ý là nghiệp; nó có thể thúc đẩy hành động thiện và hành
động ác. Nghiệp là danh pháp và do đó nó được huân tập hành động. Người
ta tạo tác những phiền não và nghiệp khác nhau.
Những loại
nghiệp khác nhau là điều kiện cho những kết quả khác trong đời sống.
Ðây là định luật nghiệp quả. Chúng ta thấy rằng con người được sinh ra
trong những hoàn cảnh khác nhau. Một số người sống thuận lợi và có
nhiều hạnh phúc trong đời sống. Một số khác có đời sống bất hạnh; họ
nghèo hoặc đau khổ vì bịnh hoạn. Khi chúng ta nghe về những em bé,
chúng khổ vì thiếu ăn, chúng ta tự hỏi tại sao những em bé này phải chịu
đau khổ trong khi những em bé khác có đầy đũ những nhu cầu cần thiết.
Ðức Phật dạy rằng, mọi người có những kết quả của những hành động riêng
mình. Nghiệp trong quá khứ có thể mang lại kết quả sau này, bởi vì
người ta đã tạo nghiệp thiện và bất thiện. Khi nhân duyên đầy đủ thì nó
trổ quả. Khi danh từ "quả" được sử dụng, người ta có thể nghĩ hậu quả
của những hành động cho người khác, nhưng quả trong nghĩa dị thục có
một ý nghĩa khác. Tâm dị thục quả là tâm biết cảnh xấu hoặc tốt và tâm
này là kết quả của một hành động mà chính chúng ta đã tạo. Chúng ta
quen suy nghĩ về bản ngã mà bản ngã thì biết cảnh tốt xấu. Tuy nhiên,
không có bản ngã, chỉ có tâm biết cảnh khác nhau thôi. Một số tâm là
nhân; chúng có thể tạo những hành động thiện ác có khả năng trổ quả
tương xứng. Một số tâm là Dị thục quả. Khi chúng ta thấy điều gì bất
lạc, nó không phải là ngã kiến; nó là tâm nhãn thức mà là quả của
nghiệp bất thiện chúng ta đã tạo nó trong đời sống này và trong kiếp
quá khứ. Loại tâm này là dị thục quả bất thiện. Khi chúng ta thấy điều
gì lạc, đó là tâm dị thục quả thiện, kết quả của hành động thiện mà
chúng ta đã tạo. Mỗi lúc chúng ta biết một cảnh bất lạc do một trong
năm căn, đó là dị thục quả bất thiện. Mỗi khi chúng ta biết một cảnh
lạc do một trong năm căn, đó là dị thục quả thiện.
Nếu một ai
bị người khác đánh, sự đau khổ không phải là quả của hành động do người
khác đánh. Một người bị đánh là do nhận kết quả của nghiệp bất thiện
mà chính anh ta đã tạo; đối với người này đây là dị thục quả bất thiện
do thân căn. Hành động của người đánh là do nguyên nhân tương ứng cho
kết quả đau khổ của anh ta. Ðối với người đánh đã tạo nghiệp ác, là do
tâm bất thiện thúc đẩy anh ta hành động. Dù sớm hay muộn anh ta sẽ nhận
kết quả của hành động bất thiện đó. Khi chúng ta có sự hiểu biết đúng
đắng về nghiệp quả, chúng ta sẽ thấy nhiều sự kiện trong đời sống của
chúng ta rõ ràng hơn.
Chú giải bộ Pháp Tụ (quyển I, phần hai,
65) có giải thích rằng nghiệp khác nhau tạo những quả khác nhau trong
vòng sinh tử luân hồi. Thậm chí những đặc điểm của thân là kết quả của
nghiệp. Chúng ta xem:
...do duyên khác nhau của nghiệp, phát
sinh sự khác nhau định nghiệp của chúng sinh như loài không chân, hai
chân, bốn chân, nhiều chân, hữu hình, vô hình, hữu tưởng, vô tưởng, phi
tưởng phi phi tưởng. Do duyên khác nhau của nghiệp, phát sinh sự khác
nhau trong kiếp sống của chúng sanh như cao sang và thấp hèn, thiện và
bất thiện, hạnh phúc và đau khổ. Do duyên khác nhau của nghiệp, phát
sinh sự khác nhau những đặc tính cá biệt của chúng sinh như đẹp hay
xấu, dòng họ cao sang hay thấp hèn, mạnh khỏe hay đau yếu. Do duyên
khác nhau của nghiệp phát sinh sự khác nhau của chúng sanh trong thế
gian này như được lợi, mất lợi; được danh, mất danh; được khen và bị
chê; hạnh phúc và đau khổ.
Chúng ta xem thêm:
Do
nghiệp thế gian vận hành, do nghiệp nhân loại tồn tại, và do nghiệp
chúng sinh bị dính mắc như trục xe lăn theo bánh xe. ("Suttanipàta",
654)
Ðức Phật dạy rằng mọi pháp phát sinh vì nhân duyên; con
người có sự khác nhau về đặc điểm và cá tính, họ sống trong những hoàn
cảnh khác nhau, đó không phải là vấn đề ngẫu nhiên. Ngay cả sự khác
nhau đặc điểm của những loài động vật là do nghiệp khác nhau. Loài động
vật cũng có tâm; chúng ăn ở tốt hoặc xấu. Như vậy chúng tạo những
nghiệp khác nhau mà sản sinh những kết quả khác nhau. Nếu chúng ta hiểu
rằng mỗi nghiệp mang lại kết quả riêng của nó, chúng ta tin chắc rằng
không có lý do nào để tự hào nếu chúng ta sinh vào gia đình giàu sang,
hay nếu chúng ta nhận sự tán thán, ca ngợi hoặc những điều lạc thú
khác. Khi chúng ta bị đau khổ, chúng ta tin rằng sự đau khổ đó là vì
những hành vi bất thiện của chúng ta. Như vậy chúng ta sẽ không đổ lỗi
cho người khác về sự bất hạnh của chúng ta, hay ganh tị khi những người
khác thụ hưởng cảnh giàu sang. Khi chúng ta hiểu được chân lý này,
chúng ta sẽ thấy rằng không có bản ngã thụ hưởng hạnh phúc hay đau khổ;
nó chỉ là tâm dị thục quả phát sinh vì duyên diệt.
Chúng ta
thấy rằng người sinh ra cùng một hoàn cảnh vẫn có những cử chỉ khác
nhau. Ví dụ giữa những người sinh ra trong gia đình giàu có, một số
người có tâm ganh tị và một số khác thì không. Thực tế những người sinh
ra trong gia đình giàu có là kết quả của nghiệp. Sự ganh tị là điều
kiện do người đó tạo tác. Có nhiều nhân duyên khác nhau đóng vai trò
trong đời sống của mỗi người. Nghiệp khiến cho người ta sinh trong hoàn
cảnh nào đó và nghiệp tạo tác cá tính của người đó.
Người ta
có thể hoài nghi về đời sống quá khứ và tương lai, vì họ chỉ biết kiếp
sống hiện tại. Tuy nhiên, trong kiếp sống hiện tại, chúng ta lưu ý
rằng, nghiệp khác nhau có những kết quả khác nhau. Những kết quả này
phải có những nguyên nhân của nó trong quá khứ. Quá khứ làm duyên cho
hiện tại và những hành động trong hiện tại chúng ta tạo sẽ trổ quả
trong tương lai. Nếu hiểu biết hiện tại, chúng ta có thể biết nhiều hơn
về quá khứ và tương lai.
Kiếp sống quá khứ, hiện tại và vị lai
là một chuỗi tâm không gián đoạn. Mỗi tâm sinh thì lập tức diệt để tâm
kế tiếp phát sinh. Tâm không có tồn tại mà không có khoảnh khắc nào
không có tâm. Nếu có những khoảnh khắc không có tâm thì thân này sẽ trở
thành xác chết. Thậm chí khi ngủ ngon giấc chúng ta vẫn có tâm. Mỗi
tâm sinh diệt làm duyên cho tâm kế và như vậy tâm cuối cùng của kiếp
sống này là nhân duyên cho tâm đầu tiên của kiếp sống mới (thức tái
sinh). Như vậy chúng ta thấy rằng, đời sống luôn luôn tiếp diễn, sinh
tử luân hồi.
Có thể chỉ có một tâm ở một thời điểm mà tâm sinh
diệt rất nhanh đến nỗi người ta có ấn tượng rằng có nhiều tâm phát sinh
cùng một thời điểm. Chúng ta có thể suy nghĩ là chúng ta có thể thấy
và nghe cùng một lúc, nhưng thật ra mỗi tâm này phát sinh ở mỗi thời
điểm khác nhau. Chúng ta có thể xác minh xuyên qua kinh nghiệm riêng
của mình, loại tâm nhãn thức thì khác với tâm nhĩ thức; những tâm này
phát sinh vì những nguyên nhân khác nhau và biết những cảnh khác nhau.
Tâm là biết cảnh. Mỗi tâm chỉ biết một cảnh, không thể có tâm mà
không có cảnh. Tâm biết những cảnh khác nhau xuyên qua sáu môn như mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Tâm nhãn thức biết cảnh, nó phát sinh do
mắt. Chúng ta có thể sử dụng danh từ "cảnh sắc" do nhãn thức, nhưng
không cần thiết đặt tên cho nó là "cảnh sắc". Khi cảnh sắc tiếp xúc
nhãn căn thì chúng trợ duyên cho sự thấy. Sự thấy thì khác biệt với sự
suy nghĩ về những điều mà chúng ta thấy; tiếp theo là một loại tâm biết
cảnh xuyên qua ý môn. Sự nghe là một loại tâm nhĩ thức khác biệt với
sự thấy; nó có những điều kiện khác nhau và biết cảnh khác nhau. Khi âm
thanh tiếp xúc nhĩ căn, nó làm duyên cho tâm biết cảnh thinh. Phải có
những nguyên nhân thích hợp cho sự phát sinh của mỗi loại tâm. Chúng ta
không thể nào ngửi bằng tai và nếm bằng mắt. Tâm tỉ thức biết cảnh
hương do lỗ mũi. Tâm thiệt thức biết cảnh vị do lưỡi. Tâm thân thức
biết cảnh xúc do thân căn. Do tâm ý môn nó có thể biết tất cả các loại
cảnh. Chỉ có một loại tâm ở một thời điểm và ở một thời điểm tâm có thể
chỉ biết một cảnh.
Theo lý thuyết chúng ta có thể hiểu rằng,
tâm nhãn thức có đặc tính khác với tâm nhĩ thức và tâm nhãn thức thì
cũng khác với sắc pháp mà sắc pháp thì không biết cảnh. Sự hiểu biết
này đối với chúng ta thì rất bình thường, nhưng hiểu biết theo pháp học
thì khác với hiểu biết theo pháp hành. Hiểu biết theo pháp học thì
không uyên thâm, nó không thể đoạn trừ khái niệm về bản ngã. Nếu chúng
ta nhận biết bằng pháp hành thì chỉ nhận thức pháp khi chúng xuất hiện
xuyên qua sáu môn. Loại hiểu biết này có thể đoạn trừ khái niệm về bản
ngã.
Chúng ta sống trong một thế gian mà thế gian là cảnh vật
để chúng ta nhận thức. Ở thời điểm chúng ta thấy thế gian là cảnh sắc,
thì cảnh sắc không tồn tại, nó diệt ngay lập tức. Khi chúng ta nghe thế
gian là cảnh thinh thì nó cũng hoại diệt nữa. Chúng ta bị dính mắc và
thu hút với những cảnh trần như nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và ý môn,
nhưng một trong những trần cảnh này thì không trường tồn. Ðiều gì vô
thường thì không nên chấp cho là bản ngã.
Trong Tăng Chi Bộ
Kinh (tập 4, chương V, 5, Rohitassa) chúng ta xem phần vị Trời
Rohitassa hỏi Ðức Phật về sự tận cùng của thế gian. Vị Trời bạch với
Ðức Phật:
"Lạy Thế Tôn, có thể cho chúng con biết bằng sự đi để biết, thấy,
đạt được sự tận cùng của thế gian, mà nơi nào không có sinh, già,
bịnh, chết, không từ bỏ kiếp này mà cũng không tái sinh kiếp khác
không?"
"Này Thiên tử, nơi nào không có sự sinh hay già, không có bệnh,
không có chết, không từ bỏ kiếp sống này và không tái sinh kiếp khác,
Như Lai tuyên bố rằng sự tận cùng của thế gian không chỉ bằng sự đi để
được biết, thấy hay đạt đến."
"Bạch Thế Tôn thật là vi diệu, thật là hy hữu thay những lời Thế
Tôn khéo thuyết giảng: nơi nào không còn sinh ... sự tận cùng của thế
gian không chỉ bằng sự đi để được biết, được thấy hoặc đạt được!"
"Bạch Thế Tôn, thuở xưa con là đạo sĩ có tên là Rohitassa, con
trai của Bhoja, một trong những người có thần thông, đi trên hư không
... tốc độ bước chân của con là bước từ bờ biển đông sang bờ biển tây.
Bạch Thế Tôn đối với con có tốc độ bước đi nhanh như vậy, lúc đó con có
suy nghĩ như sau: con nhất định đến tận cùng thế gian này bằng sự đi
của con."
"Nhưng bạch Thế Tôn, không tính thời gian
ăn, uống, nhai nếm, đại tiểu tiện và ngủ nghỉ, nhưng tuổi thọ của con
là 100 năm, mặc dù con đã du hành 100 năm, nhưng con chưa đi đến sự tận
cùng của thế gian mà con đã chết trước khi đó. Bạch Thế Tôn, thật hy
hữu thay, thật vi diệu thay, những lời Thế Tôn khéo thuyết giảng: Này
thiên tử, nơi nào không còn sinh ... sự tận cùng của thế gian đó không
chỉ bằng sự đi để biết, thấy hoặc đạt được."
"Nhưng này thiên
tử, Như Lai tuyên bố rằng không chấm dứt đau khổ thì không đi đến sự
tận cùng của thế gian. Này thiên tử, hơn thế nữa, với tấm thân dài một
trượng này, có tưởng và thức, Như Lai tuyên bố thế gian này tồn tại,
cũng vậy nguồn gốc thế gian, sự đoạn tận của thế gian và con đường đưa
đến sự đoạn tận của thế gian."
"Bằng sự đi không thể
đạt tận cùng thế gian.
Nếu người chưa giải thoát đau khổ,
Thì
không đi đến tận cùng thế gian.
Như vậy bậc trí hiểu biết thế gian
đi đến tận cùng thế gian.
Người sống đời phạm hạnh,
Biết được sự
tận cùng thế gian bằng sự thanh tịnh,
Không mong cầu đời này hay
đời khác."
Ðức Phật dạy chúng ta về "thế gian" và con
đường dẫn đến chấm dứt thế gian, đó là chấm dứt đau khổ. Ðây là con
đường giải thoát thế gian, con đường đó là nhận biết tấm thân dài một
trượng này có tưởng và thức.
Tỳ kheo Thiện Minh dịch
CÂU HỎI:
1/- Người ta sinh ra
trong những hoàn cảnh khác nhau: có người giàu, có người nghèo ... Ðây
là nguyên nhân gì?
2/- Con người có những đức tính khác nhau: như có
người keo kiệt, có người rộng lượng bố thí. Ðiều này do duyên cớ gì?
3/- Mỗi tâm hoàn toàn sinh diệt. Làm thế nào phiền não có thể được
huân tập?