Bát bất
gồm có 8 loại không. Đó là: Bất sinh bất diệt, bất đoạn bất thường, bất
nhất bất dị và bất khứ bất lai. Đây là 8 loại lập luận để thấy con đường
trung đạo. Nghĩa là không phải cái nầy mà cũng chẳng phải cái kia. Thông
thường chúng ta chấp có, chấp không, chấp còn chấp mất, chấp sinh chấp
diệt, chấp đến chấp đi v.v... Vì lẽ ta dùng con mắt bình thường của thế
gian để xem và phán xét như thế. Còn Bồ Tát nhìn sự vật của tâm thức trước
và sau rỗng không vô định, chẳng có giới hạn bởi thời gian và không gian;
cho nên mới đưa ra lập luận ấy.
Thế nào là
bất sinh bất diệt? Nghĩa là ta vốn chẳng sinh ra và cũng chẳng mất
đi. Cái mà gọi là sinh đó, thật ra nó chỉ là một hiện tượng. Vì ta thấy có
một con người, một sự vật hiện hữu ở đời nầy. Rồi sống một thời gian trên
cõi thế để rồi một ngày nào đó ta phải ra đi; gọi việc ấy là mất; nhưng
mất cái gì và còn cái gì? - Cái được gọi là mất đó thật sự ra nó cũng chỉ
là một sự trả lại cho đất trời vạn vật; cho đất, nước, gió, lửa mà thôi.
Vì khi ta sinh ra ta đã vay mượn của thiên nhiên vạn vật thì khi ta chết
đi ta chỉ trả lại mà thôi. Do vậy mà dưới mắt Bồ Tát chẳng có sự sinh và
chẳng có sự diệt. Ta mất chỗ nầy, ta sẽ hiện hữu ở nơi khác và từ nơi khác
sẽ đến chốn nầy để tồn tại một thời gian; rồi một ngày nào đó sự hiện hữu
ấy cũng phải thay đổi vậy.
Bất đoạn
bất thường;
nghĩa là chẳng mất mà cũng chẳng còn. Cái chẳng mất ấy chính là tâm thức
của ta. Tâm ta giống như một dòng điện. Dòng điện ấy luôn luôn tồn tại ở
mọi nơi, mọi chỗ và mọi hình thức khác nhau; nhưng khi một bóng đèn cháy
rồi, ta không còn thấy ánh sáng nữa, ta gọi là mất; nhưng thực sự ra ánh
sáng ấy vẫn còn, nó đang hiện hữu trong dòng điện ấy. Bằng chứng là nếu ta
thay một bóng đèn khác thì nó sẽ sáng lên. Ánh sáng ấy nói là thường cũng
không đúng, mà nói là mất cũng không đúng. Vì lẽ ánh sáng ấy chỉ thay đổi,
xê dịch tùy thời mà thôi. Tâm thức ta cũng giống như vậy. Khi ta còn cảm
giác thì bảo rằng ta biết. Khi hơi thở hết rồi thì gọi là chết, mà ngay cả
hơi thở ấy cũng vay mượn của đất trời, chứ đâu có cái gì là của ta. Nó
không có chủ thể thật sự. Khi hít không khí vào để nuôi buồng phổi, rồi
thở không khí ra để tạo sự tuần hoàn. Khi không còn hít thở được nữa thì
ta bảo rằng đã dứt sự sống. Tâm thức ấy thực sự ra không hoàn toàn là một
tâm thức độc lập. Nếu ta là người thì tâm ta là người. Nếu ta là vật thì
dòng tâm thức ấy sẽ thay đổi thành sự nhận biết của con vật, chứ không thể
là sự nhận biết của con người được. Do vậy nếu nói tâm ấy thường còn là
điều không đúng.
Như vậy
tâm ấy sẽ đi về đâu? - Đó chỉ là một sự biến tướng của sự nhận thức. Khi
làm chúng sanh thì tâm ấy là chúng sanh. Khi làm A La Hán thì tâm ấy sẽ
chuyển đổi; khi làm Bồ Tát thì tâm ấy lại càng mạnh mẽ hơn để lao vào đời
mà cứu độ chúng sanh. Khi thức đã chuyển thành trí trọn vẹn thì tâm ấy là
Niết Bàn, Vô Ngã, Chơn Như, Tịch Tịnh. Cũng là một dòng nước; nhưng khi
chảy đến chỗ đất lở thì ta thấy đục và khi chảy đến chỗ cát hoặc sỏi đá ta
thấy trong. Sở dĩ ta thấy trong hay đục là do nhận thức chấp trước của
mình mà có, chứ thật ra nước không trong mà cũng chẳng đục. Do vậy mà tâm
nầy cũng chỉ thế thôi.
Bất nhất
bất dị
nghĩa là không phải một mà cũng chẳng phải khác. Điểm nầy hơi khó. Vì lẽ
ít có loại triết học nào giống như triết học của Trung Quán. Đa phần các
học thuyết khác đều dựa vào một đấng thần linh để làm chủ tể sinh ra vạn
vật và có mọi quyền năng bắt buộc loài người phải tuân theo; nhưng ở giáo
lý của Đức Phật không có điều đó. Có nghĩa là không ai sinh ra loài người
cả. Ngoại trừ nghiệp lực của con người đã tự tạo trong quá khứ và chính
nghiệp nầy đã và sẽ dẫn ta đi lên thiên đường hay xuống địa ngục mà thôi.
Trong truyện Kiều phần hết có 4 câu thơ thật hay có thể diễn tả được tính
cách nầy.
"Đã
mang lấy nghiệp vào thân
Cũng
đừng trách bởi trời gần trời xa
Thiện
căn vốn tại lòng ta
Chữ tâm
kia mới bằng ba chữ tài"
Có lẽ nhờ
tụng kinh Kim Cang 300 lần; mỗi lần ít nhất là một tiếng rưỡi đồng hồ; nên
cụ Tiên Điền Nguyễn Du mới kết được truyện Kiều thâm thúy như vậy.
Rõ ràng là
do nghiệp và vô minh tạo tác mà thành, rồi biến đổi: chứ tuyệt đối chẳng
có cái gì sanh và bị sanh, ngoại trừ nghiệp lực chi phối. Điều quan trọng
ở đây là gốc vốn thiện ở cõi lòng thì kết quả của nghiệp là thiện chứ
không thể trái ngược lại. Nếu có, vả chăng đó chỉ là sự vay trả chưa xong
của nhiều đời; nên bây giờ phải trả tiếp đó mà thôi.
Không khác
mà cũng không nhiều hay không giống. Điều ấy có nghĩa là ngoài cái nầy
không có cái kia; hoặc ngược lại. Như ngoài A không có B và ngoài B không
có A.
Nhứt
nguyên luận hay nhị nguyên luận và tam đoạn luận của Âu Châu cũng xuất
hiện đồng thời với Trung Quán Luận nhưng không thể sánh bằng và Trung Quán
Luận đã vượt lên trên tất cả mọi lập luận ấy vào những thời buổi ban đầu
của thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch.
Ở Âu Châu
thời ấy chỉ có một vị thần sinh ra mọi sự thưởng phạt của thế gian. Điều
nầy không có trong giáo lý Phật Giáo. Như vậy nó sẽ vô lý là ai đã tạo ra
vị thần kia? Hay vị thần ấy tự sinh? Nếu tự sinh thì không đúng với luật
tuần hoàn của vũ trụ và của khoa học.
Nhị nguyên
luận có nghĩa là cái nầy có cho nên cái kia có. Nếu cái nầy không có thì
cái kia không có. Ví dụ như A sinh ra B, rồi B sinh ra C. Nếu A không có
thì B sẽ không có và dĩ nhiên là không có C. Nhưng câu hỏi được đặt ra cho
phái nhị nguyên luận của Âu Châu là ai sinh ra A thì họ không trả lời rõ
ràng.
Tam đoạn
luận thì đa phần chúng ta đều biết. Đó là triết thuyết của Socrates người
Hy Lạp, đương thời đã thuyết phục được Âu Châu là:
"Tất cả
mọi người đều phải chết
Tôi là
người
Vậy tôi
phải chết"
Đây là một
sự lập luận gián đoạn và chỉ có tính cách thời gian, chứ không có tính
cách phổ quát. Còn Trung Quán Luận thì không giống như 3 loại lập luận của
triết học Âu Châu thuở bây giờ. Ngài Long Thọ lập luận là: Trong cái nầy
nó có cái kia và trong cái kia nó có cái nầy. Ta đang sống cũng có nghĩa
là ta đang đi đến chỗ chết. Và sự sống chỉ là sự tiếp nối của cái nầy và
cái kia trong một thời gian nhất định nào đó, rồi nó thay đổi.
Ví dụ như
trong cây bao giờ cũng có hoa và trong đá bao giờ cũng có lửa. Về mùa đông
ta không thấy hoa; nhưng khi xuân đến hoa kia lại khoe sắc thắm. Vậy hoa
từ đâu mà có? Do biến thể của đất trời vạn vật và thiên nhiên; nhưng hoa
chỉ trổ khi có đầy đủ yếu tố thuận lợi. Phật tánh cũng giống như thế. Phật
tánh ấy không ngoài mà cũng chẳng ở trong. Nhưng nếu đầy đủ yếu tố thì cái
tánh Phật ấy sẽ thành Phật; chứ ta không cần đi tìm Phật ở bên ngoài.
Lửa cũng
như thế, vốn tự có trong đá. Ta chỉ cần va chạm 2 hòn sỏi, cục đá với nhau
thì ta sẽ có lửa. Điều kiện ắt có và đủ ở đây chính là động tác tạo lửa;
cũng không phải vì ta làm cho va chạm mà có lửa. Vì lửa đã sẵn có; nhưng
vì điều kiện lúc ấy đã chín muồi; nên lửa lại phát sanh. Phật tánh cũng
giống như vậy. Do những tư lương Bồ Đề thành thục thì Phật tánh lại hiển
lộ. Do vậy mà ta thấy có người đã thành Phật, mà có kẻ vẫn còn là chúng
sanh.
Bất khứ
bất lai
là chẳng đến mà chẳng đi. Thân và tâm nầy thật ra cũng chẳng từ nơi nào
đến mà cũng chẳng phải đi về đâu. Ví như gió thổi, mây bay. Ta ở đây thì
có gió, cây bị động. Nên ta thấy có hiện tượng gió; nhưng gió bắt nguồn từ
đâu và sẽ đi về đâu thì chẳng ai trả lời được. Tâm nầy cũng thế; nó hiện
khi ta thức và nó ẩn khi ta ngủ. Nếu nói lúc ngủ không còn tâm thì tại sao
khi ta thức, cái sự hiểu biết ấy nó lại hiện hữu và khi ta chết thì bảo là
mất; nhưng cái biết ấy nó sẽ mất đi đâu và nó sẽ đi về đâu?
Vậy thì
trước khi ta đến thế giới nầy, ta là ai? Và sau khi ta chết đi, ta sẽ đi
về đâu? Theo lập luận của Ngài Long Thọ thì ta không đến mà ta cũng chẳng
đi. Sở dĩ mà ta thấy có đến và có đi, vì ta thấy có sự hiện hữu của một
con người, với thân tứ đại nầy; nhưng con người ấy nó sẽ không là gì cả so
với cái to lớn của đất trời vạn vật và của không gian cũng như thời gian
trong một hay nhiều kiếp lai sinh.
Trong thân
thể của mình có sự vay mượn và sự hiện hữu của mẹ cha. Thế mà khi cha mẹ
hay người thân mất ta bảo là không còn gì nữa. Đó là một sự ảo tưởng. Tại
sao không còn? Thử hỏi dòng máu nầy, gương mặt kia từ đâu mà có, nếu không
phải từ cha mẹ sinh? Do vậy mà ta bảo rằng mất; nhưng điều ấy chẳng mất;
nó chẳng mất mà nó cũng chẳng còn. Vì nó phải bị chi phối bởi thời gian,
nên phải chết và thay đổi dáng hình. Như vậy ta bảo rằng đi khuất hay đã
mất; nhưng khuất cũng có nghĩa là sẽ hiện lại khi cần và cái mất ấy chỉ có
tính cách tương đối, chứ chưa và không tuyệt đối. Vậy thì tâm nầy hay thức
nầy nó chẳng từ đâu đến và khi mất đi thì nó cũng chẳng đi về đâu. Do vậy
mà trong kinh Kim Cang, Phật dạy rằng:
"Quá khứ
tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc và vị lai tâm bất khả đắc".
Nghĩa là tâm quá khứ đã chẳng được, tâm hiện tại cũng như thế và tâm vị
lai thì biến đổi trong từng sát na sanh diệt. Vậy thì cái gì là có, cái gì
là không? Cái gì còn và cái gì là mất? Dưới mắt của Bồ Tát thì mọi hiện
tượng trong thời gian nầy chỉ là một sự biến tướng giống như người mang
cặp kính nhiều màu. Khi đeo màu nầy thì ta thấy đối tượng là màu ấy. Khi
ta thay đổi màu khác thì ta bảo rằng đối tượng kia đã đổi màu; nhưng trong
thực tế thì đối tượng không thay đổi, chỉ có ta đang thay đổi vị thế của
các cặp kính ấy.
Trung Đạo
là nói về cái lý sở tác. Chính quán và Trung quán là nói về cái trí năng
chứng ấy. Hơn nữa đối với thiên (lệch lạc) thì gọi là Trung, đối với tà
thì gọi là chính. Trung Đạo ở đây có nghĩa là:
"Phi nhất,
phi nhị thị vi trung đạo"
Nghĩa là:
"Không một mà cũng chẳng hai, đó là con đường chính giữa"
Con đường
chính giữa là con đường phủ nhận những loại cực đoan bên nầy hay bên kia,
tốt hay xấu. Đây là cái lý. Còn điều chính yếu là nói về cái trí năng phân
biệt mọi việc của tâm thức. Ta sẽ biết đâu là đúng và đâu là sai. Sở dĩ mà
có sự sai đúng. Vì ta chấp vào chỗ thấy biết của mình làm chủ; nhưng thật
sự ra sự thấy biết của mình căn cứ nơi cái gì để cho là đúng. Tất cả cũng
chỉ là sự chấp ngã và chấp tướng và ngay trong sự chấp đó cũng đã có sự
thay đổi rồi; nên chẳng có gì là chân lý khi tâm ta vẫn còn vọng động và
đối đãi. Cái tuyệt đối ở đây có nghĩa là mọi vật và mọi việc nó là: "như
nhị". Như thế ấy đó. Cái gì đến cứ để cho nó đến. Cái gì đi hãy để cho nó
đi. Hãy đừng tiếc thương, ái luyến. Cũng đừng sầu khổ, vấn vương. Điều
quan trọng là hãy biết chấp nhận sự thật của cuộc đời. Mà sự thật của cuộc
đời là gì? - Là cái không to tướng, là cái không do mọi sự giả hợp mà
thành. Sở dĩ ta khổ đau bởi vì ta thấy có. Bây giờ ta hiểu được lẽ trung
đạo rồi thì có không nó cũng chẳng phải thực tướng nên ta không bị chi
phối bởi đối tượng, mà ta phải làm chủ lại đối tượng. Do vậy mà Minh Châu
Hương Hải Thiền Sư của Việt Nam chúng ta thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nói
rằng:
"Có thời có tự
mảy may
Không thời cả thế
gian nầy cũng không
Cho hay bóng
nguyệt dòng sông
Nào ai hay biết
có không là gì ?"
Có thì một
chút cũng gọi là có, mà không thì to lớn bao nhiêu cũng gọi là không. Khi
bóng trăng chiếu trên mặt nước thì ta bảo rằng có trăng, có nước và khi
trăng di chuyển đi nơi khác, mặt nước vẫn còn đó; nhưng ta lại chẳng thấy
trăng đâu, rồi ta lại nói không. Đây chỉ là một hiện tượng vần xoay của
mặt trời, mặt trăng và quả đất. Còn ta, ta vẫn bị cái đến đi nó chi phối
trong từng giờ từng phút như vậy.
Hai câu
cuối mới thật là tuyệt vời. Giống như 2 câu thách đố của những hành giả tu
hành. Đó là việc có không ấy ai biết được. Kẻ nào biết được thì chính kẻ
ấy là kẻ hiểu đạo. Rõ được đường đi lối về của 2 nẻo tử sinh. Trong đời
nầy chỉ có việc sinh và tử là quan trọng, mà biết được và làm chủ được
chính mình, thì còn gì hơn được nữa.
Đối với
những bậc giải thoát giác ngộ thì tâm thường tự tại an nhiên, trạm tịch.
Tuyệt nhiên không gợn một chút phiền não nào. Còn tâm ta cũng vậy; nhưng
chỉ toàn là bụi trần che phủ nên khi hành động một việc gì thì cũng chỉ
toàn là khổ đau và sầu muộn. Ta đã biết mọi lý kỹ rồi. Bây giờ chỉ còn
chấp nhận và thực hành thì mới có kết quả khả quan được. Nếu không hạ thủ
công phu ngay từ bây giờ thì chẳng khác nào ta thấy một món ăn ngon mà ta
chưa cầm đũa và chưa thưởng thức thì giá trị của món ăn ấy ta vẫn chưa cảm
nhận được trọn vẹn nơi khẩu vị của mình. "Có thực mới vực được đạo" là
vậy. Chữ thực ở đây không nhất thiết là ăn mà là chứng thực hay hiểu rõ
được chân lý. Ấy là thực. Thực đây là hiểu sự thật của vạn pháp và rõ được
đường đi lối về.
Giáo lý
Trung Đạo nầy do Ngài Đại Luận Sư Long Thọ đã chủ trương, nhằm xiển dương
tinh thần Đại Thừa Phật Giáo và lấy từ căn bản của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Ngay cả Phật Giáo Nguyên Thủy cũng chưa hẳn đã hoàn toàn chấp nhận quan
điểm nầy; nhưng theo Ngài, Ngài bảo rằng: Tất cả nền giáo lý ấy mà không
có một phái ngoại đạo nào phá vỡ được, thỉ đó chính là giáo lý của Đức
Phật và là giáo lý của Đại Thừa". Nói như thế không sai. Vì lẽ cái nầy khi
lớn lên không phải chỉ có một cái gốc, hay chỉ có một cành, mà cành ấy
phải tỏa ra cành lá sum sê thì cây ấy được gọi là cây phát triển. Ở đây
tinh thần Đại Thừa giáo cũng vậy, lấy những điểm chính trong giáo lý của
Đức Phật để xiển dương tinh thần giác ngộ giải thoát. Tuy có đi ra ngoài
khuôn mẫu; nhưng nó là sự phát triển của một thân cây, nhất là cây ấy đã
có mấy ngàn năm lịch sử.
Viết
xong trong khóa Tu Gieo Duyên kỳ 7
tại
Chùa Viên Giác Hannover từ ngày 1 đến 14 tháng 7 năm 2005
Thích Như
Điển