Đạo Phật là tôn giáo từ bỏ bạo lực một
cách mạnh mẽ nhất trong mọi hình thức. Chính đức Thế Tôn là biểu tượng
vĩ đại cho nền hòa bình và hạnh phúc nhân loại. Ngày nay, nhiều người
trên thế giới thấy rằng cần phải chú trọng hướng đến và thực hành giáo
lý của đức Phật. Bởi vì, thực hành lời dạy của đức Phật là giải pháp đưa
đến hòa bình và an lạc cho nhân loại. Người con Phật và những người tin
Phật thấy rằng tất cả sự bất an trong cuộc sống đều xuất phát từ căn
bản vô minh.
Vô minh là thiếu khả năng hiểu biết,
chấp tự ngã của mình là thường hằng, bất biến, coi nó là điểm trọng yếu
trong thể trạng con người và có thể định rõ con đường cho chúng ta thấy
được vạn hữu vũ trụ trong thế giới ngày nay. Nó dẫn dắt mọi hành động vì
quyền lợi riêng tư của chính nó, mà thực chất chỉ là ảo tưởng. Chính ảo
tưởng của tự ngã là nguyên nhân gây ra khổ đau. Chúng ta muốn bảo vệ tự
ngã từ những nguy hiểm của dòng đời, từ những biến động trong cuộc
sống... Có mấy ai nhận biết được tất cả vạn vật trong vũ trụ luôn biến
dịch không ngừng. Trong vô minh, chúng ta bị tách biệt ra khỏi bản chất
của con người và thường bị nhấn chìm trong tư tưởng sai lầm của tự ngã.
Những tín đồ Phật giáo tin rằng tâm của tất cả chúng sanh hoàn toàn liên
hệ hỗ tương lẫn nhau, hoặc là có ý thức nhận biết hoặc không có. Bởi vì
mỗi chúng sanh là mỗi mức độ hoạt động và hệ thống tiếp nhận trong xã
hội liên hệ với nhau tạo nên nền hòa bình thực sự, nhưng mỗi người phải ở
một mức độ thích hợp do chính con người xây dựng nên. Nếu tin mù quáng
về vô minh với tâm chân thật, chúng ta luôn lệ thuộc nhau và tiếp cận
nhau, mà căn bản vô minh đã nắm giữ sự tách biệt giữa hai phạm trù
thiện-ác, được-mất, hơn-thua, ngã-vô ngã, tham-vô tham, v.v… Nếu chúng
ta không nhận biết rõ ràng thì sẽ rơi vào tà kiến si mê. Như vậy, nhờ
thực hành thiền quán và thâm hiểu lý Duyên khởi, chúng ta mới có thể
thoát khỏi mọi ràng buộc của thế gian. Bởi vì, vô minh là một trong Mười
hai nhân duyên, không phải là nguyên nhân đầu tiên, mà là yếu tố đầu
tiên quyết định tất cả mọi hoạt động của mười một chi phần còn lại. Do
đó, theo Aldous Huxley: “Những ai đã lầm lạc tin tưởng một nguyên nhân
đầu tiên thì nhất định không bao giờ có thể trở thành một nhà khoa học.
Tuy nhiên, vì không biết khoa học là gì nên họ không ngờ họ đánh mất một
điều gì đó. Ở phương Tây, lối giải thích các hiện tượng bằng cách qui
chiếu về một nguyên nhân đầu tiên quả không còn hợp lý nữa, dầu ở trường
hợp nào. Chúng ta không bao giờ thành công trong việc cải biến một kỷ
nguyên sắt thành một kỷ nguyên vàng, cho đến khi nào chúng ta từ bỏ tham
vọng tìm ra một nguyên nhân duy nhất cho tất cả mọi phiền não trong đời
và chấp nhận sự hiện hữu của nhiều nguyên nhân đồng tác thành trong một
lúc, chấp nhận sự liên hệ mật thiết, phức tạp, tương ứng của hành động
và phản ứng của hành động”. (Ends and Means - London)
Học thuyết chính của đức Phật về “Duyên
khởi” là động lực giúp cho các hiện tượng vạn vật trong vũ trụ có mối
tương quan mật thiết với nhau. Sự hiểu biết thấu đáo và sự thực hành
chuyên nhất sẽ giúp chúng ta vượt ra khỏi định kiến ích kỷ do tham, sân,
si gây nên. Do đó, sự nhận biết về trạng thái này là triết lý Phật giáo
quan trọng nhất đạt đến hòa bình, an lạc ngay trong hiện tại, nhưng đây
chỉ là điểm khởi đầu. Tuy nhiên, không ai có thể đi ngược dòng thời
gian, dầu là khởi điểm của một giọt nước, một hạt sương… cũng phải có
nơi phát xuất, huống chi là loài người. Vì đó là thực thể thường tồn,
bất di bất dịch, mà cũng là một sự trở mình không dứt, một sự trôi chảy
luôn tiếp diễn của những biến đổi không ngừng. Hơn thế nữa, tất cả vạn
vật trên thế gian đang bị thiêu đốt. Tất cả đều nằm trên ngọn lửa cháy
bừng. Và cái “tất cả” ấy là gì? Tại sao đang bị thiêu đốt? Đó chính là
ái, thủ, hữu... sanh ra tham vọng và quyền lực. Ngày nào còn nhiên liệu
thì ngọn lửa vẫn ngấm ngầm bên trong, càng châm nhiều nhiên liệu thì lửa
càng cháy mạnh. Phải chăng, ngọn lửa của cuộc sống thực tại cũng đang
cháy ngầm dường thế ấy. Con người hầu như không biết đủ, hằng ngày chỉ
sống trong tham cầu và hưởng thụ. Ngày nay, nếu xã hội toàn là những
thành phần tư lợi cho riêng mình thì người dân có được ấm no không? Hoặc
nếu được thỏa mãn tham vọng, con người càng tự ràng buộc mình vào bánh
xe luân hồi, càng bị giày vò tâm trí và khổ sở quằn quại thì mang lại
lợi ích gì cho xã hội?
Như thế, con đường hướng đến hòa bình,
trong thời đại hiện nay, Phật giáo đã đi vào cuộc đời, mang lại lòng tin
trong chánh pháp và tạo dựng mối quan hệ với thế giới quanh ta. Một số
người hiểu sai lầm về đạo Phật, cho rằng Phật giáo tách rời xã hội,
không mang lại ích lợi cho quần chúng hoặc nếu có chỉ ở mức độ bình
thường mà thôi. Chính những ý tưởng đó là hậu quả nghiêm trọng về sự
thất bại trong mọi lĩnh vực khi tiếp xúc với cuộc đời, điều này hoàn
toàn trái ngược với chân lý của đạo Phật. Như vậy, làm thế nào để người
dân được an cư lạc nghiệp?
Ở đây, chỉ chú trọng đến quyền lực và
mâu thuẫn được xem như là kết quả nhận định về vô minh của mỗi cá nhân.
Bên cạnh đó, việc quan sát xã hội để giải quyết những mâu thuẫn, thì
Phật giáo đã ứng dụng giáo lý của đức Thế Tôn vào quần chúng nhân dân
bằng những buổi thuyết pháp hợp với căn cơ trong thời đại hiện nay. Đặc
biệt, ở phương Tây thường gọi là Phật giáo nhập thế, các bậc Tôn túc
lãnh đạo Phật giáo thường quan tâm đến những người Phật tử có tâm huyết
với đạo Phật, chính quý ngài là những người tìm cầu giải pháp thích hợp
bằng các buổi tọa thiền hoặc thuyết pháp ngay trong nhà tù… ứng với mỗi
tình huống xảy ra, ảnh hưởng đến nỗi thống khổ và bất bình của người
dân. Phương pháp này thích ứng với hoàn cảnh mới của Đạo đức học Phật
giáo. Phật giáo nhập thế nhận biết và tìm ra nguyên nhân gây ra khổ đau
cho con người, chính là tham ái và vô minh. Việc mở rộng quan niệm xóa
bỏ giai cấp về sự bất bình đẳng, chiến tranh và bạo lực trong xã hội,
kinh tế cũng như chính trị đã giảm bớt phần nào quan niệm phân chia giai
cấp, bất bình đẳng đối với hạng người cùng đinh. Trước sự phân tích
tiến trình Phật giáo phát triển, đạo Phật đã tìm ra con đường hợp với
chánh pháp qua các hoạt động lợi ích xã hội, là chí nguyện cao cả của
người con Phật. Vì thế, chúng ta luôn trau dồi tinh thần truyền thừa
chánh pháp; phương cách giải quyết các mâu thuẫn làm xung đột quyền lợi
của người dân; làm thế nào để xã hội luôn tạo điều kiện thuận tiện cho
Phật giáo hoạt động ngày càng thăng hoa trên con đường Hoằng pháp lợi
sanh?
Ngày nay, Phật pháp truyền bá đến nhiều
khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt Phật giáo đang phát
triển mạnh mẽ ở các nước phương Tây. Riêng tại Việt Nam, Tăng Ni Phật
tử cũng đã thực hiện nhiều chuyến hoằng pháp đến vùng sâu vùng xa vào
những ngày lễ lớn như Đại lễ Phật đản, lễ Vu Lan báo hiếu. Phật giáo
Việt Nam cần phát huy hơn sứ mệnh hoằng pháp trong tinh thần “vị tha vô
ngã”, để đem lời Phật dạy đến mọi vùng miền trên đất nước Việt Nam, nhằm
đem lại niềm an lạc và hòa nhập xã hội cho những ai đang khao khát được
nghe pháp âm vi diệu của đức Từ Phụ. Ở những vùng hẻo lánh xa xôi, nên
tổ chức nhiều buổi học giáo lý dành cho Phật tử nhằm mở mang và trau dồi
kiến thức Phật học căn bản như ăn chay, niệm Phật, thọ Bát quan trai,
thọ Tam qui Ngũ giới… Đó là nền tảng cho hàng Phật tử gieo thiện căn với
Phật pháp. Đặc biệt, đối với những vị Tăng Ni trẻ ngày nay có khả năng
truyền thừa chánh pháp nên tự nguyện tham gia tổ chức bằng cách dạy giáo
lý cho các em gia đình Phật tử, cùng chia sẻ những kinh nghiệm trong tu
học cũng như kinh nghiệm sống hợp với tâm lý của tuổi trẻ ngày nay, để
Phật pháp được lưu truyền mãi ở thế gian. Nhất là các lớp huấn luyện
dành cho các Huynh trưởng được tổ chức rộng rãi bao gồm tất cả các quận,
huyện trong thành phố nói riêng và cả ba miền nói chung. Từ đó, các
huynh trưởng có thể tổ chức thành từng nhóm, phân chia trách nhiệm hợp
với từng địa phương để sinh hoạt Gia đình Phật tử ở vùng sâu vùng xa
trong bước đầu mới thành lập. Tuy nhiên, cũng cần sự khích lệ tinh thần
của các bậc Tôn túc lãnh đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho các huynh
trưởng phát huy vai trò của mình. Thiết nghĩ, những phương hướng đề xuất
trên nên được thực hiện và duy trì mạnh mẽ qua cái nhìn khách quan trên
tiến trình phát triển của Phật giáo hiện nay.
Như vậy, toàn bộ giáo lý căn bản không
ngoài lý Duyên khởi, từ vô minh đến lão tử là một chuỗi móc xích tạo ra
khổ đau mà chúng sanh cứ mê mờ chấp là thật có nên không thể giải thoát
ra khỏi định kiến sai lầm. Khi chúng ta ứng dụng giáo lý Duyên khởi hợp
với thời đại, khế lý khế cơ, có sức thuyết phục cao trong nhiều lĩnh vực
thì việc cải thiện xã hội, hòa hợp dân tộc là điều tất yếu và đạt hiệu
quả thích ứng. Ðối với người Phật tử thâm hiểu giáo lý của đức Phật,
niềm lo âu về đời sống hẳn không phải chỉ tìm cầu miếng cơm manh áo, đến
chùa để tranh luận suông hoặc mãi mê du hành đến tận thế giới ảo tưởng
cao xa kỳ lạ, mà là thành đạt hạnh phúc thật sự và thoát khỏi mọi đau
khổ chính là nhờ thực hành giáo lý Duyên khởi. Như vậy, Duyên khởi đề
cập đến nguyên nhân gây ra khổ đau và con đường chấm dứt khổ đau - là
quan niệm chính yếu của Phật giáo, và cũng là con đường dẫn đến hòa
bình, an sinh xã hội.■
Nguồn: Tập san Pháp luân số 64 |