Đạo Phật là gì? Là một triết học, một khoa học, một luân lý, hay là một tôn
giáo? Cho đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người thắc mắc về vấn đề nầy.
Trước mắt tôi là một quyển sách. Nếu bạn hỏi rằng vì sao tôi thấy được cuốn
sách đó, tôi sẽ trả lời: vì tôi có đôi mắt. ''Vì có đôi mắt'' lý ấy ai cũng
công nhận. Câu trả lời tuy không sai, nhưng cũng chưa đúng hẳn. Phải muốn thấy
được cuốn sách, ta cần phải có đôi mắt, nhưng đồng thời cũng cần có ánh sáng,
có không gian, và ít ra, cuốn sách đó không có cái gì ngăn che lại... Bao nhiêu
điều kiện cần thiết để tôi có thể thấy được cuốn sách! Những điều kiện ấy tương
hợp để giúp tôi có thể thấy được một sự vật. Khi bạn hỏi tôi rằng đạo Phật có
phải là một triết học không, một tôn giáo không... tôi sẽ trả lời bạn rằng:
''Chẳng quan hệ gì lắm những cái tên gọi ấy, bởi vì đạo Phật không phải chỉ là
một triết học, hay là một tôn giáo, một khoa học...''
Đạo Phật không phải chỉ là một siêu hình học, dù đạo Phật có đề cập đến
những thắc mắc siêu hình. Siêu hình chỉ là một phương diện của đạo Phật, và
ngoài phương diện ấy, đạo Phật còn có nhiều phương diện khác nữa. Đạo Phật có
phải là một triết học không? Phải. Có phải là một huyền học không? Phải. Có
phải là một luân lý học không? Phải. Đạo Phật là tất cả; cái gì cũng có trong
đạo Phật. Nhưng nếu chỉ nghiên cứu sâu xa về một mặt mà bảo rằng đạo Phật chỉ
là triết học hoặc chỉ là một luân lý hay một tôn giáo, thế là đã nhìn đạo Phật
một cách phiến diện.
Câu chuyện năm người mù rờ voi giúp chúng ta hiểu thêm về vấn đề nầy. Người
rờ chân, bảo voi là cái cột nhà. Người rờ đuôi, bảo voi là cái chổi. Nhưng thực
ra, voi không phải như cái cột nhà, dù nó có bốn chân giống như bốn cột nhà,
không phải như cái chổi, dù nó có cái đuôi giống như cái chổi. Cũng như thế,
người chú trọng đến phương diện triết học sẽ cho đạo Phật là triết học, kẻ chú
trọng đến phương diện tôn giáo sẽ cho đạo Phật là tôn giáo...Kỳ thực, đạo Phật
không phải chỉ là triết học hoặc tôn giáo, hay luân lý. Đạo Phật bao gồm tất cả
triết học, luân lý, tôn giáo, huyền học.
Có người sẽ bảo rằng đạo Phật tuy không phải chỉ là một triết học, một luân
lý, nhưng có thể gọi là một tôn giáo, bởi vì có hình thức đầy đủ của một tôn
giáo. Nhưng có nhiều người - mà nhất là người Tây Phương - thấy đạo Phật không
thờ phụng một đấng tạo hóa nào, thì lại chủ trương ngược lại rằng Phật giáo
không phải là một tôn giáo mà chỉ là một triết học. Họ nói ''Nếu đạo Phật là
một tôn giáo (une religion) thì có gì minh chứng rằng đạo Phật là một chân lý
thần khải (une révélation)? Nguyên lý thần truyền nào làm nền tảng cho sự thành
lập tôn giáo này?''
Câu hỏi đó thường được nêu ra luôn trong giới học giả Tây Phương. Nhưng thực
ra, chẳng có gì quan hệ. Dù ta có gọi đạo Phật là một tôn giáo hay một triết
học đi nữa thì đạo Phật cũng vẫn là đạo Phật, đạo Phật không vì thế mà thay đổi
đi chút nào. Tiếng ''tôn giáo'' là một tiếng mới. Trong tam tạng kinh điển ngày
xưa, ta không thấy một tiếng nào có nghĩa tương đương.
Người đặt ra nghi vấn trên cho rằng ''Tôn giáo thì phải có thần khải, phải
có yếu tố thần truyền, thiêng liêng''. Định nghĩa này có vẻ tạm thời quá. Chúng
ta thử mở một cuốn sách từ điển ra, và sẽ thấy ''Tôn giáo = sự liên lạc giữa
người ta với một thượng đế hữu ngã''. Nhưng không phải ai cũng công nhận như
thế. Nếu ta đem hỏi một nhà triết học , một tư tưởng gia, một nhà huyền học...
thì ta sẽ thấy mỗi người định nghĩa tôn giáo một cách khác tùy theo sự suy nghĩ
và sự hiểu biết của họ. Và trong số các lối định nghĩa, sẽ có những định nghĩa
không bắt buộc rằng tôn giáo phải là một sự thần khải, phải thờ một đấng Thượng
Đế, hay phải có một yếu tố linh thiêng.
John Stuart Mill bảo: '' Sự chủ yếu của tôn giáo là hướng tất cả mọi xúc cảm
và mọi ước muốn của mình một cách nhiệt thành về một đối tượng lý tưởng được
xem như siêu tuyệt nhất'' (L'essence de la religion est la direction forte et
zéleé des émotions et des désirs vers un objet idéal reconnu comme de la plus
haute excellence).
Voltaire cho rằng tôn giáo là ''một thứ vô lý đặt ra để bắt đa số phục
tùng''. Một cuốn tự điển của Nga Sô bắt chước theo quan niệm của Voltaire, cho
rằng ''Tôn giáo là sự tin tưởng vào thần linh, một sự tin tưởng không căn cứ
trên nền tảng khoa học nào cả''. Auguste Comete cho rằng: ''Tôn giáo là sự thờ
phụng nhân loại''. Whitehead bảo: ''Tôn giáo là sự sinh hoạt của cá nhân trong
đơn độc vắng lặng. Nếu anh không sinh hoạt trong vắng lặng đơn độc thì anh
không phải là người có tôn giáo''.
Và Aldous Huxley bảo: ''Tôn giáo là một lối giáo dục nhờ đó mà con người có
thể tự giới '' (la religion est un systéme d'éducation par le moyen duquel les
étres humains peuvent se discipliner).
Vậy thì không có một công thức nhất định nào cả. Và lối định nghĩa nào cũng
có lý riêng của nó. Ta có quyền nhận hay không nhận định nghĩa của kẻ khác, tùy
theo ý ta. Nếu bạn muốn dùng định nghĩa của Voltaire hay của cuốn tự điển Nga
Sô thì tùy ý bạn, nhưng người khác như tôi thì lại không nhận được định nghĩa
đó. Miễn là bạn đừng bắt mọi người phải nhận định nghĩa bạn là đúng và cho tất
cả các định nghĩa khác là sai.
Ý tưởng thần khải là một ý tưởng có từ rất lâu. Không những kinh Vệ Đà được
xem như là thần khải mà khoa dược khoa học ngày xưa của Ấn Độ, của Trung Hoa
cũng được xem là thần khải nữa.
Văn phạm Sanscrit, dân Ấn Độ tin rằng cũng là một thứ thần khải, Chính trong
hiện thời, ở Ấn Độ và ở Trung Hoa cũng còn nhiều người tin rằng khoa y dược là
một khoa do thần nhân truyền dạy. Cho đến phép cấy lúa, bói toán cũng là do
thần nhân chỉ bảo. Ý tưởng thần khải, như thế, đã là một ý tưởng rất xưa và rất
sơ khai. Vậy thì có quan hệ gì lắm đâu ở chỗ ''thần khải'' hay không ''thần
khải''? Nếu một tôn giáo mà tôi không có sức hiểu và thực hành theo được, nếu
tôn giáo ấy không có ảnh hưởng và hậu quả gì đến tôi, thì dù nó có thần khải
hay không, đối với tôi nó vẫn là vô nghĩa.
Trái lại, nếu một ''tôn giáo'' không có thần khải mà tôi hiểu được, thực
hành được, có thể đem lại cho tôi nhiều ảnh hưởng tốt và những hậu quả tốt thì
tôi vẫn tôn thờ phụng sự như thường.
Vậy ta không cần thắc mắc ở chỗ thần khải hay không thần khải, đạo Phật là
tôn giáo hay không là tôn giáo. Ta phải vượt ra ngoài những loại định nghĩa
kia, như thế mới hiểu được đạo Phật là gì. Ta cũng có thể gọi Đạo Phật là một
triết học, một tôn giáo, nếu ta muốn, nhưng không phải vì thế mà ta biến cải
được đạo Phật. Đạo Phật là đạo Phật, hoặc nói rõ hơn, đạo Phật là những giáo lý
của Phật dạy.