Triết học PG
Nhận thức luận Phật giáo
Thích Nhật Hiếu
19/05/2012 05:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


I. TỔNG QUAN VỀ PHẬT GIÁO:

 Phật giáo là một chân lý thực tại[1]; một triết lý vượt ra ngoài mọi triết lý, triết lý của hành động và dấn thân; một tôn giáo vượt ra ngoài mọi tôn giáo, tôn giáo của từ bi và cứu khổ; một luân lý vượt ra ngoài mọi luân lý, luân lý của sự chuyển hoá và thoát ly mọi hệ lụy. Hay nói cách khác, "con đường chánh trí đưa đến an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tịnh lạc giải thoát cho tương lai".

II. TÍNH THUẦN TÚY CỦA PHẬT GIÁO QUA MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG:

A. PHẬT GIÁO TRÊN PHƯƠNG DIỆN TÔN GIÁO HỌC:

Muốn tìm hiểu Phật giáo có phải là tôn giáo hay không, chúng ta hãy tìm hiểu tính chất tôn giáo như thế nào. Tôn giáo được định nghĩa:

"Tôn giáo là một hệ thống của niềm tin và sự tôn thờ, là sự trực nhận của con người về năng lực chế ngự siêu nhiên, đặc biệt là ngôi vị thượng đế có uy quyền được tuân phục, là kết quả trực nhận trong ứng xử,…" (The religion is a system of faith and worshist; human recognition of super human controlling power and sespecially of personal God entitled to obedience, effect of such recognition on conduct,ect.)[2]

Và tiến sĩ Max Müller nhận xét:

"Tôn giáo được xây dựng trên niềm tin ở thần quyền, xưng tội, cầu nguyện, tế lễ và hy vọng vào một sự sống vĩnh hằng trong tương lai".[3]

Phật giáo, một tôn giáo không đặt nặng niềm tin vào Thần linh, Giáo điều, Thần khải mà tin vào chính mình:

Từ định nghĩa và những nhận xét trên là xuyên qua lăng kính của người Tây phương để nhận xét về Tôn giáo theo hệ thống Cơ đốc giáo sùng thượng thần linh. Không một yếu tố nào trong năm yếu tố trên đây được tìm thấy trong Phật giáo nguyên thủy. Thật vậy, trong Phật giáo hoàn toàn vắng bóng Thần linh vạn năng (god), không có tánh cách Thần khải (divine dictation) và Giáo điều (dogmas).

Người Phật tử không phải quỳ lạy và phục vụ một oai lực thiên nhiên cầm quyền thưởng phạt và kiểm soát định mạng nào hết, mà người Phật tử ý thức được rằng, chừng nào sự sống có giá trị đích thực khi mà con người ý thức được rằng biết trân trọng phẩm hạnh chính mình.

Phật dạy: "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa, là thai tạng và từ đó con người sinh ra".[4]

Hạnh phúc hay khổ đau trong kiếp sống hiện tại và tương lai đều là kết cục của những ý nghĩ và hành động trong kiếp sống quá khứ hay bây giờ của chúng ta, không phải do hoạ gởi tai bay hay một đấng thiên nhiên nào mang đến. Nên biết rằng, cơ hội sẽ không bao giờ đến với người chỉ trông chờ vào sự may mắn, mà nó sẽ đến với những ai biết tự tạo cho chính mình cơ hội bằng nỗ lực.

Phật dạy: "Tự mình làm điều ác/ tự mình làm nhiễm ô/ tự mình ác không làm/ tự mình làm thanh tịnh/ tịnh không tịnh tự mình/ không ai thanh tịnh ai"[5].

Con người phải tự chịu trách nhiệm về hành vi tốt hay xấu của chính mình, làm sao một cõi Niết-bàn hoặc một thế giới đầy thánh thiện nào đó có thể chấp nhận được những con người có tâm địa đen tối, đầy rẫy những tội lỗi mà có thể sanh về.

Phật dạy: "Khi tôi thanh tịnh, tôi thấy thế giới thanh tịnh"[6].

Cõi Niết-bàn xem như là một món quà cho những người sống trọn vẹn một kiếp sống thánh thiện; quốc độ này không thể đón nhận những kẻ chỉ có lòng ngoan đạo và đức tin thôi, mà phải là: "Không làm các việc ác/ thành tựu mọi hạnh lành/ giữ tâm ý trong sạch/ y theo lời Phật dạy"[7].

Hơn nữa: "Trí tuệ là yếu tố tiên quyết để vượt khổ, trừ mê; là sự bình an trong kiếp sống hiện tại và mai sau"[8].

Đức Phật luôn dạy đệ tử phải biết tư duy và thẩm định về giáo pháp, ngay cả những lời dạy của Ngài. Bước vào đạo lộ tu tập, chúng ta bắt gặp ngay những yếu tố đầu tiên "chánh kiến" và "chánh tư duy". Đây là những yếu tố quan trọng trong suốt lộ trình tu tập, làm nền tảng cho tuệ phát sinh, xác chứng được sự thật của sự vật, để phá trừ "ngã chấp" và "khổ đau".

Và nếu nhìn nhận bằng trí tuệ cũng nên biết rằng: "Chân lý mà đức Phật nói ra là con đường diệt khổ, và đức Như Lai cũng chỉ là bậc Thầy chỉ đường (Akkātaro-tathāgato)"[9].

Nếu chân thật mà nhìn nhận về đức Phật, thì phải biết rằng: "Ngài là một vị hữu tình không còn si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc nhân loại, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người"[10].

Trên hành trình tu tập, nỗ lực luôn là yếu tố hàng đầu, luôn được đức Phật đề cao: "Hãy ẩn náu nơi chính ta như là một hải đảo, như một chỗ nương tựa; hãy ẩn náu nơi giáo pháp như một hải đảo, một nơi nương tựa; không nên ẩn náu từ nơi bên ngoài"[11].

Để minh chứng cho sự thật này, đức Phật đã đưa ra nhiều dẫn chứng về sự thất bại và vô nghĩa của con người, khi giải quyết những vấn đề nhân sinh như "sống-chết, hạnh-phúc và khổ-đau,… chỉ trông đợi vào thần linh bằng những phương thức tế đàn"[12]. Tại sao phải tin vào một đấng thần linh trừu tượng xa xăm nào đó mà mình không thể hình dung nỗi, trong khi chúng ta quên đi sự thực chính mình!!? Những niềm tin này làm tê liệt ý chí phấn đấu và vươn lên của con người. Ngài dạy, để giải quyết những thực tại của cuộc sống đang đè nặng lên thân phận con người là phải đối mặt cuộc sống, nhận diện cuộc đời như thật chính nó (yathabhutamī) để rồi hoá giải, chứ không phải quay lưng trốn chạy.

Phật giáo, một tôn giáo của giác ngộ, trí tuệ, từ bi và vô ngã:

Hơn nữa, Phật giáo là một chân lý sống giữa cuộc đời, chứ không phải lời Thần khải từ trên trời xanh rơi xuống mà là một sự thật, một lẽ sống không ai có thể làm cho khác đi được.

Đức Phật khẳng định: "Này các Tỳ kheo, dầu chư Phật có xuất hiện hay không, một nguyên tắc nhất định, một định luật thiên nhiên, là tất cả các vật hữu lậu đều vô thường (anicca), khổ não (dukkha) và vô ngã (anatta)"[13].

Nếu chân lý các tôn giáo khác là qui chiếu (frame), là ước lệ (condition), là giáo điều (dogmas) hay thần khải (divine dictation) thì Phật giáo chỉ là sự thể nghiệm[14], là một chân lý thực tại, mà giá trị đó nằm ngay con người chứ không phải là thần linh. Phật giáo giúp cho chúng ta chuẩn bị tâm lý đối mặt với sự sống và trực diện với cái chết một cách thanh thản và bình an.

Với Phật pháp, những ý tưởng về duy thần, duy vật, duy tâm,v.v… đều không phù hợp với cách nhìn của Phật giáo. Chừng mực nào đó, lời nhận xét của nhà Bác học Albert Einstein về Phật giáo có thể chấp nhận:

"Tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo của toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát sinh từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trên trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng một cách đầy đủ các điều kiện ấy". (lời phát biểu của Bác học Albert Eistein)

 (The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend a personal God and avoid dogmas and theology, convering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description. – Einstein’s testament)[15].

B. PHẬT GIÁO TRÊN PHƯƠNG DIỆN TRIẾT HỌC:

1. Khái niệm về triết học:

"Triết học (philosophy) là khoa học nghiên cứu về qui luật chung nhất của thế giới và sự thật của thế giới; những quan niệm chung nhất về những vấn đề nhân sinh và xã hội"[16].

Nhìn chung triết học chuyên nghiên cứu về Vũ trụ quan (Weltanschauung) và Nhân sinh quan (Menschauung); mà nền tảng của mọi hệ tư tưởng triết học đều được định hình trên cơ sở "lý đoán", cũng gọi là hệ tư tưởng "duy lý", hoặc là "thực dụng", cũng gọi là hệ tư tưởng "duy nghiệm". Mục tiêu hàng đầu của triết học không ngoài nâng cao tri thức và hướng đến chân trời hạnh phúc và an lạc cho con người. Tuy nhiên, đôi khi triết học cũng có lúc lao mình ra khỏi quỹ đạo nhân sinh và rơi vào không gian siêu hình lý luận mênh mang, tạo thành làn tư tưởng chủ nghĩa, những ý thức hệ cực đoan đầy xung đột, thành kiến lẫn nhau, như chủ nghĩa Duy nghiệm Anh trước thời Kant (Pre-Kantian British Emprisism) và chủ nghĩa Duy vật sau thời Kant và Hegel (Post-Kantian and Post-Hegelian Materialism). Ở điểm này, triết học xã hội còn được gọi là "tư biện"[17].

2. Phật giáo, nền triết học nhân tính bao gồm cả mọi phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên:

Đạo Phật không đề cao chủ nghĩa duy nghiệm-duy vật[18], cũng không đề cao chủ nghĩa duy lý. Đức Phật bác bỏ mười câu hỏi siêu hình[19] của 62 luận thuyết ngoại đạo. Triết học Phật giáo không nhìn về con người và thế giới một cách phiến diện như vậy mà toàn diện hơn, như Duyên sinh vô ngã, Tánh không…

Một trong những ngành Tâm lý học Phật giáo, "Duy thức học đã phân tích tâm lý con người một cách có hệ thống và rất chi tiết, mối quan hệ giữa năm giác quan con người (nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân) và sự vật (sắc, thanh, hương, vị, xúc) cùng với Tâm thể (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức). Ngoài ra, còn có giác quan thứ sáu (Ý), khi tiếp xúc với Pháp trần tạo ra Ý thức. Nó có công năng nhận thức sự vật này hay sự vật khác và làm chủ cuộc sống của chúng ta. Ngoài Thức thứ sáu còn có Thức thứ bảy (Mạt na thức: khát vọng sanh tồn) và Thức thứ tám (Alaya thức: chứa đựng chủng tử). Bao gồm những yếu tố này là hoạt động sự sống tồn tại của một con người. Đạo Phật không dừng ở đó mà còn chia chẽ chi ly thành trăm pháp: 8 Tâm pháp, 11 Sắc pháp, 51 Tâm sở hữu pháp, 24 Bất tương ưng hành pháp và 6 Vô vi pháp"[20].

3. Đạo Phật, nền triết học nhân vị thực tại:

Luận chứng về triết học biện chứng pháp (dialectique) của Phật giáo vượt ra ngoài duy vật và duy tâm. Với trăm pháp này, Đạo Phật đã trình bày một cách mạch lạc về căn thân (sinh lý), thế giới hiện tượng (vật lý) và Tâm lý xung động đang trôi chảy như một diễn dịch pháp; Đạo Phật đã trình bày trên nguyên lý chung Sắc pháp không ngoài Tâm pháp mà có, tức công nhận hình thức phải chịu dưới hệ thống tổ chức của tinh thần. Hơn nữa, Hiện tượng và Tâm tưởng không thể tách rời nhau mà tồn tại, tức biện chứng pháp muốn qui nạp "hiện tượng" với "tâm tưởng" cùng một bản thể, mà bản thể ấy có trong các đơn vị hiện tượng. Nhưng tất cả nhận thức và cảm nhận của con người đều do ý làm chủ, ý quyết định; tốt-xấu, lành-dữ,… đều do ý mà ra.

"Ý dẫn đầu các pháp/ ý chủ, ý tạo tác/ nếu với ý ô nhiễm/ nói năng hay hành động/ khổ nào sẽ theo sau/ như xe theo chân vật kéo"[21].

"…/ nếu với ý thanh tịnh/ nói năng hay hành động/ hạnh phúc sẽ theo sau/ như bóng không rời hình"[22].

Hơn nữa, Ngài còn dạy: "Tâm thức giống như một nghệ sĩ vì nó có tác dụng thiên hình vạn trạng nghiệp quả". (Citta is like an artist because it effests manoforld Karma.)[23]

Hoặc: "Tâm khó thấy tế nhị/ theo các dục quay cuồng;/ người trí phòng hộ tâm/ tâm hộ an lạc đến."[24]

Vì vậy, đức Phật luôn đề cao ý thức con người, Ngài mổ xẻ chi ly để chúng ta hiểu một cách tường tận, không mắc phải sai lầm, luôn tỉnh giác và lựa chọn một cách thích đáng cho cuộc sống chính an lành và hạnh phúc hơn.

Trên đây, chỉ đơn cử một vài khía cạnh tiêu biểu về triết học Phật giáo. Ngoài ra, còn có nhiều thuyết như: Duyên sinh vô ngã, Tánh không,v.v… là những triết thuyết uyên thâm khơi nguồn cảm hứng cho những triết gia hiện đại, là những ánh đuốc thiêng trong bầu trời Triết học nhân loại. Như lời khẳng định của Giáo sư Hyxley:

"Đức Phật đã bác bỏ hoàn toàn cả đến cái bóng hiện hữu trường cửu, bằng một sức mạnh siêu hình hữu ích cho những Sinh viên Triết học,… Đức Phật đã có cái nhìn sâu xa hơn các nhà Duy tâm vĩ đại nhất. Khuynh hướng về một tư tưởng giác ngộ, ngày nay trên khắp thế giới, không những nghiên về Triết học, Tâm lý."

 (Gotama got rid of even that shade of a shadow of permanent existence by a mentaphysical tour de force of great interest to the student of Phisolophy,… Gotama should have seen deeper than the great thought of all today over the world is not towords theology, but Phisolophy and Phychology.)[25]

Phật giáo, nền triết học không đặt nặng lý luận siêu hình mà là nền triết học phản ảnh thực tại sự sống đang là (To their appearances as they really are), vượt ra ngoài những kiến chấp nhất nguyên, nhị nguyên, đa nguyên, duy vật, duy tâm,...

C. PHẬT GIÁO TRÊN PHƯƠNG DIỆN LUÂN LÝ HỌC:

a. Khái niệm về luân lý học:

 "Luân lý là những qui tắc về quan hệ đạo đức giữa người và người trong xã hội"[26].

Trong đời sống xã hội, luân lý luôn đóng một vai trò quan trọng, tạo thế thăng bằng và ổn định cho sinh hoạt cuộc sống cộng đồng như pháp luật, điều lệ, qui ước,v.v… mà mọi thành viên trong xã hội phải tuân thủ. Cũng vậy, Giáo lý đức Phật có phần luân lý tuyệt hảo dành cho Tại gia lẫn Xuất gia; tuy nhiên, Phật giáo không phải là một hệ thống giáo huấn về luân lý thông thường.

b. Phật giáo, nền luân lý thoát ly hệ lụy đưa đến an lạc và là bước đầu trên đạo lộ giải thoát:

Một trong ba môn học vô lậu giải thoát: Giới học (Adhisīlā-sikkhā), Định học (Adhicitta-sikkhā) và Tuệ học (Adhipaññā-sikkhā) thì Giới học chính là luân lý học. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố sau cùng của Phật giáo, mà Giới chính là một trong ba yếu tố quan trọng trong tiến trình giải thoát (Patimokkhā). Nhờ Giới giúp cho người Phật tử có một nếp sống trong sạch, không mắc phải sai lầm, nhờ không mắc phải sai lầm mà tâm hồn được an tịnh (Định: Dhyana), nhờ tâm hồn được an tịnh nên ý chí mới sáng suốt (Tuệ: Paññā). Như vậy, giới là yếu tố đầu tiên tạo tiền đề cho Định và Tuệ phát sinh. Giới, Định và Tuệ luôn có mặt và hỗ trợ cho nhau trong suốt lộ trình tu tập của người Phật tử.

Vả lại, chúng ta cũng ghi nhận, Giới quan trọng như thế nào qua lời Phật dạy về bảy chặng đường tu tập để đạt mục tiêu tối thượng:

"Nhờ Giới thanh tịnh dẫn đến Tâm thanh tịnh,… Kiến thanh tịnh,… Đoạn nghi thanh tịnh,… Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh,… Đạo tri kiến thanh tịnh,… Tri kiến thanh tịnh,… Vô thủ trước Bát Niết-bàn."[27]

Phật giáo là nền luân lý giáo dục ý thức tự giác và tự chịu trách nhiệm cá nhân:

"Chừng nào Giới luật còn thì Phật pháp còn". Tuyệt nhiên, giới luật (luân lý đạo đức) của Phật pháp khác xa với giáo điều của các tôn giáo và các luật tắc xã hội:

"Nền luân lý không tín điều và áp đặt, mà ý thức trách nhiệm về hành vi luân lý, đạo đức, không để mắc phải những sai lầm về thân-khẩu-ý. Mỗi cá nhân tự trau dồi nhân cách với động cơ ý thức hơn sự ràng buộc của pháp luật; vì họ ý thức được rằng cho dù có kỷ xảo, điêu ngoa để chạy trốn pháp luật nhưng cũng không thể trốn chạy được lương tâm và nghiệp quả của mình."[28]

c. Phật giáo là nền luân lý giáo dục có sự soi sáng của trí tuệ:

Hơn nữa, nền luân lý đạo đức Phật giáo luôn được xây dựng trên nền tảng triết học Phật giáo; điều đó có nghĩa là được sự soi sáng của trí tuệ. Nên biết cho dù có tác phước, hành thiện,… có bố thí, trì giới,… mà không đạt được vô thủ chấp, vô ngã cũng đều vô nghĩa mà thôi. Do đó, nền luân lý đạo đức Phật giáo không bao giờ chấp nhận cái gọi là "sự thật" hoặc "lẽ phải" mang tính quy chiếu, ước lệ của tập quán hoặc quyền lực áp đặt bắt phải tin theo, không cần thẩm định.

Phật dạy cho bộ tộc Kālāma về ý nghĩa này: "Này các người Kālāma, chớ tin vì nghe truyền thuyết,… vì truyền thống,… vì nghe người ta nói,… vì được kinh tạng truyền tụng,… vì nhân duyên lý luận siêu hình,… vì đúng theo một lập trường,… vì đánh giá hời hợt những dữ kiện,… vì phù hợp với định kiến,… vì phát xuất từ nơi có uy quyền,… vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện, các pháp này có tội, các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh và khổ đau. Thời này các Kālāma, hãy từ bỏ chúng!"

"Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là thiện, các pháp này là tốt, các pháp này được các người có trí tán thán; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến lợi ích và tốt đẹp. Thời này các Kālāma, hãy chấp nhận chúng!"[29]

Và một lần khác đức Phật dạy ngài La-hầu-la (Rāhula):

"Nếu có điều gì con muốn làm, này hỡi La-hầu-la, hãy suy nghĩ như vầy: Điều này có hại cho ta và kẻ khác, vậy điều đó là hành động xấu, sẽ đem đến khổ đau. Con hãy hết sức tránh xa điều ấy."

"… Điều này không có hại cho kẻ khác. Vậy đó là hành động sẽ đem lại hạnh phúc, hành động ấy con hãy làm và làm nhiều lần."[30]

d. Phật giáo là nền luân lý giáo dục nhân bản trên định hướng an lạc cho cá nhân và cộng đồng:

Trên phương diện luân lý đạo đức Phật giáo, những hành động nào liên quan đến tham (lodha), sân (dosa) và si (moha) là xấu; hành động vô tham (alodha), vô sân (adosa) và trí tuệ (Paññā) là tốt. Những hành động tốt rất cần cho việc tu tập, nhưng một khi hành giả đã thành tựu mục tiêu giải thoát tối thượng rồi, thì hành giả vượt ra ngoài cái tốt, cái xấu,… Như hành động của một vị A-la-hán đã diệt tận mọi ô nhiễm, vượt ra ngoài luân lý, không còn bị chi phối bởi thiện-ác. Hành động ấy gọi là hành động Duy tác (Kiriya: vô tác nghiệp).

Trở lại vấn đề luân lý Phật giáo, người Phật tử luôn nghĩ đến mình và kẻ khác, kể cả loài thú vật và chim muông.

Phật dạy: "Ai sống tự trang sức/ nhưng an tịnh nhiếp phục/ sống kiên trì, phạm hạnh/ không hại mọi sinh linh/ vị ấy là phạm chí/ hay Sa-môn, Khất sĩ."[31]

Với luân lý, đạo đức Phật giáo, ta thấy sự khoan dung, độ lượng nơi lòng "từ bi" và "vị tha" không biên giới nơi tấm lòng "vô ngã". Trong Phật giáo, không một hành động xâm hại nào được hoan nghênh, cho dù đối với côn trùng nhỏ bé. Ngót 3 ngàn năm qua, Phật giáo không có một cuộc Thánh chiến nào xảy ra, và sẽ không bao giờ xảy ra. Cho dù luân lý không phải là mục tiêu chính của Phật giáo, nhưng nó là yếu tố đầu tiên tạo tiền đề cho Định và Tuệ phát sinh, bổ sung nhau trên lộ trình thân chứng giác ngộ và giải thoát.

D. PHẬT GIÁO DẤN THÂN VÀO CUỘC ĐỜI:

Đạo Phật là con đường đưa đến sự giác ngộ và giải thoát, tức là con đường giáo dục con người toàn diện[32] (Education in the whole men) cả hai mặt phẩm giá về nhân cách và chất lượng về cuộc sống chính nó; hơn nữa, Phật giáo còn dạy cho chúng ta biết phát huy giá trị cá nhân trong cuộc sống cộng đồng. Vì rằng: "Cá nhân không rời xã hội, và xã hội không rời cá nhân."

Phật giáo nêu cao thông điệp từ bi và trí tuệ, kêu gọi mọi người: "Hãy tạo phúc lành cho chính mình bằng giúp đỡ và đem lại bình an cho người khác". Từ đó, Phật giáo hiện diện giữa cuộc đời chỉ một ý nghĩa duy nhất: "Sứ mạng phụng sự chúng sinh và nhân quần xã hội". Chừng nào nhân loại còn những khổ đau, ngày ấy vẫn cần đến phương thuốc cứu khổ của Phật giáo. Nhận định trên sẽ được làm sáng tỏ, bởi:

1. Phật giáo là chân lý thực tại (The Absolute Truth):

Mặt trời mọc hướng Đông và lặn hướng Tây là một chân lý thiên nhiên; cũng vậy, nguyên lý Duyên sinh vô ngã (paticcasamupāda) là một sự thật uyên nguyên ngàn đời. Từ muôn loài tinh tú trong vòng thái dương hệ cho đến con người, con vật, cỏ cây,v.v… đều sinh thành và hoại diệt trong mối tương quan bất tận trải dài trong vô ngôn.

Đức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, dầu chư Phật có xuất hiện hay không xuất hiện, có một sự kiện, một chân lý nhất định, một định luật tự nhiên là tất cả các pháp vô thường (aniccā), khổ não (dukkha) và vô ngã (anattā). Như Lai đã quảng bá, truyền dạy, xác định, phân lập và chỉ dẫn."[33]

Với Đạo Phật, chân lý là thực nghiệm. Giác ngộ và giải thoát là hệ quả hiển nhiên khi con người không còn si mê. Do đó, đức Phật không độc quyền chân lý giác ngộ. Ngài đã thể hiện một cách trọn vẹn trong vai trò của một Đạo sư, với lòng từ mẫn vô biên, dấn thân suốt cuộc đời vì lợi lạc chúng sinh mà truyền dạy Chánh pháp. Phút cuối cuộc đời, Ngài đã dạy những lời hết sức cảm động:

"Như Lai truyền dạy chân lý, và không có sự phân biệt nào giữa Giáo lý công truyền[34] và Giáo lý bí truyền[35]. Bởi vì, khi đề cập đến chân lý, Như Lai không hề có bàn tay nắm lại của một ông Thầy còn muốn giữ lại điều gì."[36]

Dưới nhãn quan của một bậc Giác ngộ, bức màn bí ẩn của cuộc đời đã được vén lên, mọi sự vật đều được phơi bày. Sự thật của mỗi sự vật từ thế giới nhân sinh đến thế giới vũ trụ đều không ngoài nguyên lý "Duyên sinh vô ngã". Một nguyên lý cho dù các nhà Tôn giáo, các nhà Khoa học, Duy vật, Duy tâm,… cũng đều không thể phản bác. Giác ngộ chân lý thực tại, Như Lai hiện diện giữa cõi đời như một sự hiện thân của sự thật. Hơn nữa, đức Như Lai là một bậc Thầy truyền dạy với bàn tay mở rộng, không còn giấu giếm lại một cái gì nữa. Với Ngài, chân lý đã được phơi bày cho cuộc đời như không khí cần cho sự sống. Hãy tự mỗi người thân chứng, thể nhập và chứng nghiệm chính mình. Đức Như Lai chỉ là một bậc Thầy chỉ đường trên danh nghĩa.

Đức Phật đã đi vào vĩnh hằng trên 25 thế kỉ qua, nhưng Giáo pháp của Ngài vẫn là đề tài muôn thuở của các nhà nghiên cứu và luận bàn về các lãnh vực Triết học, Khoa học, Luân lý học, Luận lý học, Xã hội học,v.v… nhưng như vậy đã đi quá xa tính chất Giáo pháp này. Đức Phật đã từng quở trách Giáo pháp này không phải là một học thuyết để lý luận, mà nó chỉ là một chân lý thực nghiệm phản ảnh về sự thật của cuộc đời là "khổ và con đường diệt khổ". Chân lý này nằm ngay nơi lòng người chứ không phải là nơi lý luận. Nếu có thể nói một cách gượng ép thì là Chân lý thực tại. Ý nghĩa của nó nằm ngay nơi sự sống của mỗi chúng ta đang diễn ra bây giờ và tại đây.

Như chúng ta đã biết, trước khi S.I. Newton (1642-1727) phát hiện ra định luật của Trọng lực, từ trường của trái đất thì táo chín vẫn cứ rơi; trước khi S.W. Ramsay (1852-1916) phát hiện ra khí Oxygen (O2) trong bầu khí quyển (1904), con người vẫn cứ thở để sống; và dù đức Phật không thuyên bố "Thuyết duyên khởi", sự vật cứ vẫn tiếp nối nhau trùng trùng trong mối tương quan sinh diệt. Sự thật này đã được đức Phật trình bày ngót ba ngàn năm về trước. Nhưng khi nghiên cứu về Phật giáo, nhà Bác học Albert Eistein không khỏi ngạc nhiên và thốt lên:

"Nếu có Tôn giáo nào đương đầu được với các nhu cầu khoa học hiện đại, thì đó sẽ là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hoá với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ những quan điểm của mình để xu hướng theo Khoa học, vì Phật giáo bao trùm cả Khoa học cũng như vượt qua Khoa học."

 (If there is any religion that could cope with morden scientific needs, it would be Buddhism. Buddism requires no revision to keep it up to date with recent secientific finding Buddism need no surrender its views to secience, becausce it embraces secience as well as goes beyond secience.)[37]

Ngót ba ngàn năm qua, bao cuộc đổi thay tại sinh quán Phật giáo (Ấn Độ), và bao sự biến cải qua các cuộc du nhập và truyền giáo sang các nước viễn xứ Âu-Mỹ. Có thể nói, Phật giáo đã thay đổi nhiều về hình thức để phù hợp với sắc thái bản địa và thích nghi với môi trường mới. Tuy nhiên, tính chất chân lý Triết học của Phật vẫn không bao giờ đổi thay. Ngay cả trong thời đại ngày nay, giữa nền triết học Phật giáo và Khoa học vẫn không có một sự mâu thuẫn nào; và lẽ tất yếu, Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hoá với các sự kiện thời đại. Phật giáo là một Tôn giáo có một nền triết học vượt cả không gian và thời gian, bao gồm cả Khoa học tự nhiên lẫn Khoa học nhân văn.

Nói tóm, Phật giáo là một chân lý thực tại, vượt lên mọi thần linh và giáo điều. Một tôn giáo bao quát cả mọi phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên. Một tôn giáo của tri thức và kinh nghiệm tổng thể, mà điểm đích thực của chân lý ấy là sự sống của hạnh phúc và bình an trên dòng sống hiện hữu.

2. Phật giáo, con đường giáo dục khai phóng (The Liberal Education):

Giáo dục khai phóng là đánh thức sự tự giác, là khơi dậy sự tự ý thức về giá trị con người cá nhân của chính mình, giúp con người ấy tự tỉnh thức, tự vùng dậy đạp đổ bức tường thành kiến "ngã chấp", thoát ly mọi xiềng xích của tham lam, sân hận và si mê; khơi nguồn cho hạnh phúc, giải thoát vô biên tuôn chảy.

Đường hướng giáo dục khai phóng là Trung đạo (majjhimapatipada) đứng ngoài mọi sự ràng buộc của những triết thuyết, ý thức hệ đối nghịch, mà được bắt đầu bằng chánh kiến (sammā-diṭṭhi), loại bỏ những tà kiến, chấp thủ (upādāna) vào những tà thuyết. Đức Phật đã thâu tóm 62 tà thuyết này trong Kinh Phạm võng[38], 18 luận chấp về quá khứ (Thường trú luận/ Một phần thường trú luận, Hữu biên/ Vô biên luận, Ngụy biện luận, Vô nhân luận,…), 44 luận chấp về tương lai (chấp có tưởng/ không tưởng sau khi chết, Đoạn diệt luận, Niết bàn luận,…); 62 luận thuyết này bao trùm cả những lý thuyết, những ý thức hệ, những thái độ, lập trường của mọi nền văn hoá nhân loại, chẳng những áp dụng vào thời đức Phật mà áp dụng triệt để cho mọi thời đại sau này.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ I (1918), các cuộc cách mạng tư tưởng ra đời làm đổi thay bộ mặt toàn cầu. Ý thức hệ tư tưởng thế giới được chia làm 2 nhóm chính: Ý thức hệ duy nghiệm (The Empirical Inductive Method of Inquiry), và Ý thức hệ duy lý (The Theoritical Deductive Approach) thay nhau ngự trị trên mái nhà tư tưởng thế giới. Ý thức hệ Duy nghiệm được xem là cha đẻ của nền Khoa học hiện đại, thực tiễn hoá cuộc sống xã hội đến điểm cao nhất, và thậm chí còn xem "con người là con vật có lý trí được chấp nhận không cần thắc mắc". Tức máy móc và cụ thể hoá con người. Con người dần dà được thay thế bằng lý trí, thành thử thân phận con người bị bỏ quên (không cần biết họ có trái tim tình cảm rung động hay không). Nhất là khi chân lý con người được thay thế bằng chân lý lý trí khá hấp dẫn như: Chân lý kiểm chứng (Vérité-vérification), Chân lý mạch lạc (Vérité-cohérence) và Chân lý hữu hiệu (Vérité-effcacité). Tuy vậy, khi nền công nghiệp đời sống phát triển quá mức như hiện nay thì tình trạng thất tán nhân tâm cũng đã đến lúc báo động. Điều đó nói lên con người không chỉ là con vật chỉ có lý trí mà thôi. Thế rồi từ đó, các Triết gia Tây phương lại thay đổi châm ngôn: "Lý trí con người là quan hệ bậc nhất"; lại đi theo vết xe đã đổ, không tìm ra lối thoát, họ quay trở lại suy tôn lý trí như xưa. Đây là ý thức hệ rơi vào bế tắt, ngõ cụt. Vì lý tưởng thường được hiểu là khả năng phân biệt thiện – ác, đúng – sai, sáng – tối,v.v… Mặc nhiên, họ hình thành lên những thành kiến đầy cực đoan, đối nghịch, lập bè, kết phái, gây oán thù,…định kiến về lý tưởng đã hình thành trong đầu họ, cái gì của mình là đẹp nhất, tuyệt vời nhất, hữu lý nhất; cái gì của người khác là xấu xa nhất, tồi bại nhất, phi lý nhất,… Họ không thể dung nhau, và dấn thân vào cuộc chơi ăn đồng, thua đủ.

Đại loại với ý thức hệ tư tưởng như vậy, nếu không rơi vào tri thức định kiến (fixed-idea): sự hiểu biết cố chấp, tự mãn với cái tháp ngà tri thức cỏn con, hoặc như cái vòm trời của chú ếch ngồi đáy giếng; thì cũng bị rơi vào thành kiến (prejudise): cái tri thức đầy mặc cảm, ác ý với xã hội xung quanh; hoặc rơi vào nghịch kiến (paradox): cái hiểu biết xô bồ, hoang mang, không định hướng.

Như chúng ta đã biết, tri thức là những gì học được hoặc xuyên qua kinh nghiệm. Như vậy, nó là thành quả những gì ta thu hoạch được từ bên ngoài; Phật giáo gọi là "y tha khởi tánh" (Para-tantra-svabhāva). Nhưng cái gì đã là từ bên ngoài vào thì phải cập nhật thường xuyên để không lỗi thời và vơi cạn. Hơn nữa, chúng còn là một sự lộn xộn như một mớ lòn bon, vừa dễ lầm lẫn và cũng rất ư tạm bợ. Vả lại, người ta còn vin vào cái tạm bợ này để hoạch định chủ quyền ranh giới về ý thức chủ nghĩa (biến kế sở chấp). Đây là con mọt tri thức đang gậm nhấm tâm hồn chúng ta, và làm mục nát dần mái nhà tri thức nhân loại. Phật giáo còn đi xa hơn là phân tích và hệ thống tri thức này thành 5 loại[39]: Thân kiến: những kiến chấp, không chấp nhận ý kiến của người; ứng dụng cái kiến thức phục vụ cho "cái ta"/ "cái tôi" tư kỉ hẹp hòi, như các quốc gia tư bản công nghiệp chuyên làm giàu với nghề sản xuất và buôn bán vũ khí giết người. Biên kiến (chấp một bên): kiến chấp khuynh tả/ khuynh hữu, như các quốc gia nội chiến phân hóa. Tà kiến: định kiến sai lầm cho đến chết, nặng nề về cuồng tín, hy sinh cho phi nghĩa, như các quốc gia Hồi giáo chuyên khủng bố và nuôi lớn hận thù. Giới thủ kiến: cố chấp vào giáo điều phi nghĩa, đem lại bất an cho cá nhân và cộng đồng, như các giáo phái đầy mê tín, cực đoan ở nhiều quốc gia, coi việc giết người là phụng mạng thượng đế; cố chấp vào Giáo điều đến đổi gây trở ngại cho sự tiến trình giải thoát tâm linh (như vị Sư thấy 1 người Thiếu nữ chết đuối, vì giữ ‘giới bất dục’ mà không cứu); Kiến thủ kiến: chỉ ưa lý luận siêu hình, chấp vào triết học, luận lý; nhiều nhà tri thức, triết gia bẻ cong ngòi bút và uốn lưỡi hô to đạo lý, nhưng nhân cách rất ư hủ bại!

Ngày nay, với phương tiện hiện đại, cái mà người ta gọi là phương tiện giáo dục thông tin toàn cầu, nhưng vẫn là mớ tri thức lòn bon, cần phải sàn lọc, và ngay cả chương trình thông tin quốc gia được duyệt soát chặt chẽ, vẫn thấy xuất hiện quá nhiều sản phẩm đồi trụy, tạp nham; vì vậy, những cảnh trấn lột, bạo hành, bất công, khủng bố,…vẫn diễn ra trong lòng những đô thị của các quốc gia được gọi là văn minh bậc nhất. Những loại hình văn minh xã hội này đều gom chung trong Ngũ kiến của Phật giáo.

Những luận thuyết, những Ý thức hệ đã trình bày trên được hình thành trên Tư duy hữu ngã là động cơ dẫn đến tham ái (tanhā), hận thù (dosa), tà kiến (micchadiṭṭhi) và chấp thủ (upadāna) nguyên nhân dẫn đến các thành kiến, sung đột, chiến tranh, bạo lực, khủng bố,… giữa các Chủ nghĩa, Tôn giáo, Quốc gia,… gây ra bao sự bất hạnh, sợ hãi, xao xuyến cho nhân loại trên thế giới hiện nay.

Giáo dục khai phóng là nền giáo dục kích khởi trí tuệ của con người bằng Chánh kiến, Chánh tư duy,… xoá tan mọi áng mây si mê thành kiến sai lầm của học thuyết, chủ nghĩa,… đang vần vũ trên bầu trời tri thức của nhân loại, giúp con người thoát ly được bao sự ràng buộc của tham lam, sân hận, si mê và sợ hãi. Nhờ đó, con người phát huy trọn vẹn năng lực sáng tạo một cách sinh động đem lại sự bình an, hạnh phúc cho chính mình và thế giới quanh mình. Nói cách khác, Giáo dục khai phóng là nền giáo dục kích khởi trí tuệ của con người, giúp con người thoát ly mọi sự ràng buộc của tham lam, sân hận, si mê và sợ hãi. Nói tóm, Giáo dục khai phóng là con đường đưa đến an lạc và giải thoát.

c. Đạo Phật, con đường đưa đến hạnh phúc và bình an:

1. Khái niệm về hạnh phúc:

"Hạnh phúc là trạng thái thỏa mãn những cảm quan."[40]

Nhưng những cảm quan là bao gồm cả những thị hiếu lành mạnh và thị hiếu khuyết tật; ở điểm này, các nhà tâm lý giáo dục lại không lưu ý. Chỉ vì tìm chút khoái lạc tạm bợ trong chốc lát mà con người thường mắc phải những sai lầm để rồi chuốc lấy khổ đau; đây được xem là thị hiếu khuyết tật. Hơn nữa, đây gây ra nhiều chứng bệnh nghiện ngập, tình dục,… cướp bóc, khủng bố,… và bao thứ tệ nạn làm nhức nhói xã hội ngày nay. Người đời không hiểu thế nào để kiến tạo một cuộc sống an lành, chân thật và bền vững cho chính mình và xã hội quanh mình, mà chỉ tìm kiếm thứ hạnh phúc tạm bợ, để rồi chuốc lấy khổ đau. Cho nên thứ hạnh phúc về thoả mãn những cảm quan này cần suy xét và sàn lọc kỉ càng bằng trí tuệ và cũng phải bằng sự nỗ lực vượt qua của cá nhân.

2. Văn minh vật chất với nhiều hạn chế:

Bước sang thiên niên kỷ III này, nền công nghiệp hiện đại phát triển là niềm kiêu hãnh chung cho nhân loại, nhưng với 6 tỷ dân trên toàn cầu hiện nay vẫn không hoàn toàn có một cuộc sống bình yên. Lạc hậu, đói khát, bất công, khủng bố, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai,v.v… vẫn là những hiểm hoạ thường xuyên đe dọa con người. Điều đó nói lên cuộc sống bất hạnh của con người không phải vì thiếu vật chất, tiền của, mà vì thiếu nhân tâm và suy thoái đạo đức.

3. Con đường chân hạnh phúc:

Theo Phật giáo: "Hạnh phúc là những trạng thái thoả mãn về những nhu cầu đời sống vật chất cũng như tinh thần của con người. Tuy nhiên, hạnh phúc vật chất đáng bằng một phần mười sáu hạnh phúc tâm hồn khi sống đời sống không lỗi lầm và hướng thiện."[41]

Chừng nào con người chưa thoát khỏi được ngục tù ngã chấp và những xích xiềng tham lam, sân hận và si mê; ngày ấy, con người vẫn còn khổ đau và đừng mong gì đến cuộc sống hạnh phúc. Vả lại, cũng thật vô nghĩa khi một con người không lấy được một phút giây cho tâm hồn được bình an, thanh thản,… lại tìm đến chút thoải mái về vật chất và nhục dục, nhằm thoả mãn những khoái lạc giác quan. Đó là thứ hạnh phúc giả tạo, mất thăng bằng về tâm-sinh lý, khó được cộng đồng xã hội chấp nhận và dễ bị đào thải.

 Theo Phật giáo, con đường đưa đến chân hạnh phúc và bình an với những nguyên tắc: "Không làm các việc ác/ thành tựu mọi hạnh lành/ giữ tâm ý trong sạch/ là lời chư Phật dạy."[42]

Để xã hội có một cuộc sống hạnh phúc, bình an không thể không tôn trọng những nguyên tắc luân lý, đạo đức: "Ý thức rằng những nỗi khổ đau do sự sát hại, trộm cướp, tà dâm, dối trá và sử dụng chất kích thích độc hại gây ra cho mình và cho người, Phật tử nguyện trọn đời không sát hại mà có lòng hiếu sinh, không trộm cướp mà có lòng trong sạch, không tà dâm mà có lòng trong sáng, không nói dối mà có lòng thành thật, không say sưa mà lại luôn sáng suốt. Vì sự sống hạnh phúc cho mình và mọi người tránh xa mọi ác nghiệp: thân không làm việc ác, miệng không nói lời ác, ý không nghĩ những điều ác tốn người, hại mình."[43]

Với một cuộc sống tốt đẹp, người Phật tử không những sống cho mình, mà còn sống vì người. Để xây dựng một xã hội xán lạn, người Phật tử không những "không làm các việc ác", mà còn "thành tựu mọi hạnh lành". Yếu tố này được đặt trên bốn nguyên tắc đời sống cao thượng (tứ nhiếp pháp)[44]:

*      Bố thí: Người Phật tử sẵn sàng chia sẻ với những nỗi khó khăn của người khác như nhường cơm, xẻ áo, thuốc men,… khi người nghèo khó (tài thí); dạy dỗ, giúp ý kiến, truyền trao kiến thức,…khi người khó khăn về hiểu biết (pháp thí); an ủi, chở che, bao dung, tha thứ,…khi người khủng hoảng tinh thần (vô uý thí).

*      Ái ngữ: Người Phật tử biết lắng nghe và chia sẻ niềm vui cho người, và làm vơi bớt những nỗi khổ đau của người bằng sự khích lệ lòng tự tin và hy vọng. Người Phật tử biết im lặng đúng thời và nói năng đúng lúc; lời nói thật sự có sức thuyết phục, có giá trị xây dựng hiểu biết và hoà giải.

*      Lợi hành: Người Phật tử biết nhường nhịn và san sẻ lẫn nhau những gì thu hoạch được từ vật chất cho đến tinh thần; tự suy nghĩ một cách hiểu biết: Tâm lý tham lam, bỏn xẻn muốn thâu hết vào mình tất cả những lợi lộc là tự làm khổ mình. Vì rằng: "Đa thọ là đa khổ", không lợi ích gì cho hiện tại, mà còn làm trở ngại cho sự tiến bộ tâm linh trên lộ trình giác ngộ giải thoát mà thôi.

*      Đồng sự: người Phật tử biết san sẻ những công việc, những nỗi nhọc nhằn với đồng nghiệp, Pháp lữ và mọi người; biết dấn thân, hoà đồng với mọi người trong đời sống cộng đồng; không lập dị, quan liêu, kiểu cách mà biết nhập cuộc cùng làm, cùng ăn, cùng ở, cùng vui chơi giải trí với mọi người.

Nói đến hạnh phúc là nói đến những gì trực thuộc, sở hữu mà ta đạt được. Những gì sở hữu về vật chất của chúng ta thì tài sản có thể bị cướp, người yêu có thể bị đoạt, địa vị có thể bị mất,… nhưng những gì sở hữu đời sống tinh thần của chúng ta như sự thanh thản và bình an của tâm hồn: không tham, không sân, không si, không được mất, không hơn thua,…giữa cõi đời lao lung, thì hạnh phúc này của chúng ta không ai có thể đoạt được. Một hạnh phúc chân thật là sự thoát khỏi mọi hệ lụy của cuộc đời.

Phật dạy: "Vui thay chúng ta sống/ không rộn giữa rộn ràng/ giữa những người rộn ràng/ ta sống không rộn ràng."[45]

Tóm lại, trên con đường hướng đến đích của hạnh phúc và bình an, Đạo Phật đã điểm thị rằng, con người không thể lao sâu vào vật chất mà có thể thoả đáng cho một cuộc sống hạnh phúc đích thực; hơn nữa, cần phải biết rằng, sự suy thoái đạo đức là mối nguy hiểm đe dọa đến cuộc sống bình an, và gây nhiều nỗi bất hạnh cho cá nhân và cộng đồng xã hội. Điều đó có nghĩa: "Hạnh phúc chỉ có mặt khi mà con người xã hội biết xem trọng đạo đức, luân lý cơ bản để kiến tạo một cuộc sống tốt đẹp"; con người nhìn nhau với cặp mắt đầy nhân ái, tương trợ lẫn nhau, biết sống đời sống tâm hồn trong sạch, biết làm những gì ích mình, lợi người. Nói cách khác: "Hạnh phúc chỉ có mặt khi mà con người có sự hiểu biết và từ tâm".

d. Phật giáo với tinh thần khai phóng dân tộc Việt Nam qua các thời đại:

Phật giáo đã có mặt trên đất nước Việt Nam trong những buổi đầu lập quốc. Tinh thần tinh thần từ bi, trí tuệ và vô ngã của Phật giáo đã hằn sâu trong lòng dân tộc Việt. Phật giáo luôn san sẻ với dân tộc Việt Nam khi vui buồn, thịnh suy.

"Trang sử Phật cũng là trang sử Việt,

Trải bao độ hưng suy, có nguy nhưng chẳng mất."[46]

Hoà nhập vào đất nước và dân tộc Việt, Phật giáo đã cống hiến cho dân tộc nhiều vị Quốc sư, Thiền sư và Cư sĩ kỳ tài lèo lái con thuyền dân tộc trong những buổi đầu gian nan của tổ quốc như: Khuông Việt quốc sư, Pháp Thuận Thiền sư, Vạn Hạnh Thiền sư,… dựng lên trang sử vàng trong các triều đại Đinh (968-980), Lê (980-1009), Lý (1010-1225), Trần (1225-1400). Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông,… Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông,… là những ông vua Phật tử nhân từ, đức trị. Đào Cam Mộc, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tảng,… là những vì tướng lãnh kiêu hùng mà cũng là những Phật tử thuần danh. Lê Quí Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô thì Nhậm,…là những nhà nho tri thức Phật tử. Vì vậy, Phật giáo đã là trung tâm trọng lực của quốc gia trên cương vị Quốc giáo và độc tôn trên vũ đài chính trị thời bấy giờ. Phần đông các vị Sư là hàng ngũ tri thức, trực tiếp thiết lập kế hoạch, soạn thảo văn thư, tiếp đoàn ngoại giao, luận bàn cả các vần đề quân sự. Đặc biệt, họ còn là linh hồn dân tộc tập hợp sức mạnh hào khí quốc gia, đương đầu với các thế lực ngoại xâm, lập nên những kỉ nguyên độc lập dân tộc và chủ quyền biên cương một thời thịnh trị.

Lịch sử cận đại cũng đã chứng minh, Phật giáo vẫn không rời sứ mạng phụng sự quốc gia và dân tộc của mình. Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và chủ quyền tổ quốc vừa qua, không biết bao nhiêu Tăng Ni, Phật tử đã nằm xuống, máu của họ đã nhuộm thắm hồn thiêng tổ quốc. Hình ảnh các vị Sư ngả xuống trong các cuộc khởi nghĩa như: Phong trào cần vương, Phong trào Nam kỳ khởi nghĩa,… chống thực dân Pháp. Hình ảnh hàng triệu Tăng Ni, Phật tử đã xuống đường đấu tranh bất chấp súng đạn, xe tăng,… chống Mỹ Diệm. Những ánh đuốc thiêng[47] của Tăng Ni, Phật tử tự thiêu làm sáng ngời tinh thần yêu nước và giống nòi, vang dội khắp Bốn biển Năm châu, khắp thế giới biết đến Phật giáo, đất nước và dân tộc Việt Nam như một tinh thần bất khuất, yêu chuộng hoà bình, nhân ái và công bằng.

Với phương châm phục vụ vô cầu lợi:

"Phật sự cần ta đến, Phật sự thành ta đi; không ngại gian lao, chẳng từ khó nhọc."[48]

Phật giáo không những làm tốt trong vai trò chính sự mà còn đi vào cuộc sống nhân gian với vai trò giáo dục quần chúng nhân dân ý thức về những "điều thiện và lẽ ác", "những đạo lý khả dĩ về một con người". Hơn nữa, Đạo Phật luôn có mặt và chia sẻ với nhân dân trong những lúc vui buồn, khốn nguy, hoạn nạn,… ngay cả khi sanh và lúc tử. Nhất là trong các cuộc chiến tranh vừa qua, chùa chiền luôn là nơi che chở, nương nấu cho nhân dân trong lúc bom rơi, đạn nổ; chùa chiền còn là cơ sở gạch nối của các hoạt động yêu nước chống ngoại xâm.

"Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Mái ấm muôn đời của Tổ tông."[49]

 (Huyền Không)

Nhìn chung, lịch sử Việt Nam từ thời lập quốc đến nay, Phật giáo luôn đi đầu trong sự nghiệp đóng góp cho lợi ích Quốc gia trên nhiều lĩnh vực: văn hóa, học thuật, chính trị, kiến thiết và an sinh. Phật giáo đã cống hiến cho dân tộc nhiều nhân tài về Chư Tăng cũng như Phật tử, có nhiều công lao trong trang sử vàng Việt Nam. Những nét văn hóa sinh hoạt cũng như tâm hồn đượm nét Phật giáo qua ca dao, tục ngữ và văn học sử Việt Nam. Những công trình hội họa, điêu khắc từ những quần thể danh lam thắng cảnh quốc tự đồ sộ đến những ngôi chùa làng trong cả nước là một trong những thành tựu, góp phần kiến thiết Quốc gia. Điều đó đã chứng tỏ lòng sùng mộ Phật giáo của nhân dân, và địa vị Phật giáo trong lòng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử đất nước Việt Nam.

III. KẾT LUẬN:

 Đạo Phật một nguồn sống sinh động, luôn nhìn về con người và xã hội một cách toàn diện. Với nhãn quan trí tuệ, Đức Phật đã giác ngộ tuyệt đối về chân lý cuộc đời: "sự thật về con người và thế giới, về "nguyên nhân của khổ đau và con đường chấm dứt khổ đau."

 Đức Phật, một nhân vật lịch sử rất đổi bình dị trong cuộc sống đời thường, nhưng vĩ đại về năng lực trí tuệ và giác ngộ. Với trí tuệ siêu việt và lòng từ mẫn vô biên, Ngài đã không độc quyền chân lý giác ngộ mà tuyên bố: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh".

Qua lời nhận xét của một nhà Phật học nổi tiếng:

"Ngài không những là bậc Đạo sư trong lĩnh vực đời sống tâm linh, mà còn là một nhà hoạt động tích cực đi đầu trong lĩnh vực cách mạng xã hội xưa nhất trong lịch sử loài người, nêu cao "công lý và bình đẳng giữa con người". Ngài đã xoá bỏ giai cấp, đánh đổ chế độ nô lệ, nêu cao quyền bình đẳng Nam nữ bằng cách thiết lập Giáo hội Tăng già cho Nam giới, và Giáo hội Ni chúng cho Nữ giới. Đức Phật nâng đỡ những bà mẹ bạc phước Patācārā và Kisāgotami bằng những lời khuyên lơn an ủi; tự tay chăm sóc những người bệnh hoạn cô đơn như Pūtigatta Tissa Thera; giúp đỡ người nghèo đói bị bỏ rơi không nơi nương tựa như Rajjumālā và Sopāka; nâng cao đời sống đạo đức của hàng tội lỗi sát nhân như Angulimāla, giết cha đoạt ngôi vua như Ajātasattu, và hạng giang hồ hư hỏng như Ambapāli,…"

"Đức Phật luôn khích lệ môn đồ phát huy trí tuệ và năng lực giác ngộ, không phải nô lệ vào giáo lý của Ngài, mà phải suy niệm và thẩm định kỷ càng trước khi tin theo. Ngài là bậc Đạo sư giàu lòng từ mẫn, tận tụy với môn đồ: khích lệ những kẻ yếu đuối, hòa hợp những kẻ chia rẽ, thức tỉnh cho những kẻ mê muội lầm đường, khai sáng cho những người vô minh tăm tối; tất cả mọi hạng người đều được quan tâm dạy dỗ với những lời đầy từ bi và trí tuệ."[50]

Trong vườn hoa triết học và Tôn giáo của nhân loại, Phật giáo luôn là một loài kỳ hoa dị thảo không một nền triết học và Tôn giáo nào sánh kịp. Một Tôn giáo không có uy quyền của tín điều, thần khải và thần học; một triết lý không thiên về lý luận, siêu hình mà là nền triết học thực nghiệm (Pariyogathena) là chân lý thực tại (Sandiṭṭhiko-dhammo) với giá trị vượt không-thời gian (Akāliko), giá trị kiểm chứng (Ehipassiko), giá trị với khả năng hướng thượng (Opaneyyiko), giá trị giác chứng của bậc trí (Paccattaṃ veditabbo viññūhi)[51]. Điều đó có nghĩa, Phật giáo là chân lý của cuộc sống thực tại ngay trên "nhận thức và hành động" của chúng ta với những gì: "Ta đang suy nghĩ/ nói năng/ hành động những gì có ích cho mình và lợi cho người bây giờ và nơi đây". Với Phật giáo, Đức Phật là một con người toàn diện về năng lực trí tuệ và đức tính từ bi. Ngài là đối tượng được sùng kính tuyệt đối, cũng như mục tiêu nỗ lực cho bất cứ những ai; cõi Phật là một cảnh giới giải thoát và bình an cho những ai bỏ được tham lam, sân hận và si mê, hướng đến thanh tịnh, từ bi và trí giác. Tóm lại, đạo Phật là con đường kiến tạo xã hội an bình, thịnh vượng, xây dựng con người hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại và mãi mãi mai sau.

BAN PHIÊN DỊCH PHÁP TẠNG PGVN
Thích Nhật Hiếu


[1] Nếu các Tỳ kheo không niệm nhớ đến Ta (Phật), hãy niệm nhớ đến Pháp: "Đây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết (svākkhāto bhagavatā-dhammo), thiết thực hiện tại (sandiṭṭhiko), có quả tức thời (akāliko), đến để mà thấy (ehipassiko), có khả năng hướng thượng (opaneyyiko), do người trí tự mình giác hiểu (paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo). Này các Tỳ kheo, khi nhớ niệm về giáo pháp, chư vị sẽ đoạn trừ được mọi sự sợ hãi, khiếp đảm, rợn tóc gáy." (No ce maṃ anussareyyātha, atha dhammaṃ anussareyyātha: "svākkhāto bhagavatā dhammo sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko opaneyyiko paccattaṃ veditabbo viññūhī”ti. Dhammañhi vo, bhikkhave, anussarataṃ yaṃ bhavissati bhayaṃ vā chambhitattaṃ vā lomahaṃso vā, so pahīyissati." (Samyutta Nikāya I, Dhajagga-sutta XI.3 Sakka-samyutta)

"If you don't recollect me, then you should recollect the Dhamma thus: "The Dhamma is well expounded by the Blessed One, to be seen here & now, timeless, inviting one to come & see, pertinent, to be seen by the wise for themselves.' For when you recollect the Dhamma, monks, any fear, terror, or horripilation you may have will be abandoned". (The Samyutta Nikaya I, XI.3. Sakka-samyutta -- Sakka (the Deva king),  Dhajagga Sutta -- The Top of the Standard [Thanissaro Bhikkhu, trans.])

[2] Oxford Dictionary, Jonathan Crowther Oxford University press, Newyork, 1992, P.762

[3] Tư tưởng đại học Vạn Hạnh, số 2, năm V, Ban tu thư Đại học Vạn Hạnh xb.1972, tr.7

[4] Trung bộ kinh II, số 135, K. Tiểu nghiệp phân biệt, bd. HT. Thích Minh Châu, xb.1992, tr.474

[5] Dhp.165

[6] Anguttara Nikāya, Discourse on Pātika, Long Discourse, p.382

[7] Dhp.183

[8] Kinh ruột tuệ giác siêu việt, Thi Vũ dịch và chú giải, Paris xb.1973, tr 79

[9] Dhp.276

[10] Majjhima-nikāya I, N0. 4, Bhayabheravasutta, London, 1954, P.27

[11] Trường bộ I, số 15, K. Đại bát Niết-bàn, bd. HT. Thích Minh Châu, xb.1992, tr.544

[12] Dīgha-nikāya I, N0.5 Kūtadanta-sutta

[13] Anguttara Nikāya Part I, Colombo 1929, P.286

[14] thể nhập (Pariyogathena), chân lý hoàn thiện (svākkhāto-dhammo), chân lý trực nhận (Sandiṭṭhiko-dhammo), chân lý vượt không-thời gian (Akāliko-dhammo), chân lý chứng nghiệm (Ehipassiko-dhammo), chân lý hướng thượng (Opaneyyiko-dhammo), chân lý bậc trí tự thân chứng (Paccattaṃ veditabbo viññūhi-dhammo). (Samyutta Nikāya I, Dhajagga-sutta XI.3. Sakka-samyutta)

[15] Đại cương triết học phương Tây, Hà Thúc Minh – Minh Chi, Trường Đại Học Tổng Hợp TP.HCM, xb.1994, tr.10

[16]  Từ điển tiếng Việt, nhà xb.Đà Nẵng, 1997, tr.1000

[17] Thought arguable profession: ngành tư biện/ tư duy & biện luận/ thuần lý trí & lý luận; lý luận siêu hình/ hình nhi thượng học (Metaphysics).

[18] Trung bộ kinh I, số 3, K. Thừa tự pháp, bd. HT. Thích Minh Châu, xb.1992

[19] Tương ưng bộ IV, Phẩm không thuyết, và kinh Phạm võng

[20] Duy thức học, HT. Thích Thiện Hoa, xb.1992, tr.9

[21] Dhp.1

[22] Dhp.2

[23] Kasya – Parivarta, P.99

[24] Dhp.36

[25] Buddhism the Eyes of Intellectuals, 1996, P.60

[26] Từ điển tiếng Việt, nhà xb.Đà Nẵng, 1997, tr.569

[27] Trường bộ kinh I, số 24, K. Trạm xe, (lược thuật)

[28] Phật pháp khái luận, TT. Thích Chơn Thiện, xb.1997, tr.291

[29] Tăng chi bộ I, chương III, Phẩm lớn, các vị ở Keraputta, bd. HT. Thích Minh Châu, xb.1996, tr.338

[30] Trung bộ kinh II, số 61, K. Giáo giới La-hầu-la, bd. HT. Thích Minh Châu, xb.1992, tr.175

[31] Dhp.142

[32] con người cá nhân (the man in himself) và con người xã hội (the social man)

[33] Những vấn đề  căn bản trong triết học Phật giáo, tg. Thích Tâm Thiện, xb.2000, tr.64

[34] Ananantaraṃ karitvā/ Exoteric doctrine

[35] Ādāhiraṃ karitvā/ Esoteric doctrine

[36] Đức Phật và Phật pháp, tg. Nārada Thera, dg. Phạm Kim Khánh, xb.1998, tr.267

[37] Anguttara Nikāya I, Part I Colombo 1929, P.286

[38] Trường bộ I, K. Phạm Võng (Brāhmjada-sutta), bd. Thích Minh Châu, xb.1992 (lược trích)

[39] Ngũ kiến/ Ngũ lợi sử (s:Pañca-dṛṣtayaḥ) {X.Luận đại tì-bà-sa Q.49; luận thành thật Q.10; luận Tạp A-tì-đàm tâm Q.4; luận thành duy thức Q.6; Câu-xá-luận quan kí Q.19}

[40] Từ điển tiếng Việt, nhà xb.Đà Nẵng, xb.1997, tr.408

[41] Anguttara Nikāya II, Colombo 1929, P.232- 233

[42] Dhp.183

[43] Tương ưng bộ II, Phẩm gia chủ Anāthapindika, bd. HT. Thích Minh Châu, xb.1993, tr.126-127

[44] Tăng chi bộ II, Phẩm gia chủ Hatthaka – Tứ nhiếp pháp, bd. HT. Thích Minh Châu, xb.1996, tr.582-583

[45] Dhp.199

[46] Đại cương lịch sử Phật giáo Việt Nam, tg. Minh Chi, Học viện PGVN xb.1997, tr.44

[47] Các vị pháp thiêu thân vào kỳ Pháp nạn 1963: Bồ tát Thích Quảng Đức (11/6/1963), ĐĐ. Thích Nguyên Hương (4/8/1963), ĐĐ. Thích Thanh Tuệ (13/8/1963), NS. Thích N Diệu Quang (15/8/1963), HT. Thích Tiêu Diêu (16/8/1963), ĐĐ. Thích Quảng Hương (5/10/1963), ĐĐ. Thích Thiện Mỹ (27/10/1963); Các Phật tử: Quách Thị Trang, Nhất Chi Mai, Yến Phi,v.v...

[48] Hoà thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng viện hoá đạo

[49] Tư tuởng thẩm mỹ học Phật giáo, tg. Thích Tâm Thiện, nhà xb.TP.HCM, xb.1996, tr.136

[50] The Buddha and His Teachings, Nārāda Thera, Teiwan, 1998

[51] Samyutta Nikāya I, Dhajagga-sutta XI.3 Sakka-samyutta

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch