1. Ý niệm hòa bình
Có thể
nói Phật giáo là tôn giáo thuyết giảng về hòa bình nhiều nhất, đến nỗi
được mệnh danh là tôn giáo của hòa bình. Ðức Phật là tấm gương tuyệt hảo
của hòa bình, Ngài thường được ca ngợi là người khơi gợi, ban phát hòa
bình (friedenstifter) hay sứ giả của hòa bình.
Lý thuyết của Ngài bao gồm con đường thực hiện một nền
hòa bình vĩnh viễn, con đường đi đến giác ngộ giải phóng khỏi mọi khổ
đau, chấp trước, dẫn ta đến cõi tịnh lạc Niết bàn. Niết bàn được định
nghĩa như là một trạng thái tịch tịnh, hòa bình (friedvoll). Nhiều đoạn
trong Tương Ưng Bộ kinh (A. I, 21, A. X. 60, A. IV 34, S. XL III, 12-44)
diễn tả Niết bàn là trạng thái chấm dứt mọi tạo nghiệp luân hồi, chiến
thắng mọi ham muốn gây thù hận, là trạng thái an lạc hoà bình
(upasamânussati), như một trạng thái bất tử mà con người có thể đạt được
qua sự tu chứng.
Hiểu như thế, "hòa bình" là một trạng thái tâm linh,
một thực chứng giác ngộ của mỗi người căn cứ vào những lời dạy và phương
pháp thực hành của Ðức Phật.
Một lý thuyết hay phương pháp luận về hòa bình bao
hàm những yếu tố xây dựng nền tảng hòa bình, chính những yếu tố này tự
chúng là những nhân tố hòa bình, cho nên con đường mà Ðức Phật khai phá
cho chúng ta bao gồm những cấp bậc tiến tới hòa bình mà mỗi người Phật
tử noi gương Ðức Phật tự mình bước đi. Mỗi bước đi là một cảm nghiệm tâm
linh về hòa bình, bao gồm cả 3 phạm trù chính: giới -định-tuệ. Có thể
nói hành trình tu chứng theo Phật là một khảo nghiệm rốt ráo và toàn
diện ý niệm hòa bình trên 3 lãnh vực: tri thức luận, đạo đức học và hội
nhập thể tính, trong đó "ngôn", "lời" theo Phật chỉ là ngón tay chỉ mặt
trăng, chỉ là một chiếc bè đưa sang sông.
Tìm "một ngôn ngữ hòa bình" trong đạo Phật do đấy
phải được khảo xét với một thức tỉnh hậu cần, rằng đằng sau "ngôn ngữ
hòa bình" có sự im lặng thực chứng hòa bình tuyệt đối, mà khuôn khổ bài
viết không thể đi vào chi tiết…
Chính lời dạy của Ðức Phật là ngôn ngữ hòa bình tuyệt
hảo như Hòa thượng Thích Minh Châu đã nhận định trong "Những lời dạy
của Ðức Phật về hòa bình, hòa hợp và giá trị con người"(1). Lời dạy này
đã trải qua hơn hai nghìn năm mà vẫn không mất tính hiện đại, ngược lại
đã góp phần không nhỏ cho nội dung cơ bản về lý thuyết cũng như thực
hành trong những phong trào hòa bình thế giới trong quá khứ cũng như
trong hiện tại, nếu biết rằng Âu châu mãi đến thế kỷ thứ XIX sự vận động
hòa bình mới thực sự bắt đầu.
2. Phương pháp luận cho một ngôn ngữ hòa bình
Khi nhận định "đời là khổ"(diệu đế thứ nhất), và truy
cập ra “tham sân si" là nguồn gốc của khổ não, hận thù, ganh ghét, mù
quáng (diệu đế thứ hai), Đức Phật đã nói đến khả năng diệt khổ và giác
ngộ trong tịnh lạc, trong hòa bình (diệu đế thứ ba và tư). Hoà bình như
thế là một sản phẩm do con người tác tạo(2) bằng sự lao động tinh tấn
của chính mình để diệt tận gốc những yếu tố tự nhiên tiêu cực trong bản
chất thiên nhiên của con người.
Lời dạy của Ðức Phật bao gồm phương pháp canh tác
mảnh đất mà Trần Thái Tông đã gọi là "địa tâm" (đất tâm) có thể làm nảy
nở mầm mống hòa bình. Phương pháp này có thể nói trước hết nằm trong
một tiến trình phân tích nguyên nhân tạo khổ, trong đó khẩu nghiệp là
một. Khẩu nghiệp bao gồm tất cả những khả thể ngôn từ. Ngôn từ là tri
thức được kết tập thành lời. Cho nên tìm ra trong ngôn ngữ thường tục
những yếu tố bạo động có thể gây oán nuôi thù, như vạch cỏ tìm sâu, dần
dà "chuyển", "biến đổi" cách nhìn (chính kiến), "nâng cấp" trình độ hiểu
biết (chính tư duy), bày tỏ ý kiến thâu lượm được cho người khác
(truyền thông) trong một ngôn ngữ không gây bạo động, một ngôn ngữ hòa
bình(3). Trong viễn tượng hòa bình, có thể nói phương pháp này thu gọn
trong mấy chữ quen thuộc của giáo lý đạo Phật: phá chấp trước mê đắm, có
nghĩa là giải tỏa tham vọng thế lực giữa người với người(4), bởi lẽ
chính dục vọng là nguồn gốc của chiến tranh(5):
"Bằng, thắng hay thua Ta
Nghĩ vậy đấu tranh
khởi
Cả ba không dao động
Bằng, thắng không khởi lên"(6)
Ðể thực hiện mảnh đất sống hòa bình trong đó "không
ai thắng ai", "không ai bằng ai" "không ai thua ai" trên cả ba bình
diện: tâm lý, chính trị, đạo đức, trước hết cần vận dụng phương pháp
phân tích nhằm hoá giải những đối cực "thắng – thua" "phe ta-kẻ thù"
ngay trong ngôn ngữ: Thắng trận sanh thù oán, bại trận nếm khổ đau, ai
bỏ thắng bỏ bại, tịch tịnh hưởng an lạc"(7).
Hai đối cực ấy là khái
niệm về "ngã" (cái tôi, chủ thể) và đối tượng của ngã hay thế giới hiện
tượng khách quan: phân tích khái niệm "NGÃ", Ðức Phật chỉ cho ta khái
niệm này không đứng vững ngay trong định nghĩa của nó: "ngã cái gì
trường tồn bất biến và hoàn toàn không khổ lụy", một khái niệm như thế
tự nó không đứng vững, bởi vì khi phân tích "ngã", ta chỉ thấy "cái tôi,
ngã" như một dòng ý thức biến chuyển không ngừng và đầy khổ não, cả
"sắc- thọ- tưởng- hành" cũng đều như thế. Nói tóm lại, "vô ngã" và "vô
thường" là bản chất của cái tôi, bởi vì trên thực tế chúng ta không tìm
được một cái tôi bất biến thường còn, thoát khỏi quy luật tư nhiên sống
chết. Khái niệm "ngã" tự thân mang ít nhiều ảo tưởng chủ quan, gây trở
ngại cho tu chứng và giác ngộ. Ngay cả thế giới hiện tượng bên ngoài
cũng thế, chúng chỉ là những hiện tượng nằm trong định luật duyên khởi,
chúng "rỗng không, không có một bản thể tự ngã và những gì liên hệ với
tự ngã", trong bản chất vô thường chúng "không phải là của tôi"(kinh Vô
ngã tướng).
Tiến trình liễu tri được chánh kiến "vô thường vô
ngã" là một tiến trình cởi bỏ „chấp ngã“ vào cái tôi chủ thể và vạn vật
khách thể. Hành trình tu học (Bát chánh đạo) cho ta ý thức rõ về tính
tương đối của "vai trò chủ thể" nằm trong tương quan với thế giới chung
quanh trong sự biến đổi không ngừng, làm giảm bớt cường độ hình ảnh
"địch thủ", "kẻ thù" ngay chính trong định kiến của ta, chuẩn bị cho một
khả năng truyền thông (communication) giải phóng mọi yếu tố hận thù,
dọn sạch cỏ sân hận, chuyển khẩu nghiệp dữ sang khẩu nghiệp lành, làm
trù mật đất hòa bình:
"Chớ nói lời ác độc,
Nói ác bị nói lại,
Khổ
thay lời phẫn nộ,
Ðao trượng phản chạm người"
(Pháp Cu 133)
Nó mắng tôi đánh tôi
Nó thắng tôi cướp tôi
Không
ôm niềm hận ấy
Hận thù được tự nguôi
"Cỏ làm hại ruộng vườn
Sân
hận hại đời người
Bố thí người lìa sân
Do vậy được quả lớn"
(Pháp
Cú 357)
Tính hiệu lực của những lời dạy trên hoàn toàn dựa
vào cơ sở của tri thức "vô ngã vô thường".
3. Ngôn ngữ Trung đạo
Theo Ðức Phật, chánh tri kiến về vô ngã vô thường có
khả năng hóa giải đối cực gây căng thẳng, xung đột, hận thù. Chánh kiến
không phải là một thứ tri thức nước đôi, thỏa hiệp chung chung hay là
một thứ mệnh lệnh đạo đức đến từ bên ngoài (ví dụ áp lực xã hội) hay thế
lực trên cao (ví dụ của một vị thượng đế), ngược lại đây là một tri
thức "nhìn đúng sự vật như sự vật là" theo quy luật nhân quả khách quan
của một chủ thể có ý thức, phản tỉnh và thực chứng, một chủ thể đã giác
ngộ về giới hạn của chính nó.
"Trung đạo" của đạo Phật không phải là con đường thỏa
hiệp "huề cả làng" hoặc ba phải mà là một con đường theo quy luật duyên
khởi dựa vào điều kiện tính của sự vật. Ðiều kiện tính chính là điểm
đặc thù của vô thường vô ngã. Cái nhìn "trung đạo" là cái nhìn duyên
khởi "cái này có thì cái kia có" trong một chuỗi tương quan điều kiện
biến chuyển (devenir) không ngừng. Cởi bỏ mọi cực đoan về "cái này"(ce
qui est) và "cái này không là"(ce qui n´est pas). Trung đạo không đứng
giữa, nó chung chung, nhưng nói căn cứ vào những nguyên lý của trí tuệ
chính kiến (nhìn đúng sự thật) vượt trên mọi đối cực, có khả năng tái
tạo nhất thể tính.
Thể tính (être) theo đạo Phật không bất di bất
dịch mà là sự trở thành trong dòng biến chuyển.
Ngôn ngữ "trung đạo"
là ngôn ngữ diễn tả mọi tương quan biến chuyển này đúng như sự vật hiển
hiện trước mắt mọi người, có nghĩa là khách quan, không chủ quan thiên
kiến, không chấp ngã vị ngã, phá vỡ cực đoan chủ quan, cực đoan khách
thể.
Ðức Phật rất chú trọng đến cách đặt vấn đề trong tiến
trình truy cập chân lý giác ngộ. Thói quen "tìm một chủ thể" "ai bắn
tên", tìm một "tác nhân" trong các lập luận phán đoán thường không giúp
ta giải minh một vấn nạn, lắm khi gây cản trở. Ngôn ngữ "trung đạo"
truy cập hiện tượng xảy ra trong tương quan điều kiện khách quan của nó
để trình bày cho người nghe mà không gây ảo tưởng và ảo hoặc, không
tuyên truyền dụ dỗ mê hoặc. Ngôn ngữ trung đạo đánh thức cái nhìn trung
thực từ sự tin tưởng khả năng nhận biết chân lý nơi người nghe và bỏ
trong dấu ngoặc tạm thời vai trò chủ thể như là một tác nhân đầy cảm xúc
riêng tư, bởi vì trong thực tế khách quan chỉ có "hành tác", chỉ có
động tác xảy ra như một hiện tượng được tri thức:
“Một thời, tại
thành Xá vệ (Savatthi), khi Đức Thế Tôn vừa chấm dứt bài thuyết giảng
cho các Tỳ kheo, có một vị Tỳ kheo tên là Molya Phagguna đứng lên đặt
câu hỏi:
"Ai là kẻ tiếp xúc?"
Ðức Thế Tôn trả lời:
"Câu hỏi ấy đặt ra không đúng. Ta không nói: "Người
ấy (nó) tiếp xúc". Nếu ta nói như thế thì câu hỏi đặt ra là đúng. Nhưng
vì ta không nói như thế, cho nên cần phải hỏi như thế này mới đúng: "Do
nguyên nhân nào mà sự tiếp xúc phát sinh" hay "sự tiếp xúc phát sinh do
đâu?" và trong trường hợp có một câu hỏi như thế thì nên trả lời như thế
này mới đúng: "do sáu đường dẫn vào (hay do 6 giác quan) mà tiếp xúc
phát sinh", hay "khi có giác quan dẫn vào, thì tiếp xúc có thể phát
sinh, và khi có tiếp xúc thì cảm giác có thể phát sinh!".
Tỳ kheo hỏi tiếp: "Ai là kẻ cảm xúc?" Ðức Thế Tôn lại
giảng giải: "Câu hỏi ấy không đúng. Ta không nói: "Người ấy (nó) cảm
xúc". Tỳ kheo lại hỏi tiếp: "Ai khát?". Và Ðức Phật lại luôn luôn lặp
lại câu trả lời: "Câu hỏi ấy không đúng. Bởi vì Ta không nói như thế,
cho nên đáng lẽ phải hỏi đúng như thế này: do đâu mà cảm xúc, ham muốn,
chấp chủ v.v. phát sinh.“ (S XII, 12, Tương Ưng Bộ kinh XII, 12)(8).
Hiểu đúng hiện tượng "đụng chạm, tiếp xúc" có nghĩa
là có thể trình bày được cơ cấu của tương quan điều kiện hay duyên khởi
giữa giác quan con người và đối tượng tiếp xúc một cách khách quan. Tính
khách quan, đúng sự thật có thể thuyết phục chứ không phải uy quyền của
chủ thể hay tác nhân, nó là mẫu số đồng tình chung (common sense) của
mọi người tham khảo sau khi đã thông đạt, hay được đả thông mà không bị
ép buộc.
Một câu hỏi đặt sai như trên đi từ thói quen truyền
thống tư duy cũ có thể dẫn ta đi vào mê lộ hay tuyệt lộ thay vì khám phá
ra chân lý. Một câu hỏi sai có thể giam hãm người hỏi trong vô minh, mù
quáng, đi đến những tranh cãi tai hại không lối thoát. Mải mê đi tìm
"chủ thể tuyệt đối", con người bỏ mất hiện tượng sống linh động cũng như
tự đóng kín không nhìn nhận tha nhân cũng là một chủ thể đòi tuyệt đối
không kém gì tôi. Lằn ranh chia biên giới giữa tôi và tha thể tha nhân
càng đào sâu, từ đó sân hận càng sâu thêm, trong lúc bản chất của sự vật
không được truy cập.
Không đặt câu hỏi gây phân tranh, chia rẽ, câu trả
lời khách quan dựa trên định luật duyên khởi có thể đem đến ánh sáng
hòa bình (bỏ tranh cãi vô ích), chân lý. Có thể nói lối đặt vấn đề của
ngôn ngữ trung đạo là lối đặt vấn đề của khoa học hiện đại, trong đó chủ
thể - khách thể chỉ là những vị thế (positions) trong tương quan hổ
tương nhân quả. Ở đây chỉ có "sự việc xảy ra" như "việc đập cục sắt"
"trường hợp vết thương do tên bắn" , hay "sự xung đột, cãi vả của hai
đối thủ" là đối tượng chính của cuộc khảo sát; những cá nhân hay đối thủ
tạm thời không được khảo xét, cho đến khi kết quả cuộc khảo xét được
đưa ra công khai cho đôi bên. Chính trong tiến trình khảo sát khách quan
ấy, một tiến trình dựa vào trí tuệ như một khả năng trung lập, tỉnh
táo, kẻ đối thủ trong ta cũng như trước mặt ta dần dần cởi lớp áo sắt
thù địch và xuất hiện như một phần tử tham dự có ý nghĩa cọng sinh.
Có thể nói ngôn ngữ trung đạo là ngôn ngữ của khoa
học, nhưng nó vượt trên khoa học ở điểm: tri thức luận của nó đồng hành
với viễn tượng giải phóng (sorioteologie) con người ra khỏi mọi khổ đau
do tham vọng và hận thù.
Nói điều đó không để biện minh cho ngôn ngữ trung
đạo, bởi chính bản chất của nó là ngôn ngữ hòa bình, trong đó điểm thiết
yếu nhất là triệt tiêu mọi tham vọng quyền lực: trên mảnh đất phù sa
"không thắng, không thua, không bằng" hoàn toàn không có bóng dáng của
tiếng nói đòi hỏi quyền lực, ngay cả sự đòi hỏi truy nhận chính nó:
Nếu tự mình yên lặng
Như chiếc chuông bị bể
Người
đã chứng Niết bàn
Người không còn sân hận
(Pháp Cú 134)
Tiếng ngân vi vu là tinh yếu hiện hữu của tiếng
chuông, nó có tác dụng cảnh tỉnh, một khi có tác dụng, nó đòi được truy
nhận là tiếng chuông đem đến an lạc, nhưng mỗi sự "đòi" là mầm gây hiềm
khích với những tiếng chuông khác. Nếu nó không "ÐÒI" ngân nữa, như
chuông bể bặt tiếng, tự mình yên lặng, hòa bình mới có thể dàn trải
tuyệt đối, tiếng chuông đã hoàn tất nhiệm vụ cảnh tỉnh hòa bình trong
nghĩa tuyệt đối của hòa bình chuyển sang "tâm từ thương chúng sinh":
Hận
thù diệt hận thù
Ðời này không thể có
Từ bi diệt hận thù
Ấy là
luật nghìn thu
4. Có một khái niệm hòa bình tuyệt đối, trong đó ngôn
ngữ không còn nhiệm vụ giãi bày. Trong cùng một ý nghĩa, ngài Long Thọ
cho rằng "Suốt 49 năm thuyết pháp, Phật đã không nói một lời nào". Im
lặng chánh pháp thuộc bình diện mà ngài Long Thọ gọi là bình diện của
chân lý tuyệt đối để phân biệt với bình diện chân lý tương đối. Trên
bình diện tuyệt đối, hòa bình (hay Niết bàn) được hội nhập và thực
chứng. Trên bình diện tương đối, bình diện của những quy ước, của điều
lệ sống chung, hòa bình cần được thiết lập và bảo đảm trong điều kiện
lịch sử, xã hội, văn hóa, kinh tế…
Sự đóng góp đặc thù của Phật giáo đối với nhân loại
nói chung và dân tộc nói riêng qua các triều đại trên khắp địa cầu,
không những qua những cuộc chiến khốc liệt mà ngay trong giai đoạn ổn
định có lẽ có ý nghĩa nhất đến từ cơ sở của lý thuyết hòa bình... Sẽ là
một ngộ nhận nếu cho rằng "hòa bình" trong đạo Phật có nghĩa là yên
nghỉ, không làm gì cả, một tình trạng "yên nghỉ nghìn thu", hay một tình
trạng "chết", một tình trạng khô cứng, làm ngưng mọi phát triển trên
bình diện xã hội và trong tiến trình lịch sử.
Yếu tố "chuyển hóa", "biến đổi" (transformation),
"đổi mới" tầm nhìn hay "chuyển nghiệp" trong tri thức luận và bản thể
luận Phật giáo trả lời được vấn nạn mà Rousseau và I.Kant thoạt tiên vấp
phải khi truy cập khái niệm hòa bình trên phương diện chính trị: trong
lúc J.J. Rousseau e ngại "hòa bình" trong nghĩa "ổn định" sẽ làm cản trở
sự chuyển biến trong lịch sử - bởi vì chuyển biến là điều kiện của tiến
bộ - từ đó Rousseau dành ưu tiên cho mọi lập luận đề cao khái niệm tự
do như khả năng giải phóng, thay đổi lịch sử, I. Kant - thoạt tiên
cũng đồng ý với Rousseau - Kant - người đã từng xem chiến tranh như yếu
tố cần thiết đẩy mạnh văn minh nhân loại(10) - đã nhìn thấy chính trong
khái niệm "hòa bình" khả năng "đổi mới", mà Kant gọi là đổi mới theo
chiều hướng văn minh khác với chiến tranh. Chiến tranh thúc đẩy văn minh
bằng vũ lực và sự bất công mạnh được yếu thua, trong lúc hòa bình là cơ
sở cho một cuộc đổi mới (reform) qua sự đồng thuận của mọi người được
thuyết phục một cách tự nguyện, không bị cưỡng bức, áp chế. Trong ý
nghĩa này, Kant nói hòa bình là dấu hiệu của khai sáng và tiến bộ, bởi
vì hòa bình đòi hỏi trí tuệ và sự dũng cảm sử dụng trí tuệ, dấu hiệu của
giai đoạn trưởng thành. Yếu tố đổi mới trong hòa bình như thế không thể
xảy ra nếu không có tự do (không bị cưỡng bách phải tuân phục) suy
luận, tự do phát biểu, ngôn luận để bày tỏ và thuyết phục về một quyết
định chung. Từ đó "công luận" (Offentlichkeit) là một định chế cần thiết
không thể thiếu làm nơi công bố, trưng cầu dân ý, bàn cãi trên cơ sở
"hòa bình" để tìm một mẫu số chung đồng thuận cho một tình huống
(status)cao hơn là tình huống tự nhiên (status naturalis) bảo đảm cho
cuộc sống chung, một tình huống pháp chế bảo đảm sự đồng thuận chung
sống hòa bình. Theo Kant, điều kiện để bảo đảm cho hòa bình là luật pháp
được mọi người công nhận. Luật pháp có thể bảo đảm thể chế pháp lý của
con người như một công dân trong một nước, biến đổi con người từ tình
trạng vô pháp luật, tình trạng dã man thô sơ như một đối thủ đe dọa
thường trực, sang con người có pháp luật, trở nên một người láng giềng
của tôi trong cuộc chung sống hòa bình(11). Bao lâu luật pháp của một
nước chưa ổn định, quốc gia ấy chưa thực sự sống chung hòa bình.
Với những yếu tố căn bản cho hòa bình như thế, Kant
đã tìm ra được lời giải cho vấn nạn hòa bình của truyền thống Âu châu,
và trả lại cho khái niệm hòa bình tính năng động sáng tạo mà giáo lý
Phật giáo luôn luôn nhấn mạnh, hòa bình là bước thăng tiến của con người
nhập thế.
Pháp Thuận thiền sư là người đầu tiên đưa lý thuyết hòa
bình như một quốc sách cho Việt Nam.
(1) Tỳ kheo Thích Minh Châu, some teachings of
Lord Buddha on peace, harmony and human dignity, B.E. 2528 * 1984.
(2)
I. Kant, đd: Immanuel Kant cũng cho rằng hòa bình không phải là một thể
cách tiên thiên của bản tính con người, ngược lại, chiến tranh, tranh
chấp mới là hiện trạng tự nhiên của loài người, chính nhờ chiến đấu
trong chiến tranh mà con người thoát khỏi tình trạng man rợ, khám phá ra
kỹ thuật chế tạo vũ khí và những phương tiện giao thông, chuyên chở,
dần dần tiến đến văn minh:
“Tình trạng hòa bình giữa những người sống
bên nhau không phải là trạng thái tự nhiên (status naturalis), đúng hơn
tình trạng chiến tranh mới là trạng thái tự nhiên, có nghĩa là, nếu
không phải luôn luôn bùng nổ những chuyện thù địch thì vẫn có sự đe dọa
dai dẳng của những thù hận. Cho nên hòa bình phải được khơi dậy; bởi vì
không còn những đe dọa chưa phải là sự bảo đảm chắc chắn cho hòa bình.
Sự bảo đảm này chỉ có thể xảy ra trong tình trạng luật pháp, nếu không
thì người láng giềng vẫn xem người kia là thù địch một khi anh ta bị đòi
hỏi phải bảo đảm hòa bình cho nhau”.
(3) Ðây là phương pháp mà ngài
Long Thọ của phái Không Luận đã triệt để sử dụng để chỉ rõ “tính không”
của các pháp. Bởi vì ngôn ngữ là hệ thống tất cả những khái niệm, những
phán đoán mà con người trong quá trình kinh nghiệm thu lượm được bao gồm
những yếu tố chân giả, phân tích ngôn ngữ do đấy là phương pháp khoa
học giúp ta tìm ra được những sai lầm ẩn núp trong ngôn ngữ. Triển khai
truyền thống phân tích của Ðức Phật trong Tứ Diệu Ðế, Long Thọ đã đi
trước triết học phân tích và triết học ngôn ngữ của Âu châu gần 20 thế
kỷ.
(4) Ðức Phật thường được xem là người không đòi hỏi thế lực.
(5) Trung bộ I, 87A: “lại nữa này các tỳ kheo, do dục làm nhân, do dục
làm duyên... chúng cầm mâu và thuẫn, chúng đeo cung và tên, chúng dàn
trận hai mặt, và tên được nhắm bắn nhau, dao được quăng ném nhau, kiếm
được vung chém nhau. Chúng bắn đâm nhau bằng tên, chúng quăng đâm nhau
bằng đao, chúng chặt đầu nhau bằng kiếm...”, Thích Minh Châu, đd, tr.
35.
(6) Tương Ưng bộ I, 15, Thích Minh Châu, đd tr.36.
(7)
Tương Ưng I, 102, Thích Minh Châu, đd, tr.44).
(8) K. Schmidt,
“hành tác và không tác nhân” (Ein tun und kein Tater), trong “leer ist
die Welt”, NXB Konstantin, CHLBÐức, Thái Kim Lan dịch.
(9) Từ
nguyên thủy, con người đã đứng trong tình trạng bị đe dọa hiện sinh,
tranh chấp sống còn. Sự hiện hữu của người khác xuất hiện như là một
giới hạn cho hiện sinh của tôi, sự có mặt của người thứ hai là một đe
dọa, một hiểm nguy, một mạo hiểm bất an thường xuyên cho tôi...: “thường
tình ta cho rằng, ta không được phép đối xử với ai một cách thù địch,
trừ khi người ấy thực sự đã làm thiệt hại ta, điều ấy thật hoàn toàn
đúng nếu cả hai đều ở trong tình trạng dân sự - pháp lý . Bởi vì nhờ đó
mà ta có được sự bảo đảm cần thiết trong trường hợp ngược lại (qua trung
gian của người bề trên có thế lực đối với cả hai). Nhưng con người (hay
dân tộc) trong tình trạng tự nhiên thô sơ thường chiếm đoạt sự bảo đảm
an toàn của tôi và đã thiệt hại tôi ngay chính qua tình trạng anh ta ở
cạnh bên tôi, mặc dù anh ta không động thủ (trên thực tế) (facto), nhưng
qua tính cách vô luật pháp của tình trạng của anh ta (statu iniusto)
cũng đủ làm tôi thấy mình luôn luôn bị anh ta đe dọa thường trực, và tôi
có thể bắt buộc anh ta hoặc là phải cùng với tôi bước vào một tình
trạng cộng đồng pháp lý hay là anh ta phải tránh tôi đi chỗ khác - như
thế định đề đưa ra làm cơ sở cho tất cả những điều tiếp theo là: tất cả
những người nào có thể ảnh hưởng lên nhau, đều phải thuộc vào một hiến
pháp dân sự nào đó”.
(10) I. Kant đd.
(11) I. Kant, đd.
Thái Kim Lan