Triết học PG
Hai Đặc Tính Vô Ngã
Nguyên tác: Etienne Lamotte Phỏng dịch: Trí Nguyệt
30/09/2011 14:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Căn cứ vào giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật giáo Theravada chỉ xây dựng được học thuyết Nhân vô ngã (Pudgala-nairàtmya), tức chúng sanh vô ngã; mãi cho tới ba thế kỷ sau Phật niết bàn, các học giả Phật giáo Mahayana không dừng ở đó mà lại đi xa hơn một bước nữa là xây dựng thêm học thuyết Pháp vô ngã (dharma-nairàtmya), tức vạn vật vô ngã. Bám chắc vào cái ngã là một ảo tưởng lớn nhất kể từ khi nó phát sanh trong tâm thức dưới mọi hình thức của tham ái. Sự diệt tận tham ái là một điều kiện rất cần thiết cho tiến trình giải thoát. Các học giả Mahayana và Theravada đều nhất trí loại bỏ niềm tin vào Ngã (cái Ta) và những gì thuộc về Ngã (cái của Ta). Bất cứ thứ gì mà được mệnh danh là Linh hồn, chúng sanh, con người hay nguyên nhân đầu tiên đều không tồn tại; thậm chí chúng sanh, thánh nhân, bồ tát hay phật chỉ là những cái tên suông, không có thật thể.

Mặc dù các học giả Theravada phủ nhận cái Ta, họ vẫn còn tin chắc vào một thực thể của vạn pháp. Trường phái Nhất thiết hữu bộ và Chúng lượng bộ đã đưa ra một loạt những hiện tượng tương đối: thực thể của vật chất, tư tưởng, các chức năng tư tưởng, những nhân tố kết hợp. Những thứ này chỉ tồn tại trong chốc lát ngắn ngủi, nhưng lại mang trong nó một bản chất tự nhiên lâu dài. Đối với các học giả Mahayana, hiện tượng là duyên sinh, chúng nó không thể tự tồn tại. Các hiện tượng là trống rổng, không có thực chất và đặc tính gì cả. Từ cái tính trống rổng này có ba kết quả tất yếu theo sau là

KHÔNG, VÔ TƯỚNG, VÔ TÁC:

Vạn pháp không sanh cũng không diệt, vì những vật giả dối có từ những thứ không thực, thật ra, chưa bao giờ có, đã không có sanh thì tất nhiên không có diệt (Không).

Vạn pháp, vốn không sanh không diệt, là hoàn toàn thanh tịnh, vắng lặng, đây là thực chất của muôn pháp (Vô tướng).

Vạn pháp, đã thanh tịnh và vắng lặng, đều bình đẳng và không có hai hiện tượng. Đó là lý do vì sao các học giả Mahayana không quán sát hiện tượng mà chỉ quán sát bản chất thanh tịnh tuyệt đối của muôn pháp. Những gì là thanh tịnh tuyệt đối? Đó là những gì không sanh, không diệt, không tạo tác, không hiện hữu (Vô tác).

Trước khi có hai học thuyết trên, bốn chân lý giảng tại Lộc Uyển, đức Phật đã đưa ra một hình thức giải thích rất căn bản. Ngài nói: "Tất cả hiện tượng đều khổ", chúng luôn thay đổi. Ngài tiếp: "Nguồn gốc của khổ là tham ái", nhưng khi không có gì sanh ra, thì không có thể nói đến nguồn gốc. Phật dạy tiếp: "Có một phương pháp diệt khổ, đó là Niết bàn", nhưng khi khổ không bao giờ hiện hữu thì niết bàn không còn tác dụng nữa, cũng vậy, luân hồi sanh tử chưa bao giờ có nên cũng không cần phải cầu thoát ly. Cuối cùng, đức Phật nói: "Có phương pháp đưa đến sự diệt khổ", nhưng phương pháp ấy luôn hữu dụng khi không có gì phải diệt. Đối diện với tính chất ‘Không’ của muôn sự muôn vật, thái độ của người trí là không làm bất cứ gì, không nói bất cứ gì, không nghĩ bất cứ gì. Đây là tính chất Không, Vô tướng và Vô tác.

TÍNH KHÔNG

Một số học giả phương tây đã cố gắng tìm một thứ phủ định tuyệt đối để giải thích tính Không, nhưng khi các học giả Mahayana nói rằng tất cả chúng sanh và vạn pháp đều trống không, họ không tạo ra bất kỳ một đặc tính gì cho chúng cả. Họ từ chối việc nói rằng tính không là không có gì hết thảy. Đó không phải do tính không mà chúng sanh và vạn pháp trống không: chúng trống không là vì chúng luôn thay đổi không ngừng, nên gọi là không tồn tại. Điểm đáng chú ý của tính không là tất cả sự vật chỉ có giá trị tạm thời: nó chỉ là chiếc bè cần phải bỏ sau khi đã sang bên kia bờ sông; như toa thuốc không cần thiết nữa sau khi bệnh đã lành. Đó là lý do vì sao các học giả Mahayana không phải là những người theo thuyết hư vô: những người theo hư vô chủ nghĩa phủ định những gì họ thấy, nhưng các học giả Mahayana không nhìn thấy sự vật nên không khẳng định cũng không phủ định vạn vật.

CHÂN LÝ TƯƠNG ĐỐI & CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI

Từ đó có một ý tưởng tương phản nảy sanh: một mặt Phật giáo Mahayana nuôi một hoài bão lớn về lòng từ bi, lợi tha, và đưa ra vô số các hạnh nguyện, phương pháp tu tập của chư Phật, Bồ tát; mặt khác lại chủ trương rằng tất cả chúng sanh không tồn tại, muôn pháp trống không. Như vậy người ta phải chọn: thứ nhất là chư Phật, Bồ tát giáo hóa chúng sanh, thứ hai là không ai hóa độ ai cả. Các học giả Mahayana tự đưa ra luận cứ như vậy và tự tìm ra câu trả lời cho học thuyết ấy rằng có hai giá trị chân lý: một là chân lý tương đối (samvrti-satya), hai là chân lý tuyệt đối (paramàrtha-satya). Chưa từng trải qua cuộc sống thực tế hàng ngày của pháp tương đối thì không thể nào nhận thức được sự thực vi diệu; đó chỉ là vấn đề nhận thức để tìm đến niết bàn tịch tĩnh. Vì vậy, sống theo chân lý tương đối như điểm khởi đầu là cần thiết, vì đó là phương tiện để đạt đến niết bàn, giống như muốn kéo nước thì phải dùng đến thùng.

Từ khi mới phát tâm bồ đề chứ chưa hoàn toàn giác ngộ, vị Bồ tát phải tu tập sáu pháp Ba la mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định và Trí tuệ. Đây là phương pháp thế tục và tạm thời để thực hành các pháp Ba la mật. Tuy nhiên, khi tâm vị ấy mở rộng hướng tới chân lý tuyệt đối và hiểu được hai tánh chất không của con người và vạn vật, vị ấy thực hành các pháp Ba la mật đó với một tư duy cao tột vượt lên phàm tình, ứng hợp với chân lý thâm diệu: bố thí mà không còn thấy người cho, người nhận và vật phẩm bị cho nữa; trì giới trọn vẹn là khi đã đoạn trừ tâm phân biệt tội và phước, đúng và sai; nhẫn nhục cao tột là khi tâm không còn khái niệm đau khổ hay uất ức; tinh tấn hoàn toàn là khi không cần thể hiện cố gắng nào của thân và tâm; thiền định siêu việt là khi quan sát định tâm với tán loạn là một và trí tuệ tuyệt đối là đoạn trừ tâm si mê ảo tưởng. Điểm cao tột của Bồ tát đạo là dứt tuyệt ngôn ngữ và suy nghĩ. Khi thái độ đó phù hợp với chân lý thì đạt nhiều kết quả hơn là hành động với tâm phân biệt và định kiến. Bằng cách chấp nhận quan điểm chân lý tương đối, phủ định những gì từ quan điểm chân lý tuyệt đối, học giả Mahayana đứng ở lập trường trung đạo giữa khẳng định và phủ định, giữa hiện hữu và không hiện hữu. Đây là giáo lý Trung đạo đế trong đó tránh được mọi chống đối.



Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch